Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Nửa Đêm

 

          Trong mùa Giáng Sinh, tặng quà là cách nói lên tình yêu thương mình muốn dành cho người nhận quà.  Không biết lai lịch việc tặng quà Giáng Sinh có từ bao giờ và tại sao người ta có phong tục đó.  Nhưng chắc nó là hành vi bắt chước Thiên Chúa tặng Con Một Người cho nhân loại.  Việc Thiên Chúa ban tặng Con Một cho thế gian đã được thánh sử Gio-an nói lên trong sách Tin Mừng của ngài và các bài đọc Thánh Lễ Nửa Đêm đã nói về điều này dưới những khía cạnh khác nhau.

1.  “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (bài đọc Cựu Ước – Is 9:1-6)

          Ngôn sứ I-sai-a đã hiểu được phần nào tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Người và toàn thể nhân loại.  Ngài nhận ra ý nghĩa của việc ban tặng do chính quà tặng của Thiên Chúa.  Không phải quà tặng bằng tiền bạc, giàu sang hay quyền lực trần gian, nhưng là quà tặng có thể diễn tả được trọn vẹn “yêu thương nồng nhiệt” (Is 9:6c) của Thiên Chúa:  “Một người con đã đươc ban tặng cho ta”.  Để biết tại sao Thiên Chúa ban tặng cho ta một món quà lạ lùng như thế, ta hãy đọc lại mấy dòng đầu của bài đọc hôm nay.

          Theo ngôn sứ I-sai-a, nhân loại đang sống trong tình huống vô cùng tuyệt vọng.  Họ lầm lũi “bước giữa tối tăm” và sống “trong vùng bóng tối”.  Họ bị đè nặng dưới ách nô lệ tội lỗi, giống như dân Ít-ra-en đã sống kiếp lưu đày tại Ba-by-lon.  Nào là “ách đè lên cổ, gậy đập xuống vai”.  Nào là quằn quại, máu đổ thịt rơi dưới “ngọn roi của kẻ hà hiếp”.  Trong tình huống như thế, người ta còn mong gì nữa ngoài ánh sáng, giải phóng và niềm hoan hỷ lẫn nỗi vui mừng?  Những điều này đã bị tội lỗi lấy đi và nếu tìm lại được thì người ta sẵn sàng đánh đổi mọi sự.  Đáp lại khát vọng này của nhân loại, Thiên Chúa đã ban tặng họ một quà tặng thực tế:  Đấng Cứu độ là Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Người.

          Đến với nhân loại, Con Một Chúa sẽ thi hành một sứ mệnh cao cả và đầy khó khăn với những chức năng là “Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình”.  Là Cố Vấn, Chúa Ki-tô sẽ chỉ dạy cho nhân loại biết con đường Thiên Chúa muốn họ đi dưới ánh sáng Tin Mừng.  Là Thần Linh dũng mãnh, Chúa Ki-tô khôi phục lại tinh thần của Thiên Chúa nơi con người nguyên thủy đã bị tội lỗi làm cho suy yếu, để nhân loại được tái sinh và sống đời sống mới trong Thánh Thần (Rm 8).  Là người Cha muôn thuở, Chúa Giê-su đem lại cho con người một căn tính mới, vì trước đây tội nguyên tổ đã biến con người thành kẻ thù của Thiên Chúa, thì từ nay kết hiệp với Chúa Giê-su, họ sẽ được trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa.  Là Thủ Lãnh hòa bình, Chúa Giê-su giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và duy trì mối quan hệ thân thiết giữa Thiên Chúa với nhân loại giống như mối quan hệ trong vườn địa đàng ngày trước.

          Cuối cùng, ngôn sứ I-sai-a không thể bỏ qua động lực Thiên Chúa thực hiện việc ban tặng cho con người món quà tuyệt vời.  “Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó”.  Những gì vị ngôn sứ tiên báo giờ đây đã được thực hiện trong Chúa Giê-su Ki-tô, Ân Sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

          Khi nhận quà Giáng Sinh, nếu là món quà đúng theo ước muốn thì em nhỏ sẽ tỏ ra hết sức sung sướng.  Em hét to lên, nhảy nhót và rối rít cám ơn người cho quà.  Cử chỉ đơn sơ thành thật ấy dạy ta thái độ phải có đối với Thiên Chúa, Đấng ban tặng ta người Con Yêu Dấu.  Quà tặng vô giá ấy biểu lộ tình Chúa yêu ta.  Không lẽ ta cứ nhận quà tặng một cách dửng dưng hoặc vô ơn mãi hay sao?

2.  “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít” (bài Tin Mừng – Lc 2:1-14)

          Lời Thiên Chúa hứa ban quà tặng cho nhân loại đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo nay đã được thực hiện.  Giấc mơ được cứu thoát khỏi tối tăm và sầu thảm của nhân loại nay đã trở thành sự thật.  Thánh sử Lu-ca ghi lại việc Thiên Chúa trao quà tặng qua trình thuật Giáng Sinh, đầy đủ với những chi tiết thời gian, không gian, hoàn cảnh chính trị và tôn giáo của thời điểm ấy.  Những chi tiết này chứng tỏ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện giữa dòng lịch sử của nhân loại, chứ không phải một kế hoạch bỗng dưng tự trời rơi xuống mà không có sự đóng góp của con người.

          Mặc dù thánh sử ghi lại mốc thời gian và không gian của biến cố Giáng Sinh, nhưng trong việc loan báo tin mừng Giáng Sinh, ngài lại nhấn mạnh đến tính chất hiện tại và sống động của biến cố qua từ “Hôm nay” trong lời sứ thần bảo những người chăn chiên.  Thời điểm “Hôm nay” không hẳn có nghĩa là một ngày nhất định trong niên lịch, thí dụ ngày 25 tháng 12 năm 1 công nguyên, nhưng nhắm đến ý nghĩa biểu tượng của sự kiện Thiên Chúa thực sự yêu thương nhân loại và tính năng động của biến cố Giáng Sinh.  Giáng Sinh không phải đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng quan trọng hơn, biểu lộ tấm lòng của Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại đang diễn tiến trong nhân loại nói chung và trong tâm hồn những ai biết đón nhận tình yêu của Người.  Lời sứ thần loan báo đã được chính Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, lập lại khi Người đến và ở lại nhà ông Da-kêu.  “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19:9).  Nói khác đi, thời điểm “Hôm nay” trong lời của sứ thần phải là thời điểm “Hôm nay” trong cuộc đời của ta, những người mở lòng đón nhận quà tặng cứu độ của Thiên Chúa.  Lời “cho anh em” mà sứ thần nói không chỉ là những lời dành riêng cho những kẻ nghèo hèn đầu tiên tại cánh đồng Bê-lem được thấy Đấng Cứu Độ, nhưng là những kẻ nghèo hèn của Thiên Chúa mọi thời mọi nơi.  Tính cách hiện thực của Quà Tặng Thiên Chúa ban cho ta khác hẳn với những quà tặng ta cho nhau trong dịp mừng lễ Giáng Sinh, bởi vì Quà Tặng Giê-su luôn sống động nói lên mối quan tâm chăm sóc Thiên Chúa dành cho ta.  Quà tặng của ta có những giới hạn của nó.  Con búp bê biết nói hay chiếc xe hoạt động được là nhờ mấy cục pin.  Pin hết điện thì quà tặng cũng thành vô dụng.  Còn Quà Tặng Thiên Chúa ban cho ta thì đi vào cuộc đời ta, biến đổi ta, đồng hành với ta trên trần gian, chết và sống lại vì ta để đưa ta về với Chúa Cha là Đấng ban cho ta Quà Tặng.  Chính vì thế, Quà Tặng ấy mang một danh hiệu tuyệt vời:  “Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”.

          Sứ thần cho những người chăn chiên một dấu chỉ để nhận ra Đấng Cứu Độ:  trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.  Dấu chỉ không có gì đặc biệt, nhưng rất gần gũi và quen thuộc với những người chăn chiên nghèo hèn.  Con nhà nghèo mới bọc tã.  Máng cỏ thì ngày nào họ chẳng nhìn thấy.  Chúa ban cho ta những dấu chỉ tầm thường và gặp thấy ngay trong đời sống hằng ngày của ta để ta nhận biết Người.  Điều quan trọng là ta có thiện tấm tìm gặp Chúa qua những dấu chỉ quen thuộc đó không.  Xa hơn nữa, ta có quảng đại và không ngại gian khổ để đến với Người, như những người chăn chiên đi tìm Chúa giữa đêm khuya lạnh lẽo không.

3.  Chúa Giê-su, “Ân Sủng của Thiên Chúa”, dạy ta lối sống mới (bài đọc Tân Ước – Tt 2:11-14)

          Nhận quà tặng mùa Giáng Sinh, nhiều khi ta cũng không mở ra, phần vì bận rộn công việc, phần vì thấy những thứ đó cũng chẳng cần thiết.  Nhưng Chúa Giê-su, quà tặng Thiên Chúa ban cho ta, là Đấng ta hằng mong chờ thì ta cần phải đón nhận với tất cả lòng chân thành yêu mến.  Thánh Phao-lô gọi việc Thiên Chúa ban Con Một Người cho ta là Ân Sủng.  Vậy Ân Sủng ấy sẽ làm gì cho ta được cứu độ?  Tất cả cuộc đời của Chúa Giê-su đã được dâng hiến cho nhân loại.  Người nhập thể và sinh ra là để chia sẻ phận người với ta.  Khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Người “dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:12).  Cuối cùng, Người đã chấp nhận chết do khổ hình thập giá để cứu ta thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và giao hòa ta với Thiên Chúa.  Từng giai đoạn trong cuộc đời, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh cứu độ trần gian.

          Tuy nhiên, thánh Phao-lô giúp ta nhận ra hai thời điểm quan trọng:  thời điểm thứ nhất là khi “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”, và thời điểm thứ hai là “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su xuất hiện vinh quang”.  Đó là thời gian của Chúa.  Còn thời gian của ta là khoảng giữa hai thời điểm ấy.  Vậy từ ngày Chúa Giê-su đến lần thứ nhất tới ngày Người trở lại phán xét, ta phải làm gì?  Ta phải để cho việc Người cứu độ hoạt động hữu hiệu nơi tâm hồn ta.  Nghĩa là ta hãy để Người giúp ta “thoát khỏi mọi điều bất chính”, để Người “thanh luyện” ta, và ta hãy sống đúng với danh nghĩa là “Dân riêng của Chúa, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14).  Ta phải tạo điều kiện để Người đến và hành động cứu độ ta, chứ đừng kháng cự Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Ngôi Hai Giáng Sinh là việc Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ nhân loại.  Chúa Giê-su là Quà Tặng tình yêu của Thiên Chúa ban cho ta.  Vì thế đón nhận Đấng Cứu Độ là đáp trả tình yêu Thiên Chúa.  Việc đáp trả ấy đòi hỏi ta phải để cho Ân Sủng của Thiên Chúa là Đức Ki-tô dạy dỗ và dẫn dắt ta ra khỏi bóng tối trần gian và tội lỗi, bước đi trong ánh sáng Tin Mừng và niềm vui làm con Chúa.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô dạy rằng:  Dân riêng của Chúa là dân hăng say làm việc thiện.  Vậy là một phần tử của con cái Chúa là Giáo Hội, tôi có “hăng say làm việc thiện” không?  Hay tôi chỉ hăng say làm những việc vô bổ, thậm chí làm những điều bất chính, vô luân và chạy theo những đam mê trần tục?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một Chúa là nguồn ánh sáng thật đến chiếu soi trần gian làm cho đêm cực thánh này bừng lên rực rỡ.  Xin cho chúng con ngày nay ở dưới thế được mầu nhiệm Giáng Sinh soi dẫn, mai sau cũng được cùng Con Một Chúa hưởng vinh phúc trên trời.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Thánh Lễ Ban Đêm).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B