LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, năm B

Ga 20,19-23

 

MỘT CUỘC HIỆN XUỐNG MỚI

 

Lúc nhỏ mỗi lần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi vẫn có những ấn tượng rất đẹp và rất mạnh bởi vì khi đọc đọan sách Công vụ tông đồ 2, 1-11, tôi vẫn cảm thấy như có một cái gì đó thật thôi thúc và thúc đẩy tôi sống lại biến cố Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các tông đồ và sai các Ngài đi làm nhân chứng cho Chúa khắp mọi nơi. Biến cố này vẫn theo tôi từ lúc có trí khôn cho đến ngày nay, và chắc chắn còn theo tôi mãi mãi đến muôn đời.Ngày lễ Ngũ Tuần thời xưa cũng là một cuộc hiện xuống mới hôm nay và mãi mãi…

NGÀY LỄ NGŨ TUẦN : Dân Ít-ra-en được Thiên Chúa thương giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, Chúa ban cho dân mười giới luật để đóng ấn giao ước giữa Chúa và dân của Ngài. Dân Ít-ra-en đã mừng biến cố này hết sức long trọng và hoành tráng 50 ngày sau lễ Vượt qua, nên ngày này được gọi là lễ Ngũ Tuần.Biến cố ấn tượng và hết sức lạ lùng này được Sách Công vụ tông đồ tường thuật lại một cách hết sức thuyết phục.” Chúa Thánh Thần đã xuống trên các Tông đồ và Hội thánh mới được thành lập “.Biến cố lễ Ngũ Tuần được Sách Công vụ tông đồ diễn tả bằng những lời văn sống động gần giống cách tường thuật việc Thiên Chúa ban Lề Luật cho dân Chúa trên núi Sinai. Với khí thế tưng bừng, náo nhiệt, ào ạt gió bão, Chúa Thánh Thần tràn ngập cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi, gồm 11 môn đệ Chúa Giêsu, Mẹ Maria, một số phụ nữ đạo đức và 120 tông đồ ( Cv 1, 15 ). Trong ngày lễ Ngũ Tuần mọi môn đệ, tông đồ và những người hiện diện đều được tràn đầy Thần khí và đều cất tiếng ca ngợi những kỳ công Chúa đã làm, cao rao Lời Chúa hứa ban ơn cứu độ nay đã nên thành sự. Việc nói tiếng lạ là do Thần khí ban cho đã làm cho ngày lễ Ngũ Tuần rất sinh động. Các Môn đệ, các Tông đồ đã rao giảng đến nỗi ai cũng hiểu được ngôn ngữ của dân tộc mình là một điều hết sức lạ lùng. Các Ngài rao giảng sứ điệp của Chúa, sứ điệp về Tin Mừng cứu độ. Hết thảy các dân tộc nói ở đây là tất cả những người Do Thái bị tản mác khắp nơi trên khắp thế giới, nay trong ngày lễ Ngũ tuần qui tụ về Giêrusalem và họ đã nhận được Thần khí, do đó, họ đều ca ngợi Chúa.

MỘT CUỘC HIỆN XUỐNG MỚI : Ngày nay Thần khí Chúa hiện diện khắp mọi nơi, mọi chỗ trên toàn thể thế giới. Tác động của Thần khí đảm nhận mọi nền văn hóa riêng biệt và đa dạng trong một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sứ điệp Tin Mừng của Chúa chỉ có một nhưng đối với từng dân tộc thì sứ điệp ấy được rao truyền bằng ngôn ngữ của chính nước họ. Thần khí của Thiên Chúa cũng chỉ có một nhưng ở nơi đâu thần hứng được diễn tả bằng những phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương họ để một ngôn ngữ được diễn tả hợp với tư tưởng, suy nghĩ phù hợp với khẩu vị, truyền thống của từng dân tộc. Đó là việc hội nhập văn hóa địa phương mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã viết :” Khi đức tin chưa trở thành văn hóa, thì đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa được suy tư đầy đủ, chưa được sống một các trung tín”.Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23, tức chân phước Gioan 23 đã mở Công đồng Vatican II : đây là cuộc Hiện Xuống mới . Công Đồng Vatican II đã tái thiết lập một cuộc hiện Xuống mới đầy thần khí trong một thế giới tưởng đang đi tới việc chối bỏ đức tin.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ : Thần khí của Thiên Chúa vẫn đang tràn đầy khắp thế giới, nhưng mọi nước, mọi nơi có biết lãnh nhận Thần khí và có biết tái hiện lại ngày lễ Ngũ Tuần trong Hội Thánh địa phương không ? Điều này đòi hỏi phải sống hội nhập văn hóa. Bởi vì, mỗi nước, mỗi ngôn ngữ có một cách diễn tả đức tin khác nhau. Mỗi ngôn ngữ đều có nền văn hóa riêng biệt, người Aâu Châu có cách diễn tả riêng, người Phi Châu có cách diễn tả của lục địa họ, người Á Châu có cách diễn tả riêng của Á Châu.Thần khí của Thiên Chúa luôn chan hòa và tràn ngập thế giới này, nhưng để đón nhận dược Thần khí lại là một chuyện đòi hỏi con người phải biết mở lòng ra.

Hãy nhìn vào thực tế, xưa các môn đệ Chúa cũng đã được sống với Chúa, được nghe Lời Chúa, được chứng kiến các phép lạ Ngài làm, các Ngài cũng đã phó thác cho Chúa, tín nhiệm Chúa, nhưng khi xẩy ra thử thách, các môn đệ cũng đã bấn loạn, Giuđa thì bán Chúa, Phêrô thì chối bỏ Chúa, các môn đệ khác bỏ chạy trốn. Phải đợi đến ngày Lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu đến, các Ngài mới thực sự được biến đổi hoàn toàn.Mọi Kitô hữu hãy xin Chúa Thánh Thần đến để biến đổi tâm hồn mình và để ban cho mình một trái tim mới hầu mình có thể làm chứng cho Chúa tốt đẹp hơn.

Cách đây 2009 năm, Thần khí của Đức Kitô phục sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các môn đệ một cách đầy quyền năng. Hôm nay chúng ta mừng ngày lễ ấy bởi vì Chúa Kitô phục sinh đang ở với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.

 

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến biến đổi tâm hồn chúng con. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B