Lễ Mình Máu Thánh Chúa B

Máu Giao Ước

 

Mc 14:12-16: 12 Ngày thứ nhất của lễ Bánh Không Men, khi người ta thường sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ nói với Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 13 Người sai hai môn đệ đi, và nói với họ: “Các anh hãy đi vào thành, và một người mang vò nước sẽ đón gặp các anh. Hãy đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy nói với chủ nhà là Thầy nói: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” 15 Và người ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng lớn bên trên, được trang bị đầy đủ và đã sẵn sàng. Các anh hãy chuẩn bị ở đó cho chúng ta.” 16 Các môn đệ ra đi và vào trong thành, và các ông tìm thấy như Người đã nói với họ, và các ông đã chuẩn bị lễ Vượt Qua.

 

14: 22-26: 22 Trong khi họ đang ăn, cầm lấy bánh Người chúc tụng, bẻ ra, và trao cho họ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và cầm chén, Người dâng lời tạ ơn, trao cho họ, và tất cả đều uống từ chén này. 24 Và Người nói với các ông: “Đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho nhiều người. 25 Thật Thầy nói với anh em: Thầy không uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” 26 Hát thánh vịnh xong, họ đi ra đến núi Cây Dầu.

 

Hai đoạn kinh thánh của chúa nhật nầy không liên tục nhau; giữa chúng là đoạn Chúa Giêsu tiên báo một người trong Nhóm Mười Hai sẽ nộp Người (14:17-21). Bối cảnh chung của hai đoạn là dịp lễ Bánh Không Men của người do thái, Chúa Giêsu gởi hai môn đệ đi chuẩn bị lễ Vượt Qua cho Người và các môn đệ của Người (14:12-16); sau đó Người đến đó với nhóm Mười Hai để cử hành lễ Vượt Qua của Người (14:22-26). Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến đoạn 14:22-26. Kết cấu của đoạn nầy gồm ba phần: 1- Trao ban thân thể: lời và hành động liên quan đến bánh (c. 22); 2- Trao ban máu: lời và hành động liên quan đến rượu (cc. 23-24); 3- Kết luận và lời tiên báo về bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa (c. 25).

 

Lễ Vượt Qua là dịp nhắc lại sự can thiệp quyền năng và mạnh mẽ của Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ Ai cập. Khi cử hành lễ nầy, Chúa Giêsu hướng đến Thiên Chúa và để Thiên Chúa thực hiện nơi Người một lễ Vượt Qua mới. Do đó, Người không cử hành lễ Vượt Qua theo truyền thống của người do thái, mà của chính Người. Lời và hành động liên quan đến bánh và rượu trong đoạn nầy được trình bày tương tự nhau, gồm những tác động cầm, chúc tụng, trao ban, và lời xác nhận bản tính của bánh và rượu. Chúc tụng Thiên Chúa là một phần quan trọng trong bữa ăn, vì mọi ơn lành đều do bởi Thiên Chúa. Khi làm việc nầy, Chúa Giêsu ý thức mình và máu của Người sẽ được trao ban do Thiên Chúa mà đến.

 

Khi trao tấm bánh đã bẻ ra, Chúa Giêsu nói: “Nầy là Mình Thầy” (c. 22). Thân thể chỉ con người trọn vẹn. Cũng một cách thế tương tự: “Nầy là máu Thầy” (c. 23) Máu là chính sự sống (x. Lv 17:11.14; Dnl 12:23). Như thế, khi ban mình và máu, Chúa Giêsu ban cả con người và sự sống của Người.

 

Lời trên rượu dài hơn lời trên bánh. Máu nầy được gọi là “máu giao ước”. Cách nói nầy nhắc lại việc Môsê đã rảy máu súc vật trước tiên trên bàn thờ, rồi trên dân chúng và nói: “Đây là máu giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với anh em” (Xh 24:8). Máu ấy đã ghi ấn sự cam kết đôi bên. Tuy nhiên, trong giao ước không luôn luôn phải có hai bên như thế. Ký kết giao ước trước tiên là sáng kiến của Thiên Chúa. Ngài làm giao ước khi Ngài muốn và Ngài đặt ra những quy định cho giao ước ấy (x. Stk 9:1-17; 15:8; 17:10-11). Việc Chúa Giêsu đổ máu ra là do Thiên Chúa quyết định (x. Gio 18:11). Ngài cũng quyết định luôn cách thế đổ máu ấy ra và mục đích cứu chuộc của việc đổ máu ấy (c. 24); không có một cam kết nào về phía con người ngoài việc sẵn sàng lãnh nhận máu ấy để được tha tội và cứu độ. Như Người Tôi Tớ Đau Khổ, Chúa Giêsu đổ máu ra thay cho nhiều người (x. Is 53:12); nhờ đó chẳng ai bị loại khỏi hoa trái được tha tội bởi cái chết của Người (x. 10:45; Mt 1:21; 20:28; Dt 9:22).

 

Sau cùng, lời tiên báo về việc uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa cho biết Chúa Giêsu sẽ bước sang giai đoạn vinh quang sau khi đã hoàn tất việc uống chén đắng (c. 25; x. 10:35-45). Rượu mới biểu trưng sự sống và niềm vui. Rượu mới Người sẽ uống trong Nước Thiên Chúa chính là sự hiệp thông trọn vẹn và sự sống viên mãn mà Người sẽ chia sẻ với Cha Người.

 

Trong khi hiến dâng mình và máu cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã cứu độ nhiều người và đưa họ vào dự tiệc hoan lạc trong nước của Cha Người.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

 

 

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B