Chúa Nhật II mùa Chay, B

2009

 

          Biến cố Hiển dung, tức là Chúa Giê-su biến hình dạng trên núi cao, được đặt vào Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật II mùa Chay mang ý nghĩa vô cùng súc tích.  Về phía Chúa Giê-su, biến cố xác định rõ ràng sứ mệnh của Người là phải kết thúc bằng cuộc Thương khó và Sống lại hiển vinh.  Về phía các môn đệ, nó giúp các ông vững lòng tin vào Chúa Ki-tô và quyết tâm bước theo Người.  Tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là biến cố giúp ta suy niệm về sứ mệnh cứu độ của Chúa Ki-tô, để ta biết sám hối và mở lòng  đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

1.  Lễ toàn thiêu trên núi Mô-ri-gia là hình bóng báo trước lễ toàn thiêu trên đồi Can-vê  (bài đọc Cựu Ước – St 22:1-2.9a.10-13.15-18)

          Câu truyện ông Áp-ra-ham đem đứa con trai duy nhất là I-xa-ác lên núi để giết và hiến tế Thiên Chúa không chỉ là câu truyện thử thách lòng tin của ông vào Thiên Chúa, nhưng ý nghĩa câu truyện còn nằm ngay trong hình ảnh cậu I-xa-ác là của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.

          Điều làm ta ngạc nhiên trước hết là thái độ im lặng của ông Áp-ra-ham và cậu I-xa-ác.  Ta thắc mắc không biết trên đường đi từ nhà tới núi Mô-ri-gia, hai cha con nói năng với nhau những gì, liệu cậu con trai có biết ý định của cha mình không và phản ứng của hai cha con thế nào trước mệnh lệnh của Thiên Chúa.  Sau lời thưa “Dạ, con đây!”, ông Áp-ra-ham lập tức đi thi hành ý Chúa.  Ông không vặn hỏi tại sao Thiên Chúa làm một chuyện hết sức phi lý:  Người hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trời cát biển, vậy mà giờ đây lại ra lệnh cho ông phải đem đứa con trai duy nhất lên núi để sát tế kính tiến Người.  Thi hành lệnh Chúa, ông Áp-ra-ham đã biểu lộ hành vi đức tin, là hành vi do trái tim và đi ngược lại hành vi do  lý trí.

          Nếu sự im lặng của ông Áp-ra-ham là dấu hiệu của một đức tin vĩ đại, thì sự im lặng của cậu I-xa-ác lại nói lên lòng vâng phục thẳm sâu trước quyết định của cha mình và thánh ý Thiên Chúa.  Hình ảnh I-xa-ác im lặng khiến ta nghĩ đến hình ảnh người Tôi Trung của Thiên Chúa, “bị đổ trên đầu tội lỗi của tất cả chúng ta, bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;  như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53:6-7).  Suốt cuộc Thương khó, ta không hề nghe một lời than vãn trách móc từ nơi miệng Chúa Giê-su, mà chỉ thoáng hiện một thắc mắc càng làm tăng thêm niềm tin tuyệt đối của một con người vào nơi Thiên Chúa:  “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34).

          Tuy nhiên Thiên Chúa đã cứu mạng sống của I-xa-ác thế nào, thì cũng vậy, Người đã cứu Con Một Người là Chúa Ki-tô khỏi hư nát bởi cái chết và cho Chúa Ki-tô sống lại vinh hiển.  Lòng tin của Áp-ra-ham và sự vâng phục của I-xa-ác đã bảo đảm cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện.  Kết quả là Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc cho ông và cho I-xa-ác tiếp nối ông mà làm tổ phụ của một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển (St 22:17).  Chúa Ki-tô đã vâng phục Chúa Cha, chấp nhận làm lễ toàn thiêu trên đồi Can-vê, để rồi từ cái chết và sống lại của Người, một Dân mới của Thiên Chúa nảy sinh, là Giáo Hội Chúa Ki-tô trường tồn cho tới ngày Người quang lâm. 

2.  Lòng tin của Chúa Giê-su được biểu lộ trong cuộc Hiển dung (bài Tin Mừng – Mc 9:2-10)

          Dĩ nhiên mục đích của biến cố Hiển dung là nâng đỡ niềm tin của các môn đệ Chúa, vì sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó Chúa sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông còn ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giê-ru-sa-lem.  Nhưng củng cố niềm tin của các môn đệ cách nào, đó mới là ý nghĩa cốt lõi của biến cố.  Không phải là ánh sáng và vẻ rực rỡ trắng ngần nói lên vinh quang của Chúa làm cho các ông tin tưởng Người, nhưng chính là “sự thật giải phóng” về cuộc Thương khó của Người.  Nếu các ông nhận ra ý nghĩa đích thực và cao cả của những điều Chúa Giê-su sẽ phải trải qua trong những ngày cuối cùng trên dương thế, thì các ông sẽ không còn sợ hãi hoặc chán nản nữa, trái lại các ông sẽ thấy được con đường thập giá không phải là tận cùng, mà là dẫn tới phục sinh vinh hiển.  Qua cuộc đàm đạo với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a, chính Chúa Giê-su đã cho các môn đệ nhận biết lòng tin cao cả của Người nơi Thiên Chúa và lòng can đảm quảng đại của Người khi chấp nhận chết cho nhân loại.  Các sách Luật và Ngôn sứ đã viết về sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su.  Trước mặt các môn đệ, Chúa Giê-su đàm đạo với các ông Mô-sê và Ê-li-a về sứ mệnh đó, nhất là về tột đỉnh của sứ mệnh là cuộc Thương khó và Phục sinh sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.  Hình ảnh ấy muốn nói lên rằng Người đang suy gẫm về cuộc Thương khó và quyết tâm chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã nhìn lại tất cả những điều Kinh Thánh và Lề Luật tiên báo về Người và những điều Người sẽ thi hành để cứu độ trần gian để xác tín thánh ý Chúa Cha.  Kết quả cuộc suy gẫm và chấp nhận của Chúa Giê-su là lời tuyên dương của Chúa Cha về lòng vâng phục và quảng đại của Chúa Giê-su:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Chúa Giê-su không tránh né “sự thật giải phóng” của cuộc Thương khó, nhưng Người muốn nói cho môn đệ biết sự thật ấy, để các ông “vâng nghe lời Người”, nghĩa là theo gương Người vác thập giá, vững bước trên con đường cứu độ của Thiên Chúa.

          Ngay sau lời tuyên dương và kêu gọi của Chúa Cha, thánh sử Mác-cô ghi lại một chi tiết có lẽ ta ít để ý, nhưng lại rất ý nghĩa đối với ta.  Đó là:  “Các môn đệ chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi” (Mc 9:8).  Nhiệm vụ của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a là giúp ta nhận biết và xác tín sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su.  Các ông không thể làm gì hơn cho ta và các ông lui vào hậu trường để cho ta tiếp tục ở lại với Chúa Giê-su, tin vào Người và tình yêu cứu độ của Người qua cuộc Thương khó.  Chúa Giê-su đã xác tín sứ mệnh ấy thì ta cũng phải tuyệt đối tin vào tình yêu của Người để được cứu độ.  Lòng tin của ta không nằm trong sách vở hay đầu óc, nhưng là tất cả con tim của ta để “vâng nghe lời Người”.  Đúng vậy, cuộc đời ta có nhiều khi nhìn quanh chẳng còn thấy ai nữa, chỉ còn Chúa Giê-su với ta mà thôi!  Nhưng ta cứ an tâm, vì ta không vác thập giá một mình, bởi có Chúa đồng hành con đường khổ nạn với ta.  Gương vâng phục và chấp nhận của Chúa Giê-su giúp ta vững lòng đối phó với mọi nghịch cảnh và trung thành làm môn đệ Người.

3.  “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (bài đọc Tân Ước – Rm 8:31b-34)

          Suy niệm về ý định cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô với giọng phấn khởi đã thách thức mọi người hoặc mọi nghịch cảnh chống lại ta, những kẻ đã được Thiên Chúa kêu gọi đáp lại tình yêu cứu độ của Người.  Niềm lạc quan của Ki-tô hữu nằm ngay trong những dòng thư này của thánh Tông đồ:  có Thiên Chúa bênh đỡ ta, thử hỏi ai còn chống lại ta được?

          Quả thế, rõ ràng Thiên Chúa luôn ở bên ta, chăm sóc ta và muốn ta được ở với Người vĩnh viễn.  Một em nhỏ cứ vui đùa tự nhiên trên sàn tàu, trong khi các người khác trong con tàu đang lo sợ và chèo chống với sóng gió.  Người ta hỏi em tại sao không sợ hãi, em trả lời ngay:  Ba tôi là người lái con tàu thì sao tôi lại phải sợ hãi!  Đấy, tôi đang ở trong con tàu cuộc đời.  Nếu Thiên Chúa ở bên tôi và lèo lái con tàu thì tôi phải sợ hãi gì.  Tác giả Thánh Vịnh cũng nhiều lần nhắn nhủ ta như vậy.  Chúa là Đá tảng của con, con sợ gì ai?  Chúa là thành lũy chở che con, con còn hãi gì nữa? 

Đó là nói đến sự hiện diện của Chúa bên cạnh ta.  Còn thánh Phao-lô, ngài lại cho ta một lý do rất thần học nhưng cũng rất đơn sơ dễ hiểu, để nói rằng ta đừng sợ ai buộc tội hay kết án ta, nhưng hãy tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã “lên kế hoạch” để biểu lộ tình yêu đó.  Kế hoạch của Người như sau:  “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi;  những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính;  những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:30).  Tiền định của Thiên Chúa không mang tính áp đặt, nhưng là ý muốn tự đời đời của Người, còn việc con người có muốn đáp lại ý muốn của Thiên Chúa hay không thì lại khác!  Như vậy, ta sẽ hiểu được kế hoạch ba bước của Thiên Chúa là:  thứ nhất, từ trước muôn đời Thiên Chúa đã muốn toàn thể nhân loại được ở với Người, cho nên  Người kêu gọi mọi người.  Thứ hai, nếu ai đáp lời, Người sẽ làm cho nên công chính, nhờ sự chết và sống lại của Chúa Ki-tô.  Thứ ba, sau khi được trở nên công chính và tiếp tục sống đích thực như con cái Người nơi trần gian, Người sẽ cho họ được chung phần vinh phúc với Người.  Tất cả kế hoạch nói lên chân lý duy nhất:  Thiên Chúa yêu thương ta.  Để minh chứng tình yêu ấy, Thiên Chúa “chẳng tha Con Một Người, nhưng đã trao nộp vì chúng ta hết thảy” (Rm 8:32), đành để cho Con Một phải chịu chết trên thập giá để chuộc tội chúng ta.

Thái độ lạc quan Ki-tô giáo này phải là thái độ của mọi Ki-tô hữu.  Người Pháp nói:  một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn (Un saint triste est un triste saint).  Ta đừng để cho những kẻ vô thần, theo thuyết hiện sinh hay duy vật chê bai người Công giáo là những kẻ yếm thế, hãi sợ, không dám ngửa mặt lên nhìn cuộc đời.  Nhưng ta hãy cho mọi người biết rằng niềm vui và bảo đảm được cứu độ là động lực giúp ta thắng vượt mọi gian khó cuộc đời, kết hiệp với cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, để cùng chết với Người cho tội lỗi và cùng được sống lại vinh hiển với Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ hai mùa Chay giúp ta suy niệm ý nghĩa cuộc Thương khó của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên đó cũng là lời mời gọi ta hiểu biết ý nghĩa đích thực của những thập giá khi ta sống đức tin Công giáo, đối phó với những nghịch cảnh theo gương Chúa Giê-su.  Người đã xác tín sứ mệnh cứu độ trần gian và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.  Chính Người đã nhìn thập giá như đường dẫn tới vinh quang, không phải cho riêng mình, nhưng cho toàn thể nhân loại.  Ta theo Người để học bài học ấy suốt những năm tháng sống trên trần gian khổ ải này.  Ta vững bước, vì có Thiên Chúa ở với ta và bênh đỡ ta, cụ thể qua sự hiện diện yêu thương và đầy sinh sinh của Chúa Giê-su Ki-tô.

Suy nghĩ:  Để kết luận lời ca tụng tình yêu của Thiên Chúa, thanh Phao-lô viết:  “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8:39).  Xác tín này có nghĩa gì đối với cuộc đời Ki-tô hữu của tôi?  Những lời đanh thép này có giúp tôi sống lạc quan và đầy tin tưởng không?  Lối sống của tôi có nói lên được thái độ lạc quan này không?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa;  xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Chay).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B