Chúa Nhật Phục Sinh

B

 

          Ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa Phụng vụ Lời Chúa đêm Canh Thức Vượt Qua, tức Thứ Bảy Tuần Thánh, và Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật Phục Sinh.  Các bài đọc Thứ Bảy Tuần Thánh dẫn ta đi qua lịch sử dân Chúa để đến với lịch sử cứu độ được thể hiện qua Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Còn các bài đọc Chúa Nhật Phục Sinh không chỉ nói đến biến cố Chúa sống lại, mà còn nhấn mạnh tới đức tin vào Chúa Phục Sinh.  Các nhân vật trong ba bài đọc hôm nay đều là những người đi tìm đức tin vào Chúa Ki-tô.  Vậy những người ấy nói với ta điều gì về hành trình đức tin của họ?

1.  Ông Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu trong hành trình tin vào Chúa Phục Sinh (bài Tin Mừng – Ga 20:1-9)

          Đức tin của các Tông Đồ được nuôi dưỡng và phát triển từ khi họ bắt đầu theo làm môn đệ Chúa.  Tuy nhiên thời điểm đặc biệt để đức tin của họ trưởng thành chính là sau khi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết.  Có tin là Chúa đã sống lại thì họ mới đủ tư cách để làm chứng cho Người, như ông Phê-rô đã nhận thức bổn phận ấy:  “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:40-41).  Vậy ta hãy bước theo Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu trên đoạn đường đi tới nơi mộ chôn táng Chúa Giê-su.

          Đoạn đường khởi đầu từ thông tin của bà Ma-ri-a Mác-đa-la rằng xác Chúa đã bị người ta đem đi đâu không biết.  Lập tức ông Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy ra mộ để xem thực hư thế nào.  Đến nơi quả thực họ không thấy xác Chúa, chỉ còn lại những vết tích liên hệ như băng vải ướp xác và khăn che đầu.  Câu truyện không có gì khúc mắc và quá rõ ràng.  Nhưng câu hỏi căn bản để dẫn tới đức tin là:  Nếu xác Chúa không có ở đây thì điều gì đã xảy ra?  Xác Chúa bị đánh cắp hay Người đã sống lại?  Kinh Thánh đã cho họ câu trả lời.  Người môn đệ Chúa yêu đã nhìn thấy vết tích của Phục Sinh trong mộ và ông đã nhớ lại và “hiểu rằng:  theo Kinh Thánh Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.  Thường thì ta vẫn cho rằng người môn đệ Chúa yêu chính là ông Gio-an, nhưng nhiều học giả Kinh Thánh nghĩ “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh biểu tượng cho bất cứ ai muốn làm môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô.  Điều này giúp ta hiểu rằng để tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, thì “người môn đệ Chúa yêu” cũng phải là “người môn đệ yêu Chúa”.  Đúng thế, chỉ có tình yêu đích thực mới giúp ta hoàn toàn trưởng thành trong đức tin vào Chúa.  Tình yêu sẽ cho ta khả năng vượt qua điều ta thấy để nắm bắt được điều ta tin.  “Ông đã thấy và đã tin”.  Ngày xưa người môn đệ Chúa yêu đã thấy những vết tích trong mộ Chúa và ông đã tin Người sống lại.  Ngày nay, trong cuộc đời Ki-tô hữu ta đã thấy nhiều vết tích liên hệ tới Chúa, nhưng liệu ta có tin những gì vết tích ấy nói lên không?  Nếu ta không thực sự là người môn đệ yêu Chúa thì bất cứ vết tích lớn nhỏ nào cũng chẳng cho ta biết gì về Chúa đâu!  Hơn nữa, có tin Chúa, ta mới có thể nói cho người khác về Người, giống như ông Phê-rô đã rao giảng về Chúa Ki-tô cho những anh chị em dân ngoại đầu tiên đón nhận Tin Mừng.

2.  Ông Cô-nê-li-ô và gia đình được dẫn dắt tin vào Chúa Phục Sinh (bài đọc Tân Ước – Cv 10:34a.37-43)

          Theo câu truyện kể trong sách Công vụ Tông Đồ, thánh Phê-rô là vị Tông Đồ tiên khởi rao giảng cho dân ngoại và ông Cô-nê-li-ô, viên đại đội trưởng Rô-ma cùng gia đình là những người dân ngoại đầu tiên đón nhận Tin Mừng Chúa Ki-tô.  Trước khi lên đường rao giảng cho gia đình Cô-nê-li-ô, ông Phê-rô đã thấy trong thị kiến một cái khăn từ trời sa xuống, trong đó có các loài vật, kể cả những loài không thanh sạch mà người Do-thái không được phép ăn.  Tiếng Chúa phán bảo ông hãy làm thịt mà ăn.  Ông từ chối, thì Chúa phán:  “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế”.  Nghĩa là ông không được loại trừ những người dân ngoại đến với niềm tin Ki-tô.  Còn ông Cô-nê-li-ô tuy là người ngoại bang, nhưng “là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, cũng như cả nhà ông;  ông rộng tay bố thí cho dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa”  (xem Cv 10:1-23).

          Là viên chức chính phủ Rô-ma, hẳn ông Cô-nê-li-ô không thể không biết gì về biến cố lớn mới xảy ra tại Giê-ru-sa-lem:  ông Giê-su người Na-da-rét bị xử tử đóng đinh thập giá.  Chung quanh sự kiện ấy, còn có tin đồn là ông ấy đã sống lại từ cõi chết.  Tuy nhiên ông Cô-nê-li-ô vẫn chưa thể vượt qua được bức tường biến cố lịch sử để tiến đến một biến cố đức tin.  Bước “nhảy vọt” này cần phải có sự giúp đỡ của ân sủng ta mới có thể thực hiện được.  Và đây, ân sủng của Chúa đến với ông qua sự giúp đỡ của Tông Đồ Phê-rô.  Việc ông sống như “người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa” là bước đầu để đón nhận ân sủng Chúa.  Ông Phê-rô đem ân sủng Chúa đến cho gia đình ông Cô-nê-li-ô bằng cách rao giảng về điều mà họ chỉ coi là một biến cố lịch sử.  Cần phải đi từ Đức Giê-su lịch sử tiến đến Đức Giê-su của đức tin.  Do đó, ông Phê-rô nói đến sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su trên trần gian và ngày cánh chung.  Người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, ra đi thi hành sứ vụ rao giảng và chữa lành, chết khổ nhục thập giá để đền tội nhân loại và đã sống lại để làm “thẩm phán của Thiên Chúa mà xét xử kẻ sống và kẻ chết”.  Đặc biệt ông Phê-rô nhắc nhở Cô-nê-li-ô rằng:  “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10:43).  Đây chính là đức tin mà ông Phê-rô muốn nói cho Cô-nê-li-ô biết.  Những gì ông Phê-rô rao giảng Tin Mừng về Chúa Giê-su cho gia đình Cô-nê-li-ô không phải đơn thuần là biến cố lịch sử, nhưng là biến cố cứu độ, một biến cố đòi hỏi người nghe phải đáp trả bằng mối quan hệ giữa họ với Người.  Những nhân vật lịch sử chỉ nằm trong sách vở hay đầu óc, còn nhân vật của đức tin là Chúa Ki-tô thì phài ở trong đáy tâm hồn ta, trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của ta.  Kết quả của việc ông Phê-rô rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và gia đình Cô-nê-li-ô mở lòng đón nhận Tin Mừng là mọi người trong nhà ông Cô-nê-li-ô được lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thánh Thần.  “Ông Phê-rô nói rằng:  ‘Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?’  Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô” (Cv10:47-48).

3.  Từ tin vào Chúa Phục Sinh đến sống Mầu nhiệm Phục sinh (bài đọc Tân ước – Cl 3:1-4)

          Sau khi nói về hai cuộc hành trình đức tin của ông Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu cùng với ông Cô-nê-li-ô và gia đình, bài đọc thứ hai muốn nói tới hành trình đức tin của mỗi Ki-tô hữu, những người đã được phục sinh trong nước rửa tội.  Thánh Phao-lô cho ta một phút suy niệm về đời sống mới do Bí tích Rửa tội đem lại.  Trước hết ngài gọi Ki-tô hữu là những người “đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô”.  Thực vậy, Chúa Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết là để cho ta được giải phóng khỏi ách tội lỗi mà sống đời sống mới trong Thánh Thần của Người, nghĩa là sống với căn tính mới của con cái Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Chúa sự sống.  Nhưng khi ta phạm tội là ta đã tự cắt lìa khỏi sự sống và đi tới cõi chết đời đời.  Nhờ cái chết, Chúa Ki-tô hòa giải ta với Thiên Chúa và phục hồi cho ta sự sống đã bị tội lỗi tước đoạt.  Tội tổ tông đã làm con người mất khả năng hướng về Thiên Chúa.  Giờ đây Chúa Ki-tô phục sinh đã phục hồi cho con người quyền đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa và cho họ có thể nhìn lên để “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”.  Chúa Ki-tô phục sinh mở cho ta con đường trở về với Đấng đã tạo dựng nên ta.  Khi cho ta được làm con Thiên Chúa, Chúa Ki-tô đã tạo một đời sống mới và đưa ta vào cuộc hành trình cùng với Người tiến về nhà Cha.

          Cuộc hành trình của ta mang ý nghĩa sống mầu nhiệm Phục Sinh, khởi đi từ cuộc sống trần gian, mắt luôn hướng về thượng giới vì đó là quê hương đích thực và vĩnh viễn của ta.  Mà muốn đạt tới đích thì ta “đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.  Những gì thuộc hạ giới cho dù có sức quyến rũ mấy đi nữa, chúng vẫn là những của phù du chóng qua.  Từ nhan sắc cho đến tiền tài, danh vọng, quyền lực, tất cả rồi cũng mất đi theo năm tháng.  Còn những gì thuộc thượng giới, nhất là tình yêu, thì luôn luôn tồn tại cùng Thiên Chúa.  Được sống đời đời trong tình yêu Thiên Chúa sẽ là đích tới của hành trình sống đời sống mới “hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa”.  Như thế có nghĩa là đích tới của ta chắc chắn là điều có thực chứ không phải ảo tưởng hoặc nghi vấn.  Bằng chứng của tính xác thực về sự sống đời đời là chính sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.  Do đó thánh Phao-lô dám quả quyết rằng:  “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng!” (1 Cr 15:14).

          Thái độ của Ki-tô hữu trong hành trình sống mầu nhiệm Phục Sinh là phải nhắm đích tới ở thượng giới và đừng để cho những gì thuộc hạ giới lôi kéo họ xa rời mục đích cuộc đời mình.  Làm sao giữ được quân bình giữa hai điều trên, vừa hướng về tương lai vĩnh cửu vừa chu toàn được những bổn phận của cuộc đời trần thế, quả là điều khó khăn.  Tuy nhiên ta đã có vị Thầy là Đức Ki-tô và vị Hướng đạo là Thánh Thần Thiên Chúa, luôn giúp ta nếu ta biết sống cuộc sống “tiềm tàng nơi Đức Ki-tô”, nghĩa là cuộc sống được Ki-tô hóa, trở nên giống như Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Mừng Chúa sống lại là dịp quan trọng để ta chiêm ngưỡng công cuộc cứu độ của Chúa Ki-tô.  Tuy nhiên sự sống lại của Người còn mời gọi ta bước vào một cuộc hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh và sống thân phận làm con Thiên Chúa mà Người đã phục hồi cho ta.  Tấm gương của thánh Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu cũng như gương của ông Cô-nê-li-ô giúp ta biết phải làm sao để vượt qua những hình thức mừng lễ Phục Sinh để đến với Chúa Ki-tô của đức tin, nhất là biết mở lòng để cho ân sủng Phục Sinh đổi mới ta và tiếp tục sống đời sống trong Thánh Thần.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô dạy ta hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới và đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.  Tôi có tìm kiếm Chúa và những điều tốt đẹp Người day dỗ cũng như muốn tôi thực hành không?  Nếu tôi đang “chú tâm” vào những gì thuộc hạ giới, thì tôi có thể xét lại giá trị đích thực của chúng không?  Làm sao tôi tránh được thái độ “chú tâm” này và giữ được đời sống quân bình giữa thiêng liêng và vật chất?

Cầu nguyện:  Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay, Đức Giê-su đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời.  Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Cha ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Cha, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đền muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật Phục Sinh).

Lm. Đa minh trần Đình Nhi

Phục Sinh 2009

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B