Chúa Nhật II Phục Sinh

Năm B (2009)

          Niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh là là nền tảng xây dựng cộng đồng tín hữu.  Phụng vụ Chúa Nhật Phục Sinh đã đề cao niềm tin ấy qua những người đi tìm Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết.  Bước sang Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa trình bày cộng đồng ấy qua những đường nét khác nhau, mô tả Giáo Hội Chúa Ki-tô với những khía cạnh tiêu cực cũng như tích cực, vừa trần thế nhưng cũng vừa thánh thiêng.  Quan trọng là người tín hữu hết thảy đều phải thắng vượt khó khăn để giữ vững đức tin, vì “điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5:4).

1.  Các Tông đồ và môn đệ của Chúa là nhóm đức tin tiên khởi (bài Tin Mừng – Ga 20:19-31)

          Niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh không đơn độc, nhưng truyền lan từ người này sang người khác.  Câu truyện Tin Mừng hôm nay cho ta một bức họa thật sống động về niềm tin ấy.  Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đến với Nhóm Mười Hai và môn đệ Người.  Người đến để đức tin của họ được củng cố.  Thời gian Người hiện diện với họ lúc này rất cần thiết, để dần dần cho dù họ không còn thấy Người nữa, nhưng họ sẽ tin vững vàng hơn.  Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến điều này khi Người nói với Tô-ma:  “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

          Tin Mừng Phục Sinh đã được loan báo, nhưng tiếp nhận tùy theo cách của mỗi người.  Chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su đến đem bình an cho các môn đệ, sự bình an đã khiến họ hết sức vui mừng và quên đi mọi đau buồn.  Sau đó Chúa ban cho họ Thánh Thần và quyền tha thứ tội lỗi.  Tất cả những người hiện diện dịp này đều “đã thấy nên đã tin”.  Tuy nhiên Chúa muốn họ phải từ cấp độ thấp nhất này tiến lên một cấp độ cao hơn, đó là “không thấy mà tin”.  Câu truyện ông Tô-ma vắng mặt khi Chúa hiện ra và ông không tin cho ta thấy ông cần phải bước lên cấp độ thấp nhất ấy.  Nhưng câu truyện ông Tô-ma cũng là dịp để Chúa cho thấy cấp độ cao hơn của đức tin vào Chúa Phục Sinh:  “Phúc thay những người không thấy mà tin!”

          Ta hãy xem cách Chúa Giê-su dẫn Tô-ma tiến lên từ cấp độ đức tin thấp nhất đến cấp độ cao nhất như thế nào.  Khi Chúa hiện đến và dĩ nhiên có mặt cả ông Tô-ma nữa, Người đi vào vấn đề ngay sau lời chào bình an.  Ta có cảm tưởng như lần hiện ra này là chỉ vì ông Tô-ma thôi.  Người không đề cập tới chuyện gì khác ngoài chuyện người Tông đồ cứng lòng tin.  Thánh sử Gio-an kể:  “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:  “Bình an cho anh em”.  Rồi người bảo ông Tô-ma:  “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:26-27).  Quả thực, ta không thể ngờ Chúa “tấn công” Tô-ma quá mạnh và không để cho ông chống đỡ được!  Người thách thức ông vận dụng mọi giác quan để mà kiểm chứng sự hiện diện của Người.  Người đang chỉ vào vết thương trái tim của Người và “dồn” ông Tô-ma.  Một ngón tay chưa đủ đâu, phải nhìn xem nữa!  Cuối cùng, cần phải đưa cả tay ra mà đặt vào nơi trái tim của Người!  Như thế, có lẽ Chúa Giê-su không chỉ nhắc nhở Tô-ma về vết thương thể xác, nhưng là vết thương lòng của Người.  Việc cứng lòng tin của Tô-ma và của nhiều người khác đúng là đã gây nên vết thương lòng cho Chúa Giê-su rồi vậy.  Đứng trước tấn công vũ bão của tình yêu Thiên Chúa, con người Tô-ma chịu khuất phục nhanh chóng.  Ông “đầu hàng” một cách thảm bại, nhưng cũng vô cùng đáng yêu.  Ông chỉ còn biết kêu lên:  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).  Tới đây, bài học đã rõ ràng:  đức tin cần phải tiến lên, từ đức tin có bằng chứng đến đức tin không bằng chứng, từ đức tin do thuyết phục bằng lý lẽ đến đức tin được nảy nở bằng tình yêu, từ đức tin đại chúng đến đức tin cá nhân.  Ông Tô-ma là biểu trưng cho đức tin cá nhân, riêng tư đối với Chúa, khi ông nhận Chúa là của riêng mình:  Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!

2.  Cộng đoàn Giê-ru-sa-lem là một cộng đoàn đức tin (bài đọc Tân Ước – Cv 4:32-35)

          Niềm tin Phục Sinh đã được củng cố và trưởng thành nơi Nhóm Mười Hai và các môn đệ Chúa như ta thấy trong bài Tin Mừng.  Niềm tin ấy đã được họ rao giảng và là cơ sở để cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi được xây dựng và phát triển.  Chỉ trong bốn câu, đoạn Công vụ Tông Đồ đã mô tả đầy đủ hình ảnh của một cộng đoàn đức tin lý tưởng và sống động, từ giáo dân cho đến các vị chủ chăn, ai ai cũng biểu lộ đức tin qua hành động.

          Trước hết, tín hữu có tinh thần hiệp nhất thật tốt đẹp và không một chút chia rẽ.  Quả thực đức tin phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách để mọi người trở nên một theo lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc ly (Ga 17:22), hoặc như suy tư của thánh Phao-lô:  “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí…, cùng một niềm hy vọng.  Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.  Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4:4-6).  Sự hiệp nhất đã đạt tới cao độ, đến nỗi “Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32).

Về phần các Tông đồ, các ngài nhiệt thành với sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Chúa Giê-su, đặc biệt về chân lý Chúa Ki-tô đã sống lại từ cõi chết.  Các ngài đã thi hành sứ vụ trong quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên đức tin không chỉ dừng lại trong lãnh vực đạo đức, mà còn lan tràn qua khuôn mặt xã hội của cộng đoàn.  Không thể có đức tin mạnh khi thấy kẻ nghèo khổ mà không giúp đỡ.  Ý thức đức tin phải biểu lộ qua hành động cụ thể, cộng đoàn đã đặc biệt thực thi bác ái đối với những thành phần thiếu thốn và cần sự giúp đỡ.  Do đó, đức tin không chỉ bằng lòng với cảnh “xóa đói giảm nghèo”, mà còn biến cộng đoàn thành cộng đoàn trong đó “không ai phải thiếu thốn”.

Đấy là hình ảnh cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, một hình ảnh lý tưởng luôn có thể thực hiện được nếu người ta thực sự có và sống đức tin Phục Sinh.  Sách Công vụ Tông Đồ không bày ra một ảo tưởng ru ngủ, nhưng là một thực tại đến nỗi nhưng người ngoại giáo phải thành thực ca ngợi và yêu mến (Cv 2:46).  Thấy người lại nghĩ đến ta!  Không biết khi nào cộng đoàn xứ đạo của ta mới có thể là cộng đoàn Giê-ru-salem thứ hai?

3.  Mục đích cuối cùng của cộng đoàn đức tin là phải “thắng được thế gian” (bài đọc Tân Ước – 1 Ga 5:1-6)

          Đức tin biểu lộ qua việc làm là điều đã được thể hiện ngay tại cộng đoàn tín hữu tiên khởi Giê-ru-sa-lem.  Nói đến việc làm của đức tin thì không bao giờ kể hết.  Tuy nhiên thánh Gio-an, vị Tông đồ của tình yêu đã đề nghị với ta một cách biểu lộ cụ thể:  yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Gio-an đã thấm nhuần được giáo lý tình yêu Chúa Giê-su đã dạy khi Người còn tại thế.  Giờ đây ngài đem áp dụng giáo lý này vào việc sống đức tin Phục Sinh và ngài gọi việc sống đức tin này là cuộc chiến đấu để “thắng được thế gian”.

          Đúng vậy, ta cứ nhìn vào thế gian để thấy sức mạnh của nó.  Không phải là bác ái yêu thương, nhưng là hận thù ghen ghét.  Thế gian muốn biến trái đất này thành nơi hận thù ghen ghét, còn tín hữu là “những kẻ được Thiên Chúa sinh ra” phải làm cho trái đất này chan chứa yêu thương và nhân ái.  Cuộc chiến thật rõ ràng.  Nhưng làm sao cộng đoàn tín hữu thắng được thế gian?  Đâu là khí giới của họ?  Thánh Gio-an cho ta một câu trả lời vừa ý nghĩa sâu xa, vừa đầy thách thức:  “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5:5).  Chỉ niềm tin như vậy thôi mà có thể thắng được thế gian sao?  Phải, đúng như vậy.  Vì tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận sự dạy dỗ của Người và thực hành giới răn yêu thương Người đã dạy không những bằng lời giảng mà còn bằng cái chết minh chứng tình yêu trên thập giá nữa.  Ở đây, ta thấy rõ ông già Gio-an 120 tuổi không lẩn thẩn, “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng ngài lý giải rất sâu sắc và thực tế.  Nếu quả thực ta đã được tái sinh trong Bí tích Rửa tội để làm con Thiên Chúa đầy yêu thương, thì cũng phải sống yêu thương như Đức Giê-su đã dạy.  Chính Người đã lấy tình yêu của Thiên Chúa để làm vũ khí thắng được thế gian và sống lại vinh hiển thì ta cũng phải noi gương Người mà sử dụng vũ khí là tình yêu để biến thế gian hận thù thành nơi đầy tràn tình yêu.  “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp” là lời kinh đẹp nhất mà thành Phan-xi-cô At-xi-xi đã để lại cho ta vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Chủ đề sống đức tin vào Chúa Phục Sinh tuần này thật là phong phú.  Từ cá nhân cho đến cộng đoàn, nếu ta có đức tin đích thực thì ta phải thực thi qua việc làm.  Các Tông đồ, môn đệ Chúa cho đến hãng ngũ tín hữu Giê-ru-sa-lem đã cho ta những tấm gương sống động qua đời sống tin yêu của họ.  Thêm vào đó là suy niệm thực hành của thánh Gio-an đã mở cho ta thấy đâu là đích tới của việc sống đức tin vào Chúa Phục Sinh.  Tuy nhiên vấn đề cốt lõi vẫn là làm thế nào mỗi ngày sống của ta phải là một nấc thang tiến đến một đức tin trưởng thành.

Suy nghĩ:  Nếu phải đem áp dụng câu truyện ông Tô-ma vào cuộc đời của tôi, thì kết cục sẽ ra thế nào?  Đâu là những dấu chỉ cứng lòng tin nơi tôi?  Chúa nói gì với tôi trong tình trạng ấy?  Và tôi sẽ thưa với Chúa thế nào?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng:  chính Chúa Ki-tô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II Phục Sinh).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B