Chúa Nhật III Phục Sinh, B

2009

 

          Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin của họ và truyền cho họ làm chứng nhân  cho Người.  Cuộc đời của các thánh Tông đồ là làm chứng Chúa Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, vì họ đã gặp Người trong những lần hiện ra.  Khi các ngài rao giảng trước mặt dân Do-thái là những kẻ đã can dự vào cái chết của Chúa Giê-su, các ngài quả quyết Thiên Chúa đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy và kêu gọi họ “hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa”.  Viết cho mọi tín hữu về Chúa Phục Sinh, thánh Gio-an Tông đồ gọi việc làm chứng này là “biết Thiên Chúa”, nhìn nhận “Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta”.  Vậy ta hãy đi vào những hướng phụng vụ này để chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô và ý thức bổn phận làm chứng nhân cho Người.

1.  Chúa Giê-su củng cố đức tin của các môn đệ (bài Tin Mừng – Lc 24:35-48)

          Các bài Tin Mừng Phục Sinh vẫn tiếp tục đề tài Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại.  Tuy nhiên, mỗi lần đề tài lại được trình bày theo một khía cạnh đặc biệt.  Thánh Lu-ca cũng ghi lại những lần Chúa hiện ra, nhưng dưới cái nhìn của vị thánh sử kiêm y sĩ, tường thuật không những nhấn mạnh đến chứng lý Kinh Thánh như Chúa Giê-su đã dạy, mà còn có những chứng lý về giác quan thật sống động.

          Trước hết trong câu truyện Tin Mừng, thánh Lu-ca ghi lại một phản ứng thật tự nhiên và tâm lý của các môn đệ khi Chúa hiện ra.  “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24:37).  Ta cứ tưởng tượng một nhóm đàn ông, trong đó nhiều người đã từng vào sinh ra tử với nghề chài lưới, thế mà giờ đây lại quá sợ hãi trước một bóng người thân thương trở về với họ.  Mặc dù Chúa đã lên tiếng trước và chào bình an với họ, họ vẫn không bình tĩnh nổi.  Phản ứng trước sự Phục sinh như thế có đúng và đáp lại mong mỏi của Chúa Ki-tô không?  Trên phương diện tâm lý bình thường, ta có thể hiểu và chấp nhận phản ứng của họ.  Tuy nhiên cần phải vượt qua cái tâm lý bình thường ấy để tiến tới phạm vi đức tin, môi trường của quan hệ tình yêu giữa Chúa với họ.

          Đối với phản ứng ấy, Chúa Giê-su không buồn giận trách móc.  Trái lại, Người nhân từ và kiên nhẫn dẫn dắt họ qua giây phút hoảng hốt ấy để họ được tràn đầy niềm vui Phục sinh.  Người bắt đầu từ chính tâm lý hoảng sợ của họ.  Họ “tưởng là thấy ma” thì Thầy sẽ cho họ thấy Thầy không phải là ma.  Ma nào lại có tay chân, xương thịt, có thể ăn uống bình thường!  Rồi sau khi Thầy cho họ được nắm lấy tay Thầy, bàn tay từng chăm sóc họ, họ hết hoảng sợ và bước sang tình trạng “còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng”.  Tiếp đến, Chúa dùng những sinh hoạt thường ngày Người đã từng có với họ như việc ăn uống, giúp họ nhận biết Người vẫn là chính vị Thầy của họ.  Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ.  Mục đích Người hiện ra với họ là phải đem họ đến bình diện đức tin.  Do đó, Người sử dụng Kinh Thánh để giải thích cho việc Phục sinh của Người.  Họ không đủ trình độ hiểu được Kinh Thánh, thì Người “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.  Người muốn họ hãy nhìn lại những ngày tháng Người đã từng sống với họ, nhất là những ngày kinh hoàng cuối đời của người, để đi tới xác tín:  “Có lời Kinh Thánh chép rằng:  Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24:45-46).  Tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, đó là cốt lõi của đức tin.  Đức tin không phải là quà tặng giữ trong tủ sắt cho kỹ, nhưng là sinh hoạt yêu thương phải được biểu lộ.  Tin Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người thì “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”.  Chúa còn dặn họ hãy bắt đầu rao giảng “từ Giê-ru-sa-lem”.  Điều này thật có ý nghĩa đối với ta.  Ta tiếp nối việc rao giảng Tin Mừng, nhưng không phải “từ Giê-ru-sa-lem” bên nước Do-thái, mà là từ Giê-ru-sa-lem của gia đình, nhóm, xứ đạo ta.  Thực vậy, thiếu gì người không bắt đầu rao giảng từ chính mình hoặc gia đình, nhưng chỉ thích ồn ào rao giảng ở những nơi người ta thấy được bóng dáng họ.  Đúng là việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, chưa lo tu thân tề gia mà cứ muốn bình thiên hạ!

          Tóm lại, qua câu truyện Chúa Phục sinh hiện ra như Lu-ca kể lại, ta nhận biết vai trò chủ động của Chúa trong việc củng cố đức tin của ta quan trọng biết chừng nào.  Chẳng vậy mà ông Phê-rô đã phải thay mặt anh em nài xin Chúa:  Lạy Thầy, xin thêm đức tin cho chúng con.

2.  Bài giảng thứ hai của thánh Phê-rô tuyên xưng Chúa Ki-tô xóa bỏ tội lỗi của ta (bài đọc Tân Ước – Cv 3:13-15.17-19)

          Ông Phê-rô luôn luôn đi đầu trong mọi việc, từ tuyên xưng Chúa trong Nhóm Mười Hai cho đến rao giảng cho dân chúng.  Bài giảng này nhắm thẳng vào đám thính giả quen thuộc với các Tông đồ.  Dân chúng hôm nay đa số là người dân Giê-ru-sa-lem, những người đã tham dự hoặc chứng kiến cuộc Thương Khó của Chúa Ki-tô.  Nói với họ, ông Phê-rô đã nói thẳng nói thực.  Ông không tránh né nói đến việc làm sai trái của họ là “đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân, đã giết Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3:14-15).

          Tuy nhiên vạch lỗi không phải là tiêu cực chống đối, nhưng là để mở ra cho người có lỗi một lối thoát.  Thánh Phê-rô đã cho thính giả của ngài một tia hy vọng:  “Giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em” (Cv 3:17).  Và niềm hy vọng ấy phải tiếp tục đưa họ tới đích điểm, tức là “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa” (Cv 3:19).  Niềm tin họ cần được dẫn tới chính là Chúa Ki-tô, vì “Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người chỗi dậy để giúp anh em [Do-thái] trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình” (Cv 3:26).

          Mục tiêu Chúa Ki-tô được sai đến trần gian là để chiến thắng tội lỗi và giúp nhân loại chia sẻ chiến thắng ấy.  Chúa Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi không phải bằng vũ khí của trần gian là quyền lực, giàu sang…, nhưng bằng chính những khí giới của con cái Thiên Chúa mà loài người đã từ bỏ, đó là vâng lời và yêu mến.  Đức vâng phục và lòng mến của Đức Ki-tô đã khiến người chấp nhận chết nhục trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi ta, nhưng cũng chính là lý do để Thiên Chúa cho Người sống lại.  Phục sinh là dấu chỉ Chúa Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi.  Để tham dự vào cuộc chiến với tội lỗi và chiến thắng của Chúa Ki-tô, bước đầu tiên hành trình của ta là “hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa”.  Lời giảng về Đấng Ki-tô phục sinh đã giúp bao người cất bước đầu tiên của hành trình đức tin ta cần đón nhận với tất cả tâm hồn và quyết tâm.  Do những tội lỗi của ta, chính ta “đã giết Đấng khơi nguồn sự sống”, cho nên ta “hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho ta”.

3.  Tuyên xưng Chúa Ki-tô Phục sinh có nghĩa là “tuân giữ các điều răn của Người” (bài đọc Tân Ước – 1 Ga 2:1-5a)

          Rao giảng Đấng Ki-tô phục sinh có nhiều cách.  Thánh Phê-rô anh dũng đứng trước sân Đền thờ Giê-ru-sa-lem nói với dân chúng về Đấng chính họ đã giết chết.  Các Tông đồ rao giảng đã “rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem”.  Thánh Gio-an khi đã về già không di chuyển nữa thì rao giảng qua những “thư gửi các con”.  Qua bài đọc hôm nay, ngài đã giảng cho chúng ta, “những người con bé nhỏ” của ngài.

          Đối với ngài, rao giảng hay sống mầu nhiệm Phục sinh là phải sống phù hợp với mục đích của sự Phục sinh.  Chúa Ki-tô sống lại là để cho thấy Người đã chiến thắng tội lỗi.  Do đó, ta phải sống làm sao như những người chiến thắng tội lỗi bằng cách “đừng phạm tội” (1 Ga 2:1).  Khai triển tư tưởng “ đừng phạm tội”, thánh Gio-an trở lại với lịch sử cứu độ, đó là “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi thế gian”.  Người giúp ta “biết Thiên Chúa”, nghĩa là đưa chúng ta trở lại trong mối yêu thương với Thiên Chúa.  Nhưng muốn duy trì và phát triển được mối yêu thương ấy, cách cụ thể nhất tức là “tuân giữ các điều răn của Người”.  Đấy là lối lý luận tài tình và hết sức thực tiễn của vị cha già nhắn nhủ những người con nhỏ bé của ngài.  Người cha ấy không muốn con nhỏ là “kẻ nói dối”, nói một đàng làm một nẻo.  Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa là cách duy nhất giúp ta “biết Thiên Chúa”, là cách ta tỏ lòng yêu mến Chúa là cách ta  làm cho “tình yêu Thiên Chúa thực sự nên hoàn hảo” nơi ta và những người chung quanh ta.

4.  Sống Lời Chúa

          Tin Chúa sống lại và sống đức tin Phục sinh là đề tài chính của mùa Phục Sinh.  Chúa Ki-tô đã hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại là để đức tin của họ được củng cố và họ trở nên những chứng nhân của người.  Bí tích Rửa tội đã cho ta được sống lại trong con người mới, để cùng chia sẻ niềm vui Phục sinh và được sai đi làm chứng cho Chúa Ki-tô.  Thánh Gio-an cho ta một phương thức cụ thể và hữu hiệu giúp ta thực hiện tốt đẹp sứ mệnh làm chứng cho Chúa, là ta hãy tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa mà làm cho tình yêu Thiên Chúa phát triển tột độ nơi ta.  Tuân giữ các điều răn Thiên Chúa như thế nào, ta hãy nhìn vào tấm gương của Chúa Giê-su Ki-tô, người Con Yêu Dấu của Cha trên trời đã được sai đến để dạy dỗ và dẫn dắt ta cùng về nhà Cha với Người.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ phải ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem.  Vậy tôi sẽ rao giảng Tin Mừng ấy như thế nào?  Và đối với tôi, đâu là “từ Giê-ru-sa-lem”, khởi điểm của hành trình rao giảng?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa.  Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật III Phục Sinh).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B