Chúa Nhật 15 mùa Thường niên,B

2009

 

          Nếu các ngôn sứ là những người nói thay cho Thiên Chúa trong thời Cựu Ước, thì các Tông đồ là những ngôn sứ của Chúa Ki-tô và được Người sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.  Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật trước đã nói với ta về những đặc nét của ngôn sứ trong Cựu Ước, đồng thời cũng giới thiệu cho ta vị Ngôn Sứ Con Thiên Chúa là Đức Ki-tô.  Bài Tin Mừng hôm nay là những lời Chúa Giê-su căn dặn các Tông đồ trước khi sai họ lên đường thực tập việc rao giảng.

 

1.  Ông A-mốt, một nông dân được kêu gọi làm ngôn sứ  (bài đọc Cựu Ước – A-mốt 7:12-15)

 

          Câu truyện ngôn sứ A-mốt bị tư tế A-mát-gia sỉ nhục và xua đuổi, cho ta hiểu đâu là điều giúp ta nhận ra một ngôn sứ đích thực.  Vốn là một nông dân chỉ biết miệt mài với công việc chăn nuôi và trồng cây, ông A-mốt không hề nghĩ một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ gọi ông làm công việc của một vị ngôn sứ.  Đáp lời gọi của Chúa, ông rao giảng ở miền bắc vương quốc Ít-ra-en, dưới thời Gia-róp-am II (783-743 trước công nguyên).  Với tính tình chất phác của người nông dân, lời giảng của ông giản dị, dễ hiểu, nhưng cũng hết sức mạnh mẽ và thẳng thắn.  Chính những lời ông cảnh cáo tội ác của mọi giới trong Ít-ra-en đã khiến cho các nhà lãnh đạo khó chịu và không muốn thấy ông hiện diện tại miền đất của họ nữa.  Do đó, A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết-Ên, đã quyết tâm xua đuổi ông.  Vị tư tế mỉa mai gọi ông A-mốt là “thầy chiêm”, danh từ ám chỉ người phục vụ các thần ngoại chứ không phải Thiên Chúa.  Tệ hơn nữa, ông ta còn coi sứ vụ ngôn sứ của A-mốt là một “nghề” để kiếm ăn!  Sau cùng ông ta đem cả cái nhãn hiệu “Bết-Ên, thánh điện của quân vương và đền thờ của vương triều” để dọa nạt A-mốt.

          Trả  lời cho vị tư tế, ông A-mốt đơn giản cho biết:  ông không phải là ngôn sứ, hay nói đúng hơn, ông không muốn được người ta xưng tụng là ngôn sứ, mà chỉ là một nông dân thi hành những gì Thiên Chúa truyền dạy ông phải làm, là “đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Chúa”.

          Thực thế, ngôn sứ là người đáp lại lời gọi của Chúa để thi hành một tác vụ, chứ đâu phải một nghề nghiệp hay một địa vị xã hội để vênh vang lên mặt.  Ơn gọi khác với nghề nghiệp.  Linh mục, tu sĩ, ngay cả những người chọn sống bậc gia đình hay độc thân đều là những người sống ơn gọi.  Còn bác sĩ, luật sư, kỹ sư... là những người chọn một nghề nghiệp.  Ơn gọi là để phục vụ, còn nghề nghiệp thì mục đích chính là để kiếm tiền và nếu hành nghề với lý tưởng phục vụ nữa thì càng hay biết mấy.  Nếu vậy thì ngoài các linh mục tu sĩ là những người chọn việc phục vụ, ta là những anh chị em giáo dân cũng vẫn có thể phục vụ mặc dù ta cần phải có nghề nghiệp để sinh sống.  Khi ta thi hành nghề nghiệp của ta cho có lương tâm, sử dụng nghề nghiệp để không những kiếm sống, mà còn giúp đỡ mọi người trong khả năng nghề nghiệp của ta tức là ta đang làm công việc phục vụ rồi đó.  Ta rao giảng bằng chính công việc của ta, bằng cách giao tiếp với những người liên hệ trong đức ái Ki-tô, trong đức công bằng và bình an như Giáo Hội dạy.  Ta sử dụng những tài năng trong lãnh vực nghề nghiệp để xây dựng cộng đồng, lo lắng cho công ích, chú tâm tới những người cần giúp đỡ về mọi phương diện...  Đó là ta đang cùng một lúc vừa thi hành nghề nghiệp, vừa làm việc tông đồ, một phương thức thực tiễn nhất để chu toàn tác vụ ngôn sứ của ta.

 

2.  Tinh thần tông đồ (bài Tin Mừng – Mác-cô 6:7-13)

 

Trước khi sai các Tông đồ ra đi rao giảng, Chúa Giê-su đã phải huấn luyện và đào tạo các ông.  Mặc dù các ông có cơ hội “học việc” với Chúa khi các ông theo Người đi khắp nơi, các ông vẫn cần một thời gian “thử việc” sau khi nghe những lời căn dặn quan trọng của Chúa.  Những lời căn dặn của Chúa hôm nay không phải là một bản đề cương chi tiết với những nguyên tắc luật lệ rõ ràng, nhưng là những lời đơn sơ nhắm nói lên tinh thần tông đồ hoặc hồn tông đồ là điều các ông cần phải có.  Nên nhớ đây không phải là một “nghề nghiệp” cần phải có bản “mô tả công việc” như ta thấy nơi các sở làm, nhưng là một “ơn gọi phục vụ” Chúa mời gọi để các Tông đồ đáp lời và ra đi phục vụ.

Trước hết Chúa sai họ đi từng hai người một, để họ không lẻ loi, nhưng nâng đỡ và giúp nhau, nhất là khi gặp những gian nan thử thách.  Tiếp đến, Chúa “ban quyền” cho các ông, không phải để dùng quyền đó mà hống hách nạt nộ hay áp bức người khác, nhưng là để sử dụng mà giải thoát người khác khỏi quyền lực của ác thần, bệnh tật thể xác cũng như tinh thần.

Những lời căn dặn của Chúa Giê-su nhắm đến tinh thần tông đồ và cách giao tiếp cũng như ứng phó với hoàn cảnh rao giảng.  Nói đến tinh thần tông đồ hoặc hồn tông đồ là nói đến tinh thần tự do, không vướng mắc vào tiền bạc, của cải, đời sống vật chất hoặc danh vọng ở đời.  Người tông đồ “không được mang gì đi đường” và chỉ độc nhất có “cây gậy và đôi dép” làm hành trang!  Không mang theo gì cả, ngoài lý tưởng phục vụ, bởi vì lỉnh kỉnh với những hành trang nặng nề sẽ làm tổn thương đến lý tưởng phục vụ.  Chỉ có cây gậy là lòng tín thác cậy dựa vào tình yêu cũng như quyền năng của Chúa.  Chỉ có đôi dép là sức mạnh của Chúa giúp họ bền bỉ và can đảm rảo khắp nẻo đường Chúa muốn họ đi.

Về cách giao tiếp và ứng phó với hoàn cảnh, người tông đồ phải luôn thẳng thắn, đó là điều cần thiết nhất.  “Khi anh em đã vào nhà nào” là cách nói ám chỉ người tông đồ đã được người ta tiếp nhận và lắng nghe.  Nếu thế thì người tông đồ cứ tác vụ mình mà thi hành, “ở lại đó” mà rao giảng, mà phục vụ, mà làm khí cụ bình an của Chúa, chứ đừng làm gì đi ngược với tinh thần tự do đích thực, đừng vướng mắc bất cứ gì dù là vật chất hay tình cảm.  Người tông đồ thẳng thắn khi được tiếp nhận, nhưng cũng thẳng thắn khi bị xua đuổi.  Dù không được đón tiếp niềm nở hay thậm chí bị xua đuổi, người tông đồ không cay đắng nguyền rủa những người xử tệ với họ, nhưng chỉ thẳng thắn “cảnh cáo” những kẻ ấy đã không tiếp nhận Tin Mừng để hy vọng ngày nào đó họ sẽ thay lòng đổi dạ.

Lời dặn dò của Chúa Giê-su chẳng cần văn hoa hoặc đao to búa lớn, nhưng là những điều đơn sơ nhất, cần thiết nhất và thực tế nhất.  Tinh thần tự do và tinh thần thẳng thắn đã đủ là hành trang của bất cứ ai muốn đáp lời Chúa ra đi rao giảng hoặc làm chứng cho những giá trị Tin Mừng.  Có lẽ ta tự hỏi:  vậy người giáo dân chúng tôi làm thế nào để áp dụng tinh thần tự do và thẳng thắn ấy?  Thì cũng vậy thôi, nghĩa là cứ sống như một người Công giáo không để cho tiền bạc, danh vọng và quyền lực làm chủ mình.  Nghĩa là cứ thẳng thắn và thành thực trong những giao tiếp, đối xử với những người chung quanh, lúc nào cũng cố gắng thực thi lời dạy “hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” của Chúa.  Như thế là ta đang làm ngôn sứ của Chúa Ki-tô, làm chứng nhân cho Tin Mừng của Người rồi.  Thánh sử Mác-cô kể rằng các Tông đồ đã thực sự lên đường và cũng đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp.  Chắc chắn việc lên đường ấy và gặt hái được những hoa trái tông đồ ấy không phải là điều không thể đối với ta, những Ki-tô hữu hôm nay.

 

3.  Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã chọn ta làm nghĩa tử (bài đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 1:3-14)

 

          Được Thiên Chúa chọn và gọi làm ngôn sứ là một ân sủng lớn lao.  Tuy nhiên được Người chọn làm nghĩa tử còn là một ân sủng lớn lao hơn nữa.  Chính vì thế thánh Phao-lô Tông đồ đã cảm nghiệm ân sủng cao sâu đó, nên mở đầu thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, ngài đã dành một đoạn hết sức tuyệt vời để dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.  Thánh Phao-lô chúc tụng Chúa, vì trong Đức Ki-tô, Chúa đã thực hiện cho nhân loại một điều vô cùng lớn lao mà ngài gọi là “kế hoạch yêu thương”.  Kế hoạch này được thực hiện đều là nhờ Chúa Ki-tô.  Vậy trong Đức Ki-tô và nhờ Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm gì cho ta?  Thánh Phao-lô kể ra những việc sau đây:  a) Thiên Chúa đã chọn ta và muốn ta nên tinh tuyền thánh thiện (Ep 1:4);  b) Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Ki-tô (1:5);  c) Thiên Chúa cứu độ ta nhờ máu Thánh Tử đổ ra (1:7);  d) Thiên Chúa đã chọn các Tông đồ làm gương mẫu đặt hy vọng vào Đức Ki-tô (1:11);  e) Thiên Chúa đã cho ta được diễm phúc đón nghe Tin Mừng (1:13);  và f) Thiên Chúa ban Thánh Thần làm bảo chứng phần gia nghiệp của ta (1:13).   Tất cả những điều này đều là những điều Thiên Chúa đã “tiền định”, tức là đã có kế hoạch từ trước muôn đời.  Nói như vậy tức là mọi thứ phúc họa ta gặp ở đời này chỉ là những may rủi hay trùng hợp, chứ không thể là “Chúa định”!  Chúa chỉ tiền định có một điều và Chúa chỉ tiền định điều tốt thôi, đó là sắp đặt “kế hoạch yêu thương” để mong ta đáp lại, cộng tác và sau hết được cùng Người hưởng phúc trường sinh.  Mà chính khi tiền định để cứu độ ta, Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyền tự do cộng tác của ta, chứ không tiền định một cách độc đoán đến độ “bắt” ta “phải” lên thiên đàng đâu!

          Có khi nào trong đời Ki-tô hữu, ta biết dừng lại một chút để suy nghĩ về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng Người như thánh Phao-lô đã làm không?  Hay là cái điệp khúc “ta là con cái Chúa và được Người cứu độ” đã trở thành quá quen thuộc đến độ ta không còn để ý tới ý nghĩa sâu xa của nó nữa, nhất là ta quên rằng đó là một kế hoạch của tình yêu?  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21; xem 17:18).  Chúa Cha đã sai Đức Ki-tô đi thực hiện kế hoạch yêu thương.  Giờ đây đến lượt Đức Ki-tô sai ta đi làm ngôn sứ và chứng nhân cho kế hoạch yêu thương ấy bằng chính đời sống yêu thương của ta.

 

4)  Sống Lời Chúa

 

          Chúa Giê-su kêu gọi các thánh Tông đồ, đào tạo họ trong tinh thần truyền giáo và sai họ đi rao giảng Tin Mừng.  Tất cả đều nhắm mục đích thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh và Người còn kêu gọi ta tiếp tục sứ mệnh của Người nếu ta sống tất cả những ân sủng đã lãnh nhận được từ kế hoạch yêu thương ấy.  Ý thức sứ mệnh tông đồ và truyền giáo ta được chia sẻ với Chúa Ki-tô, ta cố gắng sống cuộc đời Ki-tô hữu gương mẫu, để không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng việc làm và qua những giao tiếp đầy tình thương bác ái với anh chị em.

 

Suy nghĩ:  Tông đồ nghĩa là người được sai đi.  Vậy tôi được Chúa sai đi tới đâu và làm gì với tính cách là tông đồ của Người?  Những lời Chúa căn dặn các Tông đồ có ý nghĩa gì đối với tôi?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên;  xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này:  Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 14 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

             

         

                  

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B