Chúa Nhật 2 Thường niên, B

(2009)

 

          Phụng vụ mùa Thường niên bắt đầu với lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, đánh dấu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người.  Tuy nhiên Chúa không thi hành sứ vụ đơn độc, nhưng Người kêu gọi một số anh em cộng tác với Người.  Ơn gọi là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Dù việc Chúa gọi xảy ra trong thời Cựu Ước hay trong Tân Ước thì nội dung cũng đều giống nhau.  Cậu Sa-mu-en được Chúa gọi trong Đền Thờ hoặc các môn đệ đầu tiên được Chúa Giê-su gọi là những câu truyện được lập lại ngay trong cuộc sống Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi, dù mỗi người ở một hoàn cảnh đặc biệt.  Những câu truyện này còn đưa ta đi xa hơn, không chỉ làm môn đệ Chúa mà còn kết hợp mật thiết với Người.

1.  Đức Chúa gọi Sa-mu-en trong Đền thờ (bài đọc Cựu Ước – 1 Sm 3:3b-10.19)

          Nước Ít-ra-en dưới thời các Thủ lãnh đang tiến dần đến chế độ quân chủ.  Về phương diện chính trị, đây là dấu chỉ nói lên sự lớn mạnh của Ít-ra-en.  Nhưng đó cũng là mối đe dọa cho đời sống đức tin của dân Chúa.  Họ có thể mất sự thăng bằng, quá để ý đến thế quyền mà lơ là bổn phận phụng thờ Thiên Chúa.  Do đó cần phải có những người làm công việc nhắc nhở các nhà lãnh đạo và dân chúng Ít-ra-en phải gắn bó với Thiên Chúa, chứ đừng buông thả đi theo các thần ngoại và lối sống ngược lại với giao ước Thiên Chúa đã ban cho họ qua ông Mô-sê.  Chính trong bối cảnh này, Sa-mu-en đã chào đời và được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa để trong tương lai sẽ đảm nhận trách nhiệm ngôn sứ Người kêu gọi và trao phó.

          Câu truyện mô tả một cậu bé sống trong nhà Chúa và chăm chỉ phụ giúp công việc cho thầy tư tế Ê-li.  Mẹ của cậu đã tự nguyện dâng hiến cậu cho Thiên Chúa để Người hoàn toàn sử dụng.  Bà khẳng định với thầy Ê-li:  “Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người.  Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa.  Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa” (1 Sm 1:27-28).  Sống với công việc phục vụ Đền thờ, “cậu bé Sa-mu-en lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta” (1 Sm 2:26).  Có những nét tương tự giữa Sa-mu-en với Chúa Giê-su, như ta đọc thấy trong Tin Mừng Lu-ca:  “Còn Đức Giê-su, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2:52). 

          Cuộc đời thơ ấu được ghi lại, đó là điều quan trọng, nhưng thời điểm được Chúa gọi còn quan trọng hơn nữa, vì tất cả được chuẩn bị cho một sứ mệnh cao cả.  Cho nên việc Chúa gọi Sa-mu-en quan trọng vì nó đánh dấu khởi đầu sứ mệnh ngôn sứ của ngài.  Điểm cảm động trong câu truyện này là thái độ sẵn sàng lắng nghe và đáp lại của Sa-mu-en.  Khi được thầy tư tế Ê-li chỉ bảo cách trả lời, cậu Sa-mu-en đã thưa với Chúa:  “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3:10).  Phải lắng tai, không phải với đôi tai bằng thịt, nhưng đôi tai tâm hồn, thì mới nghe được tiếng Chúa gọi.  Rồi sau khi đã nghe Chúa gọi, ta còn phải tiếp tục nghe lời gọi của Người ngay khi ta đang thi hành sứ vụ Chúa trao.  Sa-mu-en đáp lời Chúa gọi, chu toàn tác vụ ngôn sứ, vì “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1 Sm 3:19).

          Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế mặc lấy thân phận người phàm như ta.  Suốt cuộc đời trần thế, Người cũng sẵn sàng lắng nghe và đáp trả lời gọi của Thiên Chúa.  Đáp lởi gọi, Chúa Giê-su đã được cha mẹ đưa về quê hương sau những ngày trốn tránh bên Ai-cập (Mt 2:15).  Người được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa tại Đền thờ.  Năm 12 tuổi, Người đã ý thức rõ ràng tiếng gọi của Chúa Cha.  Người đã thẳng thắn giãi bày với cha mẹ:  “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49).  Khi đã trưởng thành và thi hành sứ vụ cứu thế, không lúc nào Người không tâm niệm làm theo thánh ý Chúa Cha, ngay cả đến vâng lời nhận cái chết cực hình để xóa tội trần gian.  Tóm lại, lời Thánh vịnh “Này con xin đến!” là châm ngôn đời sống của Chúa Giê-su (Tv 39:8a).  Người đã thực hiện lời Sách Thánh nói về Người:  “Trong sách có lời chép về con rằng:  con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 39:8b-9).

2.  Như Chúa Giê-su đã gọi các môn đệ đầu tiên, Người cũng gọi ta làm môn đệ Người (bài Tin Mừng – Ga 1:35-42)

          Câu truyện Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên gần gũi với ta hơn, so với việc Đức Chúa gọi Sa-mu-en trong Đền thờ, vì đó là câu truyện một vị Thầy (Ráp-bi) mời gọi người khác làm môn đệ mình.  Kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên không trực tiếp như trường hợp Chúa gọi ông Mát-thêu, nhưng qua sự giới thiệu hay đề cử của một người khác.  Cho dù gọi trực tiếp hay qua trung gian, Chúa Giê-su vẫn tôn trọng tự do của những người được gọi và mời họ trước hết “Đến mà xem”, rồi quyết định dứt khoát theo Người.  Ngay cả trường hợp ông Si-môn cũng vậy.  Ông không đích thân đến mà xem như hai môn đệ của ông Gio-an Tẩy giả, nhưng ông đã đến mà xem bằng cách lắng nghe anh mình là ông An-rê nói về Chúa, để rồi ông để cho anh dẫn mình đến với Chúa.

          Ta được mời gọi hãy “đi tìm” Chúa, “đến xem chỗ Người ở” và “ở lại với Người”.  Đó là tiến trình làm môn đệ Chúa.  Chúa gọi ta làm môn đệ.  Ta đáp lại lời gọi bằng cách tiến tới qua ba bước như trên, nghĩa là phải rời bỏ từ chính bản thân mình để làm cuộc hành trình đi tìm, đến xem và ở lại với Chúa.  Hành trình làm môn đệ Chúa đòi hỏi giá đắt, là phải rũ bỏ tất cả để chỉ còn tín thác vào một mình Chúa mà thôi.  Đây chính là hành vi của đức tin, giống như ông Áp-ra-ham đã “tin” vào Đức Chúa.  Chẳng vậy mà Chúa Giê-su thường lập lại nhiều lần việc “hãy tin vào Người”.  Cử chỉ Chúa “nhìn” ông Si-môn quả thực rất có ý nghĩa.  Cái nhìn của Chúa hàm chứa biết bao ý nghĩa.  Có thể là Chúa chấp nhận đức tin của ông.  Có thể là cái nhìn chan chứa tình yêu, diễn tả những gì lời nói không diễn tả nổi.  Có thể là cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng “thấu suốt tâm can” con người.  Dầu sao cái nhìn ấy luôn luôn đem lại khích lệ, mời gọi đáp trả.

          Một chi tiết trong câu truyện Tin Mừng rất ý nghĩa đối với ta ngày nay, đó là việc hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy”.  Thử hỏi chỗ Chúa Giê-su ở có gì thu hút ghê gớm đến độ hai ông quyết định ở lại luôn với Người?  Chắc chắn không phải là một biệt thự sang trọng, mà chỉ là một túp lều tạm bên bờ sông Gio-đan.  Cho nên chỗ Người ở chẳng có gì đáng xem cả.  Nhưng điều quan trọng là chính Đấng ở nơi ấy là ai.  Tiếp xúc với Chúa một buổi chiều là đủ để các ông đổi đời, quyết định làm môn đệ Người.  Như vậy, ta có thể hiểu khi nói “chỗ Người ở” là thánh Gio-an muốn nói đến lối sống và giao tiếp của Chúa Giê-su.  Cũng thế, ta không đến trước Nhà Tạm trong nhà thờ để “xem chỗ Người ở”, nhưng ta đến đó với mục đích duy nhất là để “gặp” Người và “ở lại” với Người.  Mỗi khi ta đến nhà thờ để gặp và ở lại với Chúa là ta sống việc làm môn đệ Chúa.  Nói như vậy thì có lẽ không ít người tuy đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật, nhưng vì họ không gặp và ở lại với Chúa – sống quan hệ yêu mến – nên họ thực ra không phải là môn đệ Chúa.

3.  Hành trình làm môn đệ Chúa:  “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 6:13c-15a.17-20)

          Thánh Phao-lô được Chúa gọi trên đường ông đi Đa-mát để bắt bớ tín hữu Chúa.  Cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh tuy ngắn ngủi, nhưng lại gây một hiệu năng vô cùng sâu xa, biến đổi con người thù địch với Chúa Ki-tô thành một Tông đồ dân ngoại hết sức nhiệt thành.  Không được diễm phúc sống với Chúa những ngày Người thi hành sứ vụ rao giảng nên Phao-lô cố gắng “ở lại” với Chúa bằng cuộc đời tận hiến để chiếm hữu được Đức Ki-tô (xem Pl 3).  Với Phao-lô, làm môn đệ Chúa Ki-tô có nghĩa là “kết hợp với Chúa để nên một tinh thần với Người”.  Làm môn đệ Chúa đâu phải chỉ là cái danh, mà là phải thực sự kết hợp với Người và sống cũng như hành động theo tinh thần và lối sống của Người.  Có biết bao người vỗ ngực xưng mình là Ki-tô hữu, nhưng qua lối sống của họ ta chẳng nhận thấy tinh thần của Chúa đâu cả.

Tinh thần của Chúa là cao điểm người Ki-tô hữu phải đạt tới nếu họ muốn làm môn đệ Người.  Tinh thần biểu lộ tất cả những gì là tinh túy và đặc biệt nhất của một người hay một đoàn thể.  Mà tinh thần của Chúa Ki-tô chính là Thánh Thần hay tinh thần của Thiên Chúa.  Có “kết hợp” thì mới “nên một tinh thần” được.  Do đó, muốn thấm nhuần và hoàn toàn chịu ảnh hưởng tinh thần của Chúa Ki-tô, ta phải kết hợp với Người.  Kết hợp bằng cách “đi tìm Người, đến với Người và ở lại với Người”.  Những cách thức kết hợp này luôn luôn ở trong tầm tay của ta.  Ta có Kinh Thánh là nơi Chúa dạy dỗ ta, có Nhà Tạm Thánh Thể là nơi Người hiện diện mầu nhiệm, có đền thờ là chính tâm hồn ta làm nơi Người ngự trị.  Đọc và suy niệm Kinh Thánh là cách để ta hiểu biết tinh thần của Chúa.  Các bí tích, nhất là Thánh Lễ, là những môi trường đặc biệt để ta gặp gỡ Chúa.  Cuộc kết hợp ấy liên tục kéo dài suốt cuộc đời dương thế của ta sẽ đưa ta đến sự kết hợp vĩnh cửu với Chúa mai sau vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Làm môn đệ Chúa là đề tài hết sức rộng rãi, nhưng không kém phần lý thú và an ủi.  Chúa luôn mời gọi ta đi theo Người.  Ta quảng đại rũ bỏ mọi sự để đến và ở lại với Người.  Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phải tạo một quan hệ yêu thương, nhờ đó ta để cho Thầy chí thánh rèn luyện ta, biến đổi ta thành một Ki-tô hữu đích thực, khiến cho ta sống nhưng không còn là ta, mà là Đức Ki-tô sống trong ta.

Suy nghĩ:  Chúa hỏi hai môn đệ ông Gio-an Tẩy giả đến với Người:  “Các anh tìm gì thế?”  Nếu Chúa cũng hỏi tôi câu hỏi như thế, tôi sẽ trả lời Người thế nào?  Câu trả lời ấy có được thực hiện trong cuộc đời tôi lúc này không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa là Đấng yêu thương loài người, chúng con khiêm tốn dâng lời khẩn nguyện:  xin gìn giữ chúng con luôn sống dưới quyền năng Chúa Thánh Thần và chúng con sẽ quảng đại hơn khi đáp lại ơn gọi làm Ki-tô hữu.  Nhờ đó chúng con có thể làm chứng cho chân lý và tích cực góp phần xây dựng sự hiệp nhất giữa những người tin, và đem lại bình an cho mọi người.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho các Ki-tô hữu được hiệp nhất)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B