Chúa Nhật XXI Thường Niên B

Lời Của Sự Sống Muôn Đời

 

Gio 6:60-69: 60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" 61Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. 64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. 67 Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? " 68 Ông Simôn Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."

 

Đoạn 6:60-71 là phần cuối của chương 6, kết thúc bằng việc mô tả thái độ của các môn đệ và nhóm Mười Hai trước giáo huấn về Bánh bởi trời. Đoạn nầy được chia thành hai phần dựa trên sự xuất hiện của cụm từ “nhiều môn đệ” (cc. 60.66): 1- Đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ (6:60-65); 2- Đối thoại với nhóm Mười Hai (6:66-71). Hai đoạn được trình bày gồm những chi tiết hầu như song song và tương phản với nhau: - một số các môn đệ - nhóm Mười Hai (cc. 60.66 và 67); - Lời khó nghe - Lời của sự sống muôn đời (cc. 61 và 68); - Một số môn đệ không tin và bỏ đi - nhóm Mười Hai tin và tiếp tục theo Người (cc. 64.66 và 68.69).

 

Qua cách dùng từ ngữ và cấu trúc, Gioan muốn cho thấy có một số môn đệ như người Do thái cũng tỏ thái độ phản đối trước lời của Chúa Giêsu về Bánh (6:41.43.61). “Lời của Người” (c. 60) là toàn bộ giáo huấn liên quan đến Bánh (6:31-59). Lời ấy “khó nghe” vì tự bản tính lời ấy rất khó hiểu nếu không được Thiên Chúa dạy dỗ (x. 6:45), nên khó được chấp nhận, khó tin và gây nên sự phản đối về phía người nghe (c. 61; x. 6:52; 8:43).

 

Để giải thích cho họ, hình ảnh “Người Con của Nhân Loại” được dùng để chỉ nguồn gốc “bởi trời” của Chúa Giêsu (x. 1:51; 3:13; 6:53.62); như thế, lời của Người cũng là lời của Thiên Chúa. Ở đây, “thần khí” và “xác thịt” được phân biệt nhau qua những đặc tính tương phản là “làm cho sống” và “vô dụng”  (c. 63; x. 3:6). Lời của Chúa Giêsu là thần khí, nghĩa là lời bởi trời như thần khí đến bởi trời (1:32); đó là lời đến từ Chúa Cha (x. 14:10). Lời ấy cũng là sự sống, vì chính Chúa Giêsu là sự sống (1:4; 11:25; 14:6). Như thế, lời của Người như là lời của Thiên Chúa, có khả năng làm cho sống những ai tin vào Người. Lời ấy làm cho họ sống bởi sự sống của Thiên Chúa khi đưa họ vào tham dự Nước Thiên Chúa (3:5).

 

 Nhiều lần trong chương 6, đức tin được đòi hỏi như là điều kiện không thể thiếu để có sự sống: Tin vào “Người được gởi đến” (6:29), vào “Tôi” (6:35), vào “Người Con” (6:40), vào “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6:69). Ở đây là tin vào lời giáo huấn của Người về Bánh bởi trời. Tóm lại, ai tin vào Người thì có sự sống muôn đời (6:47). Tuy nhiên, ở đoạn cuối nầy của chương 6, Chúa Giêsu cho thấy là có một số người không tin vào Người (c. 64). Họ không chỉ là một số môn đệ được ghi nhận ở đây mà thôi (c.66), mà cả những người đã đến xin Người thực hiện một dấu lạ (x. 6:30). Họ đã thấy Người và những việc Người làm, nhưng họ đã không tin vào Người (6:36). Việc tin vào Chúa Giêsu và đến với Người là công việc của Chúa Cha. Nếu Chúa Cha không ban cho, không ai có thể đến với Người, cũng như không thể hiểu và chấp nhận lời của Người (x. 3:27). Như thế, để có thể nghe và tin vào lời của Chúa Giêsu, cần đến cách tuyệt đối tác động của Cha Người (x. 6:45).

 

Đối với Gioan, việc lắng nghe Chúa Giêsu luôn đi kèm theo một hành động đức tin như đi theo Người (1:37.40; 5:24); chấp nhận lời Người nói là sự thật (x. 3:32; 4:42); trái lại ở đây, như là hậu quả của việc “không thể nghe Người” (c. 60) và không tin vào Người (c.64), một số môn đệ đã có hành động đối nghịch đức tin đó là tháo lui và không đi với Người nữa (c.66). Tương phản với thái độ ấy, nhóm Mười Hai tiếp tục đi với Chúa Giêsu và tin vào lời của Người. Trong câu trả lời gồm một câu hỏi và một câu khẳng định, Phêrô đã xác định nhân danh nhóm Mười Hai là chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự sống muôn đời. Trong diễn từ về bánh ban sự sống nầy, cụm từ “đến với” Chúa Giêsu được dùng nhiều lần và bao giờ cũng nhắc đến một sự chuyển thông sự sống từ Chúa Giêsu sang bất cứ ai đến với Người (6:35.37.44.45.65). Do đó, nhóm Mười Hai xác tín là họ không thể đi đến với ai khác ngoài Người là nguồn sự sống. Lời của Người cũng ban sự sống muôn đời (6:68), như chính bánh bởi trời (6:33.35.48.51.53) và thịt của Người (6:54.57). Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6:69) là cao điểm của giáo huấn về Bánh bởi trời đã được trình bày cách tiệm tiến từ việc làm bánh hóa ra nhiều cho năm ngàn người ăn (6:1-13) đến giáo huấn về bánh bởi trời và thịt của Người được ban để làm của ăn (6:31-59). Vậy, chỉ Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa mới có thể ban bánh mang lại sự sống muôn đời cho con người.

 

Sự sống muôn đời gắn liền với Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh và là Con của Thiên Chúa. Hãy tin vào lời của Người, vào bánh Người ban để có sự sống muôn đời.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B