CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN, năm B

Ga 17, 11b-19 hoặc Mt 10, 17-22

 

HY SINH KHÔNG SỜN

 

   Chúa nhật 33 thường niên, năm B cũng là Chúa nhật mừng các thánh tử đạo Việt Nam. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta hiểu rõ theo Chúa là chấp nhận hy sinh, từ bỏ và nhiều khi phải chấp nhận đổ máu, hy sinh mạng sống của mình. Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam chúng ta không khỏi cảm động và hết sức khâm phục các bậc tiền bối đã can đảm, cương quyết làm chứng cho Chúa Giêsu dẫu phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình.

  Gần 400 thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, Hội Thánh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có những lúc hầu như Giáo Hội được phong phú, nở hoa nhưng có những lúc Hội Thánh gặp những phong ba bão táp, gặp những cơn bách hại khủng khiếp. Giáo Hội Việt Nam cũng như Hội Thánh hoàn cầu do Chúa thiết lập và vun khoén đã không ngừng phát triển dù rằng khắp nơi Giáo Hội luôn gặp những nghi kỵ, những khó khăn, thử thách. Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, tạo dựng con người giống hình ảnh của Người. Tuy nhiên, sự trinh nguyên, trong sáng lúc đầu đã bị con người đánh mất do ma quỉ cám dỗ gây nên. Vì yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến trần gian để cứu độ con người. Đức Giêsu Kitô đã không ngừng tái tạo con người, đã không ngừng tái tạo cuộc sống mới : trên thập giá lúc kết thúc đời sống ở trần gian, Đức Giêsu Kitô đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài, hứa nước thiên đàng cho kẻ trộm lành, trối thánh Gioan cho Đức Mẹ  và Ngài phó thác Ngài cho Thiên Chúa Cha.

   Các thánh tử đạo Việt Nam mà chúng ta mừng kính hôm nay là những người đã hy sinh xây dựng Hội Thánh Việt Nam. Chính máu của các Ngài đổ ra là mầm mống nẩy sinh người theo Chúa.

“Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, con cũng sai họ đến trong thế gian”( Ga 17, 18 ).Thế gian là các thánh tử đạo Việt Nam đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, quê hương, làng xóm, vua quan và mọi người dân…Chúa Giêsu đã yêu mến và sống hết sức tận tình cho thế gian đó. Thế gian đã trở nên máu thịt của người môn đệ Chúa vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ và là nơi họ trở nên môn đệ Chúa toàn vẹn.

“Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” ( Ga 17, 16 ).

Người môn đệ Chúa vẫn sống trong thế gian nhưng suy nghĩ và hành động của họ hoàn toàn khác với suy nghĩ của thế gian. Người môn đệ Chúa không khinh thường các giá trị của đời sống nhưng họ biết đâu là giá trị phải giữ, phải trân trọng. Bởi vì họ là muối là men cho đời.Tử đạo là bằng chứng tuyệt vời nhất của sự minh chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa. Việc đổ máu và hiến cả mạng sống để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là cái giá mà các thánh tử đạo phải trả. Họ làm chứng cho một niềm tin sâu xa, một đức tin khiến có thể dời núi, dời non, một đức tin sâu xa trong Đấng ban sức mạnh cho họ. Chúa Giêsu cũng đã phải trả giá :” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “( Ga 15, 13). Làm chứng là phải trả giá, nhưng trước sự đau khổ tột bực, cái chết tang thương, chính Chúa Giêsu cũng đã phải thốt lên :” Xin cho Con khỏi uống chén đắng này nhưng đừng theo ý của Con mà là theo ý Cha “.

   Các thánh tử đạo Việt Nam gồm đủ mọi thành phần : các Giám mục, Linh mục, nữ tu, quan quyền, thầy giảng, giáo dân, người lớn, trẻ em. Tất cả các Ngài đã nhất nhất tuyên xưng đức tin và thà chết chứ không hề chối đạo, quá khóa vv…Máu của các thánh tử đạo Việt Nam đã xây nên Giáo Hội Việt Nam vững mạnh.

  Theo Chúa là chứng nhân. Theo Chúa là phải trả giá. Mỗi thời, mỗi giai đoạn khác nhau đều có những cách trả giá khác nhau. Nhưng nhất thiết, theo Chúa là phải trả giá. Người môn đệ Chúa sống chứng nhân không phải lúc nào cũng xuôi chảy, lúc nào cũng dễ dàng.

   Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con có thể làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của mình. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B