CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 15:9-17)

          Chúng ta đã nhiều lần nghe Chúa Giê-su lập đi lập lại hai từ “ở lại”.  Ở lại trong Chúa như con chiên kề bên mục tử.  Ở lại trong Chúa Giê-su như cành nho gắn liền với cây nho.  Nhưng đâu là động lực để chiên và mục từ, cành nho và cây nho, “ở lại” với nhau?  Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời ngắn gọn:  động lực ấy là lòng yêu thương!

          Trước hết chúng ta phải xác tín rằng Chúa Giê-su tự nguyện muốn ở lại với chúng ta, bởi vì Người mong chúng ta “được hưởng niềm vui trọn vẹn” của Người.  Niềm vui ấy nảy sinh từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su.  Tuy nhiên niềm vui này không phải là ngồi yên đấy mà hưởng thụ, nhưng là vui qua hành động khi Chúa Giê-su “giữ các điều răn của Chúa Cha”.  Nói khác đi, vì yêu mến Chúa Cha nên Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao ban và điều ấy đem lại niềm vui cho Người.  Như vậy, chúng ta nhận thấy có ba điều liên hệ với nhau:  ở lại trong tình yêu, giữ các điều răn và được hưởng niềm vui.  Ba điều này nói lên sự sống động của mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Giờ đây Chúa Giê-su muốn kéo chúng ta vào trong mối tương quan ấy và Người đi trước chúng ta khi Người “hy sinh tính mạng” trên thập giá vì bạn hữu là tất cả chúng ta.

          Chúa Giê-su áp dụng cùng một khuôn mẫu tương quan giữa Người với Chúa Cha vào trong mối tương quan giữa Người với chúng ta.  Người mời gọi chúng ta ở lại trong tình thương của Người.  Nghĩa là Người xin chúng ta đừng trốn tránh tình yêu của Người.  Tình yêu của Người thật là lớn lao.  Lớn lao vì Người đã chết do yêu thương chúng ta.  Lớn lao vì Người đã đưa chúng ta từ vị trí tôi tớ lên địa vị bạn hữu của Người.  Lớn lao vì Người không giấu diếm chúng ta điều gì, nhưng “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.  Lớn lao vì chính Người đã “chọn” chúng ta trước, chứ không phải chúng ta chọn Người.

          Vậy chúng ta “ở lại” với Chúa bằng cách nào?  Đơn giản thôi!  “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.  Nếu chúng ta thắc mắc hỏi Chúa rằng “Các điều răn của Thầy” là gì, Người sẽ lập tức trả lời:  “Đây là điều răn của Thầy:  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Nói loanh quanh rồi Chúa cũng dẫn chúng ta về khởi điểm là tình yêu.  Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha sang Chúa Giê-su, rồi từ Chúa Giê-su sang mỗi người chúng ta, tiếp theo là từ chúng ta sang anh chị em, cuối cùng lại trở về khởi điểm là Thiên Chúa.  Chiêm ngưỡng cái vòng luẩn quẩn này của tình yêu, thánh Gio-an không ngần ngại định nghĩa:  Thiên Chúa là Tình Yêu.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúa Giê-su đã “chọn” chúng ta và “cắt cử chúng ta ra đi để sinh hoa trái”.  Người chọn chúng ta không như chọn hàng hóa, lựa rau cỏ, nhưng chọn bằng trái tim và bằng cả tính mạng của Người.  Rồi Người trao cho chúng ta sứ mệnh phải ra đi để sinh hoa trái, hoa trái của tình yêu chúng ta biểu lộ cho nhau.  Chính tình yêu của Người đã sinh hoa trái cho chúng ta trước, đó là ơn cứu độ.  Giờ đây đến lượt tình yêu của chúng ta phải sinh hoa trái cho anh chị em.  Những hoa trái tình yêu của chúng ta nhiều không kể xiết.  Có thể là một người thiếu thốn được chúng ta giúp đỡ.  Có thể là một người bạn không còn sống đạo được chúng ta đem về lại với Chúa.  Cũng có thể là bà mẹ chồng thay đổi thái độ cay nghiệt đối với con dâu.  Hoặc hoa trái tình yêu là bầu khí cởi mở, nâng đỡ nhau giữa mọi người trong gia đình…

          Tất cả những hoa trái của tình yêu đều đem lại niềm vui.  Chúa Giê-su đã làm cho Chúa Cha vui lòng (Mát-thêu 3:17).  Người cũng muốn niềm vui của hết thảy chúng ta được trọn vẹn.  Rồi khi chúng ta biểu lộ lòng yêu thương anh chị em bằng những hành vi bác ái, nâng đỡ, khích lệ, chúng ta cũng cảm nhận được niềm vui.  Đến lượt những người được chúng ta yêu thương, chính họ cũng nhận ra niềm vui nữa.  Tất cả đều là nhờ “ở lại trong tình yêu thương” mà thôi.  Ước gì đó cũng là luật sống của chúng ta!


Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B