ĐẤNG CÓ UY QUYỀN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 1, 21-28

 

Đọc Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thích thú bởi vì mỗi chữ, mỗi câu đều mới mẻ. Đức Giêsu lúc đó được mời giảng dạy trong Hội Đường, vì Gioan Tẩy Giả sau khi bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilêa và giảng dạy, giải thích Kinh Thánh trong Hội Đường một cách công khai. Thánh sử Máccô không cho biết Chúa Giêsu giảng gì, nhưng Tin Mừng cho biết :” Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các Luật sĩ “ ( Mc 1, 22 ).

 

Đức Giêsu giải thích Thánh Kinh, giảng dạy với lời lẽ rất mới mẻ. Giáo lý của Ngài là chân lý, hay nói đúng hơn qua giáo lý của Chúa, dân chúng nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Giáo lý của Ngài làm cho danh tiếng của Ngài được đồn thổi khắp vùng Galilêa. Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền vì Ngài là Thiên Chúa, chứ không như các ngôn sứ trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho. Chúa Giêsu cũng không giảng dạy như các Kinh sư Do Thái là những người giải thích Thánh Kinh theo cảm hứng, tỉ mỉ một cách vô lối và chỉ chất lên vai người khác những gánh nặng luật lệ mà chính họ thì cứ tỉnh bơ, phè phỡn. Giáo huấn, những lời dạy dỗ của Chúa là một cuộc đổi mới, một cuộc cách mạng lớn lao, một việc rao giảng Tin mừng cứu rỗi, đặc biệt cho những kẻ nghèo khổ, những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ bị xã hội lúc đó đẩy ra bên lề xã hội. Đám đông dân chúng nghe Chúa giảng dạy đều nhận ra sự khác biệt giữa giáo huấn của Chúa và những lời giải thích nông cạn, đầy vẻ bề ngoài của các Kinh sư Do Thái.

 

Chúa Giêsu không bao giờ chỉ nói suông, nhưng lời nói của Ngài luôn kèm theo hành động bởi vì lời của Ngài là :” Lệnh truyền cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân theo “ ( Mc 1, 27 ).Phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài có quyền trên sự sống và sự chết. Phép lạ của Chúa gây ấn tượng và hạnh phúc, hứng thú cho dân chúng chứng kiến việc làm của Ngài nhưng những kẻ chống đối thì hạch hỏi :” Ông lấy quyền nào mà làm như vậy “. Nhiều người đặc biệt là những người Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái không muốn công nhận uy quyền của Chúa, hay nói cách khác họ không nhận Chúa là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ. Họ luôn mong ước một vị anh hùng dân tộc đến để giải phóng đất nước, dân tộc Do Thái ra khỏi ách thống trị của Đế quốc Roma, còn Chúa, Ngài lại đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi.

 

Chúng ta là môn đệ Chúa, chúng ta nên hiểu rằng ma quỉ không chỉ xuất hiện như những hình chúng ta xem: ma quỉ đen, có đuôi, xấu xí. Nếu thấy rõ chúng, con người sẽ dễ tránh xa và không bị sa ngã. Tuy nhiên, ma quỉ xuất hiện qua nhiều dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng dễ làm mờ mắt chúng ta, nên khó lòng chúng ta né tranh được chúng nếu chúng ta không khôn ngoan, tỉnh thức.

 

Do đó, chúng ta cần siêng năng học hỏi lời Chúa để bình tâm suy niệm và sống lời Chúa, để chúng ta luôn khám phá ra sự mới mẻ của lời Chúa, đồng thời nhận ra uy quyền của Chúa tỏ bày khắp mọi nơi.

 

Sứ điệp Tin mừng và Chúa nhật IV hôm nay mời gọi mọi Kitô hữu dừng lại để suy gẫm. Chúng ta hãy nhìn vào tha nhân để nhận ra họ cũng là con cái Chúa để chúng ta yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vâng, Chúa đã khai mạc Vương Quốc yêu thương của Ngài giữa trần gian và Chúa muốn chúng ta hoàn tất nhiệm vụ Chúa trao phó cho chúng ta là làm đẹp Vương Quốc của Ngài. Lý do khiến chúng ta bị trì trệ việc hoàn tất Vương Quốc của Chúa là vì chúng ta không biết biểu lộ tình yêu thương đối với người khác, ngay cả đối với những người thân thương nhất. Sở dĩ như thế vì chúng ta không biết dừng lại để nhận ra người khác cũng được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài và cũng phải được yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.

 

G.Courtois đã viết :” Nếu chúng ta khiêm nhu sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên “ muối, men “ cho cả nhân loại vì ánh sáng của những người sống lời Chúa chiếu tỏ xa hơn người ta tưởng rất nhiều “.

 

Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hóa, giáo huấn nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô :” Hãy củng cố chiên con, chiên mẹ của Ta”. Xin cho mọi Kitô hữu luôn trung thành với Hội Thánh và sẵn sàng vâng nghe Giáo huấn của Hội Thánh qua các vị mục tử Chúa đặt lên coi sóc dân Chúa. Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Lời giảng dạy của Chúa Giêsu khác với lời giải thích của các Kinh sư như thế nào ?

2.Quyền giáo huấn là gì ?

3.Tại sao Lời của Chúa luôn kèm theo phép lạ ?

4.Những kẻ ủng hộ Chúa thì nghĩ về Chúa thế nào ?

5.Những kẻ chống đối Chúa thì nghĩ về Chúa làm sao ?

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B