cÁC MỤC ĐỒNG VIẾNG THĂM HÀI nhi GIÊSU

 (Luca 2,16-21 – Mẹ Thiên Chúa)

 

1.- Ngữ cảnh

Trong ch. 1–2 của TM Lc, tức phần mở của TM này, Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả được đặt song song thành hai cánh:

1) Cánh các cuộc loan báo (1,5-56):

a) Loan báo về Gioan (1,5-25);

b) Loan báo về Đức Giêsu (1,26-38);

2) Cánh các cuộc chào đời (1,58– 2,52):

a) Gioan sinh ra (1,58-80);

b) Đức Giêsu sinh ra (2,1-52).

Bản văn 2,1-20 là phần đầu trong khối bản văn nói đến việc Đức Giêsu chào đời. Bản văn chúng ta đọc hôm nay ở trong phần này.

 

2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành bốn phần:

          1) Các mục đồng viếng thăm Hài Nhi (2,16);

          2) Các mục đồng ra về (2,17-18);

3) Phản ứng của những người trong cuộc: Maria và các mục đồng (2,19-20);

4) Đức Giêsu chịu phép cắt bì (2,21).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ (16): Tác giả không nói gì đến cách thức Hài Nhi (brephos) được cưu mang.

- kể lại (17): Họ kể cho bà Maria và ông Giuse, và chắc chắn cho cả cư dân Bêlem nữa. Theo tác giả Lc, bà Maria đã biết con của mình là Đấng Mêsia thuộc dòng tộc vua Đavít (1,32-35) và được nhìn nhận là “Đức Chúa” (1,43). Hẳn là các mục đồng thêm rằng Người cũng là “Đấng Cứu Độ” (2,11). Ở đây Hài Nhi được gọi là paidion.

- Nghe các người chăn chiên thuật chuyện (18): Những người nghe là dân Bêlem.

- ghi nhớ mọi kỷ niệm (19): dịch sát là “giữ các lời (hoặc các điều, rhêmata) ấy”. Động từ Hy Lạp được dịch ra là “ghi nhớ” là syntêrein, còn ở c. 51 là động từ diatêrein, “ghi nhớ [với sự yêu thương trìu mến]”. Trong Cựu Ước, diatêrein được dùng ở St 37,11 LXX; còn syntêrein được dùng ở Đn 4,28 LXX. Cả hai động từ này đều diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng bởi một điều vừa nghe biết, nên ghi giữ các điều nghe được ấy trong đáy lòng để cố gắng tìm ra ý nghĩa của chúng. Cả hai động từ này được dùng để phác ra dung mạo thiêng liêng của Đức Maria.

- suy đi nghĩ lại (19): Symballein dịch sát là “tung, ném”.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối đoạn văn chúng ta đã đọc vào lễ đêm Giáng Sinh.

 

* Các mục đồng viếng thăm Hài Nhi (16-20)

Các mục đồng,những người bị xếp vào hạng ô uế và bị xã hội Do Thái khinh bỉ, đã đi theo sự hướng dẫn của dấu chỉ; họ thấy ông Giuse, bà Maria và Hài Nhi. Sau đó, họ truyền đạt lại sứ điệp. Tất cả những ai nghe biết đều ngạc nhiên (18). Ở 1,66, tác giả Lc ghi lại sự kinh ngạc về Gioan qua câu hỏi của hàng xóm láng giềng: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”. Vì tác giả đặt song đối Đức Giêsu với Gioan, ta có thể hiểu rằng ở đây ngài cũng thầm gợi ý rằng Đức Giêsu cũng được hỏi như thế.

Sự kinh ngạc là một khởi đầu tốt. Nhưng nếu chỉ dừng lại với sự kinh ngạc, người ta không đi xa được. Đến đây phản ứng của Đức Maria được nêu bật. Bà ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự đã thấy và đã nghe: đây là một sự suy niệm kéo dài, bởi vì những gì bà thấy thì chưa rõ ràng; bà cần phải cố gắng tìm hiểu. Còn các mục đồng thì vừa đi về vừa ca ngợi Thiên Chúa về tất cả những gì đã xảy ra. Phản ứng này là một tiếng vọng của bài ca của các thiên thần (cc. 13-14).

Tác giả Lc thích nêu bật sự kinh ngạc và niềm vui của những người được liên kết vào kế hoạch của Thiên Chúa. Bà Êlisabét đã kêu lên: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó!” (1,25); cụ Simêôn và bà Anna ca tụng Thiên Chúa vì Người đã cho họ thấy ơn cứu độ được chuẩn bị cho muôn dân (2,28.38); ngay cả bà Maria và ông Giuse cũng ngạc nhiên (2,33.48).

Bà Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (c. 19). Bà đã nhận ra Thiên Chúa trong tất cả những gì xảy ra cho bà.

 

* Đức Giêsu chịu phép cắt bì (21)

          Ở c. 21, tác giả tường thuật việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu. Như Gioan, Đức Giêsu được ghi dấu giao ước (x. St 17,11) và tháp nhập vào dân tộc Israel (x. Gs 5,2-9). Người hoàn toàn quy phục Luật Môsê (x. Lv 12,3). Người được đặt cho cái tên mà sứ thần đã đặt là “Giêsu”: tác giả nhấn mạnh trên việc đặt tên hơn là trên việc cắt bì. Chúng ta được đưa trở lại với câu truyện Truyền Tin, tức là được mời gọi tiếp tục quan tâm đến chương trình của Thiên Chúa.

 

+ Kết luận

          Các mục đồng, và sau này bà Anna (2,38), trở thành những người loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Tin Mừng Lc. Như thế, họ có một chức năng quan trọng trong bài tường thuật. Tuy nội dung lời chứng của họ không được ghi ra, chúng ta đã biết họ nói về những gì, bởi vì chúng ta đã biết sứ điệp sứ thần loan báo cho họ.

Câu trả lời được chờ đợi chính là sự ngạc nhiên trước những hiện tượng siêu nhiên (1,21.63-66; x. 2,33). Tác giả Lc sẽ tiếp tục nói với chúng ta như thế (x. 4,22; 8,25; 9,43; 11,14; 24,12.41). Phản ứng này chưa phải là đức tin, nên không bảo đảm là hiểu đúng sự kiện phi thường. Nơi Đức Maria thì không phải như thế; bà tiếp tục suy nghĩ để có thể khám phá ra trọn vẹn ý nghĩa của các biến cố. Như thế, dù có những lời khẳng định trực tiếp về chân tính của Hài Nhi mới sinh, độc giả cần tiếp tục chiêm ngưỡng những gì Thiên Chúa đang thực hiện trong và qua các biến cố, để ngày càng hiểu sâu sắc hơn chương trình của Thiên Chúa.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Những người đầu tiên được mời đi tôn kính Hài Nhi trong máng cỏ là các mục đồng, những kẻ bị người đương thời khinh bỉ, do họ sống dễ dãi. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cũng đang được mời tiến đến bên máng cỏ cùng với những người nghèo hèn ấy, bất kể chúng ta thế nào, nhiều công trạng hay nhiều tội lỗi. Đức Giêsu đã đến cho tất cả mọi người, và đặc biệt  cho những người nghèo nhất và những người nhỏ bế nhất. Loài người xác tín rằng sự dữ chỉ có thể bị tiêu diệt bởi tiền bạc, bởi sự lừa dối hay bởi tham nhũng. Tin Mừng của lễ Giáng Sinh cho chúng ta thấy một vì Thiên Chúa chọn sự nghèo khó và yếu đuối, và dạy chúng ta loại trừ một kiểu suy nghĩ đựa trên quyền lực hoặc tiền bạc.

2. Chúng ta không còn nhìn các sự việc với cặp mắt của trẻ em nữa. Lần đầu tiên khi chúng ta nghe Tin Mừng, chúng ta làm gì? Chúng ta có tự hỏi xem mình phải làm gì chăng? Chúng ta nên làm những gì các mục đồng đã làm. Hãy vui mừng và chiêm ngưỡng những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Rồi sau này chúng ta có thể đáp trả tình yêu của Người. Lúc này, cứ hân hoan vui mừng đi đã!

3. Đức Maria không thụ động chấp nhận tất cả những gì xảy ra; bà tìm hiểu. Bà không tức khắc cung cấp lời giải thích biến cố, nhưng đào sâu biến cố cách kiên nhẫn và không áp đảo, ép buộc. Có một thứ bất bạo động thiêng liêng và tôn giáo, biết tránh việc lược đồ hóa ép uổng, và để cho các sự việc cứ như thế và chờ đợi được hiểu biết hơn. Bà phải cố gắng tiếp mà tìm hiểu. Chúng ta thường bị ngỡ ngàng hoang mang về những chuyện nhỏ. Đức Maria thì không bao giờ bị như thế. Bà ghi giữ mọi sự trong lòng và cân nhắc, rồi khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong những chuyện nhỏ đó.

4. Phải chăng ba chi tiết “bọc tã, đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ” đã hướng chúng ta tới cuộc táng xác Đức Giêsu sau này, với ba chi tiết “bọc trong tấm vải gai, đặt vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ”? Nếu thế, cuộc chào đời và cuộc an táng soi rọi lẫn nhau, đóng khung một cuộc đời nghèo khó cùng cực.

5. Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng ngày 01/01/2002, đã nói : “‘Xin kính chào Thánh Mẫu đã sinh hạ Quân Vương, Đấng điều khiển vũ trụ muôn thuở tới muôn đời (x. Ca Nhập Lễ). Với lời chào cổ kính này, hôm nay vào ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh và ngày đầu năm, Hội Thánh thưa với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, khi khẩn cầu Mẹ như là Mẹ Thiên Chúa. Người Con vĩnh cửu của Chúa Cha đã nhận lấy xác thịt chúng ta trong Mẹ và, qua Mẹ, Người đã trở thành ‘con cháu vua Đavít và con cháu tổ phụ Abraham’ (Mt 1,1). Vậy Đức Maria là Mẹ đích thực của Người : là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa ! Nếu Đức Giêsu là Sự Sống, Đức Maria là Mẹ của Sự Sống. Nếu Đức Giêsu là Niềm Hy Vọng, Đức Maria là Mẹ của Niềm Hy Vọng. Nếu Đức Giêsu là Sự Bình An, Đức Maria là Mẹ của Sự Bình An, Mẹ của Thái tử Hòa Bình. Khi bước vào năm mới, chúng ta xin Mẹ rất thánh chúc phúc cho chúng ta. Hãy xin Mẹ ban Đức Giêsu cho chúng ta, là sự chúc phúc viên mãn của chúng ta, nơi Người, Cha Cha đã chúc phúc cho lịch sử một lẫn vĩnh viễn, bằng cách làm cho lịch sử này trở thành một lịch sử cứu độ… Con Trẻ chào đời ở Bêlem là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha đã trở nên người phàm để cứu độ chúng ta, Người là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, Người mang đến bí quyết của nền hòa bình chân thật. Người là Thái tử Hòa Bình (Is 7,14 ; 9,5).

 

Lm PX Vũ Phan Long, ofm


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B