TUẦN THÁNH NĂM 2012

MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 

THỨ HAI THÁNH

Ga 12, 1-11

 

GIUĐA KHÔNG SỐNG HIỆP THÔNG

 

Câu chuyện xảy ra chỉ là bình dầu thơm của cô Maria được chính cô vì kính trọng, yêu mến Chúa nên đã mang bình dầu thơm bằng đá ngọc rất quí đến nhà Ông Simon để gặp gỡ Chúa ngay giữa bữa tiệc. Maria đã đập bể cả cổ bình dầu, quỳ bên chân Chúa và đổ dốc trên chân Chúa, khiến hoàn toàn cả nhà thơm ngào ngạt, dào dạt hương thơm, rồi cô lấy tóc lau chân Chúa Giêsu.

 

Trước cử chỉ của Maria, Giuđa ghen tức, tham lam vì ích kỷ, Ông đã phản đối. Lẽ dĩ nhiên Ông lấy cớ sao không để bình dầu thơm bán mà giúp người nghèo. Thực tế, Ông tiếc bình dầu hơn thương người nghèo. Giuđa hoàn toàn không biết chia sẻ vì Ông không sống hiệp thông với Chúa Giêsu, với các bạn đồng môn và với những người khác.

 

Với giá 30 đồng bạc, một số tiền quá ít ỏi bán một tên nô lệ, Giuđa đã ngửa tay để nhận và thỏa hiệp dàn dựng để bán Chúa Giêsu.

 

Không biết sống quảng đại, từ bỏ, chia sẻ, không biết sống hiệp thông với Chúa, với các môn đệ và với tha nhân, Giuđa đã trở nên hư đốn và phản bội.

 

 

THỨ BA THÁNH

 

GIUĐA PHẢN BỘI

Ga 13, 21-33.36-38

 

Phản bội biểu lộ tâm hồn tội lỗi và đầy ích kỷ, hờn căm của Giuđa. Mặc dầu được Chúa tin tưởng trao cho làm chức vụ quản lý của Nhóm 12, nhưng Giuđa ham tiền, ham danh vọng, ham thú vui thế gian. Ông đã tán tận lương tâm bán Chúa có 30 đồng bạc.

 

Chúa Giêsu bào Giuđa “ Anh làm gì thì làm mau đi “. Các môn đệ khác không hề biết ý đồ xấu xa của Giuđa. Phần Giuđa, Giuđa vẫn tỉnh bơ khi nghe Chúa thúc giục, Giuđa không sợ tội ác, không sợ tiếng lương tâm, Ông vẫn tỉnh bơ ra đi thực hiện ý định đen tối. Giuđa yên trí vì cho rằng không ai biết được ý đồ xấu xa của Giuđa.

 

Giuđa phản bội Chúa vì Giuđa không sống trong sự liên đới, trong sự hiệp thông thánh thiện đối với nhóm 12. Giuđa bị hư đi. Giuđa đã xúc phạm nặng nề tới Chúa. Chương trình cứu rỗi của Chúa dù không có Giuđa phản bội thì nó vẫn được thực hiện. Người bị loại trừ là chính Giuđa.

 

Xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ phản bội Chúa bởi vì sống trong tội là phản bội lại Chúa. Chúng ta hãy mau mắn xin Chúa thứ tha mỗi lần chúng ta lỡ lầm phạm tội.

 

 

THỨ TƯ THÁNH

 

GIUĐA TUYỆT VỌNG VÌ SỐNG KHÔNG HIỆP THÔNG

Mt 26, 14-25

 

 

Tin mừng của Thánh Matthêu hôm nay cũng gần giống với đoạn Tin mừng của Thánh Gioan hôm qua chỉ khác nhau một vài chi tiết nhỏ. Cả hai Tin Mừng, cả hai đoạn Phuc Âm này diễn tả một phần câu chuyện diễn ra tại nhà Tiệc Ly : báo trước một trong mười hai môn đệ sẽ trao nộp Chúa Giêsu.

 

Trong nhóm 12 , riêng Gioan biết chắc mình không phản bội Chúa và Giuđa biết mình phản bội Chúa. Chúa đã xác nhận khi Ngài trao bánh cho ai thì đó là người phản bội.

 

Đối với người Do Thái trong bữa ăn, ai quý mến người nào thì chính người ấy trao miếng bánh riêng cho người mình quý mến, giống như người Việt Nam quý ai, gắp đồ ăn cho người đó !

 

Giuđa khi nhận ra lỗi lầm của mình, Ông đã tuyệt vọng vì Ông không tin lòng nhân từ, thương xót của Chúa, do đó, Ông đã chọn cái chết tuyệt vọng, xa lánh đôi mắt nhân từ của Chúa và tránh sự trách móc, khinh bỉ của anh em, của những người khác.

 

Vâng, Giuđa đã tuyệt vọng, Ông không giống Phêrô và Phaolô…Phêrô và Phaolô đã hoàn toàn tin vào tình thương của Chúa, tin vào sự tha thứ của Chúa, nên hai Ông đã được cứu thoát. Giuđa đã tuyệt vọng, đã tìm cái chết vì không tin Chúa có thể cho Ông cơ hội may để trở về. Giuđa đã sống ngoài sự liên đới và không gì là mầu nhiệm hiệp thông.

 

 

THỨ NĂM THÁNH

CHÚA GIÊSU RỬA CHÂN và THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

TRONG SỰ HIỆP THÔNG, CHIA SẺ VÀ PHỤC VỤ

Ga 13, 1-15

 

Chiều thứ năm thánh trong nhà Tiệc ly, tập tục của người Do Thái ăn bánh không men. Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa tiệc cuối cùng trong một căn phòng rộng rãi nơi một gia đình ở Giêrusalem mà Phêrô và Gioan đã mượn được. Bữa tiệc đúng theo truyền thống và tạp tục cổ truyền của người Do Thái. Bữa tiệc có tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen với những bài đọc Thánh Vịnh. Đang ăn và đúng vào giữa bữa, Chúa Giêsu bộc bạch tâm sự, biểu lộ niềm xúc động tột cùng vì đây là bữa cuối cùng Ngài dùng bữa Vượt Qua với các môn đệ, bởi vì sau bữa ăn này, Chúa sẽ bị bắt do sự đồng lõa phản bội, chỉ điểm của một môn đệ và rồi Ngài sẽ bị đóng đinh, bị chết vào ngày hôm sau. Chính trong bữa ăn đầy tình cảm, đầy xúc động này, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ và gửi lại cho các môn đệ những lời trăn trối đầy yêu thương, đầy chân tình :” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “. Nói những lời chân tình xong, Chúa Giêsu còn muốn dạy các môn đệ một bài học cụ thể, sống động nhưng hết mực khiêm nhường là rửa chân cho các môn đệ. Qua hành động rửa chân, việc làm của những người nô lệ. Chúa muốn dạy các môn đệ và nhân loại bài học khiêm tốn, yêu thương và phục nhau, dù làm những công việc hèn hạ nhất.

 

Rửa chân xong, Chúa tiếp tục ngồi vào bàn tiệc và dạy dỗ tiếp bài học yêu thương. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng tột bực, trước giờ chia lìa và cũng trong ý nghĩa yêu thương, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ một kỷ vật quí nhất là chính Mình Máu của Người và đồng thời truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ tới Ngài. Vâng, trong bữa tiệc lịch sử này, Chúa đã dùng bánh biến thành Mình của Ngài và dùng rượu nho để biến thành Mảu của Ngài. Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống đời sống thần linh của nhân loại và ban quyền linh mục cho các môn đệ.

 

Chiều nay, làm lại những việc Chúa Giêsu đã làm xưa, chúng hiểu sâu xa hơn ý nghĩa hiệp thông và mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Vì hiệp thông chia sẻ với nhân loại, Chúa đã gánh tội lỗi của nhân loại, đã hy sinh chịu chết vì nhân loại hoàn toàn vì yêu.Do đó, chúng ta khi tham dự nghi lễ rửa chân và thiết lập Bí tích Thánh Thể, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được sống hiệp thông với nhau, đoàn kết và yêu thương nhau để yêu thương và phục vụ nhau cách hữu hiệu.

 

THỨ SÁU THÁNH

CHÚA CHẾT THAY CHO CHÚNG TA

Ga 18, 1-19, 42

 

Ngày thứ sáu thánh đối với nhân loại, đối chúng ta là một ngày thật đáng ghi nhớ. Đây là ngày thật tốt đẹp bởi hôm nay là ngày Chúa chết. Chúa chết không phải bị oan uổng, không phải vì bất công, nhưng ngày thứ sáu thánh, Chúa đã hoàn tất công trình cứu độ của Chúa. Đúng, đây là cao điểm nhất của cuộc đời Chúa Giêsu. Chết mới nói lên lời. Chúa bị đóng đinh trên thập giá vì Ngài vâng lệnh Chúa Cha, Ngài muốn như thế. Cái chết của Chúa có một mục đích. Mục đích thật cao cả :” Chúa chết để cứu chuộc mọi người. Chúa chết để đem lại sự sống mới và hạnh phúc cho con người, cho loài người “. Chúa muốn chết thay cho mọi người, chết thay cho chúng ta. Chúa biết con người cần Ngài, nhưng Ngài lại yêu thương con người trước, Ngài cứu chuộc con người trước khi con người nhận biết mình được diễm phúc ấy.

 

Hy tế đồi Golgotha, chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu. Và cũng chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu tình thương vô biên của Chúa. Đáng lẽ chúng ta phải chết vì phạm tội, vì phản nghịch, nhưng chính chúa lại chết cho chúng ta được sống và được sống hoàn toàn tự do. Chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và yêu thương con người bằng cách đem Chúa đến cho họ.

 

Thập giá vẫn vút cao. Chúng ta hãy nhìn lên thập giá để xin Chúa thứ tha tội lỗi và hiểu rõ lòng Chúa yêu thương, nhân hậu đối với chúng ta như thế nào ! Thập giá diễn tả mầu nhiệm hiệp thông và mầu nhiệm tình yêu. Hãy sống hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương vì nơi thập giá ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.

 

THỨ BẢY THÁNH

IM LẶNG ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG MỒ CHÚA

Mt 28, 1-10

 

Sáng thứ bảy và cho tới chiều thứ bảy thánh, toàn vũ trụ như chìm ngập trong sự im lặng. Chúng ta im lặng để chiêm ngưỡng cái chết thánh thiêng của Chúa, để suy tôn xác thánh của Chúa. Tất cả mọi việc của chúng ta hầu như chìm trong im lặng. Bên mộ Chúa, mọi sự hầu như đã hoàn tất. Nhưng người không tin cho rằng :” Chúa đã chết “ ( Dieu est mort ! ). Nhưng trong sự im lặng ấy như ngầm chứa mầm sống mới mãnh liệt.

 

Tuy nhiên, vào đêm nay đêm vọng Phục Sinh, tất cả bốn Tin mừng đều nhất loạt diễn tả biến cố sống lại của Chúa. Các thánh sử nhất trí với nhau về ba điểm này : Thứ nhất, Chúa sống lại là vào sáng sớm ngày Chúa nhật. Thứ hai, mộ trống. Thứ ba,Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra nhiều lần minh chứng Ngài đã sống lại, các môn đệ là những chứng nhân về sự sống lại của Chúa.

 

Chúa đã sống lại thật “ Alléluia “ và trong đêm thánh hôm nay, Giáo Hội và chúng ta cử hành suy tôn Chúa Kitô là ánh sáng. Ánh sáng phá tan bóng tối. Ánh sáng phá tan sự chết. Chúa sống lại là ánh sáng khải hoàn trên tối tăm của sự ác và cua3 tội lỗi.

 

Sống hiệp thông yêu thương, hiệp nhất là hình ảnh tuyệt vời của những người tin mang ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng bùng lên phá tan xích xiềng của tội lỗi và sự chết !

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B