CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Thái độ của người truyền giáo khi bị khinh rẻ

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 6:1-6)

          Họ hàng khinh trước, làng nước khinh sau!  Đó là câu tục ngữ Việt Nam.  Chúa Giê-su đã phải trải qua tâm trạng bị khinh chê ấy khi Người có dịp trở về quê nhà.  Dân làng Na-da-rét chẳng những không đón tiếp Người, mà còn “vấp ngã vì Người” bởi họ nhìn Người dưới lăng kính của những định kiến về gia đình, địa vị xã hội.  Tuy nhiên, chúng ta có cảm tưởng thánh Mác-cô không mấy quan tâm đến sự kiện Chúa Giê-su bị dân làng khinh miệt cho bằng thái độ của Chúa Giê-su trước những rẻ rúng của họ.  Phải chăng đó cũng là một trong những thái độ phải có đối với chúng ta, những người gieo Tin Mừng hôm nay?

          Cuộc trở về quê quán của Chúa Giê-su chắc chắn không phải là một thứ vinh qui bái tổ, mặc dù danh tiếng Người đã lừng lẫy khắp nơi.  Nhưng mục đích chính của chuyến trở về này là để “giảng dạy trong hội đường”.  Đúng vậy, rao giảng Tin Mừng là công việc chủ yếu của sứ vụ;  đến bất cứ nơi nào thì việc đầu tiên Người làm là tới hội đường để giảng dạy.  Người hăng say loan báo tin vui ơn cứu độ Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện.  Người công bố sứ điệp Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại và muốn họ được sống muôn đời.  Nếu Người có thực hiện những phép lạ chữa lành, thì đó chỉ là những dấu chỉ để nói lên tình yêu của Thiên Chúa muốn xoa dịu những khổ đau thể chất và tinh thần của con người.

          Đâu phải Chúa Giê-su không quan tâm đến gốc gác của mình!  Người hãnh diện được làm thành phần của dân làng Na-da-rét chứ, mặc dù “từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được” (Gio-an 1:46).  Nhưng hôm nay, Người trở về Na-da-rét không phải là cho bản thân Người, nhưng là vì ích lợi của dân làng.  Chúa cũng muốn cho bà con bạn bè trong làng được đón nhận những phúc lành của Thiên Chúa.  Ước ao lớn nhất của Chúa Giê-su là họ nhận biết rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời… Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.  Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Gio-an 3:16,35,36).  Chúa Giê-su không khoe khoang thành tích nổi tiếng của mình, nhưng rao truyền kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.  Người mong dân làng Na-da-rét nhìn lên cao, nhận biết sứ mệnh của Người chứ không phải vào gia cảnh trần thế của Người.

          Vì vậy, Chúa Giê-su không bị chạm tự ái, không nổi giận trước những khinh chê của những người “họ hàng khinh trước”.  Có chăng, Người chỉ buồn… năm phút và “lấy làm lạ vì họ không tin”.  Người mong họ tin để họ được sống đời đời, thế thôi!  Mà họ đã không tin, thì Người “không thể” làm được phép lạ nào tại Na-da-rét, bởi mục đích của phép lạ là để người ta tin chính đáng, chứ đâu phải để lòe thiên hạ. Rồi hành vi cuối cùng trong thái độ của Chúa Giê-su là cùng các môn đệ “đi sang các làng chung quanh mà giảng dạy”.  Chúa Giê-su không nản chí bỏ cuộc, nhưng Người vẫn trung thành tiếp tục thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao phó.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúa Giê-su, vị truyền giáo tiên khởi và gương mẫu của chúng ta đã để lại bài học quý giá.  Cho dù chúng ta không phải chịu cực khổ, bách hại, tù ngục như các tông đồ và những vị thừa sai (2 Cô-rin-tô 4), nhưng trong cuộc truyền giáo giữa đời sống hằng ngày và với tư cách là Ki-tô hữu đích thực, chúng ta gặp không ít những khinh chê của… họ hàng và làng nước!  Thí dụ khi chúng ta tham gia vào những sinh hoạt giáo xứ thì bị chê là tham quyền cố vị;  khi chúng ta không ăn gian giờ ở sở làm thì bị coi là khù khờ;  khi chúng ta không nhận hối lộ thì bị chê là đạo đức giả… Tóm lại, có rất nhiều cái khinh cái chê chỉ vì chúng ta muốn làm người Ki-tô hữu xứng đáng và đích thực!  Nhưng cần thiết là chúng ta cứ trung thành giống như Chúa.

          Chúng ta chấp nhận những “thiệt hại” ấy là vì chúng ta muốn cho những người chung quanh tin vào Chúa Ki-tô.  Phải, trước hết họ tin những gì mắt thấy tai nghe về chúng ta là Ki-tô hữu, rồi từ đó họ tin vào Chúa Giê-su, Đấng chúng ta tin kính và sống theo Tin Mừng Người đã rao giảng.  Vậy là truyền giáo đích thực rồi chứ còn gì nữa!   

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B