CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Làm kẻ phục vụ mọi người

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 9:30-37)

          Thánh Mác-cô thuật lại ba lần Chúa báo trước cuộc Thương khó theo cùng một khuôn mẫu:  việc tiên báo, hành động của các môn đệ và giáo huấn của Chúa.  Lần thứ nhất, sau khi Chúa báo trước cuộc Thương khó thì ông Phê-rô can gián Người, nên Người dạy các môn đệ và dân chúng bài học “từ bỏ mình và vác thập giá” mà theo Người.  Hôm nay, sau lời tiên báo cuộc Thương khó lần thứ hai, Nhóm Mười Hai “đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.  Bài học Chúa dạy cho họ là “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.  Cuộc tranh giành của các tông đồ và bài học Chúa dạy cũng là những gì chúng ta cần học hôm nay và áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu.

          Sau khi ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Chúa bắt đầu dạy cho các tông đồ biết sứ mệnh của Đấng Ki-tô là gì.  Trên đường trở về và đi qua Ga-li-lê, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục dạy dỗ để các ông biết sứ mệnh đích thực của Người.  Vậy mà các ông vẫn không chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đau khổ, chỉ muốn Người là đấng Ki-tô trần thế hầu đáp ứng những tham vọng của họ!  Họ vẫn mong Người sẽ làm ông vua của Ít-ra-en và họ sẽ được ban chức tước.  Chính những tham vọng này đã đưa họ tới việc “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.  Đúng như lời nhận định của tông đồ Gia-cô-bê sau này:  “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (bài đọc 2).  Chúa Giê-su đã khéo léo can thiệp và lợi dụng cơ hội dạy họ thêm một bài học về lãnh đạo:  lãnh đạo là phục vụ mọi người.

          Cách thức Chúa Giê-su dạy các tông đồ cũng là điều rất thích thú.  Chính tai Chúa đã nghe các ông tranh cãi, nhưng trở về đến “nhà”, Người muốn họ xác định lại việc ấy để Người dạy dỗ họ đúng đắn, chứ không đoán mò.  Họ im lặng và im lặng là thừa nhận.  Tuy nhiên Chúa Giê-su cũng không dạy dỗ ngay.  Phản ứng nóng tính không phải là phương pháp giáo dục tốt.  Người đang áp dụng tinh thần “đóng cửa bảo nhau”, nên Người đợi về đến nhà.  Phong thái của Người là bậc Thầy, bậc cha mẹ, nên Người thư thái “ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói…”  Nói thôi chưa đủ, cần có thí dụ sống động.  Do đó, Chúa đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông và nói:  “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.  Thật là phương pháp giáo lý đơn sơ, nhưng sống động.  Chắc chắn các tông đồ sẽ nhớ đời bài học này!  Phương pháp nhẹ nhàng, đầy ắp yêu thương và thuyết phục.  Còn chúng ta, có khi nào chúng ta xét lại việc chúng ta dạy dỗ con cái, học trò… để nhận ra những thiếu sót không?

          Mai mốt khi ở vai trò lãnh đạo Giáo Hội, các tông đồ sẽ áp dụng bài học của Thầy.  Trẻ em trong xã hội Do-thái ngày xưa không được tôn trọng.  Các em bị liệt vào hàng các vật sở hữu!  Vậy mà Chúa dạy các ông phải tiếp đón chúng như tiếp đón chính Người và Cha Người.  Tiếp đón đây không phải chỉ là mỉm cười vui vẻ vẫy tay chào hỏi, nhưng là tận tình chăm sóc và đáp ứng mọi nhu cầu thích đáng của chúng.  Nói tóm lại, tiếp đón là phục vụ!  Đây là một thí dụ để Chúa dạy các ông phải phục vụ mọi người các ông gặp trên đường truyền giáo sau này.  Chính Chúa đã phục vụ nhu cầu được cứu độ của nhân loại đến nỗi chấp nhận cái chết nhục nhã.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Tranh cãi và không chấp nhận phục vụ là tình trạng thường xảy ra ngay trong gia đình và cộng đoàn.  Như thánh Gia-cô-bê nhận định, nguyên nhân của chiến tranh và xung đột là do những tham vọng và ganh ghét.  Người khác có trong khi mình không có, thế là tham và thấy thua kém người thì đâm ra ganh ghét.  Trong gia đình, chồng và con thiếu tinh thần phục vụ, nên mọi sự đổ trên đầu người vợ và mẹ.  Tại giáo xứ, mình không có khả năng đảm trách việc nọ việc kia thì đâm ra bất mãn, nói xấu những người đang làm việc.  Họ đặt tham vọng và ganh ghét của mình trên lợi ích của cộng đoàn.  Thánh Gia-cô-bê khẳng định:  “Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính”.  “Tôi đã gieo gì trong hòa bình?” Đây có phải là câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ không?      

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B