CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Trong cùng một Thánh Thần, chúng ta sống căn tính Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:1-11;  1 Cr 12:3b-7, 12-13;  Ga 20:19-23)

          Lời nguyện hiệp nhất Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha trong bữa Tiệc Ly đã bắt đầu được thể hiện khi Thánh Thần được sai đến với các Ki-tô hữu tiên khởi.  Thánh Thần, Đấng làm thay đổi bộ mặt trái đất, không những đã biến đổi Giáo Hội sơ khai, mà còn làm cho Giáo Hội Chúa Ki-tô tiếp tục phát triển không ngừng cho đến ngày tận thế.  Tuy nhiên tất cả sự phát triển ấy đều khởi đi từ chân lý Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng gọi Thiên Chúa là Cha, nhờ đó hết thảy chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em trong Đức Ki-tô.  Hơn thế nữa, Thánh Thần còn tiếp tục giúp chúng ta sống căn tính con Chúa trong tinh thần hiệp nhất, trong các hoạt động vì ích chung và trong sứ mệnh được sai đi.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của Thánh Thần trong Giáo Hội và trong mỗi người Ki-tô hữu.

          Trước hết, Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất.  Khi thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh sử Lu-ca nhấn mạnh đến sự hiệp nhất qua hình ảnh những lưỡi lửa và các tiếng nói khác nhau.  Chúng ta thử tưởng tượng ra khung cảnh nơi các môn đệ Chúa Giê-su đang tề tựu.  Sau “tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà”, chúng ta thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người.  Chúng ta đừng quên rằng tiếng động, tiếng gió mạnh và những hình lưỡi lửa ấy đều phát xuất từ cùng một nơi, đó là từ trời.  Sau khi Chúa Giê-su được “rước lên trời”, thì cũng “từ trời”, Chúa Thánh Thần được sai đến để thực hiện sự hiệp nhất.  Tuy có “những lưỡi lửa” khác nhau tản ra đậu trên từng người, nhưng những lưỡi lửa ấy đều phát xuất từ cùng một nguồn là Thánh Thần, lửa tình yêu liên kết Chúa Cha với Chúa Con.  Chức năng của lưỡi là để nói.  Vậy Thánh Thần ban “lưỡi” cho chúng ta để chúng ta nói lên điều gì?  Đây là câu trả lời của thánh Phao-lô:  Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Ga-lát 4:6).  Rõ ràng nếu không có lưỡi Thánh Thần, chúng ta sẽ không thể kêu lên, nói lên hoặc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, đồng thời chúng ta cũng không thể gọi người khác là anh chị em trong Chúa, nói cùng một ngôn ngữ của Thánh Thần là ngôn ngữ của tình yêu!

          Một khi đã hiệp nhất chúng ta trong cùng căn tính là con Chúa, Thánh Thần lại tiếp tục giúp chúng ta biểu lộ căn tính ấy qua những hoạt động vì ích chung.  Trong chương 13 thư 1 Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đề cập đến những hoạt động khác nhau của Ki-tô hữu trong Giáo Hội.  Tuy nhiên mọi hoạt động khác nhau ấy đều lấy tình yêu làm động lực để xây dựng Giáo Hội.  Nói khác đi, mọi hoạt động của Giáo Hội đều phải được hướng dẫn do một Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, hoặc nói theo thánh Phao-lô, đời sống của Ki-tô hữu phải là đời sống mới trong Thánh Thần.

          Mỗi Ki-tô hữu được Chúa ban cho một đặc sủng để xây dựng Giáo Hội, nhưng mọi người đều được mời gọi tham gia vào một sứ mệnh chung là sứ mệnh truyền giáo, hoặc tất cả chúng ta đều là những người được Chúa sai đi.  Theo gương Chúa Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha sai đến trần gian để thi hành sứ mệnh dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, tất cả chúng ta cũng được Chúa sai đến với anh chị em để loan báo Tin Mừng cho họ.  Chúng ta thử nhìn vào các môn đệ đầu tiên được Chúa sai đi để học lấy bài học.  Các ông được sai đi đang lúc tâm hồn đầy sợ hãi, sợ người Do-thái.  Nhưng Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra và đem lại bình an cho họ.  Sứ mệnh truyền giáo không thể làm chúng ta sợ, vì có Chúa ở cùng chúng ta.  Lời chúc bình an của Chúa Giê-su là hành trang chắc chắn bên mình chúng ta, giúp chúng ta lướt thắng mọi khó khăn và hãi sợ.  Còn một yếu tố không thể thiếu khi chúng ta thi hành sứ mệnh truyền giáo, đó là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.  Như Chúa đã nói với các môn đệ:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, Người cũng nói với chúng ta cùng những lời ấy.  Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo, để chúng ta tham dự vào công việc chiến thắng tội lỗi mà Chúa Giê-su đã khởi đầu.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúa Thánh Thần không phải là một Đấng xa lạ với chúng ta, vì Người đang ngự trong mỗi người chúng ta là đền thờ của Người.  Chúng ta sống nhờ hít thở không khí, cũng vậy, đời sống thiêng liêng của chúng ta còn sống động là nhờ Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong tâm hồn chúng ta.  Người ngự đến không chỉ để ở lại với những người có mặt trong biến cố Hiện Xuống, nhưng ở lại trong các Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi.  Sở dĩ chúng ta còn đang gọi được Thiên Chúa là Cha, vì Thánh Thần vẫn tiếp tục làm cho chúng ta nên nghĩa tử của Thiên Chúa (Rm 8:15).  Sở dĩ chúng ta vẫn tiếp tục sống đức tin giữa lòng Giáo Hội, vì Thánh Thần vẫn là tình yêu thúc giục chúng ta.  Sở dĩ chúng ta bằng cách nào đó tham gia vào công cuộc truyền giáo là vì Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục “sai” chúng ta ra đi, vào gia đình, giáo xứ và xã hội để làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng đời sống yêu thương và sử dụng ngôn ngữ tình yêu của Người.  Cho nên chúng ta hãy xác tín sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và ráng sống căn tính làm con Chúa!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B