CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Cô-rin-tô 1: 22-25

Một lần nữa, qua bài đọc Tân Ước, Phụng vụ Lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về vai trò của Chúa Ki-tô trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.  Theo kế hoạch của Chúa Cha, Đức Ki-tô đã chết để đền bù tội lỗi của mọi người (Chúa Nhật I).  Đức Ki-tô tỏ ra cho chúng ta tình yêu quảng đại và nhân từ của Thiên Chúa (CN II).  Với mầu nhiệm thập giá, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy đâu là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (CN III).  Xét những hành động của Đức Ki-tô được trình bày qua ba bài đọc trên, chúng ta chỉ thấy:  Người đã chết, Chúa Cha không tha cho Người như đã tha cho I-xa-ắc con ông Áp-ra-ham, và Người chịu khổ hình thập giá.  Những sự kiện này đều là dấu chỉ nói lên yếu kém và điên rồ đối với người đời.  Nhưng Phao-lô đã lấy những sự kiện ấy của cuộc đời Chúa Giê-su để làm nền tảng thần học cho luận đề về ơn cứu độ:  chính trong sự yếu kém và điên rồ của thập giá, Thiên Chúa đã biểu lộ sự khôn ngoan và quyền lực của Người.

 

a)  Ô nhục của thập giá

          “Chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1:23).  Với những lời này, thánh Phao-lô nói lên phản ứng tức thời của mọi người khi đối diện với thập giá.  Đóng đinh thập giá là khổ hình dành riêng cho nô lệ trong thế giới La-Hy (x. Ph 2:8) và người Do-thái coi đó là một sự ô nhục (Dt 12:2; 13:3).  Nếu vậy thì làm sao sự cứu chuộc lại có thể được thể hiện qua khổ hình thập giá và cái chết ô nhục như thế?  Những người chứng kiến Đức Ki-tô chết trên đồi Can-vê đã chế nhạo và thách thức Người xuống khỏi thập giá.  Trước đây, ngay đến các môn đệ có lẽ cũng khiếp sợ khi vừa nghe Đức Ki-tô tiên báo cuộc Khổ nạn và Người sẽ bị nộp cho dân ngoại.  Dù vừa mới nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, ông Phê-rô cũng không thể chấp nhận lời Người vừa tiên báo (Mt 16:21-23).

          Nhưng Chúa Giê-su và tiếp theo Người là các môn đệ đã luôn luôn đề cao cái ô nhục của thập giá, chính là vì có một thứ mầu nhiệm ẩn dấu đem lại cho thập giá một ý nghĩa.  Vậy thứ mầu nhiệm ẩn dấu ấy chính là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà Đức Ki-tô đã nhận biết và tuyệt đối tuân theo.

          Thánh Phao-lô giúp chúng ta nhận ra sự khôn ngoan và quyền lực của Thiên Chúa thể hiện trong chính cái ô nhục của thập giá.  Truyền thống nguyên thủy đã dạy cho Phao-lô sau khi ông trở lại biết rằng “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15:3).  Dữ kiện của truyền thống nguyên thủy này giúp cho Phao-lô suy nghĩ về cái chết trên thập giá của Đức Ki-tô.  Hình thức chết nhục nhã này hẳn phải có một ý nghĩa phong phú.  Đức Ki-tô bị treo trên cây (thập giá) như một kẻ bị nguyền rủa, đó là để chuộc lại chúng ta khỏi lời nguyền rủa của Lề Luật, “khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3:13).  Thân xác của Người là “thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” đã chịu treo trên thập giá để “Thiên Chúa lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8:3).  Như vậy, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã bãi bỏ Lề Luật (sổ nợ bất lợi) khi đóng đinh Lề Luật vào thập giá và tước bỏ mọi quyền lực của đối phương (Cl 2:14-15), hòa giải với muôn vật, hiệp nhất giữa Do-thái với dân ngoại để họ cùng làm nên một thân thể mà thôi (Ep 2:14-18).

 

b)  Cuộc sống bị đóng đinh của Ki-tô hữu

          Môn đệ phải đồng hóa số phận mình với số phận của Thầy họ.  Điều này Chúa Giê-su đã đòi hỏi:  “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24).  Trong cuộc sống hằng ngày của Ki-tô hữu, con người tội lỗi của họ đã chịu đóng đinh (Rm 6:6) đến độ nó đã được giải thoát hoàn toàn nhờ khôn ngoan của thập giá (1 Cr 2:6-9).  Do đó, họ cũng phải sống theo sự khôn ngoan của thập giá, tức là theo gương Chúa Giê-su trở nên khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa (Pl 2:1-8).

          Một đề nghị sống nữa cũng được thánh Phê-rô nhắc nhở là Ki-tô hữu phải chiêm ngắm Đức Ki-tô như là “gương mẫu” cho họ dõi bước theo Người, Đấng “đã mang tội lỗi chúng ta vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1 Pr 2:21-24).

          Cuối cùng có lẽ chúng ta cần đổi lại thái độ đối với thập giá Chúa Ki-tô.  Thánh Phao-lô luôn là gương mẫu trong phạm vi này, vì “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!  Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Đề tài về Thập giá thích hợp với mùa Chay như thế nào?  Quan trọng đối với mầu nhiệm Phục sinh thế nào?  Quan trọng đối với chương trình sống mùa Chay của tôi thế nào?

          Não trạng của những người Hy-lạp và Do-thái có thể là não trạng của tôi đối với thập giá Chúa Ki-tô không?

          Một tác giả tu đức viết:  Bạn hãy nhìn lên tượng chịu nạn.  Nếu bạn chỉ tìm một Chúa Ki-tô không chịu đóng đinh, bạn có thể lầm Ngài với một người khác.  Nếu bạn chỉ tìm thập giá mà không có Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên ấy, bạn sẽ không vác nổi đâu.  Phải là cả hai:  Chúa Ki-tô với thập giá.  Áp dụng thế nào vào hoàn cảnh của tôi?

          Thánh Phao-lô viết:  “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”  Tôi hiểu và sống lời này như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài tôn vinh thánh giá, hoặc đọc lời nguyện sau đây:

          Lạy Chúa Giê-su, nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này thì thật là phiền toái.  Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn vì phải chia tay với những người thân yêu, vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.  Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý, nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương.

          Lạy Chúa Giê-su, trước cái chết thập giá, Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui, và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác, để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn.  Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.  Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi, chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.  Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.  Cái chết  nhắc nhở chúng con là khách lữ hành đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.

          Sống một đời và chết một lần.

          Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.

          Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống.

                                                          (Trích RABBOUNI, lời nguyện 49)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà