Chúa Nhật 4 Mùa Chay – B (2003)

 

Tại Hoa-kỳ này, có một câu nói dễ làm cho chúng ta bị lẫn lộn, không biết đâu mà dò, đó là ba tiếng “I love you.”  Một bà mẹ nói với đứa con ba tiếng đó một ngày không biết bao nhiêu lần, mà hầu hết chẳng bao giờ ý thức mình nói cái gì.  Đứa con nghe hoài ba tiếng đó đã quen nên cũng chẳng cần đặt câu hỏi có thực mẹ tôi thương tôi hay không và biểu lộ tình thương như thế nào.  Cho nên thường thường trong xã hội này, người ta biểu lộ hoặc đón nhận tình yêu một cách rất hờ hững, tựa như một hình thức hoàn toàn bề ngoài không có nội dung gì cả.

 

Nhưng mỗi lần Kinh Thánh lập lại lời của Thiên Chúa nói với chúng ta:  “Ta yêu con...”  hoặc “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian...” thì không phải chỉ là ba tiếng “I love you” hời hợt, mà là những lời tha thiết, được trưng dẫn với những bằng chứng hùng hồn, cảm động của Đấng đã được thánh Gio-an Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu.”  Câu truyện Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đàm thoại thân mật giữa ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái, với Chúa Giê-su, Đấng từ trời xuống, nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.   Qua cuộc đàm thoại này, những lời xác quyết của Chúa Giê-su “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian” là cả một luận đề trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.  Vậy kế hoạch yêu thương ấy như thế nào?  Chúng ta hãy căn cứ vào chính những lời rành mạch của Chúa Giê-su để hiểu về kế hoạch ấy.

 

Trước hết, đó là một kế hoạch đã được Thiên Chúa phác họa, loan báo và thi hành.  Không phải tự con người biết được kế hoạch ấy, mà là chính Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người.  Làm gì có ai lên đến trời để tìm biết xem Thiên Chúa yêu thương nhân loại như thế nào đâu!  Nhưng chỉ có Chúa Giê-su, Đấng từ trời xuống, mới có thể tỏ ra cho chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa như thế nào.  Vậy kế hoạch tình yêu đã được chính miệng Ngôi Lời Nhập Thể loan báo cho nhân loại.  Thiên Chúa loan báo bằng Lời của Người chưa đủ, Người còn giương cao lên một dấu hiệu giúp họ nhận biết tình yêu của Người.  Dấu hiệu đó là:  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy.” 

 

Tiếp đến, khi nói về tình yêu, người ta hay nói một cách trừu tượng, lý thuyết suông, chứ không phải là nói có sách, mách có chứng.  Còn ở đây, Chúa Giê-su nói về tình yêu Thiên Chúa với chứng cớ rõ ràng.  Chứng cớ đó chính là việc Chúa Cha sai Con Một đến, bằng xương bằng thịt như chúng ta, mặc lấy thân phận con người như chúng ta.  Sống giữa nhân loại, Chúa Giê-su đã là  chứng cớ sống động của tình yêu Thiên Chúa.  Người đã rao giảng Tin Mừng, đã chữa lành, và theo lời giảng của thánh Phê-rô, Chúa Giê-su đã “đi tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10:38).  Những phép lạ Người làm đều nhắm mục đích để người ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.  Chứng cớ mạnh mẽ nhất, hùng hồn nhất, đó là cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá.  “Không ai có tình thương lớn lao tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).  Nói tóm lại, tất cả những gì Chúa Giê-su nói hay làm, không phải cho Người hay vì Người, nhưng là để làm chứng một điều duy nhất: Thiên Chúa yêu thương nhân loại.

 

Sau khi cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cho loài người qua những hành động cụ thể, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến mục đích của kế koạch tình yêu ấy.  Yêu ai thực sự tức là nhắm mục đích tốt cho người ấy.  Chúa Giê-su dạy:  Có ai trong anh em là một người cha, mà khi con cái xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó?  Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? (Lc 11:11).  Vậy phác họa một kế hoạch tình yêu, Thiên Chúa muốn nhắm tới mục đích tốt, mục đích tối hậu, đó là “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Dân Do-thái hồi lưu lạc trong sa mạc đã quý trọng sự sống phần xác của họ, nên đã đến với ông Mô-sê và xin ông cứu giúp họ.  Ông Mô-sê đã cho giương cao giữa trại một con rắn làm bằng đồng, để những ai bị rắn độc cắn sẽ ngước nhìn lên đó và lập tức mạng sống của họ được cứu chữa.  Cũng một cách tương tự như vậy, Thiên Chúa đã giương cao lên giữa đỉnh đồi Can-va-ri-ô chính Con Một Người bị đóng đinh vào thập giá, để toàn thể nhân loại đã bị rắn độc của tội lỗi cắn sẽ nhìn lên Người, tin vào quyền năng của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa thì sẽ được sống và được sống đời đời.

 

Chúng ta hết thảy đều được mời gọi và có quyền tham dự vào kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa.  Ơn cứu độ là ơn phổ quát, dành cho mọi người mọi thời.  Lời Chúa trong mùa Chay lập lại sứ điệp Tin Mừng này để nhắc nhở chúng ta về tình yêu đích thực của Thiên Chúa.  Bài Tin Mừng trong những Chúa Nhật trước đã cho chúng ta thấy những hình ảnh trung thực về Chúa Giê-su là Người Con tôn kính thánh ý Chúa Cha nên thắng vượt được mọi cám dỗ, là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, là người đầy lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa, và qua bài Tin Mừng hôm nay là một dấu chỉ cái chết thập hình, được giương cao để nói lên tình yêu của Thiên Chúa yêu nhân loại.  Theo cùng một con đường Chúa Giê-su đã đi, nếu chúng ta cùng với Người muốn làm những người con yêu dấu của Thiên Chúa, thì ngày hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để giương cao chính cuộc sống chúng ta, một cuộc sống Ki-tô hữu đích thực, để người ta nhìn thấy những việc chúng ta làm mà ngợi khen tôn vinh Cha chúng ta ở trên trời, hoặc để “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau.” 

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà