CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

Năm B (2003)

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Gio-an 2: 1-5

          Thánh Gio-an hay sử dụng phương thức xem trái biết cây để nói lên một đặc điểm thuộc căn tính đích thực của Ki-tô hữu.  “Căn cứ vào điều này...” là hình thức lý luận ngài thường dùng.  Trong đoạn thư Chúa Nhật trước (5:1-6), ngài nói:  căn cứ vào sự kiện chúng ta yêu mến Chúa và giữ điều răn Người, chúng ta biết được chúng ta có yêu thương anh chị em hay không và yêu thương đến độ nào.  Hoặc nói khác đi, chúng ta hãy xem việc mình yêu mến Chúa và giữ điều răn Người (như là trái) như là chứng cớ hoặc tiêu chuẩn để nhận ra mình là những người yêu thương anh chị em (như là cây).  Trong đoạn thư Chúa Nhật này (2:1-5), thánh Gio-an đề cập tới một đặc điểm khác thuộc căn tính đích thực của Ki-tô hữu, ngài viết:  “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.”  Được sống lại với Chúa Ki-tô trong con người mới, Ki-tô hữu phải là những người biết Thiên Chúa.  Thế nào là những người biết Thiên Chúa?

 

a)  Ki-tô hữu là những người biết Thiên Chúa

          Biết có nhiều cấp độ.  Dĩ nhiên cái biết thánh Gio-an nói đến ở đây phải là cái biết vượt trên cả giới hạn lý trí để đi vào lãnh vực của trái tim.  Khi Đức Ma-ri-a trả lời thiên thần Gáp-ri-en “Vì tôi không biết đến người đàn ông,” đó là cái biết của quan hệ vợ chồng.  Kinh Thánh cũng nhiều lần sử dụng mối tương giao mật thiết vợ chồng để diễn tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en.  Khẳng định Ki-tô hữu phải là “những người biết Thiên Chúa,” thánh Gio-an có ý nói Ki-tô hữu không chỉ có một ý niệm trừu tượng về Thiên Chúa là đủ rồi, nhưng hơn thế nữa, họ cần phải có một mối tương giao đích thực với Thiên Chúa và sống kết hiệp với Người.

          Có và sống mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa là một đặc tính của Ki-tô hữu, những người đã được sinh lại qua Bí tích Rửa tội, nhờ sự chết và Phục sinh của Chúa Ki-tô.  Mối tương giao ấy đã biến đổi thân phận của Ki-tô hữu, từ một kẻ “xa lạ, thù địch” đối với Thiên Chúa trở thành “thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người” (Cl 1:21).  Còn hơn thế nữa, thân phận ấy được nâng cao, được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!”, được làm con và làm người thừa kế (Gl 4:6).  Cái “biết” hoặc tương giao này không phải một chiều, hoặc bắt đầu từ chúng ta, nhưng là hai chiều và khởi từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã thực hiện “kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1:9).

 

b)  Để sống mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa

          Sau khi trình bày đặc tính của Ki-tô hữu là “biết Thiên Chúa” tức là có quan hệ với Người, thánh Gio-an đi vào thực hành.  Là con cái Chúa, Ki-tô hữu phải sống thế nào?  Một vài điểm thực tế được ngài nêu lên:

          1.  Đừng phạm tội:  Phạm tội sẽ làm thay đổi căn tính của chúng ta và đưa chúng ta trở lại với căn tính trước khi chúng ta được trở nên con cái Chúa.  Kẻ tội lỗi là “kẻ thù” của Thiên Chúa.  Vì mức tác hại quá lớn của tội lỗi nên thánh Gio-an thấy cần phải báo động chúng ta ngay từ đầu:  đừng phạm tội.  Tuy nhiên ngài không quá lý tưởng đến độ tin rằng Ki-tô hữu sẽ không phạm tội.  Trái lại, ngài am hiểu sự yếu đuối con người của họ.  Do đó, ngài dùng lời lẽ yêu thương của một người cha nhân hậu nhắn nhủ con cái:  “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi...  đừng phạm tội.”  Mà lỡ có phạm tội thì cũng đừng bao giờ quên rằng chúng ta có một Đấng đã đền tội cho chúng ta và giang rộng cánh tay đón chờ những đứa con hoang đàng trở lại.

          2.  Tuân giữ các điều răn của Người:  Về phương diện tiêu cực, Ki-tô hữu phải cố gắng đừng để mất căn tính của mình do tội lỗi;  nhưng một cách tích cực, để làm cho căn tính ấy trở nên rõ ràng và chắc chắn, họ phải tuân giữ điều răn của Thiên Chúa.  Thánh I-nhã Loyola đã diễn tả tiến trình làm con cái Chúa theo cách tương tự như vậy.  Bắt đầu từ mức độ căn bản, ngài dạy chúng ta phải hạ mình khiêm nhượng để vâng theo lề luật Thiên Chúa, dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng quyết không phạm tội trọng.  Tiếp đến là mức độ cao hơn, dù đạt tới trình độ thánh thiện hơn, được mọi thụ tạo hay phải liều mạng sống đi nữa thì chúng ta cũng quyết không phạm một tội nhẹ.  Sau cùng là “để bắt chước và nên giống Đức Ki-tô, Chúa chúng ta cách thiết thực hơn, tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Ki-tô khó nghèo hơn là sự giàu sang, chọn sự sỉ nhục với Chúa Ki-tô bị sỉ nhục hơn là danh vọng, và ao ước được coi là ngu dại vì Chúa Ki-tô, Đấng trước kia đã bị coi như thế, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này” (Linh Thao, số 167).

          Thánh Gio-an còn liên kết chặt chẽ việc tuân giữ các điều răn của Chúa với lòng yêu mến Chúa.  Chính Chúa Giê-su đã khẳng định điều này với các môn đệ:  “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14:21).  Bởi đó thánh Gio-an mới mạnh dạn lý luận rằng:  “Ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.  Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.

          Tuy trở lại cùng một chủ đề về yêu mến và tuân giữ điều răn của Chúa, nhưng thánh Gio-an đã nhìn lối sống ấy của người Ki-tô hữu dưới những khía cạnh khác nhau, khi thì như con cái Chúa và anh chị em với nhau, khi thì như những người có mối tương giao mất thiết với Thiên Chúa.  Dù ở khía cạnh nào, mẫu số chung vẫn là hãy sống tình yêu của những người đã được sống lại với Đức Ki-tô Phục sinh, là chủ đề chính của thư 1 Gio-an vậy.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Cái “biết” Thiên Chúa của tôi ở mức độ nào?  Tôi hãy nghiêm túc xét lại và đáp lại lời gọi của Chúa:  “Dừng tay lại:  Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa” (Tv 46:11).

          Một trong những ân sủng lớn lao của Phục Sinh là tôi có được mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa.  Vậy tôi đã quý trọng ân sủng đó như thế nào?  Và đang sống ân sủng đó như thế nào?  Tôi có thực sự gọi được Chúa là “Áp-ba” không?  Tại sao?

          Tôi đối diện với sự yếu đuối của mình như thế nào?  Bí tích Hòa giải có thực sự là phương thế để tôi tìm lại căn tính và tước vị của tôi không?  Tôi sẽ cử hành Bí tích Hòa giải thế nào để giúp mình ý thức sống như con cái Chúa hơn?

          Tôi giữ lề luật Chúa vì lòng mến hay vì lý do nào khác?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa...” hoặc một bài tương tự.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

2-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà