CHÚA NHẬT 2 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:        1 Cô-rin-tô 6: 13-15, 17-20

        Ðể giúp hiểu và suy niệm bài thánh thư hôm nay, chúng ta nên nhìn lại mạch văn của đoạn Kinh Thánh. Trong đoạn 1 Cr 5:1-6:20, thánh Phao-lô nói đến ba vấn đề sau: trường hợp một người ăn ở với vợ kế của cha mình (5:1-13); việc tín hữu kiện nhau ở tòa đời (6:1-8); và tình trạng sống vô luân vẫn tiếp diễn trong cộng đoàn (6:9-20). Mặc dù ba vấn đề trên có vẻ không liên hệ với nhau, nhưng thực ra có cùng một nguyên nhân chính. Ðó là tín hữu Cô-rin-tô chưa trưởng thành nên vẫn chưa hiểu được thế nào là một cộng đoàn được thánh hóa, theo như sự khôn ngoan của Tin Mừng đã dạy rằng Ðức Ki-tô chịu đóng đinh để họ "loại bỏ men cũ để trở thành bột mới" (5:7). Vì không hiểu ý nghĩa của cộng đoàn được thánh hóa, nên: 1) họ đã không loại khỏi cộng đoàn hạng người sống loạn luân; 2) đã đem nhau ra tòa đời mà kiện tụng; và 3) đã tiếp tục sống dâm dục và vô luân. Bài đọc hôm nay đề cập tới vấn đề thứ ba này.

 

a)Men cũ: sống dâm dục

        Cuộc trở lại Ki-tô giáo của tín hữu Cô-rin-tô không phải chỉ rửa tội là xong, nhưng là cả một tiến trình thay đổi từ từ. Trước khi nói đến đời sống mới trong Ðức Ki-tô, thánh Phao-lô nghĩ là cần phải nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô về lối sống của họ trước khi họ trở lại. Trước khi được rửa tội, được thánh hóa và được nên công chính, họ là những người đã sống cuộc sống thiếu đạo đức, vô luân (6:11). Men cũ của vô luân đã tác dụng vào quan niệm sống của họ. Một trong những tác dụng của men cũ là đề cao đời sống vật chất thể xác với khẩu hiệu "Tôi được phép làm mọi sự." Người ta lấy khẩu hiệu này để biện minh rằng dâm dục là một nhu cầu chính đáng giống như ăn uống, chẳng khác gì "thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn," hoặc thân xác dành để dâm dục và dâm dục dành cho thân xác.

Nhưng thánh Phao-lô lên án lối sống này khi ngài khẳng định: "Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác" (c.13b). Ngài trả lời tại sao không thể sống gian dâm. Bởi vì nhu cầu ăn uống đi liền với đời sống thể xác, không ăn uống là chết; còn đời sống tính dục thì liên quan tới con người toàn diện, tức là liên quan tới cái thân xác vừa có chiều kích xã hội (sống cho tha nhân), vừa có chiều kích đối thần (sống cho Thiên Chúa). Như vậy, con người được liên kết với Ðức Ki-tô Phục Sinh, tức là đã được thánh hóa, cần phải có một đời sống tính dục xứng với một chi thể của Ðức Ki-tô. Thế nào là một đời sống tính dục xứng hợp với một chi thể của Ðức Ki-tô? Lấy một thí dụ cụ thể cho dễ hiểu: đôi vợ chồng thì sống đời sống tính dục để sống cho nhau và cho Chúa, còn một tu sĩ hay linh mục thì tình nguyện tiết dục để phục vụ tha nhân và phụng sự Thiên Chúa.

 

b)Men mới:nên một tinh thần với Ðức Ki-tô

        Thánh Phao-lô đã nói đến chiều kích thể lý của mầu nhiệm kết hợp với Ðức Ki-tô (câu 15). Ðể tránh cho người ta đừng hiểu một cách quá thô thiển chiều kích kết hợp đó, ngài nhấn mạnh đến việc "trở nên một tinh thần với Ðức Ki-tô."Rõ ràng việc kết hợp tinh thần này đòi chúng ta phải để cho Thần Khí của Ðức Ki-tô ngự trị trong chúng ta (Rm 8:9), đến độ "tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2:20). Sống đời sống mới trong Thần Khí của Ðức Ki-tô là một chủ đề lớn, tư tưởng chính của Phao-lô, được lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần trong toàn bộ các thư của ngài.Kết hợp với Ðức Ki-tô là lẽ sống và là phương thế duy nhất để chúng ta được cứu rỗi (Rm 6:5).

 

c) Một quan niệm mới: thân xác chúng ta là Ðền Thờ của Thánh Thần

        Từ bài học về lối sống Ki-tô, thánh Phao-lô rút ra một bài học mới về cách sử dụng thân xác của chúng ta. Khi khẳng định thân xác chúng ta là Ðền Thờ của Thánh Thần, thánh Phao-lô muốn nói lên đâu là mục đích khi chúng ta sống cuộc sống thể lý này. Ðây chỉ là cách nói khác đi, nhưng diễn đạt cùng một tư tưởng ở trên, tức là: thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa nơi thân xác Ðức Ki-tô luôn hướng dẫn Người phục vụ: thi hành thánh ý Chúa Cha và giúp đỡ tha nhân. Chính Ðức Ki-tô đã sử dụng "Ðền Thờ của Thánh Thần" của Người để ra đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành và diệt trừ sức mạnh của ma quỷ.

        Thiên Chúa cũng muốn biến tất cả chúng ta thành "Ðền Thờ của Thánh Thần" như Người đã thực hiện nơi Ðức Ki-tô. Người "đã trả giá đắt" để chuộc lấy chúng ta và làm cho chúng ta trở nên Ðền Thờ của Thánh Thần.Cái giá đắt đỏ ấy chính là cái chết tủi nhục của Con Một Người trên thập giá. Cho nên có lẽ chúng ta hãy gạt bỏ đi ý nghĩ thân xác là hèn mọn (như chúng ta thường hiểu trước kia), để nhận thức phẩm giá đích thực của nó, và nhất là biết sử dụng nó để tôn vinh Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Những công thức "được phép/bị cấm" thường làm mất đi tinh thần giữ luật một cách trưởng thành, và cũng thường làm cho chúng ta trở thành "nô lệ cho lề luật." Vậy tôi có thực sự sống tinh thần tự do của những người làm con cái Chúa? hay là sống theo tinh thần vị luật của những người Pha-ri-sêu?Ðan cử một vài thí dụ cụ thể để chia sẻ.

        Kết hợp với Chúa Ki-tô là một đề tài tôi gặp đi gặp lại khi suy niệm thư thánh Phao-lô. Nhưng đó có phải là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" không?Hay tôi vẫn chưa tiến triển chút nào trong lý tưởng sống kết hợp với Chúa Ki-tô? Tại sao chưa?

        Xét lại cuộc sống, tôi thấy mình đã dung dưỡng thân xác như thế nào?Tôi có thực sự tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác tôi không? Tôi đã sử dụng nó như thế nào để làm vinh danh Chúa?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh Dâng hiến của thánh I-Nhã:

                Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

                và trọn cả ý muốn của con,

                cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.

                Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

                lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

                Tất cả là của Chúa,

                xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

                Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

                Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. A-men.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà