CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN.

CHÚA BA NGÔI,

 Ngày 15/6/2003

Mt 28, 16-20

 

CHÚA BA NGÔI TRONG LỊCH SỬ CỨU RỖI

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm siêu nhiên, sâu thẩm, chính Chúa mạc khải nhân loại mới có thể hiểu thấu được. Còn nếu con người lý luận, phân tích, và dùng khoa học hoặc phương tiện vi tính, máy móc để lý giải, kiểm chứng thì không bao giờ trí khôn con người có thể đạt thấu.Ngay thánh Phaolô đã viết:  “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau”( Rm 12, 33-34 ).

 

CHÚA GIÊSU MẠC KHẢI Ở NƠI THIÊN CHÚA CÓ BA NGÔI VỊ PHÂN BIỆT VỚI NHAU: Nếu con người cứ tự mình cố gắng minh chứng, lý giải để tìm hiểu một Thiên Chúa có Ba Ngôi và  Ba Ngôi chỉ là một Chúa, chắc chắn con  người sẽ rối trí, đau đầu không sao hiểu nổi. Người ta thuật lại rằng ngay thánh Augustinô, tiến sĩ, một Vị Thánh thông minh, tài giỏi, nhưng khi nghĩ về Chúa  Ba Ngôi, thánh nhân cũng không sao hiểu nổi một Chúa Ba Ngôi. Tìm hiểu theo trí óc loài người, giống như một em nhỏ múc nước biển đổ vào lỗ cát trên bãi biển. Vì trí khôn con người trước một mầu nhiệm, thật quá nhỏ bé, hạn hẹp, nó không thể nào vươn lên và lý giải được những sự siêu việt trên trời.Chính Chúa Giêsu đã dậy cho nhân loại biết mầu nhiệm cao cả đó. Khi sứ thần Gabrien truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria chịu thai và sinh ra Đấng Cứu Thế, sứ thần đã cho Trinh nữ hay Con của Trinh nữ Maria sẽ được gọi là Con của Đấng tối cao, Con Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần(Lc 1, 30-35 ). Rồi khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giorđan, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu, và từ trời tiếng Chúa Cha phán rằng:” Đây là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”(Mt 3, 16-17 ). Trong thời gian giảng đạo, Chúa Giêsu thường nhắc đến Chúa Cha “ Cha Ta hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc...”( Ga 5, 19 ) hoặc” Ta và Cha Ta là một “( Ga 10, 30 ).Rao giảng, Chúa đã nhiều lần đã nói tới Chúa Thánh Thần:  “ Nếu các con yêu mến Thầy...Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”( Ga 14, 15 ) hoặc”...Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta”( Ga 15, 26 ). Chúa phục sinh trước khi về trời đã mạc khải rõ ràng nhất về hành động của Chúa Ba Ngôi trong các giai đoạn lịch sử cứu rỗi:” Các con hãy đi giảng dậy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần”( Mt 28, 19 ).Có người đã dùng ngón tay có ba đốt để nói về Chúa Ba Ngôi. Thánh Ignatiô Loyola dùng hình ảnh ba nốt nhạc cùng hòa âm. Con người dùng rất nhiều ví dụ để nói về Chúa Ba Ngôi, nhưng tựu trung chỉ Chúa Giêsu mới cho ta hiểu rõ về Chúa Ba Ngôi.

 

CHÚA BA NGÔI LÀM GÌ CHO TA ?

Chúa Ba Ngôi có liên hệ rất mật thiết với mỗi người chúng ta: Chúa Cha tạo dựng nên ta. Chúa Con chuộc tội cho ta. Chúa Thánh Thần biến đổi ta, ban ân sủng, nung nấu lửa mến cho ta. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi kéo ta về Thiên Chúa duy nhất với những hoạt động khác nhau của Người trong lịch sử cứu độ nhân loại. Mừng Chúa Ba Ngôi là ta mừng toàn bộ công trình cứu chuộc của Chúa, đưa ta dấn thân vào công trình của Chúa bằng cách thi hành lệnh truyền giáo của Chúaphục sinh trao phó, rao giảng và tụ họp, thâu nạp muôn dân vào Giáo Hội một Hội Thánh của những kẻ tin, sống cuộc sống mới của Chúa sống lại,xây dựng tình huynh đệ bác ái, chia sẻ niềm tin. Ba Ngôi có liên hệ mật thiết với ta, nên ta cũng phải tin kính, cậy trông, kính mến, tạ ơn, cầu xin Chúa Ba Ngôi.

Khi ta có ân sủng, sạch tội, Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn ta như lời Chúa nói:”Ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta và Cha Ta sẽ thương yêu kẻ ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong kẻ ấy”( Ga 14, 23 ).   Chúa Ba Ngôi sẽ ở trong linh hồn ta, nên ta phải hết sức xa lánh tội trọng để không bao giờ ta dám xua đuổi Chúa Ba Ngôi ra khỏi linh hồn ta. Dấu thánh giá là cách biểu lộ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu Mỗi lần làm dấu thánh giá là ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi và đó là dấu đức tin của Đạo công giáo.

 

GỢI Ý CHIA SẺ

1.  Bạn hiểu gì về Chúa Ba Ngôi ?

  1. Chúa Giêsu nói gì về Chúa Ba Ngôi ?   

 

10-6-2003

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà