CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Ê-phê-xô 3: 2-3,5-6

Từ Rô-ma, thánh Phao-lô, "người tù của Ðức Ki-tô Giê-su" (3:1), viết thư cho giáo đoàn Ê-phê-xô để nhắc nhở họ về đặc ân đã được đón nhận đức tin nơi Ðức Ki-tô.  Dù Phao-lô bị xiềng xích, nhưng Lời Chúa không thể bị xiềng xích và tiếng nói của các sứ giả Lời Chúa sẽ vang cùng khắp trái đất.  Sứ mạng của các tông đồ là giúp cho mọi người, cả Do-thái lẫn Dân ngoại, được biết kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa.  Nếu bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng nói về chính hành động tỏ mình ra (Hiển Linh) của Thiên Chúa, thì đoạn thư của thánh Phao-lô lại nhìn việc Hiển Linh theo nhãn quan sứ mệnh tông đồ.  Nói khác đi, Thiên Chúa đã sử dụng các tông đồ như khí cụ loan báo cho nhân loại biết kế hoạch ân sủng của Người đã được thực hiện nơi Ðức Giê-su Ki-tô, và sứ mệnh của người tông đồ là rao giảng mầu nhiệm Ðức Ki-tô cho muôn dân.  Như vậy, bài đọc Tân Ước qua ngôn từ thần học trình bày nội dung của việc Hiển Linh, tức là những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho con người, sẽ là một đề tài suy niệm không bao giờ cạn.

 

a)  Kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa

Theo cách hiểu thông thường của chúng ta, kế hoạch là một chương trình được sắp xếp, phối hợp và thực hiện để đạt tới mục đích mình muốn.  Một quốc gia có kế hoạch ngũ niên về kinh tế nhằm giúp cho đời sống vật chất của dân chúng được tốt đẹp hơn.  Một hãng xưởng cũng có những kế hoạch để phát triển, mở mang.  Tất cả đều nhắm đem lại lợi ích cho mình.  Nhưng kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa thì khác hẳn.  Nguyên từ ngữ kế hoạch ân sủng nghe đã có vẻ...  không ổn chút nào rồi!  Ban phát ân huệ cho người khác mà cũng cần phải có một kế hoạch, thì đúng là chỉ có Thiên Chúa mới làm công chuyện "điên rồ" như vậy!  Nhưng quả thực Thiên Chúa đã làm chuyện điên rồ chỉ vì yêu thương nhân loại.  Con tim của Thiên Chúa có những lý lẽ không thể cắt nghĩa nổi.  Tại sao Người không phác họa một kế hoạch công bình, tội đâu phạt đó?  Hoặc một kế hoạch quyền năng, sử dụng quyền phép của Người mà xóa bỏ những gì đã được tạo dựng để làm một cuộc tạo dựng khác?  Nhưng lại là một kế hoạch ân sủng?  Là kế hoạch ân sủng, vì Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại Ân Sủng là Ðức Ki-tô, để trong Ðức Ki-tô và nhờ Ðức Ki-tô mọi người, Dân ngoại cũng như Do-thái, được "cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa."  Các thánh Tông đồ đã được Thiên Chúa đưa vào kế hoạch ân sủng này để làm những người công bố cho nhân loại biết và tin vào Ân Sủng ấy để được cứu rỗi.

 

b)  Ðể thực hiện kế hoạch

Một kế hoạch phải có mục tiêu rõ ràng.  Ðể đạt mục tiêu, phải đề ra những phương thức thực hiện vừa tầm tay.  Mục tiêu càng rõ ràng đơn giản và phương thức thực hiện càng hợp lý thì mục tiêu ấy càng có cơ may thực hiện được. 

Vậy mục tiêu của kế hoạch ân sủng là làm cho cả dân Do-thái lẫn Dân ngoại đều trở thành đồng thừa kế gia nghiệp của Thiên Chúa.  Còn phương thức thực hiện là "trong Ðức Ki-tô và nhờ Tin Mừng."  Ðức Ki-tô là phương thức thực hiện kế hoạch khi Người thừa kế gia nghiệp của Thiên Chúa Cha.  Người là gạch nối giữa con người với Thiên Chúa và giữa người Do-thái với Dân ngoại.  Tuy nhiên Thiên Chúa không muốn thực hiện kế hoạch một cách độc đoán.  Người muốn có sự cộng tác của loài người qua sự đáp trả của họ, nghĩa là họ cần phải kết hiệp với Ðức Ki-tô (được Ki-tô hóa) và đón nhận Tin Mừng (để cho Tin Mừng thay đổi lối sống). 

Ðể giúp kêu gọi loài người cộng tác với phương thức thực hiện kế hoạch ân sủng, Thiên Chúa "đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Ðồ và ngôn sứ của Người" biết mầu nhiệm Ðức Ki-tô.  Làm những người công bố phương thức thực hiện kế hoạch ân sủng, các Tông Ðồ phải là những người am hiểu phương thức ấy trước nhất.  Thánh Phao-lô đã khiêm tốn, không muốn phô trương sự am hiểu của mình về Ðức Ki-tô, cho nên ngài viết:  "Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Ðức Ki-tô như thế nào" (câu 4).  Ðúng như thế, đọc các thư của Phao-lô, chúng ta nhận ra mọi tư tưởng của ngài đều quy tụ về Ðức Ki-tô.  Giáo lý về Ki-tô học của thánh Phao-lô quả thực phong phú và thâm sâu vô cùng.  Nhưng không phải chỉ là một thứ Ki-tô học đầu óc, suy tư, lý thuyết, mà là một thứ Ki-tô học đã thấm nhập vào lối sống, thay đổi toàn diện con người đến độ "đối với tôi, sống là Ðức Ki-tô."

Nhìn lại kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra những chân lý sau đây:  kế hoạch là cho chúng ta, chứ không phải cho Thiên Chúa;  mục tiêu của kế hoạch là giúp cho mọi người không phân biệt ai được hưởng gia nghiệp của Thiên Chúa;  phương thức hành động để đạt mục tiêu là Ðức Ki-tô và Tin Mừng;  các Tông Ðồ là những người được Thiên Chúa ủy thác sứ mệnh công bố phương thức hành động, tức là rao giảng về Ðức Ki-tô và Tin Mừng của Người.  Với những tư tưởng này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc Hiển Linh, không phải chỉ như một biến cố Ba Vua đến thờ lạy Chúa Giê-su, nhưng với nội dung súc tích của những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho nhân loại biết, tức là chính kế hoạch ân sủng của Người được thể hiện nơi Ðức Giê-su Ki-tô và bổn phận của chúng ta là tiếp nhận ân sủng ấy, vì "từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác", nhưng "những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Ga 1:16,12).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Trước đây, Lễ Hiển Linh đã cho tôi những ý niệm nào?  Trình bày của thánh Phao-lô sẽ giúp tôi hiểu ý nghĩa của việc Hiển Linh để tôi cùng với Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh như thế nào cho đúng?

Thánh Phao-lô viết:  "Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Ðức Ki-tô như thế nào."  Vậy tôi đã am hiểu mầu nhiệm Ðức Ki-tô ở mức độ nào?  Như một mớ kiến thức trong đầu óc?  Hay như một Ðấng mà thánh Phao-lô đã tuyên xưng là "Ðức Ki-tô, Chúa của tôi"?

"Ðược biết Chúa Ki-tô là một mối lợi."  Tôi đã đem chia sẻ mối lợi này với anh chị em như thế nào?  Qua lối sống của tôi, tôi có cho người khác thấy được phương thức Thiên Chúa muốn tôi thực thi, đó là "trong Ðức Ki-tô" và "nhờ Tin Mừng" không?  Tại sao?

 

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài hát Giáng Sinh.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà