Thánh Tô-ma Aquinô Đã Hiểu Cuộc Khổ Nạn và Ba Ngôi Như Thế Nào

 

 Cha Đa Minh Legge, O.P., chia sẻ Bài giảng Ngày Thánh Tô-ma tại Đại học Tô-ma Aquinô ở Santa Paul, Calif., Ngày 28 tháng 1 năm 2020. Ảnh do TAC cung cấp.

 

Trong những ngày chuẩn bị mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hướng về và suy ngắm Mầu nhiệm Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, là nguồn cội của công trình sáng tạo thế giới và của nhiệm cục cứu độ nhân loại làm phát sinh Ki-tô giáo, Hội Thánh Công giáo và, do đó, mỗi Ki-tô hữu. Đây là mầu nhiệm khôn dò, không phải để người Ki-tô hữu tìm hiểu tận căn, vì họ chỉ có thể bập bẹ đôi điều về mầu nhiệm vô cùng chan chứa và thẳm sâu này của Đấng vô hình cao cả, nhưng trên hết và cùng hết là để họ sống mầu nhiệm đó theo khuôn mẫu Ba Ngôi, sống yêu thương, vì “Thiên Chúa là TÌNH YÊU” (1Gioan 4,8). Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Không sống theo khuôn mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa, con người cá nhân và xã hội sẽ không thể hoàn thành chính mình, không đạt được cùng đích của mình là Thiên Chúa, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).

 

Chúng ta hãy xin cho mình có khả năng chiêm ngắm sâu sắc và nhất là sống sâu xa khuôn mẫu Ba Ngôi một cách cụ thể như những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,20).[1]


Ngược lại với suy nghĩ chung của các nhà thần học đương thời, Cha Đa Minh Legge, dòng Đa Minh, cho biết hôm thứ Ba rằng bài viết của Thánh Tô-ma Aquinô về Cuộc Khổ Nạn mang tính Ba Ngôi sâu sắc.

 

Sự hiểu biết của Thánh Tô-ma về toàn bộ cuộc sống của Chúa Kitô, và trên hết là Cuộc Khổ Nạn và sự Tôn Vinh của Ngài mang tính Ba Ngôi sâu sắc và cung cấp những hiểu biết có giá trị về những mầu nhiệm tâm điểm của đức tin, Cha Đa Minh cho biết ngày 28 tháng 1 trong bài giảng cho Ngày Thánh Tô-ma tại Santa Paula, Calif., khuôn viên trường Đại học Tô-ma Aquinô.

 

“Thật vậy, đặc biệt là trong các bài chú giải Kinh thánh của mình, Thánh Tô-ma đã vẽ nên khoảnh khắc thăng hoa trong cuộc sống trần thế của Chúa Kitô trong các gam màu Ba Ngôi rực rỡ, liên ngôi vị”.

 

Trường đại học mừng lễ thánh Tô-ma Aquinô bằng thánh lễ, một bài giảng và giờ giải trí.

 

Cha Đa Minh là giám đốc của Học viện Thánh Tô-ma, và là trợ lý giáo sư thần học hệ thống tại Khu Nhà nghiên cứu dòng Đa Minh tại Washington, DC. Trước khi gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Cha đã nhận được bằng Tiến sĩ Luật học tại Trường Luật Yale và là chuyên gia về luật hiến pháp cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

 

Bài giảng của Cha đề cập đến cách luận bàn của Thánh Tô-ma Aquinô đối với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và Chúa Ba Ngôi, Cha lưu ý rằng các nhà thần học đương thời thường buộc tội rằng con bò câm này không thảo luận đầy đủ về Chúa Ba Ngôi khi nói về Cuộc Khổ Nạn.


“Mục tiêu của tôi là đưa ra ánh sáng một chú giải phong phú của Thánh Tô-ma Aquinô về thập giá của Chúa Kitô như là một mầu nhiệm Ba Ngôi, qua đó Chúa Con cứu độ chúng ta theo một mô hình Ba Ngôi”, Cha Đaminh nói.

 

Vị linh mục đặt các khía cạnh Ba Ngôi của Cuộc Khổ Nạn trong bối cảnh các sứ mệnh thần linh, Cha nói rằng Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là trung tâm của sự cứu rỗi: “Qua Cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa Kitô biểu lộ Chúa Cha, và mở đường cho chúng ta trở về với Chúa Cha, và, lên trời cả hồn lẫn xác, trở thành con đầu lòng của những người đã chết bước vào vinh quang của Chúa Cha”.

 

Cha Đaminh nói rằng đối với Thánh Tô-ma, Cuộc Khổ Nạn vừa biểu lộ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vừa lôi kéo chúng ta vào chính mầu nhiệm đó: “Chúa Kitô phục sinh thổi hơi Chúa Thánh Thần tràn đầy trên Giáo hội, để chúng ta cũng có thể chia sẻ vinh quang thần linh mà Chúa Con và Chúa Thánh Thần sở hữu cùng Chúa Cha trước khi tạo thành thế giới”.

 

Cha nói thêm rằng nguyên nhân tối hậu của Cuộc Khổ Nạn, đối với Thánh Tô-ma, “được tìm thấy chính xác trong sự nhiệm sinh nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa ở trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, theo thể thức đó con người khởi phát từ Thiên Chúa và vạch ra con đường cho họ trở về cùng Thiên Chúa."

 

Cha đã đề ra sơ nét sáu cách mà Thánh Tô-ma nói về mối quan hệ giữa Cuộc Khổ Nạn và Ba Ngôi: tình yêu của Chúa Cha ở nguồn gốc của Cuộc Khổ Nạn; mối quan hệ giữa tình yêu của Chúa Cha và cái chết của Chúa Kitô; Chúa Thánh Thần và đức ái của Chúa Kitô; sự vâng phục của Chúa Kitô đối với Chúa Cha; tiếng kêu khóc của Chúa Kitô trên thập giá với Chúa Cha; và Cuộc Khổ Nạn như là sự tôn vinh.

 

 

Cha Đaminh lưu ý rằng khi bình luận về Tin Mừng Gioan 3:16, Thánh Tô-ma đã liên hệ câu này với thập giá, Thánh Tô-ma nói rằng câu này “liên quan đến tình yêu lớn lao nhất bởi vì đó là tình yêu của Đấng đang yêu – là Chúa Cha - và của Đấng được trao ban cho thế gian: là đích thân Chúa Con, trong sứ mệnh thần linh của Ngài, mà đỉnh cao là Ngài được 'trao ban cho tất cả chúng ta' trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài, “điều đó” sản sinh ra hoa trái lớn lao nhất có thể có: đó là “ân huệ của Chúa Thánh Thần”.

 

Cha Đaminh tiếp tục thảo luận về tình yêu của Chúa Cha, Cha nói rằng đối với Thánh Tô-ma Aquinô, Chúa Cha “không mong ước cái chết hay sự đau khổ của Chúa Ki-tô như vậy; Chúa Cha muốn rằng Chúa Kitô có một đức ái hoàn hảo dành cho chúng ta đến nỗi Chúa Kitô thậm chí chịu bỏ mình cho đến chết vì lợi ích của chúng ta”.

 

Cha Đaminh nói, “Hãy lưu ý thần học về Ba Ngôi thấm nhuần các bản văn của Thánh Tô-ma Aquinô. Chúa Cha là nguồn gốc tột cùng làm cho Chúa Kitô sẵn lòng gánh lấy thập giá, cả với tư cách là Thiên Chúa và tư cách là con người. Khi nhiệm sinh ra Chúa Con, Chúa Cha ban cho Chúa Con “từ muôn đời ý chí mang lấy nhục thể và đau khổ vì chúng ta” và linh hứng cho Chúa Con bằng đức ái hoàn hảo, để Chúa Con sẵn lòng chịu đau khổ và chết vì lợi ích của chúng ta”.

 

Thảo luận về Chú giải của Thánh Tô-ma về Thư (của thánh Phao-lô) gửi tín hữu Roma, Cha Đaminh nói rằng “sự lựa chọn từ ngữ của Thánh Tô-ma Aquinô gợi lên sứ mệnh vô hình của Chúa Thánh Thần, vì đức ái nhân tính của Chúa Ki-tô là hiệu năng của sự hiện diện ngôi vị và riêng biệt của Chúa Thánh Thần. Bằng cách truy nguyên đức ái này ngược về nơi Chúa Cha, Thánh Tô-ma Aquinô cũng nhấn mạnh rằng mọi hiệu năng của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong nhân tính của Chúa Ki-tô cũng là từ Chúa Cha”.

 

Chú ý đến bản tính con người của Chúa Kitô, Thánh Tôma đã dạy rằng các ân huệ của Chúa Thánh Thần “đảm bảo rằng Chúa Kitô, với tư cách con người, muốn những gì  Thiên Chúa muốn, theo cung cách Thiên Chúa muốn”, và “sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần làm cho ý chí con người của Chúa Kitô hoạt động từ bên trong, để thực hiện một hành vi nhân tính tột cùng tự do”.

 

Tiếp tục thảo luận về nhân tính của Chúa Kitô, Cha Đaminh nói rằng, “việc nhập thể mặc khải sự nhiệm sinh từ đời đời của Chúa Con (là Đấng sau này sẽ gửi Chúa Thánh Thần xuống) và làm cho sự nhiệm sinh đó hiện diện theo một cung cách mới. Nhân tính của Chúa Giê-su được biểu lộ, đến tận những tầng sâu của bản thể của Ngài, bằng cung cách con thảo của Chúa Con; trong tất cả những gì Chúa Kitô là và làm, Người đến từ Chúa Chaqui hướng về Chúa Cha”.

 

Vì Chúa Con không có gì mà không nhận từ Chúa Cha, nên “ý chí thần linh muốn cứu độ chúng ta bằng thập giá được tìm thấy trước tiên trong Chúa Cha và bởi vì Chúa Cha thôi thúc Chúa Ki-tô thành một con người có đức ái bằng cách ban Chúa Thánh Thần cho Chúa Ki-tô”.

 

“Đối với tâm trí của Thánh Tôma, lệnh truyền của Chúa Cha không thúc ép Chúa Kitô cũng không phủ nhận ý chí con người của Ngài, mà đúng hơn lệnh truyền đó chính là kế hoạch cứu độ chúng ta của Chúa Cha, mà Chúa Con ôm lấy với đức ái hoàn hảo, đức ái này đã được ban cho Ngài trong sứ mệnh vô hình của Chúa Thánh Thần”, Cha Đaminh nói.

 

Như vậy đối với Thánh Tôma, thập giá mặc khải cho thế giới thấy tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhau.

 

Cha Đaminh nói rằng tiếng khóc của Chúa Kitô, “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa lại bỏ con”, được Thánh Tôma coi như “mặc khải cho chúng ta một mầu nhiệm sâu sắc, một mầu nhiệm bị hai sai lầm Kitô học đặt ngang bằng nhau ”, hoặc là "Ngôi Lời, như là Lời bị Thiên Chúa bỏ rơi” hoặc đó là “lời nói của một người bị tách ra khỏi Thiên Chúa”.

 

“Giải pháp của Thánh Tôma là Ngôi Lời nói điều này trong tư cách con người”, Cha Đa Minh giải thích. “Nghĩa là, chủ thể đang nói là Chúa Con nhập thể; Ngài nói trong bản tính con người của mình, về mối quan hệ nhân tính của Ngài với Chúa Cha, chứ không nói đến mối quan hệ của Ngôi Lời với Chúa Cha trong thần tính”.

 

Đề cập đến chú giải của Thánh Tôma về các Thánh vịnh, Cha Đaminh cho biết tiếng kêu nói đến sự đau khổ của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn, được Chúa Cha cho phép, và tiếng kêu đó không nói đến “sự tách biệt nào khỏi Thiên Chúa”.

 

“Thế thì, đối với Thánh Tôma Aquinô, Chúa Kitô khóc trên thập giá là một sự mặc khải và một chỉ dẫn”, Cha nói. “Tiếng kêu đó thể hiện chiều sâu của mầu nhiệm nhập thể, biểu lộ hiện thực Chúa Kitô đau khổ như một con người, biểu lộ sự vĩ đại của tình yêu của Ngài đối với chúng ta và đối với Chúa Cha, và cuối cùng, biểu lộ sự tin tưởng và vâng phục trong nhân tính của Ngài đối với Chúa Cha”.

 

Cuối cùng, chuyển sang lời cầu xin của Chúa Kitô về sự tôn vinh trong khi cầu nguyện cho các môn đệ của mình trong Tin Mừng Thánh Gioan 17, Cha Đaminh nói rằng, “đối với Thánh Tôma, lời thỉnh cầu này bao gồm chính cuộc khổ nạn sự tán dương Chúa Kitô trong sự phục sinh, lên trời và gửi Chúa Thánh Thần đến, và nó được thể hiện cùng các chủ đề Ba Ngôi chính”.

 

Chúa Kitô được Chúa Cha tôn vinh, và thập giá là vinh quang “bởi vì đó là khoảnh khắc đỉnh cao của sự tự mặc khải và tự biểu lộ của chính Chúa Kitô: của sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Kitô” và “của căn tính của Ngài trong tư cách là Chúa Con đến từ Chúa Cha, và như thế, trong tư cách con người, Ngài hoàn toàn vâng theo Chúa Cha”.

 

“Có lẽ chiều kích cơ bản nhất của vinh quang thập giá đối với Thánh Tôma Aquinô là vinh quang thập giá đó mặc khải Thiên Chúa có Ba Ngôi vị”, Cha Đaminh kết luận.

 

Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh chứng tỏ vinh quang của Chúa Giêsu, cho thấy Người là Chúa Con. Điều này đến lượt nó hàm ý nói tới Chúa Thánh Thần, mà “sự soi sáng trong tâm hồn từ Chúa Thánh Thần khiến người khác nhận ra Chúa Kitô - và đặc biệt là Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại - như là Con Thiên Chúa”.

 

Hơn nữa, Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su mặc khải Chúa Cha, bởi vì chỉ trong mối quan hệ của Chúa Giê-su với Chúa Cha mà Chúa Con mới là Con.

 

Cha Đa Minh nói, “Cuối cùng, Thánh Tôma Aquinô kết luận, bằng cách truy nguyên sự tôn vinh này ngược về nơi Chúa Cha như là nguồn gốc của sự tôn vinh đó, Chúa Giêsu được tôn vinh bởi Chúa Cha, là Đấng đã sai Người đến trong vinh quang của Chúa Con, một vinh quang đến từ Chúa Cha”.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Chúa, vì yêu thương mà Chúa đã vâng lời Chúa Cha đón nhận cái chết để cứu độ con người, và lại ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn chúng con theo đường lối của Chúa mà về với Chúa Cha là Quê Hương vĩnh cửu.[2]

 

Phê-rô Phạm Văn Trung.

 

https://www.catholicnewsagency.com/news/how-thomas-aquinas-understood-the-passion-and-the-trinity-56230



[1] Lời dẫn của người dịch.

[2] Người dịch thêm vào.