TRÁI TIM CỦA ĐỨC GIÊSU,

VÀ LINH MỤC

 

(Nhân ngày thế giới xin ơn thánh hoá các Linh Mục)

Lm Phêrô Trần Đình

 

 

Tháng Thánh Tâm là cơ hội để chúng ta - cách riêng các Linh Mục – lắng nghe nhịp đập của  trái tim Đức Giêsu. Trái tim của Người là một trái tim như thế nào ?

Khởi đầu Tin Mừng, Thánh Gioan viết : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1, 1). 

Câu Tin Mừng này cho ta một trả lời sơ khởi : trái tim của Đức Giêsu là một trái tim luôn hướng về Chúa Cha. Đức Giêsu luôn ở trong tình trạng căng thẳng và háo hức hướng về Cha.

Chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu.

 

I. “TÔI SỐNG NHỜ CHÚA CHA” (Ga 6, 57)

Đời sống của Đức Giêsu có một định hướng rõ rệt và như một ám ảnh : Chúa Cha.

Tin Mừng của Thánh Gioan – cuốn Tin Mừng mô tả cho chúng ta chân dung trung thực nhất về trái tim của Đức Giêsu  – cho thấy mối ưu tư hay quan tâm chủ đạo của Người chính là mối ưu tư, quan tâm về Chúa Cha.

Đức Giêsu sống bằng lòng yêu mến đối với Chúa Cha và nó là căn bản của cuộc hiện hữu tại thế của Người, cho suy nghĩ cũng như hành động. Vì Cha và vì vinh quang của Cha mà Đức Giêsu đã đến trần gian này : giáo lý Người dạy được Cha trao phó cho Người, những phép lạ Người làm là những phép lạ do Cha thực hiện, Ngôi vị mà Người mặc khải là Ngôi vị của Cha.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57). Qua lời phát biểu này, Đức Giêsu cho thấy bí ẩn đời Người : Cha là động lực và là cùng đích. Một cách chính xác, cuộc sống “nhờ Cha” có nghĩa là Đức Giêsu sống nhờ sự sống nhận được từ Cha. Cha xuất hiện như nền tảng, như sự trào vọt từ đó Đức Giêsu phát xuất. Bằng kinh nguyện, Đức Giêsu dìm mình trở lại trong ngọn nguồn từ đó Người phát xuất; rồi bằng việc dạy dỗ, phục vụ và hi sinh, Người tôn vinh Cha.

 

II. KHIÊM HẠ THẲM SÂU TRƯỚC CHÚA CHA

Vì nhiệt thành tôn vinh Cha, Đức Giêsu không chấp nhận để cho những lời ngợi khen dừng lại nơi Người.

Thật vậy, khi người thanh niên giàu có gọi Người là “Thầy nhân lành”, Đức Giêsu đã trả lời anh ta bằng cách trả vinh quang ấy về cho Chúa Cha : “Không có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 17-18). Đó là thái độ sùng kính Cha. Đức Giêsu quá yêu mến Cha nên không thể chịu nổi việc người ta lấy mất của Cha một sự tôn kính nào, cho dầu là cỏn con.

Ở đây bộc lộ rõ sự khiêm hạ của Người. Chúng ta thán phục khi Đức Giêsu khiêm nhường rửa chân cho các môn đệ, thế nhưng sự khiêm nhường này chỉ là hậu quả của một sự khiêm nhường –sâu xa và cốt yếu hơn – đối với Chúa Cha. Sự khiêm nhường này thật thấm thía, bởi nó là sự khiêm nhường của một Vị Thiên Chúa làm người.

Không thiếu gì triết gia cho rằng sự khiêm nhường là bất xứng với địa vị của Thiên Chúa. Cho nên sự khiêm nhường của Đức Giêsu cũng có thể nói là một cái gì vượt quá trí hiểu của con người. Và sự cao cả của Người cũng chính là đây.

Thế nhưng mặc khải đã cung cấp cho chúng ta một điều có thể xem là nghịch thường : tất cả đời sống của Đức Giêsu – Đấng là Thiên Chúa và là Tạo Hoá - đã được dệt nên bằng sự khiêm nhường, đến độ Thánh Phaolô tóm tắt tất cả công cuộc Nhập Thể và cứu chuộc của Người trong sự “tự huỷ và vâng phục” (x. Pl 2, 6-11). “Cái tôi” của Người đã tự chôn vùi - như hạt lúa mì phải chôn xuống lòng đất - và biến mất sau một Ngôi Vị khác là Chúa Cha.

 

III. VÂNG PHỤC CHÚA CHA ĐẾN ĐỘ CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Chúng ta có thể tưởng tượng được việc phải sống 30 năm trường ở Nadarét là thế nào đối với một con người tầm cỡ như Đức Giêsu không ? Ngày nào cũng vậy, bên dưới một công việc đục đẽo tầm thường, điều mà có lẽ ai cũng làm được, Đức Giêsu đã phải chôn dấu những khả năng thần thiêng và nhân loại bao la của mình ? Là kẻ đến trần gian này để cứu vớt các linh hồn và cứu thoát nhân loại, Đức Giêsu đã phải cam lòng ngồi bào gọt những miếng gỗ.

Rồi khi thời gian giam hãm này tại Nadarét chấm dứt, một sự giam hãm khác lại bắt đầu : việc tông đồ của Đức Giêsu bị Cha giới hạn trong ranh giới nước Palestina : “Ta chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel mà thôi” (Mt 15, 24).

Là Đấng Thiên sai, đương nhiên Đức Giêsu muốn ngỏ lời với mọi người thuộc mọi dân nước, vậy mà Người chỉ có dịp đi sang miền Tyrô và Siđôn vài ngày và phải giới hạn việc tông đồ của Người tại Giuđêa và Galilê. Nếu Cha muốn, chắc Đức Giêsu đã thực hiện công việc tông đồ chinh phục cả thế giới, chắc Người đã rong ruổi trên những nẻo đường mà sau này Thánh Phaolô sẽ nếm biết với sự say sưa cùng với mỏi mệt. Nhưng Cha không muốn và Đức Giêsu đã hết lòng ưng thuận, không mảy may tiếc nuối hay phản kháng.

Thay vì tung Người vào một công cuộc bành trướng trên khắp thế giới, Cha lại dẫn Người đến hổ nhục núi sọ. Đó là nơi sứ mạng tại thế của Người phải kết thúc. Chấp nhận điều này đã thật sự đớn đau như chúng ta có bằng chứng trong cuộc chiến đấu của Người lúc hấp hối.

Và nỗi xâu xé này còn tiếp diễn trên thánh giá : Đức Giêsu đau đớn vì bị Cha bỏ rơi, dầu vậy vẫn phó thác cho Cha : “Lạy Cha, con ký thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Đó là lời công bố cuối cùng của Người về Cha. Ký thác đời mình trong tay Cha là chấp nhận rằng cuộc sống của mình phải kết thúc giữa tuổi trai tráng đầy sinh lực sau hai năm hoạt động công khai, là cam chịu nhìn thấy những tài năng nhân loại của mình vĩnh viễn bị ngăn chặn và những khả năng truyền giáo bao la của mình thực sự bị tiêu tan, là để mình bị kéo ra khỏi người mẹ và các môn đệ, và một cách phổ quát hơn, khỏi xã hội loài người mà Người hết lòng thương mến. Trong cái nhìn cuối cùng Người hướng về Cha, hiến tế của tình mến của Người đã mang dấu ấn nỗi đớn đau mãnh liệt ấy.

 

III. MỘT SỰ VÂNG PHỤC VINH THẮNG

Sự tùng phục Cha đến độ trầy trợt này chưa phải là hết. Đức Giêsu còn bị tấn công bởi những đối thủ là Satan. Sự tùng phục đối với Cha là điều mà satan muốn làm lung lay bằng mọi giá.

Sau cuộc chay tịnh 40 ngày đêm trong sa mạc, nó đã đề nghị Đức Giêsu những gì ?

Trước tiên, Satan đề nghị Người hoá đá thành bánh mà ăn. Nhưng đây chỉ là cái cớ. Chủ yếu, nó cám dỗ Đức Giêsu sữ dụng quyền hành thiên sai của Người theo ý riêng, nghĩa là phản bội lại Cha. Và nó ra tay thực hiện việc đó với một sự khéo léo thâm hiểm : “Nếu ông là Con Thiên Chúa …” (Mt 4, 3.6). “Con Thiên Chúa” chẳng phải là một chủ thể tối thượng, chẳng được hành động một cách tự do sao ? Satan muốn lái “Con Thiên Chúa” chống lại Cha mình , nhưng Đức Giêsu chỉ biết vâng lời Cha.

Satan còn ra sức phá huỷ sự tùng phục của Đức Giêsu bằng một cách khác : nó đề nghị Người thực hiện việc cứu độ bằng những việc lạ lùng, bằng cách từ trên đỉnh đền thờ gieo mình xuống. Nhưng vô ích, Đức Giêsu đã trả lời nó : “Ngươi chớ thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7).

Cuối cùng, satan đề nghị Đức Giêsu một sự tương nhượng nhằm chinh phục thế giới . Cũng như trong hai lần trước đó, Đức Giêsu phản kháng bằng sự tùng phục trọn vẹn và tuyệt đối đối với Cha. Người vinh thắng bảo vệ tài sản quí báu nhất cũng như tình mến căn bản nhất của Người.

Satan sẽ còn lặp lại những yêu cầu của nó trong quãng đời công khai của Đức Giêsu. Qua tiếng nói của những bà con của Người và của nhóm Biệt phái, nó sẽ yêu cầu thấy những phép lạ, qua lời can gián của Phêrô, nó ra sức kéo Đức Giêsu khỏi con đường lên Núi Sọ. Rồi vào lúc Đức Giêsu hấp hối, nó sẽ nỗ lực một lần nữa nhằm làm lung lạc sự phục tùng của Người đối với Cha. Dầu vậy, Đức Giêsu vẫn tuyệt đối kiên vững với những quyết định của Cha  : “Đừng theo ý con mà theo ý Cha” (Mc 14, 36). Cha vẫn luôn là Đấng vinh thắng nơi Đức Giêsu.

Không những satan, mà cả những người Biệt phái cũng mài miệt tìm ra hay tạo ra một khuyết điểm trong sự tùng phục ngoan nguỳ của Đức Giêsu đối với Cha. Họ xét nét đạo lý của Người để hi vọng tìm thấy trong đó những điều mâu thuẫn với giáo huấn Thiên Chúa đã ban cho dân Do thái. Bằng những cật vấn xảo quyệt, họ muốn dồn Người vào một sự sai lỗi. Nhưng mỗi câu hỏi của họ lại trở thành một sự bẽ mặt cho họ mà thôi : “Ai trong các ngươi bắt lỗi Ta được về tội gì ?” Người Biệt phái đã chẳng thành công trong việc làm rạn nứt sự tùng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Người. Rồi cũng như satan, họ cũng cố gắng lần cuối : “Nếu mày là Con Thiên Chúa, hãy cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập gía đi nào” (Mt 27, 40). Lời này có âm vang như thể lời của satan đã nói với Đức Giêsu trong sa mạc năm xưa : “Nếu ông là Con Thiên Chúa …”. Đó là tiếng hét giận giữ của satan khi nhận thấy mình đã thua cuộc và không thành công trong việc tách rời Chúa Con khỏi Chúa Cha.

Chỉ có lời của viên quan bách quản đã “phục thù” cho Đức Giêsu khi làm nổi bật sự kết hợp của Người với Cha : “Đích thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 40). Đức Giêsu đã yêu mến Cha mình và đã hoàn toàn sống phù hợp với Cha đến độ một người ngoại quốc đã nhận ra trong khuôn mặt và tiếng kêu hấp hối của Đức Giêsu chính khuôn mặt và giọng nói vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

IV. “CON THIÊN CHÚA”

“Con Thiên Chúa” là tước hiệu diễn tả tất cả thực hữu của Đức Giêsu, nói lên mối tương quan giữa Người với Chúa Cha. Thế nhưng, thay vì xưng mình bằng tước hiệu đó, Người đã phải chôn dấu nó trong bóng tối và xưng mình là “Con người”, dĩ nhiên cũng là tước hiệu thiên sai, nhưng trong đó lòng Người chưa thực sự được nhẹ nhõm. Thật vậy, nếu Người tự giới thiệu mình là Con Thiên Chúa, Người sẽ có nguy cơ làm cho thính giả ngán sợ hơn là lôi kéo được họ.

Kẻ không ngần ngại dành cho Người tước hiệu đó một cách công khai vẫn chính là satan, kẻ thù chủ chốt của Người. Nó đã sử dụng tước hiệu ấy đối với Người trong những cơn cám dỗ và rấtù nhiều khi ma quỉ bị Đức Giêsu đuổi khỏi những kẻ bị chúng ám cũng la lên như để trả thù Người : “Ông là Con Thiên Chúa”, để gây ra những phản ứng bất lợi từ phía các nhân chứng. Từ cái tên lẽ ra đã là dấu chỉ một sự liên kết bằng tình mến, nó đã làm cho trở thành một lợi khí gây oán thù. Bởi đó Đức Giêsu đã buộc nó phải im lặng và nén ép xuống đáy lòng Người ước muốn mà Người cảm thấy là công bố tất cả sự thật của dang xưng này. Caipha hỏi Người câu mà Người nôn nao trả lời : “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi thỉnh cầu ông nói cho chúng tôi hay: Ông có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không ?” (Mt 26, 63). Cuối cùng Người đã có thể tuyên bố lớn tiếng trước mặt giới cầm quyền tôn giáo trong dân Do thái về mối dây thật căn bản nối kết Người với Cha mình. Lời hối thúc của vị Thượng Tế đã buộc Người đòi lại tước hiệu của mình và cho phép Người đích thân diễn tả tất cả thực hữu vẫn có từ đời đời của mình là Con Thiên Chúa.

 

V. NHỮNG CUỘC GẶP GỠ CHÚA CHA

Trái tim Đức Giêsu ở trong tình trạng căng thẳng và háo hức hướng về Cha và sống với Cha.

Ta chẳng thấy Người , lúc 12 tuổi, tự tách rời khỏi cha mẹ trần gian trong ba ngày để ở lại trong Nhà Cha, trong đền thờ đó sao ? Đã hẳn, những bức tường đền thờ thì trơ trụi và lạnh giá, chỉ  gợi nhớ được cách mờ nhạt chốn trú ngụ vĩnh cửu, hơn nữa tại đó còn có sự hiện diện của những người buôn bán và đổi tiền…Thế nhưng ở chính nơi các thương gia chỉ nghĩ đến lợi lộc và các tư tế chỉ nghĩ đến việc tuân giữ những qui định về nghi tiết, thì Đức Giêsu lại cảm thấy ngây ngất vì bắt gặp được một sự hiện diện đáng tôn thờ. Mọi cái khác chẳng còn đáng kể. Cha đang có đó và cùng với Người có tất cả niềm vui. Khi bước vào toà nhà này, cái nhìn và cõi lòng của Người hướng về Cha, Người cảm thấy mình hoàn toàn là mình : “Lại còn không biết là Con phải ở nơi nhà Cha con sao ?” (Lc 2, 49).

Sau này, trong quãng đời công khai, Đức Giêsu nhiều lần sẽ lánh mình ra nơi cô tịch để cầu nguyện. Trước khi bắt đầu sứ vụ của mình, Người sẽ vào sồng trong sa mạc; rồi trong những khi rong ruổi rao giảng, vàò buổi tối sau một ngày “lao động” mệt nhoài, Người sẽ rút vào nơi cô tịch, nơi mà “lúc khởi nguyên” Người đã ở với Cha.

Tin Mừng còn mô tả cho chúng ta phản ứng phấn khởi của Đức Giêsu sau khi gặp Cha trong các sự vật hay con người. Mọi sự đều nói về sự lớn lao và lòng nhân từ của Cha : như bông hoa huệ ngoài đồng, như con chim sẻ tung tăng trên trời. Đối với Đức Giêsu, vũ trụ tiên vàn là ngôn ngữ sống động của Cha, là sự thi thố lòng nhân hận của Người. Là kẻ biết Cha thật rõ và chỉ tìm kiếm Cha, Đức Giêsu lập tức bắt gặp Người trong mỗi chi tiết của vũ trụ và khi khám phá ra như vậy, Người cảm thấy vui thích một cách mãnh liệt.

Niềm vui được gặp Cha trong những con người lại còn sâu xa hơn nữa : “Các ngươi hãy coi chừng, chớ khinh thường một người nào trong các kẻ bé nhỏ này : vì Ta bảo các ngươi, thiên thần của chúng ở trên trời hằng chiêm ngắm nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 18, 10).

 

VI. BỎ RƠI VÀ KẾT HỢP

Trái tim của Đức Giêsu càng tỏ rõ trong những giây phút tăm tối, như lúc Người hấp hối trên thánh giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Người lại bỏ tôi”. Trái tim nhân loại của Đức Giêsu không thể không cảm thấy như hoàn toàn mất Cha, mất chỗ dựa đời mình. Dầu vậy, đó không phải là tất cả. Chúng ta hãy nhớ lại lời tiên báo của Người cho các môn đệ thân yêu : “Này giờ sẽ đến – và đã đến rồi – các ngươi sẽ phân tán mỗi người mỗi ngả, để Ta một mình; nhưng không, Ta không chỉ có một mình, vì đã có Cha ở với Ta” (Ga 16, 32).

Qua đau thương và thử thách, Đức Giêsu đã tiên phong mở đường cho biết bao kinh nghiệm thần bí, trong đó linh hồn sầu não vì việc Thiên Chúa vắng bóng, giữa khi nó đang hết sức gần Người và chính sự sầu não này lại làm tăng thêm lòng sốt sắng của nó một cách đáng kể.

 

VII. TRAO BAN CHA

Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu đến thiết lập ở dưới thế này không gì khác hơn là mở rộng ra khắp nơi khắp chốn Vương quốc của Cha. Sở dĩ Người hay nói đến Cha trước mặt các tông đồ, làm cho các ông thán phục Cha, là bởi vì Người muốn trao ban Cha cho các ông mà thôi.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết thưa thốt với Cha khi cầu nguyện : “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể cho phép con người được nói cách táo bạo như thế. Có thể gọi đây là một cuộc “cách mạng” khi Đức Giêsu dạy con người xưng hô với Thiên Chúa là Cha. Đã hẳn Cựu ước cũng từng có ý tưởng về lòng nhân hậu từ phụ của Thiên Chúa, thế nhưng, Vị Thiên Chúa siêu việt và đầy uy nghi này, chưa ai dám thưa thốt với Người khi cầu khẩn bằng lối gọi đơn sơ : “Lạy Cha chúng con”.

Khi chia sẻ Cha với chúng ta, Đức Giêsu cũng muốn chia sẻ trái tim hiếu tử của Người với chúng ta. Trong kinh Lạy Cha mà Người đọc từng lời cho chúng ta, Đức Giêsu ghi khắc vào ta một thái độ kép đối với Cha trên trời. Thái độ đầu tiên hệ tại ở việc muốn sự tôn vinh Danh Thiên Chúa, sự xuất hiện của Nước Người, sự thể hiện ý muốn của Người. Thái độ thứ hai Đức Giêsu muốn đào luyện cho các môn đệ là biết tin tưởng, biết phó thác những lo âu của họ cho Cha trên trời và mời họ xin lương thực mỗi ngày.

Khi thông chuyển Cha và tình thương của Người cho ta như thế, Đức Giêsu đã trao ban cho ta chính cốt lõi của Trái Tim Người. Làm cho Cha của Người trở thành Cha của chúng ta : đó là mục đích của thời gian Người sống trên cõi thế này.

 

Kết luận

Trái tim Đức Giêsu có một định hướng rõ rệt : đó là Chúa Cha. Định hướng này đã làm thống nhất cuộc sống của Người từ trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động. Rồi cũng chính định hướng này sẽ thúc đẩy Người hướng về việc phục vụ con người là hình ảnh của Chúa Cha.

Tháng Thánh Tâm mời gọi chúng ta, đặc biệt các Linh Mục,  hãy “uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa” (kinh cầu trái tim).


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà