LỄ TRUYỀN TIN, ngày 25/3

Lc 1, 26-38

 

MARIA, NGƯỜI NỮ TUYỆT VỜI

 

Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mừng lễ Truyền Tin. Dù Đức Maria liên kết chặt chẽ với biến cố đã làm người trở thành Mẹ Thiên Chúa, nhưng chính Ngôi Lời nhập thể mới là trung tâm cử hành hôm nay. Tuy nhiên, để đóng góp phần mình vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta đặc biệt chiêm ngưỡng Đức Maria trong cung cách Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa để nhận lời cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng trinh khiết hầu ban ơn cứu độ cho nhân loại, cho mọi người.

1.BIẾN CỐ CHÚNG TA ĐỀ CẬP TỚI HÔM NAY LÀ BIẾN CỐ NÀO?:

Cách đây hơn hai ngàn năm, một biến cố vĩ đại, mang nhiều ý nghĩa đã xẩy ra làm đảo lộn cả lịch sử nhân loại, mặc cho lịch sử thế giới một ý nghĩa lớn lao, ý nghĩa cứu độ và  ý thực hiện lời hứa của Thiên Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia:” Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên Con Trẻ là EMMANUEN, nghĩa là Thiên- Chúa- ở –cùng- chúng- tôi”. Lời hứa này được hoàn tất khi sứ giả của Thiên Chúa là Thiên Thần Gabrien được sai tới một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét đến với một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc chi tộc vua Đavít. Sứ thần đã tới Nagiarét để thực hiện sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa ủy thác là thực hiện lời hứa từ xa xưa ban Đấng Cứu Độ cho nhân loại vào thời giờ và theo cách thức Thiên Chúa muốn, Thiên Chúa quyết định. Đây là biến cố cứu rỗi, biến cố có một không hai trong lịch sử con người, đến nỗi nếu đã không có sự kiện này thì nhân loại đã khác hẳn hôm nay.

2.PHỤNG VỤ LỜI CHÚA HÔM NAY MỜI GỌI CHÚNG TA SUY NGHĨ GÌ ? : Các bài đọc trong phụng vụ Lời  Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về thái độ của Mẹ Maria khi Mẹ Maria đón nhận tin vui Ngôi Lời  Nhập Thể. Ở đây chúng ta chỉ dừng lại hai điểm:

a.Sau khi trao đổi ngắn ngủi với sứ thần Gabrien, biết được ý Chúa, dù chưa hiểu rõ ràng lắm, Maria đã đơn sơ, mau mắn trả lời cho sứ giả của Thiên Chúa:” Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy làm cho tôi theo như lời sứ thần nói”( Lc 1, 38 ). Đó là lời xin vâng chấp nhận một sự phục vụ và sự phục vụ mà Mẹ Maria chấp nhận ở đây là sự trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại. Một sứ mạng tuyệt vời, nhưng khiêm tốn vì trở thành Mẹ thì người đàn bà nào cũng có thể hoàn thành theo thiên ý của Thiên Chúa.

Maria nhận lời cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã ý thức sự trao ban của Mẹ. Chúa sinh ra là cho nhân loại chứ không cho riêng mình:” Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần từ Thiên Chúa đến và thuộc về Thiên Chúa”. Khi nói lời xin vâng, Đức Maria đã chấp nhận phục vụ cách rộng lượng. Chính trong tinh thần đó mà Maria đã sống các thời điểm quyết định trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Mẹ :” Mẹ suy đi nghĩ lại ngày Chúa sinh ra, nát ruột gan khi dâng Chúa vàoo đền thánh theo luật, không hiểu gì về thái độ của con ngày Con lạc mất và tìm thấy Con trong đền thờ Giêrusalem, tin tưởng vào Con trong tiệc cưới Cana, chấp nhận đặt tình nghĩa khí huyết sau lời Chúa, cùng Chúa Giêsu tiến về thập giá như đỉnh cao của tình yêu”. Vai trò của Mẹ Maria như lùi vào phía sau, để cho sứ vụ một Maria tín hữu nổi bật lên. Con tim của Maria như được vét trống tất cả những gì không thuộc về niềm tin của Mẹ.

b.Khi nói lời xin vâng, Đức Maria đã chấp nhận một sự phục vụ nhưng không: Phục vụ như người đầy tớ mà Chúa Giêsu làm gương là phục vụ vì tình yêu. Ở đây, xin đan cử hai trường hợp :” Một, chuyện người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng thánh Luca 7, 36-50 và chuyện bà Maria Bêtania của thánh Gioan 12, 1-8 . Hai người đàn bà đó đều đã xức dầu thơm cho Chúa Giêsu :” Một xức trên tóc và một trên chân của Chúa Giêsu”. Sở dĩ các bà làm như vậy là để cho thấy, xuyên qua việc phục vụ vật chất ấy, các bà tôn vinh Đức Giêsu, và nhất là cho Đức Giêsu thấy rõ, tuy các bà thinh lặng, nhưng qua cử chỉ ấy, các bà yêu mến Chúa Giêsu như thế nào.

Kết quả, ông Simon biệt phái và các tông đồ đều hiểu không đúng và đã công kích các cử chỉ đó. Nhưng Đức Giêsu đã bênh vực các bà. Trong trường hợp của bà Maria Bêtania, Chúa Giêsu bảo:” Để yên cho cô ấy, cô đã giữ dầu thơm này có ý dùng cho ngày mai táng xác Thầy”. Ngài bênh vực bà vì qua cử chỉ phục vụ ấy, bà muốn thực hiện một phục vụ

tình yêu, một cử chỉ Chúa Giêsu dễ dàng khước từ vì không cần thiết, nhưng đó lại là một cử chỉ Ngài thực sự mong chờ bởi vì điều Ngài cần và chúng ta cũng cần là được yêu. Cuối cùng, chính bản thân Chúa Giêsu đã rửa chân cho các tông đồ ( Ga 3 ). Cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho các môn đệ chưng hửng, ngạc nhiên, khó hiểu. Cử chỉ đó xem ra không cần thiết, vô ích, nhưng Chúa Giêsu lại nêu gương phục vụ ấy cho các môn đệ bắt chước, noi theo :” Thầy đã nêu gương cho anh em để cho anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. Chúa Giêsu đã lấy cử chỉ ấy làm dấu chứng huynh đệ bác ái, yêu thương:” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 15, 12 ). Cái mẫu phục vụ Kitô giáo mà Chúa Giêsu muốn mọi người noi theo, thực hiện là một sự phục vụ khiêm tốn. Khi cúi mình rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu không có gì khác ngoài nước và tình yêu đối với họ. Nhưng đó lại là hình bóng của phục vụ tối hậu mà Chúa sẽ thực hiện vài ngày sau đó trên thập giá :” Khi chịu đóng đinh trên thập giá, chịu trần truồng như lúc chào đời, Chúa Giêsu không còn gì hết, nhưng đó lại là sự diễn tả tình yêu cao vời, vô biên của Thiên Chúa”. Các môn đệ của Chúa đều được Chúa mời gọi đi con đường Chúa đã đi trước.

Chính cung cách ấy mà Maria đã đi theo Chúa Giêsu, Con Mẹ cho tới chân thập giá,cho tới cùng tận của tình yêu. Mẹ Maria đã tự do tới đó, đứng đó. Các sách Tin Mừng cho chúng ta cái cảm giác rằng cho tới giây phút Mẹ đang đứng dưới chân thập giá, Chúa Giêsu không nói gì với Mẹ Maria về giây phút cuối đời của Chúa, không mời Mẹ tới đó. Vả lại trước đó ít lâu, tuy Chúa Giêsu có nhấn mạnh đến sự cần thiết phải theo Người cho tới thử thách, nhưng khi giây phút nguy ngập tới, Chúa Giêsu lại để cho các môn đệ rời xa Người”. “ Nếu các anh tìm bắt Tôi thì hãy để cho những người này đi”( Ga 18, 8 ). Thật ra thì lúc đó dưới chân thập giá, chỉ có môn đệ Gioan và vài người phụ nữ đạo đức trong đó có thân mẫu Đức Giêsu. Lúc đó, đích thực Maria không còn gì để làm cho Con nữa nếu không nói được là Mẹ đã dâng hiến sự hiện diện quí báu của Mẹ, thinh lặng, nhưng trung thành của tình yêu mình cho Con, cho nhân loại.

Và như vậy Maria đã tới chân thập giá như một nữ tỳ vô dụng, khiêm tốn, như một người Mẹ gắn bó, như một người phụ nữ hết lòng tin tưởng nơi Con của mình.

3. MÙA CHAY HÃY BẮT CHƯỚC MẸ, HÃY NOI GƯƠNG MẸ: Mùa chay, Chúa mời gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng vì Nước Trời đã đến gần. Thống hối, quay trở về với Chúa, với anh em là sứ điệp tình yêu của Chúa Giêsu. Mẹ Maria, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của Hội Thánh, của mỗi người có lòng tin đã sống những giây phút đau khổ của Chúa Giêsu. Mẹ đã đứng im lặng dưới chân thập giá để suy gẫm về cái chết nhục hình của Con Mẹ trên thập giá. Mẹ đã chấp nhận ý định của Thiên Chúa và dâng sự đau khổ của Mẹ lên Thiên Chúa để góp phần vào việc cứu rỗi nhân loại. Mẹ đứng đó hoàn toàn tự do, hoàn toàn thanh thản như Con Chiên bị đem đi giết. Mẹ đứng đó hiệp cùng Con Mẹ như của lễ toàn thiêu đẹp lòng Thiên Chúa nhất vì như Chúa Giêsu, Mẹ cũng hoàn toàn thốt lên:” Lạy Cha nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý Con mà là theo ý của Cha”.

Mẹ mời gọi nhân loại, mời gọi mỗi người chúng ta:” Sống yêu thương và phục vụ “. Mẹ kêu mời chúng ta ăn năn sám hối và siêng năng cầu nguyện để được Chúa yêu thương, thứ tha và thi ân giáng phúc. Mẹ mời gọi mọi Kitô hữu hãy noi gương Mẹ, hãy bắt chước Mẹ để Chúa, Con Mẹ hài lòng.

Lạy Mẹ Maria, xin tăng thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết nói xin vâng như Mẹ trong mọi biến cố của đời sống thường ngày.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Mục Lục