ĐỨC MARIA VÀ NIỀM HY VỌNG CỦA ISRAEL

 

Hôm nay, chúng ta muốn ngước nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria như là người đã chia sẻ niềm hy vọng của dân Israel dân tộc của Người và đã góp phần có một không hai vào việc thực hiện niềm hy vọng ấy.

Mùa Vọng là mùa mong đợi. Giáo Hội muốn khơi dậy mãnh liệt hơn niềm khát khao mong mỏi ơn cứu độ nơi chúng ta là đoàn dân mới của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xem Đức Maria có thể nêu gương cho chúng ta như thế nào? 

Đức Maria chia sẻ niềm hy vọng và nỗi mong chờ của dân tộc mình

Có thể quả quyết rằng hơn mọi dân tộc khác, dân Israel là một dân sống bằng hy vọng bởi vì họ đã ra đời, đã dựng nước, đã sống dựa trên một lời hứa của Thiên Chúa làm nền tảng. Đó là lời hứa với tổ phụ Abraham, được nhiều lần lặp lại bằng cách này hay cách khác với các con cháu của ông.

Lời hứa đó đại để là: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc hùng mạnh, sẽ ban cho ngươi một miền đất phì nhiêu làm quê hương, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và con cháu ngươi, và qua ngươi, Ta chúc phúc cho các dân tộc khác. Ta sẽ là Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân riêng của Ta”.

Lời hứa với Abraham đã được long trọng lặp lại nhiều thế kỷ sau với vua Đavít qua miêng Ngôn sứ Nathan, rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện từ dòng dõi nhà vua một người con; người con này sẽ là vị Cứu Tinh, Người sẽ tái lập vương quốc Đavít và sẽ trị vì mãi mãi.

Lịch sử của dân tộc Israel đã trải qua nhiều thăng trầm, đã có những thời rất huy hoàng rực rỡ nhưng phần lớn là những hoàn cảnh bi đát hầu như tuyệt vọng. Thế nhưng niềm hy vọng và niềm mong chờ của họ vẫn là một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt qua dòng lịch sử. Họ luôn luôn quay về với Lời Hứa của Chúa để tìm lẽ sống cho mình, nhất là những khi cùng đường tuyệt vọng. Và Chúa luôn luôn tỏ ra rất trung thành với lời hứa, có điều là lắm khi đường lối của Người theo rất lạ lùng, khó hiểu.

Khi bị làm nô lệ Ai Cập, dân Dothái mong đợi ngày giải phóng suốt mấy trăm năm. Và Chúa đã sai Môsê đến làm vị cứu tinh của họ.

Ra khỏi Ai Cập, họ lại mong chờ được vào chỗ định cư, nơi có sữa và mật chảy thành suối.

Được đến đất hứa rồi, họ vẫn chưa hết chờ mong vì vẫn chưa toại nguyện. Sau những thế kỷ lập quốc khá hùng mạnh, đến lúc họ lại bị nước mất nhà tan và bị bắt đi lưu đầy ở Babylon, năm 586 trước công nguyên. Nơi chốn lưu đày họ lại mong lại chờ, và Chúa  đã sai vua Kyrô nuớc Ba Tư đưa họ về quê cha đất tổ và tái thiết lại Đền Thờ. Đền thờ cuối cùng bị phá huỷ là vào năm 70 thời tướng Lamã Titus. Dân Israel lại rơi vào ách thống trị của đế quốc Rôma. Và họ lại chờ mong một vị cứu tinh mới.

Nói chung niềm hy vọng của dân Israel thường giới hạn trong phạm vi trần tục mặc dù các ngôn sứ nhiều lần dạy họ phải mở rộng cái nhìn vật chất hẹp hòi đó.  

Chúng ta đã thấy rằng mỗi giai đoạn dân Chúa bị thử thách nặng nề, niềm hy vọng của họ về Đấng Cứu Tinh lại có dịp bùng lên mạnh mẽ. Nhưng không phải hết mọi người đều giữ vững niềm tin và lòng trông cậy nơi Thiên Chúa trong các cuộc đại hoạ đâu. Lắm kẻ đã chán nản, đã phản bội. Song đàng khác, chính các đại hoạ đã làm cho một số người Israel không  còn hy vọng vào sức mạnh trần thế nữa và đặt  tất cả niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng và trung thành. Họ là những người mà Thánh Kinh gọi là “những người nghèo của Giavê” (anawim). Họ là những người khiêm nhu, nghèo khó, bị áp bức bóc lột, bị khinh chê. Và vì thế họ phó thác hoàn toàn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Chính là trong đám người nghèo hèn đó mà niềm hy vọng cứu thế được nuôi dưỡng và trở nên tinh truyền. Họ dễ dàng đón nhận hồng ân của Chúa hơn những kẻ khác…

Đức Đức Ma-ri-a chính là một người trong đám người nghèo của Giavê như thế. 

Đức Maria góp phần mình thực hiện niềm hy vọng của dân Chúa 

Trước hết, nhìn về mặt bề ngoài Mẹ không có gì nổi bật so với những người đàn bà thời ấy.

Tên Người là Maria (Miryam), một tên rất phổ biến, giống như tên Cúc, tên Đào, tên Tuyết, tên Hoa trong giới phụ nữ Việt Nam ta. Nếu sinh ra ở Việt Nam, Mẹ sẽ chỉ mang tên họ đơn sơ phổ biến Nguyễn Thị…, Phạm Thị… chẳng hạn, không phải Công tằng Tôn nữ gì cả. Về quê quán, Đức Maria là người làng Nazareth (x. Lc 1,26), một làng rất tầm thường như về sau ông Nathanael một môn đệ Đức Giêsu đã nhận xét: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).

Trong bài ca Magnificat, chính Đức Maria đã nói về mình rằng:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Thận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới…

Chúa hạ bệ những ai quyền thế

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…”.

Đức Maria rõ ràng thuộc truyền thống những người nghèo khó, hèn mọn được Thiên Chúa che chở cách riêng bởi vì họ chỉ còn biết bám chắc vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội đã dạy: “Đức Maria đứng đầu trong hàng ngũ những người khiêm nhường và nghèo khó của Chúa vẫn mong đợi và lãnh nhận ơn cứu độ với lòng tin tưởng” (số 55).

Mẹ không những là một người đã tha thiết chia sẻ niềm hy vọng và chờ mong của dân tộc, mà hơn nữa còn góp phần độc nhất vô nhị vào việc thực hiện niềm hy vọng đó. Lời chào của sứ thần Gabriel mà chúng ta nhắc lại trong kinh Kính Mừng mang một ý nghĩa rất đặc biệt. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà!” Theo các nhà chuyên môn về Kinh Thánh, nếu muốn dịch cho thật sát nghĩa của bản văn gốc, thì lời chào đó phải là: “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà!” Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria vậy. Maria được tràn đầy ân sủng, Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng, không có giây phút nào mà Người không có Thiên Chúa với mình, không có giây phút nào mà Người không trọn vẹn thuộc về Chúa, không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Người và Thiên Chúa.

Tại sao Thiên Thần nói với Maria hãy vui lên? Lời mời gọi này nhắc lại lời Ngôn sứ Xôphônia thế kỷ VI báo tin ngày cứu độ cho Israel: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Si-on, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! An lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa (…). Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa người, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng” (Xp 3,14-15.17). Vậy sứ thần Gáp-ri-en cũng mời gọi Đức Maria hãy vui lên vì giờ cứu độ của Thiên Chúa đã đến. Sứ thần tiếp:

“Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Đa-vít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33).

Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Thánh Kinh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại lời Chúa đã dùng ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavít xưa. Nhưng điều Người không hề bao giờ nghĩ tới là mình có thể có vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình có thể sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi? Sau khi được sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, bà Maria đã khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành thánh mẫu của Thiên Chúa.

Công đồng Vatican II đã viết: “Cuối cùng, sau những thế kỷ dài chờ đợi cho lời hứa được thực hiện, thì với Đức Maria người thiếu nữ Sion cao sang, thời gian đã nên trọn và nhiệm cuộc mới được thiết lập khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Người để giải thoát con người khỏi tội nhờ các mầu nhiệm của thân xác Con Chúa” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 55).

Văn chương thần học trong một công đồng chung không cho phép các nghị phụ diễn tả hết nỗi niềm xúc động về giây phút trọng đại vô song đối với tất cả lịch sử vũ trụ, tất cả lịch sử loài người khi thiếu nữ khiêm nhường Maria trở thành Mẹ của Đấng cứu độ muôn dân, dù sao đoạn văn trên cũng mang một cung giọng long trọng hiếm thấy trong loại văn kiện như thế - một hiến chế tín lý. Vậy xin cho tôi trích mấy câu của thi sĩ Hàn Mạc Tử trong bài thơ Ave Maria nổi tiếng:

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời

Để ca tụng - bằng hoa hương sáng láng

Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng

Một đêm xuân là rất đỗi anh linh

Cho tôi thắp hai ngàn cây bạch lạp

Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập

Cả Hàng Giang cả màu sắc thiên không

Lút linh hồn và ám ảnh hương lòng

Cho sốt sắng, cho đê mê nguyệt ước

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước

Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm…”.

Chúng ta thấy Đức Maria đã tham dự mạnh mẽ vào niềm hy vọng chờ mong ơn cứu độ của dân tộc mình và hơn nữa, Người đã trở thành dụng cụ đặc biệt Chúa dùng để thực hiện ý định cứu độ vì Mẹ là một tâm hồn nghèo khó, khiêm nhường, tuyệt đối tin tưởng và gắn bó trọn vẹn vào Thiên Chúa.

Trong Mùa Vọng, Giáo Hội đặt chúng ta lại trong thái độ khao khát chờ mong Chúa đến cứu độ chúng ta.

Nhưng chúng ta chỉ thực sự chờ mong nếu ta cảm thấy tuyệt đối cần tới Chúa. Và chúng ta chỉ cảm thấy mình tuyệt đối cần tới Chúa, nếu chúng ta cảm nghiệm sâu xa thân phận thọ tạo của chúng ta rất giới hạn, rất yếu đuối mỏng dòn, đầy tội lỗi và hoàn toàn bất lực để tự mình giải thoát mình và đạt tới cuộc sống hạnh phúc sung mãn, bất diệt vốn là khát vọng vô biên nung nấu cõi lòng chúng ta.

Một chuyến đi tuỳ thuộc biết bao nhiêu điều kiện mà chúng ta không hoàn toàn làm chủ được: người lái xe, cái xe, con đường, điều kiện thời tiết, những người lái xe khác… Huống hồ là chuyến xe cuộc đời tiến về bến hạnh phúc viên mãn.

Con người là thọ tạo giới hạn: bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, đói khát, tuổi già, và nhất là tội lỗi xấu xa nơi tận đáy lòng mỗi người. Tuy giới hạn mà lại khao khát tuyệt đối, không bằng lòng với mọi thứ hạnh phúc tương đối.

Hai người yêu nhau: họ muốn hạnh phúc của họ không hề bị giới hạn bởi bất cứ thứ gì… Nhưng thực tế không đơn giản. Cái giới hạn không thể vượt qua là sự chết.

Những đau khổ thử thách, những thất bại, những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của chúng ta phải giúp chúng ta thêm lòng trông cậy Chúa.

Ta hãy noi gương Đức Maria: ý thức mình là kẻ nghèo khó khiêm nhu, sống phó thác vào Chúa.

Nhưng cũng phải noi gương Đức Mẹ sẵn sàng để cho Chúa sử dụng vào công cuộc cứu độ của Người đang thực hiện cho bản thân chúng ta và cho tất cả thế giới.



Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM

 


Mục Lục