Lễ Nhất – Ngày Lễ Các Linh Hồn

Muốn Sống Đời Đời Hãy Ăn Bánh Giêsu

 (Ga 6, 51 – 59)

Con người sinh ra là để sống, để vươn lên. Ai trong chúng ta cũng đều có một mơ ước một khát vọng riêng cho mình, cho dù đó là mơ ước nhỏ hay to, cao xa hay thấp hèn. Nếu con người sống mà không có mơ ước thì chỉ như một cỗ máy. Khát vọng vươn lên đó chính là mục đích sống của con người. Niềm tin Kitô giáo dạy cho chúng biết, con người có xác có hồn, có đời này và đời sau. Vì thế, ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc ở đời tạm thế này, người tín hữu phải đạt được sự sống đời đời mai sau nữa. Nhưng đâu là bí quyết để sống trường sinh là một câu hỏi lớn ?

Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ, sống đời tạm này. Từ của ăn vật chất nuôi sống thể các, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì tìm kiếm của ăn thiêng liêng, lương thực trường tồn, lương thực ấy là chính Chúa Giêsu (x. Ga 6). Thế là khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải luôn cho họ: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51).

Ngày xưa Chúa Giêsu gọi mời những người Do thái, ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đến mà ăn Bánh Giêsu. Nếu chúng ta muốn sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người : "Là Bánh Hằng Sống … ai ăn … sẽ được sống đời đời" (Ga 6,51).

Sự sống đời đời, tự chúng ta không thể có được, phải cậy nhờ vào Thiên Chúa là Đấng làm cho sống, là nguồn mạch sự sống. Vì thế, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời (x.Ga 6, 54). Hơn nữa còn được Chúa đến cắm lều ngay nơi lòng chúng ta: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).

Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là lấp đầy khát vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là trường sinh bất tử.

Nếu như trong sa mạc xưa kia, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, thì nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh.

Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm qua, với lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người được coi là diễm phúc của Thiên Chúa. Khi chiếm ngắm các ngài, chúng ta có thêm động lực để phấn đấu hầu lấp đầy khát vọng làm thánh của chúng ta.

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là sự sống trường sinh, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



 

Lễ Nhì – Ngày Lễ Các Linh Hồn

Xin Nhớ Đến Con Cùng

 (Luca 23, 33. 39-43)

Mọi tạo vật đều muốn mình được nhớ đến

Có một loài hoa tên là  Lưu ly có màu tím, màu trắng, xanh hoặc vàng tuyệt đẹp, người ta hay hái để tặng nhau. Các cô thiếu nữ thường gọi tên hoa là " xin đừng quên em ", còn các chàng trai một mực khăng khăng gọi Lưu ly là "xin đừng quên anh".  Cho dù gọi hoa theo tên nào thì đây cũng là một loại hoa luôn luôn gợi nhớ một niềm thương cảm mênh mông, một kỷ niệm sâu xa thầm lặng không quên được. 

Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Một sáng mùa xuân trời trong vời vợi. Họ dắt nhau dạo chơi bên bờ một con suối, hoa Lưu ly mọc dày, cố vươn cành, nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Trong khi chàng trai tần ngần ngắm nhìn dòng thác đổ thì cô gái say sưa hái hoa. Cô nhoài người ra bờ suối hái mấy nhành hoa đẹp, chẳng may nàng bị trượt chân ngã xuống suối bị dòng nước cuốn trôi. Nàng cố hết sức ném lại nhành hoa có ý trao tặng người yêu và gọi với "Xin đừng quên em".

Còn theo một truyền thuyết Công giáo, ngày nọ, Thiên Chúa đi ngang qua vườn địa đàng sau khi sáng tạo ra thế giới muôn loài. Người bỗng chú ý đến một bông hoa nhỏ và hỏi nó tên gì. Bông hoa ngượng ngùng thì thầm : "Thưa Chúa, con sợ rằng con đã bị lãng quên mất rồi ạ". Thiên Chúa ôn tồn trả lời : "Uh, Ta sẽ không bao giờ quên con".  

Chúng ta thấy, chẳng những con người luôn mong mình được người khác nhớ đến, mà cả loài hoa cũng muốn mình không bị lãng quên.

Giáo hội lữ hành nhớ đến Giáo hội khổ đau

Sau khi đã cử hành lễ vinh quang và danh dự của Giáo hội Khải Hoàn (Các Thánh), Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta hôm nay đặc biệt nhớ đến đến và cầu nguyện cho Giáo hội Khổ Đau : những tâm hồn tội lỗi đang ở trong thời gian thanh luyện đang rất cần sự nhớ đến và lời cầu nguyện, lễ hy sinh, việc đền tội của chúng ta, để họ nhanh chóng được giảm bớt hình phạt hiện tại, được thứ tha tội lỗi mà giờ đây họ không làm được gì cho chính mình.

Hôm nay không phải là ngày buồn và tang tóc : nhưng là ngày Giáo hội là Mẹ năn nỉ nài van cùng Thiên Chúa cho con cái mình đã qua đời còn đang bị giam cầm nơi Luyện Tội chờ ngày thanh luyện cho đủ sớm được giải thoát. Vì thế, Giáo hội kêu lên : "Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn... "

Xin nhớ đến con cùng

Trong khi tất cả những người khác nói với Chúa Giêsu một cách khinh miệt : "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa!" (Lc 23, 39). Thì người trộm lành đã phạm bao lỗi lầm trong cuộc sống, cuối cùng lại sám hối, níu lấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh và cầu xin : "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi" (Lc 23, 42). Chính vì anh xin Chúa một đặc ân là nhớ đến anh, nên Chúa Giêsu hứa với anh : "Quả thật, Ta bảo ngươi : ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23, 43).

Chúa Giêsu là Con Một Chúa Cha, chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án; và khi con người biết can đảm xin ơn tha thứ, Chúa không bao giờ bỏ rơi lời cầu xin ấy. Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao : lời ấy nói với chúng ta rằng, ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Người rất quảng đại, luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin.

Ngày lễ nhớ cầu cho các linh hồn tổ tiên, các đấng, các bậc, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời hôm nay gợi lên cho chúng ta về sự nhớ thương và đừng quên những người đã khuất. Khi dâng lễ giỗ cầu cho người thân, chúng ta như nhắc nhớ Chúa : "Lạy Chúa… người thân yêu này, chúng con không thể quên, lẽ nào Chúa lại không nhớ đến” (Lời nguyện nhập lễ giỗ - Ngoài Mùa Phục Sinh SLRM tr. 1005). Và trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, chúng ta vẫn xin Chúa : "Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người..."

Hôm nay, chúng ta nhớ tới tất cả mọi người, kể cả những người không ai nhớ tới. Chúng ta nhớ tới các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực; các "trẻ em" trên thế giới bị đói khát và bần cùng đè bẹp; những người vô danh đã yên nghỉ; các anh chị em bị giết vì là kitô hữu; và biết bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống để phục vụ tha nhân. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa cách đặc biệt những người đã lìa bỏ chúng ta trong năm nay và xin Chúa nhớ đến họ và thương cho họ được hưởng ánh sáng tôn nhan.

Giờ đây, Thánh lễ là sự trợ giúp tinh thần tốt nhất mà chúng ta có thể ban tặng cho các linh hồn, đặc biệt các linh hồn bị bỏ rơi. Như Công Ðồng Chung Vaticăng II đã nhấn mạnh: "Giáo Hội lữ hành trên trần gian ý thức đựơc sự hiệp thông này của tất cả Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, ngay từ các thời kỳ đầu của Kitô giáo đã vun trồng với lòng đạo hạnh lớn lao việc tưởng nhớ các người đã qua đời" (LG 50).

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ và dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ để cầu nguyện cho họ mà thôi, chúng ta còn phải nài xin Chúa thương xót tất cả chúng ta nữa, để chúng ta cũng được đồng hưởng sự sống đời đời, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse Bạn Đức Trinh Nữ, các Thánh Tông Ðồ, và toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại, và cùng với các Ngài, chúng ta được ca ngợi và tôn vinh Chúa.

Lạy Chúa, Chúa từng phán cùng kẻ trộm lành : "Quả thật, Ta bảo ngươi : ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23, 43). Xin Chúa thương nhớ đến những tín hữu đã qua đời còn trong Luyện Tội nơi thiên đàng của Chúa và xin đừng để họ phải trầm luân đời đời trong Hỏa ngục! Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Lễ Ba – Ngày Lễ Các Linh Hồn

Tin Tưởng và Cậy Trông Vào Thiên Chúa Tình Yêu

(Luca 23, 33. 39-43)

Từ trưa ngày lễ Các Thánh cho đến hôm nay, biết bao nhiêu người đi viếng thăm vườn thánh là “nơi an nghỉ” của những người đã chết chờ ngày sống lại. Chúng ta đi viếng họ với niềm tin yêu, dừng lại bên mộ của những người đã yêu thương và làm điều tốt cho chúng ta trong sự cậy trông, phó thác họ cho lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa Tình Yêu.

Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho những người chết trong khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là  Lửa Tình Yêu”. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, săn sóc phần mộ và nhất là dâng lễ Misa nại vào Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã tạo dựng, hy sinh và cứu chuộc chúng ta, nay lại dùng tình yêu mà thanh luyện những người đã qua đời và sớm cho họ được hưởng tôn nhan Chúa.

Tin vào Thiên Chúa  Tình Yêu

Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó.

Thiên Chúa đã yêu con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng con người, ban cho con người những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau để cứu chuộc ta, khi nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho ta thấy: “Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa”.

Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma như thế này : Nhã Điển đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại cho chúng tôi điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu!

Vâng, Thiên Chúa yêu con người bằng tình yêu hào phóng, mang theo sự tha thứ và nguyện cầu. Thánh Phaolô thốt lên “Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 7-8). Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của con người. Kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cầu cho con người chứng minh tình yêu vô biến ấy (x. Ga 17, 1-26).

Sau khi tôn vinh Chúa Cha (x. Ga 17, 1); cầu nguyện cho các môn đệ (x. Ga 17, 11), và những kẻ nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa : Con còn cầu cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con (Ga 17, 20-26 ); Người cầu cho chúng ta nên một : Để cả chúng cũng nên một trong Ta (Ga 17,22). Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì luôn luôn hiệp nhất, do đó, trong Thiên Chúa không có sự chia rẽ ở đời này, kể cả đời sau nữa.

Hy vọng và cậy trông vào Chúa

Bản chất là Tình yêu, mang trong mình một tình yêu thương xót, thứ tha và cứu chuộc nên Thiên Chúa luôn canh cánh trong lòng, mong sao cho nhân loại được cứu chuộc. Người khẩn cầu tha thiết cùng Thiên Chúa Cha : “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thi Con muốn rằng : Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con (Ga 17,24). Chúa Giêsu ở đâu? Ở trong tình yêu Chúa Cha, trong lòng Chúa Chúa; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng và Người muốn chúng ta cũng ở với Chúa.

 Chính Chúa Cha đã sai Chúa Con đến trần gian để yêu thương con người như Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con. Nên trước khi về trời, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng Chúa Cha đã yêu thương chúng ta như đã yêu thương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho những người đã qua đời được ở trong tình yêu của Chúa luôn mãi, và cho chúng con ngay từ khi còn ở dưới thế cũng luôn ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung