TẠ ƠN THIÊN CHÚA DỊP CUỐI NĂM MẬU TUẤT 2018

 (Dựa vào 3 bài đọc trong lễ Tạ ơn cuối năm

Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55)

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ đây chúng ta đang sống những thời khắc cuối cùng của năm MẬU TUẤT 2018, để chuẩn bị bước sang năm mới KỶ HỢI 2019. Nhìn lại 365 ngày qua, với 8,760 giờ, là dịp đặc biệt để mỗi người chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì muôn vàn phúc lành mà chúng ta đã lãnh nhận được từ nơi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa như: thời giờ, tài năng, sức khỏe, những thành công và cả những thất bại trong cuộc sống… Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta cảm nhận được rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn can thiệp cách diệu kỳ trên cuộc đời của mỗi người. Tất cả hồng ân của Thiên Chúa như đã và đang đổ đầy vào lòng ta, và khơi gợi lên trong tận cõi lòng của chúng ta phải sống tâm tình tạ ơn chân thành.

Trong dịp tạ ơn cuối năm, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”. Và trong bài giảng dịp tạ ơn Thiên Chúa khi kết thúc năm Dương lịch 2018 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Vào ngày cuối năm, Lời Chúa đồng hành cùng chúng ta với hai câu của Thánh Phaolô (x. Gal 4: 4-5). Hai câu này là những cách diễn đạt chính xác và hàm xúc, là một bản tóm lược của Tân Ước, đem lại ý nghĩa cho một thời điểm “quan trọng”, như sự chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới này.

Thành ngữ đầu tiên gợi sự chú ý của chúng ta là “sự viên mãn của thời gian”. Trong những giờ khắc cuối cùng của năm dương lịch này, khi chúng ta cảm thấy cần nhiều hơn nữa một điều gì đó nói lên ý nghĩa cho sự qua đi của thời gian, một thành ngữ như thế có một âm vang đặc biệt.

Một điều gì đó, hay rõ hơn nữa là một ai đó – và “ai đó này đã đến, Thiên Chúa đã sai Ngài đến: đó là Con của Ngài”, Chúa Giêsu.

Chúng ta vừa cử mừng ngày sinh của Ngài: Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ, là Đức Trinh Nữ Maria; Ngài được sinh ra dưới Lề Luật, một cậu bé Do Thái, tuân theo Luật của Chúa. Nhưng, chuyện ấy làm sao có thể được? Làm thế nào đây có thể là dấu chỉ của “sự viên mãn của thời gian”? Đúng là vào thời điểm đó Chúa Giêsu gần như vô danh tiểu tốt, nhưng chỉ trong vòng hơn ba mươi năm sau, Ngài sẽ tung ra một lực lượng chưa từng có, một lực lượng đến nay vẫn còn và sẽ tồn tại mãi trong suốt lịch sử. Lực lượng này được gọi là Tình yêu. Tình yêu mang lại sự phong phú cho mọi thứ, kể cả thời gian và Chúa Giêsu là Đấng trên đó tất cả tình yêu của Thiên Chúa được “cô đặc” trong một con người trần thế.

Thánh Phaolô nói rõ ràng lý do tại sao Con Thiên Chúa được sinh ra đúng lúc, và sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho Ngài là gì: Ngài được sinh ra để “giải thoát”. Đó là từ ngữ thứ hai khơi gợi sự chú ý của chúng ta: giải thoát nghĩa là đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ và đem trở lại cho chúng ta tự do và phẩm giá xứng hợp với tư cách của những con cái Chúa. Tình trạng nô lệ mà Thánh Tông Đồ đề cập đến là sự nô lệ “Lề Luật”, được hiểu như một tập hợp những giới răn phải tuân theo, Lề Luật chắc chắn giáo dục con người, và có tính sư phạm, nhưng không giải thoát con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng một cách nào đó, “đẩy” anh ta vào tình trạng này, cản trở con người vươn đến tự do của một người con. Chúa Cha đã sai Người Con Duy Nhất của Người đến trong thế gian để xóa bỏ khỏi tâm hồn con người tình trạng nô lệ tội lỗi cũ và do đó phục hồi phẩm giá của con người. Thật vậy, như Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mc 7: 21-23) từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định đồi trụy, xấu xa làm xấu đi đời sống và các mối quan hệ. Và chúng ta phải ngưng lại ở đây, ngưng lại để suy ngẫm với nỗi buồn và lòng ăn năn hối lỗi, bởi vì trong năm sắp kết thúc này, nhiều người nam nữ đã từng sống và tiếp tục sống trong những điều kiện nô lệ, không xứng đáng với phẩm giá con người…

Chính vì vậy mà trong giây phút linh thiêng này, Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa và sống tâm tình tạ lỗi.

Kinh Thánh dạy cho con người biết phải tạ ơn

Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy đây đó, rất nhiều chỗ nói về thái độ biết ơn cần phải có của con người đối với Thiên Chúa.

Chẳng hạn như trong Thánh Vịnh, chúng ta bắt gặp câu: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136); hay: “Lạy Chúa, xin dâng lời cảm tạ, vì Ngài đã nghe lời miệng con xin” (x. Tv 138); và “Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ, gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 147).

Tâm tình tạ ơn chúng ta còn tìm thấy ngay trong Is 63, 7. Tiên tri Isaia đã nhắc lại cho dân về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người, ngài nói: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).

Và Thánh Phaolô trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô (1 Cr 1,3-9) cũng nhắc cho dân về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, chính thánh nhân là người đã cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”. Đây là hành động nêu gương cho cộng đoàn của ngài về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

Đỉnh cao của thái độ tạ ơn chính là ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tâm tình này đã được Giáo Hội đưa vào Kinh tiền tụng IV như sau: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.

Tuy nhiên, muốn tạ ơn cho xứng đáng, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria

Sống tâm tình Tạ ơn

Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.

Thiết nghĩ rằng, đoạn Tin Mừng theo thánh (Lc1, 39-55) là lời tạ ơn đẹp nhất khi diễn tả lời chúc mừng của bà Elizabeth dành cho Đức Maria và bài ca cảm tạ của Đức Maria dâng lên Thiên Chúa. Bà Elizabeth chúc mừng Đức Maria diễm phúc vì đã tin những gì Chúa nói với Đức Maria sẽ được thực hiện. Đức Maria tạ ơn Thiên Chúa vì mọi hồng ân Chúa đã ban cho Mẹ, cho dân tộc của Mẹ, cho những ai khiêm tốn, và cho tất cả nhân loại. Đức Maria không chỉ tạ ơn Chúa bằng lời ca tụng tôn vinh mà còn bằng chính cuộc sống của Mẹ, một cuộc sống hoàn toàn xin vâng trong niềm tin tưởng và phó thác. Nói cách khác, Đức Maria đã tạ ơn Chúa bằng cách làm cho những hồng ân đã lãnh nhận trổ sinh hoa trái dồi dào trong cuộc đời của Mẹ.

Đức Maria đã cất tiếng xin vâng để đón nhận và cưu mang Con Chúa trong lòng, đã sinh Chúa Giêsu cho nhân loại, đã nuôi dưỡng và giáo dục Chúa Giêsu suốt những năm thơ ấu, đã hiệp thông với Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai, đã bước theo Chúa Giêsu trong mỗi chặng đàng thánh giá, và Mẹ đã đứng dưới chân thập giá cảm thông và sẻ chia đau khổ của Chúa Giêsu. Mẹ chịu đau khổ cùng với con hay chính Mẹ đã thông hiệp với công cuộc cứu chuộc của con trong chương trình của Chúa Cha. Như vậy, Đức Maria đã làm cho những hồng ân đã lãnh nhận triển nở và sinh nhiều hoa trái nhất trong cuộc đời mình, hoa trái cứu độ mình, hoa trái cứu độ cả thế giới.

Khi suy nghĩ về Đức Maria như thế, tôi liên tưởng đến cuộc đời của tôi cũng như của mỗi người tín hữu. Nhìn lại một năm đã trôi qua, tất cả chúng ta đã lãnh nhận biết bao  ân huệ từ nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa về muôn vàn hồng ân đã lãnh nhận. Không chỉ tạ ơn bằng lời, chúng ta còn phải tạ ơn bằng những việc làm cụ thể, tạ ơn như Mẹ Maria đã tạ ơn, bằng cách ca ngợi tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa và bằng cách hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa bằng cách hát lên những bài ca, những khúc ca tri ân và hãy sống một cuộc sống thật tốt lành. Một cách cụ thể, chúng ta cố gắng tuân giữ giới răn Chúa, sống khiêm tốn, chân thành phục vụ tha nhân, đặc biệt mỗi người trong ơn gọi và địa vị của mình hãy chu toàn thật tốt bổn phận mà Thiên Chúa đã trao ban.

Ngày cuối năm, cũng là dịp để suy nghĩ, điều chỉnh tâm hồn, để hồi tỉnh xem điều gì mình còn thiếu sót, điều gì còn chưa chu toàn, điều gì chưa tốt... Để tạ lỗi với Chúa và tạ lỗi mọi người. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Đồng thời, phó thác một năm mới sắp tới trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Ngài.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình: “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc do cách sống lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm, để khi bước vào năm mới, chúng gta cố gắng sống tinh thần mới trong tin yêu và phó thác.

 

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, với biết bao biến cố đan xen lẫn niềm vui và nỗi buồn… Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài là Đấng quan phòng, hướng dẫn các biến cố nhân loại, và đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cùa 365 ngày của năm mới này cho Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa. Xin cho đời chúng con biết tận dụng mọi khoảnh khắc của năm mới này, để cuộc sống chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa, sống chăn tình với nhau, để danh Chúa được toả sáng.

Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm

Giáo xứ Chúa Kitô Vua, ĐàLạt


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung