Điều gì đã làm cho Mẹ Têrêxa thành một phụ nữ đặc biệt như thế ? (Phần Ba, Kết Thúc).

Cuộc đàm thoại với Cha Brian Kolodiejchuk, Thừa Sai của dòng Bác Ái.

 

La-mã, Chúa Nhật ngày 19 tháng 10 năm 2003 (zenit.org) - Mẹ Têrêxa yêu thương những người nghèo. Mẹ cũng yêu chuộng sự cầu nguyện.

Cha Brian Kolodiejchuk, một trong 3 nam tu sĩ đầu tiên của dòng thừa sai bác ái, và là người thỉnh cầu cho việc phong Á Thánh Mẹ Têrêxa, giải thích : « Các Tu Sĩ

 

Thừa Sai của Bác Ái theo thường lệ phải cầu nguyện 4 tiếng mỗi ngày.

Sau đây là phần ba và cũng là phần chót của cuộc đàm thoại mà Cha Kolodiejchuk đã dành cho Zenit. Phần nhất đã được phát hành ngày 13 tháng 10 (coi bài ngày 13 tháng 10) và phần hai đã được phát hành ngày 17 tháng 10 (coi bài cùng ngày).

 

Hỏi : Mẹ Têrêxa đã làm thế nào để thành công trong việc hòa giải đời sống chiêm niệm và đời sống phục vụ ?

 

B.K. : Mẹ Têrêxa đã thành công trong việc hòa giải hai đời sống này bằng cách giữ liên lỉ trong tâm trí Mẹ mục đích và lý do tối hậu của sự tồn tại của dòng Mẹ sáng lập.

Năm 1947 Mẹ đã định nghĩa cách rõ ràng : « Mục đích của những tu sĩ Thừa Sai Bác Ái là làm giảm cơn khát vô tận tình yêu và các linh hồn của Chúa Giêsu trên Thánh Gía bằng cách làm việc cho sự cứu rỗi và cho sự thánh hóa những người nghèo nhất trong những người nghèo ».

 

Làm bớt cơn khát tình yêu và linh hồn của Chúa Giêsu là lý do tối hậu của tất cả những gì Mẹ làm. Mục đích này không bao giờ rời bỏ tâm trí của Mẹ. Tất cả những năng lực của Mẹ đều được vận động theo chiều hướng đó. Cơn khát của Chúa Giêsu thấm nhập tất cả mọi khía cạnh của đời sống Mẹ, trong cầu nguyện cũng như trong việc phục vụ. Đó là ơn đặc sủng mà Mẹ đã được lãnh nhận, và tất cả đều quay một cách tự nhiên chung quanh ơn đặc Sủng này.

 

Để hòa giải cầu nguyện và hành đông, đời sống của những tu sĩ Thừa Sai Bác Ái dự trù dành khoảng 4 tiếng cho cầu nguyện mỗi ngày. Mẹ Têrêxa đã luôn tuân giữ một cách đặc biệt những giờ cầu nguyện của Mẹ. Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng cầu nguyện, sự chiêm niệm và thánh lễ mà Mẹ coi như những thời gian quan trọng nhất trong ngày.

 

Sau khi đã lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ ra đi phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong những người nghèo. Giờ cầu nguyện là thời gian mà Mẹ hiệp nhất với Chúa Giêsu, mà Mẹ lắng nghe Ngài, mà Mẹ phó thác mình cho Chúa, mà Mẹ tìm Thánh Ý Ngài trong tất cả những điều Mẹ thực hiện.

 

Thời gian quan trọng thứ hai trong một ngày của Mẹ là một giờ chầu Mình Thánh Chúa. Mẹ chỉ bỏ sự gặp gỡ này khi có những lý do tối ư quan trọng. Sự vắng mặt này đôi khi đòi hỏi Mẹ một sự cố gắng mãnh liệt. Mẹ tìm thì giờ để cầu nguyện ngay sau một chuyến công vụ dài và mệt mỏi hay khi Mẹ bị ốm đau.

 

Mẹ Têrêxa dành cho chuỗi hạt Mân Côi một sự quan trọng tột bực. Đức Maria là người bạn đồng hành bất khả phân ly của Mẹ, là Đấng giúp Mẹ sống dưới sự hiện diện của Chúa và sống những mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mẹ lần hạt trong nhà nguyện, trong đường phố, trong xe buýt hay trong máy bay. Đối với Mẹ đó là một phương tiện thiết yếu để suy niệm những mầu nhiệm về đời sống của Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria và để cầu nguyện liên lỉ. Người ta thường thấy Mẹ cầm tràng hạt trong tay. Mẹ muốn nhờ thế để nhắc nhớ sự hiện diện của Đức Trinh Nữ và mối giây liên hệ mật thiết giữa Mẹ và Mẹ của Thiên Chúa.

 

Hỏi : Mẹ Têrêxa là một người được ơn huyền nhiệm. Cha có nghĩ rằng nhờ thế Mẹ trở thành một mẫu gương không ?

 

B.K. : Tuyệt đối đúng như vậy. Dù cho kinh nghiệm huyền nhiệm của Mẹ về những màn đêm nội tâm không cùng bản chất như kinh nghiệm của chúng ta về những điều đó, - thường là tại thiếu lòng sùng kính hay thiếu nhân đức, do sự tầm thường và lòng ích kỷ -, Mẹ cũng chỉ dẫn cho chúng ta làm thế nào để sống chính kinh nghiệm của chúng ta về những màn đêm nội tâm.

 

Mẹ đã chấp nhận sự kiện ấy trong một tâm tình phó thác trọn vẹn vào Thánh Ý Chúa và bằng cách đặt lòng trông cậy vào sự chú tâm đầy tình yêu của Chúa ngay cả trong những lúc Mẹ không cảm thấy sự gần gũi của Ngài. Cuối cùng, chính là tình yêu của Mẹ cho Thiên Chúa và cho tha nhân đã thúc đẩy Mẹ chấp nhận những màn đêm nội tâm như một tặng vật.

 

Sống trong màn đêm tối tăm, một phần có nghĩa là chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô và phần khác để chia sẻ sự nghèo khổ với những kẻ khốn cùng. Mẹ thường hay lập đi lập lại rằng sự nghèo khổ cùng cực nhất là không được yêu mến, không được ước muốn, không nhận được một sự chú tâm nào cả, và chính là điều Mẹ đã sống trong lãnh vực thiêng liêng.

 

Có một hôm Mẹ đã nói rằng tình thế thể chất của những người nghèo là hình ảnh của tình trạng nội tâm của họ. Mẹ đã sống nghèo nàn về vật chất để liên đới với những người nghèo vật chất và Mẹ đã sống nghèo nàn về tinh thần, qua những « màn đêm bóng tối » như chúng ta đã khám phá điều đó trong vụ án phong thánh, để liên đới với tất cả những người sống nghèo nàn về tinh thần.

 

Mẹ đã hiểu sự nghèo nàn nội tâm rất sâu đậm này vì chính Mẹ đã sống kinh nghiệm đó. Đây là chiều kích huyền nhiệm của sự phục vụ những người nghèo của Mẹ.

 

Cách thức của Mẹ để chia sẻ Thánh Giá của Chúa Cứu Thế là một mẫu gương cho tất cả chúng ta. Mẹ đã chỉ dẫn cho chúng ta cách thức vác thánh giá của chúng ta với tình yêu và dâng hiến những đau khổ của chúng ta cho sự cứu rỗi và sự thánh hóa tha nhân. Chính vì lý do này mà đề tài đã được chọn cho nghi lễ phong Chân Phước là « Con ơi hãy đến, hãy là nguồn ánh sáng của Mẹ ». Ánh sáng mà đời sống Mẹ chiếu cho chúng ta không phải chỉ là ánh sáng của bác ái đối với những người nghèo mà thôi, mà còn là ánh sáng đến từ cách thức mà Mẹ đã vác chính thánh giá của Mẹ, đặc biệt những đau khổ nội tâm của Mẹ.

 

Hỏi : Theo ý Cha, sứ điệp nào là chính yếu của Mẹ Têrêxa cho thế giới  ? cho những kitô hữu ?

 

B.K. : Mẹ Têrêxa nhắc lại cho thế giới biết là « Thiên Chúa hiện hữu. ». Mẹ là một nhân chứng của một Đức Tin vững chắc trong Chúa, của hạnh phúc, và của sự thành tựu cá nhân xuất phát từ một đời sống có Thiên Chúa là trung tâm điểm. Đức tin này trong Thiên Chúa đã là nền tảng của tình yêu của Mẹ cho mỗi người mà Mẹ kính trọng như « một người anh hay em trai, một người chị hay em gái ».

Mẹ nhấn mạnh không ngừng về giá trị của mỗi mạng sống con người kể từ lúc được thụ thai cho đến giờ chết và Mẹ nhấn mạnh đến phẩm cách của mọi người dưới cương vị con cái của Thiên Chúa, đã được tạo dựng để trở thành một sự thể vĩ đại, để yêu và để được yêu.

 

Mẹ Têrêxa nhắc nhớ lại cho các tín hữu rằng họ chỉ có thể sinh ra hoa trái, trong đời sống riêng của họ cũng như trong sự phục vụ tha nhân, nếu họ được hiệp nhất với Chúa Kitô. Mẹ thường thích lập đi lập lại câu này : « Sự thánh thiện không phải một sự xa hoa cho một vài người nhưng là một bổn phận đơn giản cho các con và cho Mẹ ».

 

Đó chính là sứ điệp mà Mẹ để lại cho tất cả chúng ta.

 

Trần văn Toàn, chuyển ngữ

Cái gì đã làm cho Mẹ Têrêxa thành một phụ nữ đặc biệt như thế ? (phần nhất)
Điều gì đã làm cho Mẹ Têrêxa thành một phụ nữ đặc biệt như thế ? (phần hai)


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà