Hồng Y Đoàn, những bổn phận, những niềm vui.

 

VATICANÔ, ngày thứ Hai 20 tháng 10 năm 2003 (Zenit.org) – 30 tân Hồng Y, ngày mai, sẽ nhận từ tay ĐGH GP II mũ Hồng Y của mình. Sáng thứ Tư, trong thánh lễ, các Ngài sẽ được nhận nhẫn Hồng Y.

Trong số đó, 17 vị thuộc các hội thánh địa phương, 7 vị làm việc tại Giáo Triều La-mã, 4 vị thuộc hàng giáo sĩ trên 80 tuổi, và đặc biệt xứng đáng qua những phục vụ của các vị cho Giáo Hội. ĐGH trong lúc này giữ « bí mật » tên của vị Hồng Y thứ 31 mà Ngài chỉ thổ lộ tên khi nào Ngài thấy thuận tiện.

Các tân hồng y đến từ 23 quốc gia mà 4 quốc gia trong số đó chưa bao giờ có Hồng Y : Soudan, Ghana, Croatie và Guatemala.

26 tân hồng y sẽ trở thành cử tri trong trường hợp có Mật Nghị vì các Ngài chưa quá 80 tuổi theo như  hạn định của giáo luật.

Tổng cộng, Hội Nghị Hồng Y mới này lên đến 194 thành viên của Hồng Y Đoàn mà 135 vị là cử tri (nghĩa là có 15 vị, hơn mức hạn định của giáo luật là 120) và 59 vị không được phép bầu phiếu kể cả tân hồng y được giữ « bí mật ». (xin coi bài ngày 28 tháng 9).

Đức Cha Karel Kasteel, Thư ký của Bộ Giáo Hoàng  Cor Unum (một trái tim) và là thư ký của Phòng Nội Vụ Tông Tòa (Chambre Apostolique) đã giải thích ngày hôm nay trên đài Vaticanô vai trò của các Hồng Y.

« Vai trò đầu tiên của các Hồng Y là Thượng Nghị Viện của Giáo Hội và như thế mỗi Hồng Y là một cố vấn đặc biệt của Đức Thánh Cha và ĐGH có thể thăm hỏi ý kiến các vị mỗi khi Ngài muốn : cá nhân hay tập thể. Và trong lúc này, ĐGH đã triệu tập Hồng Y Đoàn và Ngài có thể xử lý những vấn đế với các Hồng Y như Ngài muốn ».

Nhưng « phòng Nội Vụ Tông Tòa » là gì ?. « Một trong những biệt quy của Phòng Nội Vụ Tông Tòa chính là để bảo đảm sự diễn tiến đúng đắn của Mật Nghị Hồng Y (Conclave) theo tất cả những qui luật đã được ấn định. Đó là cơ quan kỳ cựu nhất của Giáo Triều La-Mã, từ đó phát sinh ra các Bộ, các cơ quan khác. Trong trường hợp « In sede vacante » (Ngai giáo hoàng bị trống), Phòng này có uy quyền được ấn định bởi Hiến Pháp Tông Truyền « Pastor Bonus » (Vị Mục Tử nhân lành), qua Đức Hồng Y truởng, dưới sự giúp đỡ của các thành viên khác của Hồng Y Đoàn, Ngài điều khiển tất cả  những gì cần thiết cho công ích của Giáo Hội cho đến khi một Đức Tân Giáo Hoàng được bầu. Trong thời buổi « In sede plena » (Ngai giáo hoàng Tại Vị), ĐGH có thể ủy thác cho Phòng Nội Vụ Tông Tòa tất cả điều Ngài muốn ».

Thuở đầu, các Hồng Y là những cố vấn của ĐGH. Kể từ năm 1150, các vị trở thành một Hồng Y Đoàn với một Hồng Y Niên-Trưởng, Giám Mục thành Ostie, và một Hồng Y Trưởng như một người giám quản các tài sản của Giáo Hội.

Từ năm 1059, các vị trở thành những cử tri độc quyền để bầu Giáo Hoàng.

Vào thế kỷ thứ 12, các giám mục ở ngoài La-mã bắt đầu được bổ nhiệm Hồng Y . Hồi đó không có hơn 30 vị từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15. Số các Hồng Y đã được qui định 70 vị bởi ĐGH Sixte V vào năm 1586.

ĐGH Gioan XXIII đã phá luật này về Hội Nghị Hồng Y vào năm 1958 và Ngài đã ấn định rằng tất cả các Hồng Y  phải được nhận phẩm chức giám mục vào năm 1962.

ĐGH Phaolô VI đã ấn định chỗ ngồi của các Giáo Phụ Đông Phương trong Hồng Y Đoàn vào năm 1965 và Ngài đã ấn định qua Tự  Sắc (*) « Ingravescentem aetatem » (Thêm tuổi) (ngày 21/11/1970), là từ 80 tuổi trọn, các Hồng Y mất quyền bầu cử Đấng kế vị thánh Phêrô, và dĩ nhiên mất quyền tham dự Mật Nghị.

Trong buổi mật nghị ngày 5 tháng 11 năm 1973, ĐGH Phaolô VI cũng đã ấn định rằng số tối đa của các Hồng Y còn đủ khả năng bầu Giáo Hoàng là 120. Mức hạn định này sau đó đã được công nhận bởi ĐGH Gioan Phaolô II  nhưng ĐGH này đã 2 lần không tuân giữ giới hạn đó : một lần vào năm 2001 và năm nay. Hồng Y Đoàn sẽ có 135 vị cử tri kể từ ngày mai.

Các Hồng Y được phân ra thành 3 « cấp bậc » : giám mục, giáo sĩ và thừa tế.

Trần văn Toàn, chuyển ngữ

(*) Tự Sắc (Motu proprio = lý do riêng tư) = Sắc lệnh do tự ý ĐGH viết.     


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà