Kết luận của hội nghị lần thứ tám của Hội Đồng Các Giám Mục Á Châu (FABC) :

Những dấu chỉ hy vọng cho gia đình tại Á Châu

 

 

Taejon (thông tấn Fides 30/8/2004)

 

Có những dấu chỉ hy vọng đáng kể cho gia đình Á châu đang sống và làm chứng cho những giá trị Kitô Giáo : đó là điều nổi bật tại hội nghị thứ tám của Hội Đồng Các Giám Mục Á Châu đã diễn ra tại Taejon (Nam Hàn) từ 17 đến 23 tháng tám với đề tài « Gia đình Á châu hướng đến văn hoá của sự sống ». Trong mục kết luận của những buổi làm việc, các đức giám mục đã nhấn mạnh rằng các gia đình Kitô Giáo tại Á châu, dù trong hoàn cảnh một tôn giáo thiểu số, có khả năng làm chứng một số giá trị như sự tôn trọng sự sống, lòng hiếu khách, sự tôn trọng những người lớn tuổi, tình thương những em bé.  

 

Trong hội nghị lớn của những đại diện các Giáo Hội Á châu này có sự tham dự của 186 đại diện trong đó có 6 hồng y, 35 tổng giám mục, 60 giám mục, 29 linh mục, 3 tu sĩ nam, 8 tu sĩ nữ và 55 giáo dân nam nữ. Có sự hiện diện của ĐHY Telesphore Toppo, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, ĐHY Varkey Vithayathil, Tổng Giám Mục Emakulam-Angamaly, ĐHY Julius Rijadi Darmaatmadja, Tổng Giám Mục Jakarta và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh, ĐHY Paul Shan Kuoshi, Giám Mục tại Kaohsiung (Đài Loan). Cũng có hai đại diện của Toà Thánh tham dự là ĐHY Fumio Hamao, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng về người di dân và Đức Cha Robert Sarah, Thư Ký của bộ Truyền Giáo.

 

Trong sứ điệp kết thúc, các Giám Mục, không che dấu những khó khăn mà gia đình phải đối đầu trên lục địa Á châu càng ngày càng được đánh dấu bởi sự toàn cầu hoá về văn hoá, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất và sự tục hoá, tuyên bố rằng « chỉ có văn hoá của sự sống, lấy nguồn từ những giá trị của Nước Trời loan báo bởi Đức Kitô » mới có thể đề cao cái tốt của gia đình. Văn hoá của sự sống có nghĩa là « bảo vệ sự sống con người trong tất cả những chiều kích của nó, từ sự thụ thai đến cái chết » và « đặt phẩm chất con người trên sự hữu hiệu và trên kinh tế ».

 

Trong những buổi làm việc, các đại diện đã xem xét và hội thảo về tài liệu làm việc liên quan đến những vấn đề chính mà các gia đình Á châu gặp phải : nạn nghèo, sự di dân, sự bóc lột phụ nữ và trẻ em, những vấn đề của sự toàn cầu hoá, tục hoá và những văn hoá truyền thống.

 

Trong những thách thức được đề cập trong tài liệu làm việc, có vấn đề bành trướng tại Á châu của một loại văn hoá chống lại gia đình, sự thiếu tôn trọng sự sống, một con số ly dị cao. Giáo Hội muốn trả lời những thách thức này bằng một cái nhìn Kitô Giáo về gia đình.

 

Những nhóm làm việc được tổ chức theo nguồn gốc địa phương và ngôn ngữ của những đại diện. Trong nhóm « đối thoại liên tôn giáo và gia đình », có những nhân chứng của những cặp vợ chồng khác tôn giáo. Thật vậy, hôn nhân giữa những người khác tôn giáo là một thách thức mục vụ càng ngày càng cấp bách cho Giáo Hội tại Á châu.

 

Các Giám Mục Á châu cũng đã tiếp đón cuộc thăm viếng của Đức Cha Wilton Gregory, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài nhận định rằng, mặc dù nhiều loại vấn đề mà các gia đình Á châu di dân qua Hoa Kỳ gặp phải, « họ có khả năng làm chứng nhân sáng láng về sự hiệp nhất, sự hài hoà, tình yêu và lòng sốt sắng ».

 

 

Lang Biang dịch