Sự hữu ích và cần thiết của việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội

Radiovaticana 04/11/2009 – Thần học là việc kiếm tìm một sự hiểu biết có lý lẽ các mầu nhiệm của Mạc khải được được tin nhận bởi đức tin. Việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội là điều hữu ích và cần thiết, đặc biệt khi nó liên quan tới các vấn đề chưa được Giáo quyền định nghĩa, nhưng Giáo quyền luôn luôn là điểm tham chiếu. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 15.000 tín hữu và du khánh hàng hương năm châu sáng thứ tư 4-11-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới cuộc tranh luận lớn giữa thánh Bernardo thành Chiaravelle đại diện cho nền thần học đan tu hay ”thần học của con tim” và Abelardo đại diện cho nền thần học kinh viện hay ”thần học của lý trí”. Trong khi thánh Bernardo nhấn mạnh trên đức tin, thì Abelardo nhấn mạnh trên trí thông minh, nghĩa là việc hiểu biết qua lý trí. Đức Thánh Cha nêu bật sự khác biệt như sau: Đối với thánh Bernardo đức tin có sự chắc chắn nội tại dựa trên chứng tá của Kinh Thánh và giáo huấn của các giáo phụ. Ngoài ra đức tin được củng cố bởi chứng tá của các thánh và sự linh ứng của Chúa Thánh Thần trong linh hồn các tín hữu. Trong các trường hợp nghi ngờ và không rõ ràng đức tin được che chở và soi sáng bởi Huấn quyền giáo hội. Vì thế Bernardo không đồng ý với Abelardo và nói chung với những người đặt để đức tin dưới sự quan sát phân tích của lý trí. Sự quan sát này dẫn tới một nguy hiểm là chủ trương duy trí thức, việc tương đối hóa chân lý, đem chính các chân lý đức tin ra để thảo luận. Và như thế nó dẫn tới sự táo bạo không ngần ngại là hậu qủa sự kiêu căng qua đó trí thông minh con người yêu sách ”bắt giữ” mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong một bức thư gửi cho Abelardo thánh Bernardo đau đớn viết như sau: ”Trí khôn con người chiếm hữu tất cả và không để lại gì cho đức tin. Nó đương đầu với điều cao vượt hơn nó, dò xét điều cao vượt hơn nó, tràn vào thế giới của Thiên Chúa và làm hư hại các mầu nhiệm đức tin hơn là soi sáng chúng; nó không mở điều được đóng kín và niêm ấn, nhưng nhổ nó tận gốc rễ và điều nó thấy không thể đi được đối với mình, thì nó coi là không có và từ chối tin vào đó” (Epistula CLXXXVIII, 1 PL 182,353).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói đối với thánh Bernardo thần học chỉ có một mục đích duy nhất là thăng tiến kinh nghiệm sống động thân tình với Thiên Chúa. Khi đó thần hoc là một trợ giúp ngày càng yêu mến Chúa hơn như đề tài khảo luận ”Bổn phận yêu mến Thiên Chúa” của thánh nhân. Lộ trình này có nhiều bậc từ dưới thấp cho tới tột đỉnh, khi linh hồn tín hữu say mến trong các đỉnh cao của tình yêu. Ngay trên trái đất này linh hồn con người có thể đạt tới sự kết hiệp thần bí với Ngôi Lời Thiên Chúa. Sự kết hiệp mà ”Tiến sĩ chảy mật” miêu tả như là ”đám cưới thiêng liêng”. Ngôi Lời viếng thăm linh hồn, loại trừ mọi kháng cự, soi sáng, đốt cháy và biến đổi linh hồn. Trong sự kết hiệp ấy linh hồn hưởng nếm sự thanh thản ngọt ngào lớn lao và hát lên thánh thi tươi vui cho Phu Quân.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói về Abelardo. Sinh tại Bretagne tây bắc nước Pháp, Abelardo là người rất thông minh và có ơn gọi nghiên cứu học hỏi. Ban đầu Abelardo chuyên về triết lý, sau đó áp dụng các kết qủa vào thần học, mà ông là thầy dậy tại Paris và trong nhiều đan viện khác. Chính Abelardo đã đưa từ ”thần học” vào lãnh vực nghiên cứu như chúng ta hiểu ngày nay. Là môt giáo sư có tài ăn nói nên các lớp dậy học của ông thu hút rất đông sinh viên. Là người có tinh thần tôn giáo, nhưng bất an nên cuộc sống của Abelardo cũng có nhiều biến cố: phản đối các thầy dậy, có con với Eloisa, một phụ nữ học thức và thông minh; hay tranh cãi với các thần học gia đồng nghiệp và bị giáo quyền kết án, nhưng khi qua đời đã giao hòa và hiệp thông với Giáo Hội. Chính thánh Bernardo đã xin ĐGH Innocenzo II can thiệp và kết án vài giáo thuyết sai lầm của Aberlardo trong công nghị tại tỉnh Sens năm 1140. Thánh nhân phản đối phương pháp qúa duy trí thức của Abelardo, vì nó giản lược đức tin thành một ý kiến tầm thường, bị tách rời khỏi chân lý được mặc khải.

Đức Thánh Cha nhận định về phương pháp của Abelardo như sau: Thật vậy, việc dùng triết lý thái qúa khiến cho giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa và ý tưởng về Thiên Chúa của Abelardo trở thành giòn mỏng một cách nguy hiểm. Trong lãnh vực luân lý giáo huấn của ông không khỏi hàm hồ vì ông coi ý định của chủ thể là nguồn duy nhất để miêu tả sự tốt lành hay ác ý của các hành động luân lý, mà bỏ qua ý nghĩa khách quan và giá trị luân lý của các hành động: đây là một khuynh hướng duy chủ quan nguy hiểm. Nó cũng là một khía cạnh rất thời sự trong thời đại chúng ta ngày nay, trong đó nền văn hóa xem ra ngày càng hướng tới chủ trương tương đối hóa luân lý: chí có cái tôi quyết định điều gì tốt cho tôi, trong lúc này. Tuy nhiên cũng không nên quên các công lao lớn của Abelardo và nhiều môn sinh của ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền thần học kinh viện, sẽ chín mùi vào thế kỷ sau đó. Ngoài ra một vài trực giác của Abelardo cũng đáng được chú ý như khẳng định trong các truyền thống tôn giáo không kitô đã có sự chuẩn bị cho việc tiếp đón Chúa Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ bằng cách rút tỉa ra bài học của cuộc tranh luận này giữa thánh Bernardo và Abelardo như sau: Trước hết là sự hữu ích và cần thiết của việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội, đặc biệt liên quan tới các vấn đề chưa được Giáo quyền định nghĩa, nhưng Giáo quyền luôn luôn là điểm tham chiếu. Ngoài ra trong lãnh vực thần học cần có sự quân bình giữa các nguyên tắc cấu trúc do Mạc khải cung cấp và các nguyên tắc giải thích do triết lý nghĩa là lý trí gợi hứng và tuy quan trọng chúng chỉ có nhiệm vụ là dụng cụ. Khi không có sự quân bình giữa các nguyên tắc này thì suy tư thần học có nguy cơ rơi vào các lầm lạc, và khi đó Huấn quyền phải thi hành nhiệm vụ can thiệp để phục vụ chân lý. Ngoài ra trong các lý do khiến cho thánh Bernardo chống lại Abelardo và xin giáo quyền can thiệp là sự lo lắng cứu giúp các tín hữu đơn sơ khiêm tốn khỏi lẫn lộn hay lac đường vì các ý kiến qúa riêng tư và các đề tài thần học có thể nguy hại cho đức tin của họ. Cuối cùng nhờ trung gian của viện phụ Cluny là Pietro Vị Đáng Kính thánh Bernardo và Abelardo đã làm hòa với nhau. Abelardo khiêm tốn thừa nhận các sai lầm của mình và Bernardo quảng đại tha thứ. Cả hai đều xác tín rằng khi nảy sinh ra cuộc tranh luận thần học thì phải duy trì đức tin của Giáo Hội và làm cho chân lý chiến thắng trong bác ái.


Về Trang Mục Lục