Tìm gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bánh Thánh Thể và trong Lời Chúa để được cứu độ

 

Radiovaticana 10/12/2009 – Mỗi người một cách chúng ta có thể tìm gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bánh Thánh Thể và trong Lời Chúa để được ơn cứu độ. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 9-12-2009.

Trong bài huấn dự Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một đan sĩ nổi tiếng khác sống hồi thế kỷ XII: đó là Ruperto thành Deutz, là một tỉnh gần thành phố Koeln bên Đức. Ngay khi còn bé người đã được tiếp nhận như của lễ trong tu viện biển đức Thánh Lorenzo ở Liège bên Bỉ, theo thói quen giao phó con cho các đan sĩ giáo dục thời bấy giờ, trong ý hướng dâng con cho Chúa. Ruperto rất yêu thích đời đan tu, học tiếng Latinh để nghiên cứu Kinh Thánh và và ưa thích các lễ nghi phụng vụ, cũng như có cuộc sống ngay thẳng và rất gắn bó với ngai tòa Thánh Phêrô.

Thời đó xảy ra xung khắc giữa quyền bính của giáo hoàng và đế quốc liên quan tới việc chỉ định các Giám Mục. Đức Giáo Hoàng muốn cản ngăn không để cho chính quyền dân sự chỉ định các Giám Mục, vì việc này thường được hướng dẫn bởi các lý do chính trị và kinh tế, chứ không phải mục vụ. Đức Cha Otberto, Giám Mục Liège, không tuân theo các chỉ thị của Đức Giáo Hoàng nên bắt viện phụ của đan viện thánh Lorenzo là Berengario đi đầy. Ruperto theo đức viện phụ đi đầy vì muốn tránh không lãnh chức linh mục từ tay vị Giám Mục xung khắc với Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh thái độ này của đan sĩ như sau như sau:

Tu sĩ Ruperto dậy chúng ta rằng khi nổi lên các tranh luận trong Giáo Hội, việc quy chiếu về thừa tác phêrô bảo đảm cho sự trung thành với giáo lý lành mạnh và trao ban sự thanh thản và tự do cho nội tâm. Nhưng sau vụ tranh luận với Giám Mục Otberto, Ruperto phải rời tu viện hai lần và năm 1116 các người chống đối muốn xử án đan sĩ. Do đó Ruperto phải ẩn về sống tại tu viện Siegburg, nhưng khi thấy tÌnh hình tu viện tai Liège qúa căng thẳng, đan sĩ quyết định sống luôn bên Đức. Được chỉ định làm viện phụ tu viện Deutz năm 1120 người sống tại đây cho tới khi qua đời năm 1129.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói viện phụ Ruperto đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, còn có gía trị đối với ngày nay và đã dấn thân trong nhiều cuộc tranh luận thần học quan trọng. Điển hình như cuộc tranh luận về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, mà Berengario thành Tours chỉ coi như là biểu tượng. Trong tác phẩm De divinis Officiis người khẳng định rằng có sự tiếp nối giữa Thân Mình của Ngôi Lời nhập thể và Thân Mình hiện diện trong bánh và rượu của bí tích Thánh Thể. Ngày nay người ta cũng có nguy cơ tái lượng định sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu phục sinh trong bí tích Thánh Thể, và chỉ coi Thánh Thể như là một lễ nghi hiệp thông, hay việc xã hội hóa. Nhưng Chúa Kitô phục sinh đặt mình ở trên tay chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi chính mình, cho chúng ta nhập vào trong thân mình bất tử của Ngài, và hướng dẫn chúng ta tới cuộc sống mới. Đó là mầu nhiệm cần thờ lậy và yêu mến một cách mới mẻ luôn mãi. Như Giáo lý công giáo, hoa trái sự suy tư của đức tin và thần học dài 2000 năm đã dậy: Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể một cách duy nhất và không thể so sánh được, một cách đích thật, thực sự, bản thể với Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Người. Dưới hình bánh và rượu có Chúa Kitô toàn vẹn là Thiên Chúa và là người.

Viện phụ Ruperto còn liên lụy tới một cuộc tranh luận khác nữa về việc hòa giải lòng lành và sự toàn năng của Thiên Chúa với sự hiện diện của sự dữ. Nếu Thiên Chúa toàn năng và nhân lành thì làm sao giải thích thực tại sự dữ? Các bậc thầy của trường phái Laon dùng lý luận triết học phân tích sự ”chấp thuận” và ”cho phép” trong ý muốn của Thiên Chúa, và kết luận rằng Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra nhưng không chấp nhận nó. Ruperto khước từ sử dụng suy luận triết học, vì nó không thích hợp trước một vấn đề lớn lao như vậy. Người khởi hành từ lòng nhân lành của Thiên Chúa, từ chân lý Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành và không thể muốn sự dữ được. Vì thế nguồn gốc sự dữ là nơi chính con người và trong việc con người dùng sự tự do một cách sai trái. Người viết các trang tuyệt vời để ca tụng lòng từ bi vô tận của Thiên Chúa Cha, lòng kiên nhẫn và từ ái của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.

Ruperto cũng đề cập tới mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Con Thiên Chúa. Khác với nhiều thần học gia giải thích biến cố nhập thể nhằm mục đích để sửa chữa tội lỗi con người, trong tác phẩm ”Việc vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi” Ruperto cho rằng Nhập thể là biến cố chính của toàn lịch sử, đã được thấy trước từ đời đời một cách độc lập với tội của con người, để toàn thụ tạo có thể ca ngợi Thiên Chúa Cha và yêu thương Người như một gia đình duy nhất được quy tụ chung quanh Chúa Kitô Con Thiên Chúa. Đan sĩ trông thấy nơi Người đàn bà mang thai của sách Khải Huyền toàn lịch sử nhân loại hướng về Chúa Kitô. Chùa Kitô luôn luôn là trung tâm cảu các chú giải kinh thánh của đan sĩ. Theo đan sĩ ”Toàn Kinh Thánh là một cuốn sách duy nhất hướng tới cùng một mục đích là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đến từ một Thiên Chúa duy nhất và đã đươc viết ra bởi một Thần Khí duy nhất” (De glorificatione Trinitatis et processione Sancti Spiritus, I, V, PL 169,18). Đề cập tới cách giải thính kinh thánh của Ruperto Đức Thánh Cha nói:

Trong việc giải thích Kinh Thánh Ruperto không chỉ hạn hẹp trong giáo huấn của các Giáo Phụ, nhưng cho thấy cái độc đáo của mình. Chẳng hạn ngài là tác giả đầu tiên đồng hóa hiền thể của sách Diễm Ca với Đức Maria rất thánh. Như thế kiểu chú giải cuốn sách này của Kinh Thánh được vén mở như một loại tổng luận thánh mẫu học, trình bầy các đặc ân và nhân đức tuyệt vời của Đức Maria. Nó là một thí dụ của sự hòa hợp giữa phụng vụ và thần học. Và nhiều văn bản của đan sĩ được dùng trong các buổi cử hành lễ kính Đức Maria.

Sau cùng Ruperto cũng lưu tâm lồng giáo lý về Đức Maria vào trong giáo lý giáo hội học. Nói cách khác, người thấy nơi Đức Maria rất thánh phần thánh thiện nhất của Giáo Hội. Chính vì thế tại sao vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI trong diễn văn kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II, đã long trọng tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, và trích từ các tác phẩm của Ruperto định nghĩa Đức Maria là phần tuyệt diệu nhất, phần tốt lành nhất của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Ruperto đã là một thần học gia sốt mến sâu sắc. Như tất cả mọi vị dại diện cho nền thần học đan tu, người đã biết nối liền việc nghiên cứu với lý trí về các mầu nhiệm đức tin với lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, được coi như tuyệt đỉnh của mọi hiểu biết Thiên Chúa. Đôi khi người cũng có các kinh nghiệm thần bí và tiết lộ rằng: ”Trong lúc đó tôi kinh nghiệm rằng lời Chúa nói thật biết bao nhiêu: ”Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền dịu và khiêm nhường trong lòng” (De gloria et honore Filii hominis. Super Matthaeum 12, PL 168, 160). Mỗi người một cách chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, là Đấng không ngừng đồng hành với chúng ta và hiện diện trong Bánh Thánh Thể và trong Lời ngài cho ơn cứu độ của chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau. Ngài nhắc lại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Giáo Hội mừng kính ngày mùng 8 vừa qua, và khuyến khích các bạn trẻ cố noi gương mẹ giữ con tim mình cho thanh sạch và trong trắng, để cho Chúa uốn nắn, vì Chúa cũng muốn làm các việc lạ lùng nơi họ. Đức Thánh Cha xin Mẹ Maria giúp các anh chị em đau yếu luôn tín thác nơi Chúa, là Đấng biết các khổ đau của họ, và kết hiệp chúng với các khổ đau của Chúa cho ơn cứu rỗi của thế giới. Ngài khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới noi gương thánh gia Nagiaret biến gia đình thành nơi tiếp nhận sự sống.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục