Mary McKillop: Nhiều hy vọng hơn hội nghị khí hậu

(VCN 20 Dec 2009 03:45) – Tin Đức Giáo Hoàng ra sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai do sự cầu bầu của Chân Phúc Mary McKillop đã làm toàn dân Úc hân hoan. Suốt mấy ngày qua, báo chí cũng như các đài truyền thanh và truyền hình khắp nước đã đưa tin bằng một cung giọng vui tươi, đầy phấn khởi.

Hãng AAP ngày 20 tháng 12 chạy tít lớn: “Mary McKillop gives more hope than the climate talks”. Hãng này cho hay các nữ tu của Dòng Thánh Giuse Thánh Tâm, một dòng do chính Chân Phúc Mary McKillop thành lập năm 1866, sáng hôm nay đã cử hành tin vui trên tại trụ sở chính của Dòng tại North Sydney, nơi có mộ của Chân Phúc. Nữ tu Judy Sippel, người có nhiệm vụ chuẩn bị cho lễ phong thánh sắp tới của Chân Phúc, cho hay bà được tin vui trên vào lúc 11 giờ đêm hôm qua. “Tôi ngủ không được vì cứ thấp thỏm chờ đợi tin vui ấy. Rồi khi nghe được, lại còn mất ngủ hơn nữa. Quả là phấn chấn khi một người của mình được xếp vào hàng các thánh. Ở Rôma, leo lên hàng đầu như thế, đâu phải chuyện dễ”. Nữ tu Judy ví tin vui ấy như việc thấy một thành viên trong gia đình được tôn vinh một cách hết sức cao trọng.

Bà cho rằng trái với hội nghị về thay đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen mà nhiều bình luận gia cho là không đạt được bao nhiêu thành quả thiết thực, thì Mẹ Mary mang lại cho người ta nhiều hy vọng hơn vì Mẹ chứng minh rằng “một con người vẫn có thể tạo nên sự khác biệt thực sự. Tại Copenhagen, người ta thực hiện được rất ít khác biệt. Nhưng ở đây, một người đàn bà dù đã qua đời tại Úc Châu cách đây 100 năm vẫn đang gây ảnh hưởng tới nhiều cuộc đời”.

Theo nữ tu Judy, các cử hành hôm nay là vì Vatican công nhận việc một phụ nữ mắc bệnh ung thư vào thập niên 1990 được chữa lành, nhưng thực ra các phép lạ vẫn xẩy ra “mọi lúc” tại Nhà Nguyện kính Chân Phúc tại North Sydney. Bà đơn cử trường hợp một gia đình trẻ người Việt Nam thường lui tới viếng Nhà Nguyện này vì họ tin rằng lời chuyển cầu của Chân Phúc đã chữa người mẹ của họ khỏi bệnh ung thư tụy tạng.

Dee Encabo, hiện sống tại Wollongong, cho AAP hay cô tới Nhà Nguyện này để cầu nguyện bất cứ lúc nào gặp khó khăn. Thân mẫu cô qua đời cách nay 9 năm, nên đối với cô hiện nay, Chân Phúc Mary là một “phiếu mẫu, một người thay thế mẹ”.

Rủ nhau đi Vatican

Cũng ngày 20 tháng 12, tờ Sunday Sun Herald tiên đoán rằng hàng ngàn người Úc sẽ kéo nhau tới Vatican để chứng kiến lễ phong hiển thánh cho Chân Phúc Mary McKillop, có thể vào tháng Ba năm 2010. Trong nay mai, có thể vào tháng Hai năm tới, Đức Bênêđíctô XVI sẽ công bố việc phong hiển thánh ấy. Tuy nhiên, người ta đã bắt đầu các việc chuẩn bị cho ngày ấy ngay khi được tin Đức Giáo Hoàng ra sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai nhờ sự cầu bầu của Chân Phúc.

Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, cho hay: Chân Phúc Mary McKillop đã chiếm đủ “lon lá” (stripes) để được phong thánh và mọi người dân Úc cũng nên cố gắng hành xử như ngài. Nói với các ký giả sáng nay, Đức Hồng Y bảo rằng: Chân Phúc Mary đã đánh nhiều trận đánh ngay bên trong Giáo Hội lúc lập Dòng Nữ Tu Thánh Giuse và một số trường học để giáo dục trẻ em. “Chân Phúc từng bị đối xử rất tệ. Nhưng điều đáng lưu ý là bà vẫn có khả năng tha thứ và giữ cho mình bình thản, quân bình và tốt bụng. Điều tốt nhất ta có thể làm để duy trì ký ức về Chân Phúc là ráng hành động như ngài. Nghĩa là cố gắng phục vụ và giúp đỡ người khác, cố gắng ăn ở bác ái, bình thản, và tha thứ khi gặp tranh cãi rắc rối”. Đức Hồng Y kết luận: Mẹ Mary đã anh dũng lập công và sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai của ngài phải kích thích mọi người dân Úc ra tay hành động.

Tờ Sunday Sun Herald cũng cho hay các chức sắc Công Giáo đang chuẩn bị phát động một trang mạng để người ta ghi danh tham dự lễ phong thánh. Các khách hành hương Úc sẽ mang một loại y phục đặc biệt để biểu lộ sự ủng hộ của mình đối với Chân Phúc Mary McKillop. Nữ tu Maria Casey, người cầm đầu cuộc vận động phong thánh, cho hay lễ phong thánh thường được đánh dấu bằng một “bầu khí chờ mong và phấn chấn vĩ đại. Các nhóm khác nhau đều có những biểu tượng để nhận diện. Một số sẽ mang khăn quàng, số khác mang nón hay túi lưng. Chúng tôi đang xem sét những việc như thế”.

Ông Tim Fisher, đại sứ Úc bên cạnh Tòa Thánh, người vừa lên tiếng ca tụng Chân Phúc Mary McKillop là một người Úc tiên phong, cho hay ông đang sẵn sàng đón tiếp đồng bào ông tới Vatican. Ông tiên đoán người Úc sẽ “xâm lăng Rôma vào dịp này”. Ông Fisher nói rằng đây là “một dịp vui mừng cho cộng đồng Công Giáo Úc và là một biến cố dấu mốc trong lịch sử Úc. Nó là một tôn vinh vĩ đại đối với một người Úc tuyệt vời từng làm rất nhiều để giúp đở nhiều người".

Người ta còn nhớ phép lạ thứ hai này liên can tới một bà mẹ Úc có 5 con từng bị ung thư phổi hết phương cứu chữa, lại thêm chứng ung thư não nữa. Nữ tu Maria Casey cho biết: người đàn bà này muốn được ẩn danh trong lúc này vì bà muốn tập chú vào Chân Phúc Mary. Hiện sức khỏe của bà rất tốt và bà rất hân hoan vì tin mừng này. Đối với nữ tu Maria, việc xác nhận phép lạ thứ hai này của Mẹ Mary là một giây phút hết sức xúc động sau 9 năm vận động cho việc phong thánh. Đứng tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, nơi dựng cây thông Bỉ 90 tuổi làm cây thông Giáng Sinh của Vatican, bà cho hay rất nhẹ nhõm và hân hoan được nghe sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng. “Nó là công trình của rất nhiều năm và của rất nhiều người. Nó kết thúc một hành trình dài, nhưng thực ra không phải cho tôi mà là cho việc nhìn nhận dành cho Mary McKillop. Quả là một niềm vui lớn khi thấy một người đàn bà sống thánh thiện như thế đã được thừa nhận đúng như con người thật của bà. Chúng tôi từng đệ trình nhiều tài liệu, các tài liệu ấy đã kinh qua nhiều giai đoạn khác nhau, và chúng tôi hằng chờ mong việc phong thánh xẩy ra vào dịp Lễ Giáng Sinh năm nay, nhưng không có chi là chắc chắn hết. Cho nên quả là ngạc nhiên thích thú khi nghe tin này. Nó cũng là món quà Giáng Sinh hết sức tốt đẹp”.

Nhiều cảm thương hơn

Hãng AAP, ngày 20 tháng 12, cũng loan tin về người phụ nữ được khỏi bệnh ung thư phổi bất trị và cho hay: bà hy vọng rằng tin vui về lễ phong thánh sắp tới sẽ gợi hứng cho giới trẻ Úc trở nên quảng đại và biết cảm thương hơn.

Lên tiếng bên ngoài Nhà Nguyện kính Chân Phúc Mary McKillop ở North Sydney, Nữ Tu Anne Derwan cho các ký giả hay: người đàn bà được khỏi bệnh chưa muốn tiết lộ danh tính lúc này, nhưng bà sẽ kể lại câu truyện của mình khi đến lúc thuận tiện. Trong khi chờ đợi, bà nhờ Nữ Tu Derwan đọc cho ký giả một lời tuyên bố trong đó có câu: “Đây quả là một tin tuyệt diệu. Bản thân tôi cảm thấy khiêm hạ và biết ơn Chân Phúc Mary McKillop, và ảnh hưởng mà Chân Phúc mang đến cho đời tôi. Trong những ngày như hôm nay, hẳn qúy vị có cả hàng ngàn câu hỏi để hỏi về câu truyện của tôi, và một lúc nào đó trong tương lai, tôi sẽ chia sẻ với qúy vị truyện đó”. Bà cũng cho hay: Mẹ Mary luôn luôn mang đến cho bà niềm hy vọng và linh hứng. “Tôi hy vọng rằng tin vui hôm nay sẽ đem lại cho người khác, nhất là giới trẻ Úc Châu, một linh hứng và khuyến khích để họ sống một cách quảng đại và biết cảm thương người khác như Mẹ Mary”

Bước kế tiếp của diễn trình phong thánh cho Mẹ Mary McKillop tùy thuộc việc Đức Thánh Cha công bố mà người ta hy vọng ngài sẽ thực hiện vào Mùa Xuân bắc bán cầu. Nữ Tu Derwan tin tưởng rằng việc công bố ấy sẽ tích cực, căn cứ vào cuộc hội kiến của bà với Đức Giáo Hoàng tại Sydney vào năm ngoái. “Vì toàn bộ diễn trình hướng tới việc phong thánh đã hoàn tất… hẳn qúy vị còn nhớ lúc Đức Giáo Hoàng có mặt ở đây năm ngoái, tôi có thưa với Đức Thánh Cha rằng Úc Châu đang chờ đợi tin vui, và câu trả lời của ngài là (tin vui ấy sẽ có) khi diễn trình hoàn tất. Bây giờ thì diễn trình ấy đã hoàn tất rồi, nên tất cả chỉ còn tùy Đức Thánh Cha nói có nữa thôi, có, cha sẽ phong thánh cho Chân Phúc tại Rôma vào một ngày nào đó”. Nữ Tu Derwan còn nhớ Đức Giáo Hoàng công nhận ngài rất yêu kính Chân Phúc Mary McKillop lúc ngài có mặt tại Sydney.

Một ngày vĩ đại

Trong bản tin ngày 20 tháng 12, hãng AAP cũng thuật lại lời phát biểu của Đức TGM Philip Wilson, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc về việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctgô XVI ra sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai nhờ lời cầu bầu của Chân Phúc Mary McKillop. Ngài gọi đó là “một ngày vĩ đại”. Theo Đức TGM Wilson, Chân Phúc là một “vị thánh của nhân dân Úc. Bà là một người của chúng tôi. Mary là một con người bình thường đã sống một cuộc sống thánh thiện. Mary McKillop trở thành một vị thánh không phải từ nhân dân Úc mà còn cho nhân dân Úc và cho cả thế giới nữa…Trong thời điểm hiếm họa các anh hùng đúng nghĩa, Mary McKillop quả là một nguồn linh hứng chân thực. Chúng tôi chờ mong việc công bố ngày phong hiển thánh cho bà với một niềm hy vọng và hân hoan lớn lao và xin mời mọi người dân Úc tham dự nhiều biến cố sẽ được lên chương trình khắp nơi trên đất nước để đánh dấu cơ hội lịch sử này ”

Chính tại đây

Trong khi đó, người Công Giáo tại Melbourne hết sức hân hoan về tin phong thánh cho Chân Phúc Mary McKillop. Theo tin AAP, Nữ Tu Josephine Dubiel, bề trên tỉnh của Dòng Nữ Tu Thánh Giuse tại Victoria, coi sáng Chúa Nhật 20 tháng 12 là một buổi sáng đặc biệt và hạnh phúc. “Đối với nước Úc, việc này chưa xẩy ra bao giờ, cho nên chúng tôi coi đó là một điều kỳ diệu” Nữ tu Dubiel phát biểu như thế từ Trung Tâm Di Sản Mary McKillop tại East Melbourne. “Chúng tôi cảm thấy thực sự phấn chấn, ngưỡng mộ, biết ơn khi thấy Mary McKillop bước tới bước áp chót để được phong hiển thánh. Sáng sớm nay, một trong các chị em của chúng tôi điện thoại về hỏi: ‘Có thật không chị?’ khiến tôi nghĩ đó là một trong các cảm nghĩ cùa chúng tôi”. Bởi tu hội của bà đã mong chờ việc này từ lâu lắm. Bà cho hay đây là thời gian tuyệt vời không những cho chung cả nước mà còn cho riêng Melbourne, nơi Mẹ Mary sinh ra và đã sống một phần ba cuộc đời của Mẹ. “Tại Melbourne, chúng tôi đặc biệt phấn chấn vì không xa đây bao nhiêu, chỉ bên kia đường thôi, trên Đường Brunswich thuộc Fitzroy, Mary đã sinh ra. Mẹ từng dạo bước trên các hè phố này, chính tay Mẹ đã xây nên tòa nhà nơi chúng tôi đang sống. Nó được thiết kế như một nơi cấp dưỡng vĩnh viễn để cung cấp thực phẩm, quần áo, nơi ở cho phụ nữ và trẻ em thời đó, thời chưa có Centrelink, chưa có trợ cấp của chính phủ, ai là người lúc đó chăm lo cho họ?”

Mary McKillop từng có công truyền bá Đạo Công Giáo khắp vùng xa xôi hẻo lánh của Úc cuối thập niên 1800 và nổi tiếng nhờ các công trình tiên phong của bà nơi những người túng thiếu. Bà qua đời năm 1909 và được Đức Gioan Phaolô II phong Chân Phúc tại Sydney năm 1995, trong một buổi lễ vô cùng hoành tráng với sự tham dự của chừng 500,000 người tại trường đua Randwick. Bà là một nhà giáo dục người nghèo, từng đồng sáng lập ra một tu hội nữ gọi là Dòng Thánh Giuse Thánh Tâm, hiện có 1,000 nữ tu với nhà nguyện chính đặt tại North Sydney. Bà được ca tụng là một nhà tranh đấu đầy cảm thương và vô vị lợi cho quyền giáo dục của trẻ em nhưng bà cũng là một phụ nữ cương nghị sẵn sàng đương đầu với các nhà cầm quyền giáo hội. Bà khấn dòng lúc 25 tuổi và trong vòng 4 năm sau đó, đã lập được 34 trường học ở South Australia, trong đó có một trường tại Penola, mà hiện nay đã biến thành một viện bảo tàng.

Không nên lợi dụng chính trị

Lãnh tụ đối lập là Tony Abbott, một người Công Giáo ngoan đạo, ca tụng các thành quả của Chân Phúc Mary McKillop, gọi bà là người tôi tớ của giáo hội và cộng đồng. Nhưng ông không muốn lấy tư cách chính trị gia để phát biểu về bà. Vì theo ông “tôi nghĩ quả là tuyệt diệu khi ta nhìn nhận các thành quả anh hùng của Mẹ Mary nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều các chính trị gia nên khai thác. Tôi hân hoan khi thấy điều ấy xẩy ra nhưng chắc chắn đấy không phải là toa tầu để cho tôi nhẩy vội lên”. Hình như Tony muốn ngầm đả kích Thủ Tướng Kevin Rudd, người mới đây hãnh diện vì nhân dịp viếng Vatican, đã "chính thức" vận động để Đức Bênêđíctô XVI "chịu" mau phong thánh cho Mẹ Mary McKillop. Nữ thủ hiến New South Wales là bà Kristina Keneally, một nhà duy nữ đồng thời là một người Công Giáo năng đi nhà thờ, cũng mô phỏng ông Rudd mà cho rằng quyết định của Vatican là điều tốt cho New South Wales và cho phụ nữ. “Tôi nghĩ điều tuyệt vời là nước Úc và tiểu bang New South Wales được dịp cử hành vị thánh đầu tiên người Úc của mình. Trên bình diện bản thân, tôi nhận định rằng Mary McKillop là một phụ nữ dũng cảm, một người phụ nữ biết rõ tâm thức của mình và không sợ nói tâm thức ấy ra, quả là một mô thức gương mẫu đối với đất nước ta”.

Muốn được phong thánh, cần có hai phép lạ. Vatican xác nhận phép lạ đầu tiên của Mẹ Mary năm 1971, một phép lạ chữa một người đàn bà bị ung thư hồi thập niên 1950. Phép lạ thứ hai cũng chữa một người đàn bà mắc ung thư, nhưng vì để bảo vệ tính tư riêng, Vatican không công bố các chi tiết.

Theo tờ Sydney Morning Herald, các nữ tu Dòng Thánh Giuse đã tổ chức một buổi canh thức suốt 24 tiếng đồng hồ nhân vụ giải phẫu thành công tại Melbourne hai em bé dính đôi người Bangladesh gần đây, tên Trishna và Krishna. Hai bé gái này đã sống thoát cuộc giải phẫu việt dã, một sự kiện được các nữ tu coi là có lời cầu nguyện của họ dự phần.

Cũng theo tờ báo này, năm 2003, các nữ tu Dòng Thánh Giuse đã cầu nguyện với Chân Phúc Mary McKillop, xin bà giúp cứu sống em bé người Sydney tên Sophie Delezio. Em bé này bị phỏng nặng khủng khiếp và mất cả hai chân khi bị xe cán tại một nhà giữ trẻ. Sau đó, em còn bị một tai nạn xe hơi khác nữa.

Gia đình của David Keohane, một tây ba lô người Ái Nhĩ Lan bị tấn công tại Coogee năm 2008, cũng đã cầu nguyện với Chân Phúc Mary McKillop. Năm nay, người thanh niên 25 tuổi này đã ra khỏi giấc hôn mê sau 7 tháng liên miên không biết gì.

Về hai phép lạ của Chân Phúc Mary McKillop

Theo tờ Sydney Morning Herald, giữa thập niên 1990, một phụ nữ vùng Hunter Valley với chứng ung thư tới giai đoạn chót bị bệnh viện trả về nhà nằm chờ chết. Bà vốn là một bà mẹ của 5 đứa con, bị ung thư phổi đến hết phương cứu chữa, lại thêm chứng ung thư óc nữa. Mọi hy vọng đã tiêu tan, nhưng bà và gia đình liên tiếp cầu nguyện với Mẹ Mary McKillop cùng với các nữ tu của Dòng Thánh Giuse. Bà luôn đeo một bức ảnh nhỏ của Mẹ với một mảnh áo của Mẹ trong đó. Sau gần một năm, bà đi thử lại thì chứng ung thư không còn nữa. Các bác sĩ cho là mình đã soi (scan) lầm. Theo nữ tu Maria Casey, các tài liệu khoa học của phép lạ thứ hai này rất dễ thu thập vì hồ sơ y khoa đã được lưu giữ một cách cẩn thận. Trách vụ khó khăn nhất là vấn đề kỹ thuật. “Chúng tôi dành rất nhiều thì giờ để kiểm soát qua lại các sự kiện và chờ ý kiến của các bác sĩ”.

Năm 1993, Vatican nhìn nhận rằng năm 1961, Mary McKillop đã chữa lành một phụ nữ ẩn danh, người Sydney, mắc bệnh lao xương, hay đúng hơn Thiên Chúa đã chữa bà nhờ lời cầu bầu của Mary McKillop. Linh mục Paul Gardiner, thỉnh cáo viên của Mary McKillop, trước Nữ Tu Casey, cho hay: “Khởi đầu xem ra bà ta khỏi bệnh, nhưng sau đó bệnh lại trở lại. Rồi bà còn mang thai nữa, một điều không tốt chút nào cho một bệnh nhân lao xương. Ấy thế mà một bé trai khỏe mạnh đã được sinh hạ đúng vào ngày 8 tháng Tám, ngày kỷ niệm Mary McKillop qua đời, và sau đó, bà còn sinh hạ thêm năm đứa con nữa trong khoảng 10 hay 11 năm sau đó. Tất cả những truyện ấy hết sức lạ lùng đối với y khoa”.

Chứng thực phép lạ là một diễn trình phức tạp và dài dòng, được tiến hành kín đáo bởi một ủy ban đặc biệt của Vatican thuộc Thánh Bộ Phong Thánh và gồm cả các chuyên viên vô tín ngưỡng. Chứng tá bao gồm các lời chứng của các người liên hệ cộng với các tài liệu khoa học đủ để thuyết phục các chuyên viên rằng việc lành bệnh ấy không thể giải thích thỏa đáng về phương diện y khoa.

Vũ Văn An

 


Về Trang Mục Lục