Ảnh Thánh giá ở Ý và tháp Hồi giáo ở Thụy sĩ

 

(VCN 21 Dec 2009 10:42) – Nhận định của Joseph Wood

Quả là một tháng khó khăn đối với châu Âu khi phải giải quyết những vấn đề về biểu tượng tôn giáo nơi công cộng. Hồi đầu tháng 11, Tòa án Âu châu về Nhân quyền từ cấp cao tại Strasbourg ra phán quyết rằng ảnh Thánh giá không được treo tại các trường học ở nước Ý, chiều theo ý muốn của những kẻ không theo Kitô giáo có thể cảm thấy bị khống chế khi phải lên bảng đen đặt dưới cây Thánh giá (thật mừng là bảng đen vẫn còn được dùng ở Ý).

Quyết định này đã đoàn kết những người Ý trong chính giới, khi mà có lẽ không phán quyết nào đã có thể làm được, để ủng hộ việc bảo vệ một căn tính quốc gia Ý đại lợi đã liên hệ với Kitô giáo trong giòng lịch sử.

Mariastella Gelmini, hiện là Bộ trưởng Giáo dục nước Ý, nói rằng phán quyết này là “một sự tấn công vào các truyền thống của chúng ta. Việc treo ảnh Thánh giá trong lớp học không có nghĩa là gắn bó theo đạo Công giáo Roma, mà là một biểu tượng trong truyền thống chúng ta.”

Bà nói rõ: “Lịch sử của nước Ý được ghi dấu bằng những biểu tượng, và nếu chúng ta xóa bỏ các biểu tượng là chúng ta xóa bỏ một phần của chính mình. Không ai, và chắc chắn là không phải một tòa án Âu châu về ý thức hệ, sẽ thành công trong việc xóa bỏ căn tính của chúng ta. Không phải vì triệt hạ các truyền thống của những quốc gia cá biệt mà có thể xây dựng được một Âu châu hiệp nhất.”

Thôi thì hãy đặt ra một bên vấn nạn về một cây Thánh giá, với hình ảnh Chúa chúng ta chịu khổ hình trên thập tự, có ý nghĩa thế nào đối với những kẻ mà Kitô giáo không có liên hệ thích đáng nào. Hãy mừng vì rằng Thánh giá dù sao cũng vẫn còn ý nghĩa nào đó trong công luận ở châu Âu, dù không còn trên ghế toà án ở Strasbourg. Thế nào chăng nữa, nay đang là Mùa Vọng, và chúng ta có thể đợi chờ một điều gì đó tốt đẹp hơn.

Một khời khắc khác nữa trong một châu Âu hậu lịch sử, hậu-Khai Minh (post-Enlightenment), hậu Kitô giáo. Thế là, vào ngày 29 tháng 11, trong một quốc gia dường như đã từ lâu quên mất ý nghĩa của hình thập tự trên quốc kỳ của mình, các cử tri người Thụy sĩ đã làm sửng sốt giới tinh hoa chính trị của họ bằng việc chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý cấm không được xây các minaret, đó là những tháp tròn (thường là đẹp đẽ) tô điểm trên nhiều đền thờ Hồi giáo. Nay thì, hình thức biểu lộ nền dân chủ trực tiếp nhỏ nhoi như thế đã gây ra báo động thực sự khắp các đàm trường trí thức của châu Âu.

Một số người trong chính giới Thụy sĩ vội vã kết án bản năng ấu trĩ của khối cử tri, là những người, mà theo đúng lý thuyết, họ phải có trách nhiệm.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bernard Kouchner, người sáng lập tổ chức Các Bác sĩ không Biên giới, và là người ủng hộ mạnh mẽ quyền con người trong phạm vi thế tục, cho rằng chính mình đã bị “tai tiếng một chút” bởi cuộc bỏ thăm này (người ta tự hỏi không biết ông ấy có ý nghĩ thế nào về ý nghĩa nguyên thủy của chữ “tai tiếng”, hoặc là có điều gì khác trong xã hội châu Âu hiện thời có thể gây ra tai tiếng.)

Những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo liền nhập bọn vào ban hợp xướng, và với lý do chính đáng, cho rằng sự loại bỏ các biểu tượng tôn giáo là điều đáng xấu hổ, cả ở nơi chỗ mà những biểu tượng này cũng còn mang ý nghĩa chính trị nữa.

Nhưng chủ nhân của bộ trưởng ngoại giao Kouchner, là tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, lại đi theo một đường lối khác và viết trên tờ báo Guardian của Anh về quyết định của Thụy sĩ như sau:

Cuộc bỏ thăm của Thụy sĩ chẳng ăn nhập gì hết với tự do tôn giáo hay tự do lương tâm. Chẳng ai, ở Thụy sĩ hay nơi nào khác, có vấn nạn về những quyền tự do căn bản này cả. Người Âu châu hiếu khách và bao dung: điều đó có trong bản tính và trong văn hóa của họ. Nhưng họ không muốn lối sống của họ bị hư hoại, và cái cảm giác rằng căn tính của người ta đang bị mất đi có thể gây ra nỗi bất hạnh sâu xa. Thế giới càng cởi mở - có nhiều thêm những giòng tư tưởng, con người, vốn và hàng hóa – thì chúng ta càng cần những nơi nương tựa, những tiêu chuẩn, và chúng ta càng cần phải cảm thấy là chúng ta không đơn độc. Căn tính quốc gia là liều thuốc giải trừ khỏi chủ nghĩa bộ tộc, chủ nghĩa bè phái.

Sarkozy đã đánh trúng cái vấn nạn trung tâm trong thời đại này đối với châu Âu: đó là căn tính. Đối với người Mỹ, những chiếc tháp tròn minaret (với tỷ lệ vừa phải) trên một giáo đường Hồi giáo mới xây cất, có thể làm cho người ta nhíu mày và gợi lên những thắc mắc. Nhưng chúng không tức khắc đánh vào ý thức về căn tính của người Mỹ.

Căn tính Mỹ chưa phải mỏng manh dễ vỡ như là căn tính của châu Âu hậu Kitô giáo, đang nhìn lại chính mình trước đây qua miếng vải che mắt của chủ thuyết tương đối, chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa duy vật chất của thời Hậu Khai minh.

Ngỡ ngàng và ý thức có điều gì đó thiết yếu đã bị mất mát đi, người châu Âu mờ ảo nhận thức được một quá khứ trong đó cây Thánh giá có thể thường được hiểu không chỉ như một biểu tượng văn hóa nhưng còn có ý nghĩa nhiệm tích siêu việt.

Sarkozy biết có điều gì đó sai lạc. Số 57 phần trăm cử tri Thụy sĩ ủng hộ việc cấm xây các tháp minaret biết có điều gì đó sai quấy. Người theo Hồi giáo ở châu Âu biết có nhiều điều sai lạc. Nhưng đối với lúc này đây, chỉ có nhóm sau này là đang cung ứng một giải pháp gợi lên sức mạnh và lòng kiên trì nơi tổ chức mà đã có thời được biết đến là thế giới Kitô giáo.

Tòa thánh Vatican lên án việc cấm treo Thánh giá trong các trường học ở Ý và ủng hộ lời trách cứ của các giám mục Thụy sĩ về cuộc trưng cầu dân ý đối với các tháp minaret.

Tòa thánh đã rất đúng khi không ngừng ủng hộ quyền tự do tôn giáo, và chúng ta nên hy vọng đến ngày nào đó căn tính châu Âu mạnh mẽ đủ để, không chút sợ sệt, đón chào biểu tượng của những niềm tin, của các nền văn hóa khác.

Nhưng nay thì, châu Âu đang lẩn quẩn trong vùng biển không niềm tin đượm mầu thế tục, bị mất định hướng bởi quyết đoán của những người theo tôn giáo khác và, còn hơn thế, bởi sự mất mát đức tin và niềm cậy trông của chính mình vào lý trí. Tháng vừa qua đã đem lại những điều lộn xộn hiện ra ngay phía trước mặt và không thấy có con đường nào đi tới.

Vì thế, đối với lúc này đây, chúng ta đang chờ đợi.

Nguồn: Joseph Wood/The Catholic Thing

Joseph Wood là một cựu viên chức tòa Bạch ốc, phụ trách về chính sách ngoại giao, gồm cả sự vụ đối với Tòa thánh.

Phụng Nghi


Về Trang Mục Lục