DIỄN TIẾN CỦA MỘT ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC (Á THÁNH) VÀ PHONG THÁNH

THEO LUẬT HIỆN HÀNH CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

 

 

Ngày 02.04.07, giai đoạn đầu (giai đoạn giáo phận) của án phong cho cố giáo chủ Gio-an Phao-lô II đã kết thúc long trọng trong một buổi lễ tại thánh đường Lateran ở Rô-ma, sau gần hai năm tiến hành. Tiến trình này rồi sẽ được tiếp tục ra sao? Nó sẽ trải qua những chặng đường nào nữa và tới bao giờ mới có thể kết thúc? Cũng trong dịp này, vị đại diện của bên đứng đơn (giáo phận Rô-ma) cho hay, họ đã nhận được nhiều chứng từ phép lạ gởi tới, nhưng không thể đưa tất cả vào hồ sơ, vì như thế việc kết thúc án sẽ kéo dài thêm rất lâu. Tại sao?

Ngày19.12.09  vừa qua, giáo chủ Biển-Đức XVI lại ra sắc lệnh công nhận tôi tớ Chúa Gio-an Phao-lô và một số vị khác lên hàng „Đấng đáng kính“ (Venerabilis). Điều này có nghĩa gì?

Để giúp độc giả hiểu thêm về lãnh vực này, chúng tôi gởi tới tài liệu dưới đây, phần lớn viết theo tác giả Ulrich Nersinger trên Zenit trang Đức ngữ ngày 13.03.07.

 

Ngày 25.01.1983 giáo chủ Gio-an Phao-lô II đã ban hành Hiến chế „Divinus perfectionis Magister“ quy định lại tiến trình tuyên phong Á thánh và Thánh trong Giáo hội. Cùng với hiến chế, một số quy định chi tiết khác cũng được ban hành cùng lúc hoặc ít lâu sau đó. Theo các văn kiện này, thời gian tiến hành (chờ đợi và điều tra) được rút ngắn lại, diễn tiến phải được tiến hành một cách khoa học hơn, và nhất là vai trò của các giám mục địa phương được nâng lên đúng với tầm nhìn của công đồng Vatican II.

 

Từ nay, các giám mục hoặc những vị tương đương ở cấp địa phương là những người có quyền và trách nhiệm đầu tiên trong tiến trình này.

 

GIAI ĐOẠN I: CẤP GIÁM MỤCC ĐỊA PHƯƠNG

 

Muốn đưa một gương sống đạo lên bàn thánh, kẻ đứng đơn (aktor) trước hết phải trình án/ trường hợp (causa) đó lên cho vị bản quyền tại địa phương (thường là giám mục, đại diện tông toà hay bề trên tỉnh dòng v.v.) nơi ứng viên đó mất (chứ không phải nơi ứng viên sinh ra). Kẻ đứng đơn có thể là một tín hữu bình thường, một định chế công giáo (giáo xứ, giáo phận, dòng tu...) hay một hội đoàn đã được giáo quyền chuẩn nhận. Điều quan trọng là vị bản quyền phải xem người đứng đơn có đủ tài chánh cho tiến trình xét duyệt này không (vì thế, các pháp nhân như giáo xứ, giáo phận, hội đoàn, dòng tu... dễ được ưu tiên chấp nhận hơn).

 

Đơn có thể đặt sớm nhất là 5 năm sau vị gương mẫu đó qua đời, nếu không có gì đặc biệt thì phải sau 10 năm trở lên. Thời gian tối thiểu này có thể được miễn, nếu vị giáo chủ đương kim muốn. Trường hợp mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta và giáo chủ Gio-an Phao-lô II là những trường hợp được miễn điển hình.

 

Suốt thời gian điều tra và thẩm định, kẻ đứng đơn phải cử ra một vị uỷ quyền (postulator) đại diện cho mình. Vị này có thể là một giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, nhưng phải đủ khả năng về thần học và giáo luật, và phải nắm được thủ tục pháp lí của  Bộ phong thánh (điểm này có thể tới học hỏi nơi Bộ).

 

Trong giai đoạn tiền điều tra, giám mục địa phương yêu cầu người uỷ quyền nộp một bản lí lịch về án liên hệ, trong đó trình bày chi tiết các nhân đức gương mẫu xứng đáng và cho biết các sách hoặc bài viết đã được phổ biến của người tôi tớ Chúa đó kèm theo một danh sách các nhân chứng. Án của giáo chủ Gio-an Phao-lô II có tới 130 nhân chứng.

 

Bước thứ hai, giám mục thông báo sự kiện này ra cho tín hữu giáo phận mình và yêu cầu mọi người, ai biết gì về cuộc đời và cái chết của nhân vật liên hệ thì cho hay, hoặc ai còn giữ tài liệu nào của vị đó thì cho giám mục biết.

 

Giám mục địa phương cũng thông báo sự kiện cho giám mục các giáo phận lân cận và hỏi họ xem đề nghị phong chân phước hay thánh này có nên và cần thiết không. Tất cả những sách vở và tài liệu đã được xuất bản của vị tôi tớ được giám mục chuyển cho các nhà thần học (do ngài cử) điều nghiên, đánh giá. Nếu nhóm này đánh giá thuận lợi, giám mục sẽ ra lệnh tập trung và cho đánh giá cả những tài liệu không chính thức cùa vị đáng kính (nhật kí, thư từ...).

 

Sau đó, giám mục thông báo tới Rô-ma về tình hình điều tra và hỏi xem Rô-ma có í kiến bất lợi nào không về án này.

 

Nếu không có cản trở từ phía Rô-ma, giờ đây giám mục sẽ cho thành lập một toà án với công tác chính là phỏng vấn các nhân chứng. Có hai loại nhân chứng: Những người quen biết trực tiếp và những người biết gián tiếp với vị tôi tớ. Cả hai nhóm đều được mời tới. Mọi í kiến thuận hay nghịch đều được ghi nhận. Người chứng nào ở quá xa và khó có điều kiện tới toà, thì toà sẽ phái một quan toà tới để phỏng vấn tại chỗ.

 

Sau khi kết thúc việc phỏng vấn nhân chứng, giám mục phải điều tra xem nơi mộ của người chết có diễn ra cảnh thờ kính (bất chính thức) không. Nếu có, phải ra lệnh đình chỉ ngay, vì nếu không thì đây sẽ là lí do chận đứng mọi bước tiến tiếp.

 

Các hồ sơ của toà án địa phận sẽ được sao ra thêm hai bản có thị thực của chưởng khế. Hai bản sao và bản chính được chưởng khế đóng triện khoá lại trong một buổi lễ kết thúc trang trọng trước sự hiện diện của giám mục, các quan toà, kẻ đứng đơn, vị uỷ quyền và những tín hữu có liên hệ. Hai bản sao sau đó được vị uỷ quyền trực tiếp mang tới nộp cho Bộ tại Rô-ma, bản chính được lưu giữ tại văn khố của giáo phận.

Vì hiện nay Bộ ở Rô-ma chỉ chính thức dùng tiếng La-tinh, Í, Pháp, Tây-ban-nha và Anh, nên mọi thứ tiếng khác đều phải dịch ra một trong các thứ tiếng đó.

 

GIAI ĐOẠN II: CẤP BỘ Ở RÔ-MA

 

Thẩm quyền tiếp tục xét duyệt tại Rô-ma là Bộ phong thánh, gồm thành viên là các giám mục và hồng i. Đứng đầu Bộ là một hồng i, một tổng giám mục giữ vai trò thư kí và một phụ tá thư kí. Ngoài ra, Bộ còn có các báo cáo viên (relatoren, mỗi vị đặc trách một trường hợp), các luật sư đức tin (praelatus theologus), các cố vấn, chuyên viên, chưởng khế, nhân viên hành chính…

 

Nhận được hồ sơ, Bộ soát lại xem công việc của giai đoạn một có gì sai trái với giáo luật không. Rồi quyết định chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho một báo cáo viên đặc trách. Vị này sẽ cùng với người uỷ quyền (của giáo phận) lập nên một “hồ sơ về gương nhân đức” của ứng viên, hay một “hồ sơ về gương tử đạo” nếu ứng viên là người tử đạo. Đây là một tài liệu thiết lập một cách khoa học trình bày về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết, đặc biệt chú trọng tới chi tiết các gương nhân đức, của ứng viên và về tình hình chung liên hệ tới vị quá cố đó.

 

“Hồ sơ” được chuyển cho vị luật sư đức tin. (Trước đây còn có “luật sư của quỷ” đóng vai trò tìm cách chống lại án; nay vai trò này đã bị bỏ). Vị này sẽ cùng với 8 cố vấn (chuyên viên về tín lí, lịch sử giáo hội và tâm linh) xét duyệt và bỏ phiếu. Có được 2/3 phiếu thuận của nhóm này, “hồ-sơ” sẽ được đưa ra trước đại hội đồng của Bộ. Nếu đa số đại hội đồng bỏ phiếu thuận, báo cáo viên sẽ lập một “bản tường trình” lên cho giáo chủ. Chỉ một mình giáo chủ có quyền quyết định ban hành sắc lệnh liên hệ về án này. Nếu giáo chủ đồng í, ngài sẽ ban hành một sắc lệnh chuần i, và từ giây phút này ứng viên được mang tước “Bậc đáng kính” hay “Chân phước” (Venerabilis). Sắc lệnh “Bậc đáng kính” của tôi tớ Gio-an Phao-lô II đã được giáo chủ Biển-đức ban hành ngày 19.12.09 vừa qua.

 

Để án phong có cơ được thực hiện, giờ đây là lúc (các) phép lạ được yêu cầu bổ sung. Lại một tiến trình bắt đầu từ giáo phận nơi xẩy ra phép lạ. Giám mục giáo phận điều tra, thu góp tài liệu (hồ sơ bệnh lí, hình chụp quang tuyến… ), lập thành hồ sơ, sao ra và chuyển lên Bộ. Dựa trên hồ sơ của giám mục, Bộ lập ra một bản tường trình chuyển cho uỷ ban chuyên viên gồm 5 vị (thường là phép lạ lành bệnh, nên uỷ viên phần nhiều là các bác sĩ danh tiếng) nghiên cứu và xét duyệt. Sau đó chuyển cho các cố vấn thần học, rồi tới đại hội đồng. Và cuối cùng được trình lên giáo chủ để quyết định. Trong việc xét phong Á thánh cho các vị tử đạo, giáo chủ thường miễn điều kiện phải có một phép lạ, bởi vì tử đạo đã là một hành vi đức tin đủ lớn rồi. Còn ra, bình thường, phải cần ít nhất một phép lạ.

 

Án phong của giáo chủ Gio-an Phao-lô II bắt đầu bước sang giai đoạn chứng minh phép lạ. Trong số các chứng từ gởi về, bên đứng đơn cho hay có ba trường hợp có thể được chọn (lấy một): Một nữ tu ở Pháp khỏi bệnh Parkinson, đôi vợ chồng Ba-lan hiếm muộn đã có được một cháu bé và một bào thai gặp nguy đã được cứu vớt, cả ba trường hợp trên đều diễn ra một cách lạ lùng và nhờ lời cầu bầu của tôi tớ Gio-an Phao-lô II.  

 

GIAI ĐOẠN III: QUYẾT ĐỊNH SẮC PHONG CỦA GIÁO CHỦ

 

Thường một khi sắc lệnh “về nhân đức” hay “về tử đạo” đã được ban hành (nghĩa là người tôi tớ đã được danh hiệu là “Bậc đáng kính”), thì việc tuyên phong Á thánh chẳng còn trở ngại gì nữa.

 

Nghi thức tôn phong Á thánh có thay đổi theo thời gian.

Cho tới gần đây, nghi thức này thường do giáo chủ cử hành tại Rô-ma, trong một thánh lễ đại triều, có mời cả ngoại giao đoàn. Sau nghi thức thống hối trong thánh lễ, giám mục địa phương liên hệ cùng với vị uỷ quyền bước lên trước giáo chủ xin được ghi tên vị chân phước vào danh sách các Á thánh. Giáo chủ đồng í và xác định luôn các thủ tục và ngày kính. Giáo chủ Gio-an Phao-lô là người đầu tiên đã không nhất thiết cử hành nghi lễ này tại Rô-ma. Ngài đã làm lễ tuyên phong Á thánh cho nữ tu Edith Stein và linh mục Rupert Mayer tại Đức.

Giáo chủ Biển-đức XVI quyết định việc phong Á thánh không do giáo chủ cử hành nữa, mà ngài ủy quyền cho một hồng i hay giám mục thay thế, và nghi thức sẽ được cử hành chủ yếu tại giáo phận nơi đứng đơn.

 

Còn về việc phong Thánh, theo truyền thống, giáo chủ thường hỏi í kiến của các hồng i có mặt tại giáo triều trước khi quyết định, nhưng ngài không buộc phải theo í kiến chung của họ. Thánh lễ đại triều phong Thánh có thêm phần kinh cầu các Thánh.

Giáo luật hiện hành không còn phân biệt việc phong Á thánh hay Thánh nữa. Chỉ còn mỗi một “phong thánh” (canonizatio) mà thôi. Nhưng trên thực tế cho tới nay vẫn còn hai nghi thức. Điểm khác nhau có thể nói như sau: Á thánh được tôn kính hạn chế trong một dòng tu, một vùng hay một quốc gia. Cũng không được lập bàn thờ riêng để tôn kính vị đó trong các nhà nguyện, nếu không có phép đặc biệt của Toà thánh. Còn Thánh được tôn kính cho cả hoàn vũ. Ngoài ra, để được phong Thánh, giáo luật đòi phải có thêm một phép lạ nữa, kể từ sau ngày tuyên phong Á thánh. Đa số nhà thần học coi việc phong Thánh là một hành vi không sai lầm (bất khả ngộ) của giáo chủ.

 

Trên đây là chuyện thủ tục rắc rối của diễn tiến một án phong. Nhưng điều quan trọng cần biết hơn đối với chúng ta: Đâu là í nghĩa và bản chất của việc phong thánh. Sách Giáo Lí Công Giáo (số 828) ghi về điểm này: “Khi Giáo hội tuyên phong một số tín hữu nào đó lên hàng thánh, nghĩa là long trọng tuyên bố những người này đã thực thi các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân huệ của Chúa, đó là Giáo hội công nhận sự hiện diện của sức mạnh tinh thần thánh thiện nơi Giáo hội. Giáo hội tăng cường thêm hi vọng nơi tín hữu bằng cách trao cho họ các thánh như là những gương sống và là kẻ cầu bầu cho họ. Vào những lúc Giáo hội gặp khó khăn nhất, các thánh luôn là người mở ra sự đổi mới. Sự thánh thiện là nguồn bí ẩn và thước đo không sai lầm của sức mạnh truyền giáo nơi Giáo hội”.

 

Viết theo tác giả Ulrich Nersinger trên Zenit trang Đức ngữ ngày 13.03.07

Phạm Hồng Lam

 


Về Trang Mục Lục