ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI MUỐN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐỨC PIÔ XII

Xuân Bích VN 23/12/09 – Việc Đức Bênêđictô XVI ký sắc lệnh nhìn nhận "các nhân đức anh hùng" mở đường cho việc phong chân phước cho Đức Piô XII đã tạo ra sự ngạc nhiên. Chính cha Peter Gumpel, s.j., thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Đức Piô XII, cũng thổ lộ sự ngạc nhiên của mình với nhật báo La Croix : "Tôi đã chẳng biết gì cả !", và vì cũng chính ngài là người trước đó, ngày 19/06/2009, đã cho biết rằng Đức Thánh Cha sẽ không ký sắc lệnh phong chân phước vì sợ "làm tổn hại" đến các mối quan hệ giữa Giáo Hội Công giáo và ngừoi Do Thái. Chính khi mà không ai nghĩ rằng Đức Piô XII sẽ nằm trong số những người được tuyên dương "Đáng Kính", thì đó lại là lúc mà Đức Thánh Cha đã ký sắc lệnh công nhận những nhân đức anh hùng của ngài.

Mầm mống bất hòa giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Israël

Vào năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đã thành lập một ủy ban quốc tế gồm sau sử gia người Do Thái và Công giáo. Ngài khẳng định : "Chắc chắn Giáo Hội không sợ chân lý lộ ra từ Lịch Sử". Nhưng phía Do Thái đã rút lui vào năm 2001, vì đã không đạt được việc mở toàn bộ văn khố.

Ngày 8/5/2007, Bộ Phong Thánh đã đồng thanh biểu quyết các nhân đức anh hùng của Đức Piô XII. Nhưng Đức Bênêđictô XVI không ký ngay sắc lệnh để chính thức hóa việc biểu quyết. Chủ đề này  tạo nên mầm mống bất hòa giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Israël. Vì thế, Đức Thánh Cha yêu cầu một ủy ban của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nghiên cứu trường hợp này một lần nữa.

Một tháng sau, vào tháng Sáu năm 2007, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bảo vệ uy tín của Đức Piô XII, mà ngài cho là nạn nhân của những cáo buộc không vững chắc. Ngài nhắc lại rằng hành động trung gian của Đức Piô XII đã được ca ngợi cho đến khi vị Giáo Hoàng này, đối diện với việc thành lập Nhà Nước Israël, đã can thiệp, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, bênh vực quyền của những người Palestin.

 Đối với Rôma, mọi việc phong chân phước đều là một công việc nội bộ của Giáo Hội

Ngày 18/9/2008, chính Đức Bênêđictô XVI, khi tiếp kiến tổ chức Pave the Way của người Do Thái ở Hoa Kỳ, một tổ chức bênh vực Đức Piô XII, đã gợi lại "nhiều can thiệp của Đức Piô XII, theo cách bí mật và âm thầm, chỉ vì, lưu tâm đến các hoàn cảnh cụ thể của giây phút lịch sử và phức tạp này, đó là cách duy nhất để tránh điều tồi tệ nhất và cứu người Do Thái nhiều nhất có thể".

Vào ngày 9 tháng Mười, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của Đức Piô XII, Đức Bênêđictô XVI nói rõ rằng sứ điệp radio Giáng Sinh 1942 danh tiếng của Đức Piô XII "đã là một quy chiếu rõ ràng đến việc bắt đi đày và tiêu diệt" người Do Thái. Đứng trước những phê bình liên quan đến sự thinh lặng của Đức Piô XII đối với cuộc thảm sát người Do Thái, Đức Bênêđictô XVI lưu ý rằng cuộc tranh luận này không được che khuất toàn thể hoạt động của Đức Piô XII. Cha Gumpel xác nhận với nhật báo La Croix : "Đức Bênêđictô XVI nhìn thấy nơi Đức Piô XII một thần học gia lớn, một vị tiền hô của Vatican II. Nếu ngài không triệu tập Công Đồng, đó là vì ngài muốn chuẩn bị dư luận cho những tiến triển này, và các giám mục cần phải tái xây dựng lại các giáo phận bị tàn phá của các ngài". 

Đối với Rôma, mọi việc phong chân phước đều là một công việc nội bộ của Giáo Hội, và không đáng phê phán, về mặt lịch sử cũng như chính trị. Vào tháng Mười năm 2008 này vị bộ trưởng Israel, ông Ytzhak Herzog, luôn cho là không thể chấp nhận được việc phong chân phước cho Đức Piô XII.

Trong những tháng gần đây, cha Ambrosius Eszer, người Đức, thuộc dòng Đaminh, người được Đức Thánh Cha giao phó trách nhiệm nghiên cứu những văn khố của Vatican chưa được kiểm tra. Theo cha Gumpel, cha Ambrosius Eszer đã trình lên các kết luận của ngài, với xác tín rằng "hơn bao giờ hết xác tín về sự thánh thiện của Đức Piô XII".

Tuy nhiên, phóng viên Frédéric Mounier lo ngại là cánh cửa của hội đường Do Thái ở Rôma sẽ không mở ra cho Đức Thánh Cha vào ngày 17/1 tới đây, vì Đức Thánh Cha sẽ theo chân Đức Gioan Phaolô II để viếng thăm hội đường này. Các vị hữu trách Do Thái ở Ý đã tuyên bố rằng "chuyến tàu chở 1.021 người bị lưu đày ngày 16/10/1943 đã khởi hành từ Rôma đến Auschwits trong sự thinh lặng của Giáo hoàng Piô XII".

Hai sử gia bênh vực Đức Piô XII

Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo La Croix, sử gia Philippe Chenaux, giáo sư Lịch sử Giáo Hội hiện đại và đương đại ở Đại Học Latran ở Rôma và sử gia Giovanni Miccoli, giáo sư Lịch sử Giáo Hội ở Đại học Trieste, đã lên tiếng bênh vực cho Đức Piô XII. Theo sử gia Philippe Chenaux, "nhân đức của Đức Piô XII, đó là đức khôn ngoan (prudence)", sự khôn ngoan của một nhà ngoại giao và của một mục tử. Ngài được đào tạo tại trường ngoại giao của Tòa Thánh. Ông cho biết : "Đối diện với những áp lực của các Nước đồng minh để Đức Giáo Hoàng bày tỏ lập trường, ngài đã rất rõ ràng tự đặt câu hỏi để biết những gì nên nói và không nên nói. Quyết định của ngài không nói cách rõ ràng trong suốt cuộc chiến đã là đau đớn và chắc chắn trả giá đắt cho ngài. Khi người ta nghiên cứu thư từ liên lạc của ngài với các giám mục Đức, người ta thấy rằng ngài đã muốn nói cách rõ ràng hơn. Nhưng với tư cách là mục tử của Giáo Hội hoàn vũ, ngài đã tự xem mình như là người có trách nhiệm với tất cả các người Công giáo, bao gồm cả những người Đức, và đã muốn tránh việc đưa ra quyết định không đúng lúc sẽ gây ra thêm nạn nhân". Ông nhận định thêm : "Hiển nhiên, thái độ này đã cho phép cứu vớt nhiều người Do Thái. Chỉ cần lấy ví dụ này, một phần lớn cộng đồng Do Thái ở Rôma đã có thể được cứu sống, đang khi ở Hà Lan – nơi mà các giám mục đã phản đối cách khá mạnh mẽ -, tất cả những người Do Thái, bao gồm cả những người đã trở lại, đều đã bị lưu đày. Một trong những nhân đức của Đức Piô XII là khôn ngoan, theo nghĩa cao quý chứ không phải theo nghĩa yếu nhược". 

 Về phần mình, Giáo sư Giovanni Miccoli cho rằng việc buộc tội Đức Piô XII là Giáo Hoàng của Hitler "rõ ràng là một điều tầm bậy. Ngài chẳng có một tình cảm nào dành cho Đức quốc xã. Đối với ngài, nước Đức là một mảnh đất thuộc truyền thống Kitô giáo, mà ngài phải bảo vệ cho ngày mà Hiler rời bỏ quyền lực. Vì thế, đôi khi tôi lấy làm tiếc rằng sử liệu hiện đại đã xem các tài liệu với một sự tự do quá trớn nào đó. Chẳng hạn, một số người cho rằng Giáo Hội Hà Lan đã bày tỏ lập trường chống lại việc lưu đày người Do Thái với sự thỏa thuận của Đức Piô XII – thế nhưng, đó là sai lệch". Theo sử gia, "khả năng phân định… cũng thuộc về những nhân đức anh hùng, bao gồm cả trên bình diện chính trị. Viễn ảnh phong thánh cho Đức Piô XII cũng có một chiều kích chính trị".

Tổng hợp La Croix

 


Về Trang Mục Lục