Cầu nguyện làm nên phép lạ - (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 12.01.2016)

 

Không phải chúng ta, các Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục làm cho Giáo hội tiến về phía trước, nhưng là các Thánh.“ Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Chỉ có „lời cầu nguyện của các tín hữu“ mới có thể làm cho Giáo hội được „biến đổi“ thực sự.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã khởi đi từ Bài Đọc I trong ngày được trích từ sách Samuen quyển thứ nhất. Bài Đọc này tường thuật lại lời cầu nguyện của một người phụ nữ tên là An-na tại đền thờ Si-lô. Bà An-na đã cầu nguyện một cách đặc biệt để xin cho có được một đứa con, vì bà là người vô sinh. Thiên Chúa đã lắng nghe bà, và Ngài đã ban cho bà được ơn làm mẹ của Samuel, vị Ngôn Sứ tương lai.

Bà Anna đã cầu nguyện trong tâm hồn cùa bà, và bà chỉ mấp máy đôi môi, chứ không hề phát ra tiếng. Đó là sự can đảm của một người phụ nữ thủ đắc Đức Tin, mà trong sự đau khổ và dưới nước mắt của mình, bà đã cầu xin Thiên Chúa ban ơn. Có rất nhiều những phụ nữ can đảm như thế trong Giáo hội. Có rất nhiều! Họ cầu nguyện, ngay cả khi vấn đề ở đây là một sự đánh cược… Chúng ta chỉ cần nghĩ tới Thánh Nữ Monica. Với nước mắt của mình, Thánh Nữ đã đạt tới được ơn là chứng kiến sự hoán cải của con trai mình, đó là Thánh Augustinô. Có rất nhiều người phụ nữ như thế…

Đối với Đức Thánh Cha, vị tư tế Eli là một người không tốt, ông chính là người đã được nhắc đến trong Bài Đọc I hôm nay, và là người đã coi bà An-na - người đang cầu nguyện - trước tiên là một người say rượu: Đó là một „người đàn ông nghèo nàn và tội nghiệp“. Mặc dù Đức Thánh Cha thấy mình có một chút „thiện cảm nào đó“ đối với tư tế Eli, vì „Cha cũng thấy trong mình những thiếu thốn như thế, tức những điều thiếu thốn làm cho Cha trở nên giống hệt như ông ấy, và những điều đó dẫn Cha tới chỗ thông cảm với ông ấy… Nhưng chúng ta kết án người khác một cách dễ dàng là dường nào“ – Đức Thánh Cha than thở. „Tại sao chúng ta không thể hiện sự kính trọng, để nói một cách đơn giản rằng: người này đang muốn có được một cái gì khác trong con tim của mình? Lúc này thì tôi chưa biết điều ấy.“

Nếu con tim thiếu „Lòng Thương Xót“, thì rồi „người ta sẽ luôn luôn nghĩ ngay tới điều xấu“ – Đức Thánh Cha quả quyết. Và người ta sẽ không hiểu được những người mà họ „đang cầu nguyện dưới sự đau khổ và sợ hãi“, và đang mang những nỗi đau khổ và những nỗi sợ hãi ấy đến trước Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã cầu nguyện như thế khi Ngài lên núi Cây Dầu: Trước sự sợ hãi và trước sự đau khổ, đến độ chúng đã làm cho Ngài toát mồ hôi máu. Và mặc dầu như thế, Ngài vẫn không trách cứ Thiên Chúa Cha. ´Lạy Cha, nếu Cha muốn thì xin lấy đi chén đắng này khỏi con, nhưng xin cho Thánh Ý Cha được diễn ra…` Thái độ của Ngài giống hệt như thái độ của người phụ nữ trên: sự hiền hậu. Chúng ta cầu nguyện nhưng thực chất thì chúng ta muốn xin Chúa ban cho một số những điều gì đó, tuy nhiên chúng ta lại không hiểu để tiếp nhận cuộc chiến này với Ngài. Hãy khóc để xin cho được ơn.“

Sau đó Đức Thánh Cha kể một câu chuyện mà nó đã xảy ra trong thời gian khi Ngài còn làm Tổng Giám Mục của Buenos Aires. Hồi ấy có một người đàn ông, mà đứa con gái lên chín của ông ta mắc một cơn bệnh thập tử nhất sinh, nên ông phải đưa nó vào bệnh viện. Trong khi đứa con gái được giao cho các y bác sĩ thì ông ta chạy đến điểm hành hương Đức Mẹ ở Lujàn, và đã cầu nguyện suốt đêm ở đó để xin cho đứa con gái của ông được ơn chữa lành. Hai bàn tay của ông nắm chặt lấy những cây chấn song của cánh cổng ra vào. Cầu nguyện cho tới tận sáng thì ông ta đi vào bệnh viện, và ông đã thấy đứa con gái của ông đã thực sự được chữa lành.

Cầu nguyện làm nên phép lạ!... Lời cầu nguyện của các tín hữu sẽ biến đổi Giáo hội… Và đó là các Thánh – người phụ nữ trên kia là một ví dụ. Các Thánh là những người có sự can đảm để tin rằng, Thiên Chúa là Chúa muôn loài, và Ngài có thể thực hiện tất cả mọi chuyện!

 

(theo de.rv 12.01.2016 sk)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2016