Khiêm Nhượng, Dịu Hiền Và Quảng Đại Chính Là Những Chìa Khóa Của Sự Hiệp Nhất

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21.10.2016)

 

Khiêm nhượng, dịu hiền, quảng đại, đó là ba chìa khóa dẫn tới sự hiệp nhất và bình an. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, dựa vào lời chào của Chúa Giê-su: Bình an ở cùng anh chị em. Đó là một lời chào có khả năng „hiệp nhất chúng ta lại với nhau để tạo ra sự hiệp nhất tinh thần“. „Nếu không có hòa bình, nếu chúng ta không ở trong tình trạng chào hỏi nhau trong ý nghĩa rộng lớn của từ ngữ ấy, với con tim rộng mở và với một tinh thần hòa bình, thì rồi sẽ không bao giờ có sự hiệp nhất“ – Đức Thánh Cha giảng với cái nhìn hướng về những lời của Thánh Phao-lô trong bài đọc I:

Anh em hãy ăn ở khiêm nhượng, hiền hòa và kiên nhẫn; hãy chịu đựng lẫn nhau trong Đức Ái, hãy nỗ lực bảo vệ sự hiệp nhất tinh thần nhờ vào sự bình an mà nó gắn kết anh em lại với nhau.“

Ở đây, Đức Thánh Cha đã liên hệ tới sự hiệp nhất trên thế giới, sự hiệp nhất trong môi trường sống và trong gia đình.

Khiêm nhượng: người ta không thể đạt tới được sự hòa bình nếu không có sự khiêm nhượng. Ở đâu có sự tự cao tự đại thì ở đó luôn có chiến tranh, luôn có sự khát khao muốn chế ngự người khác, và cảm thấy mình trổi vượt trên họ. Không có khiêm nhượng thì sẽ không có hóa bình, mà nếu không có hòa bình thì cũng sẽ không có sự hiệp nhất.“

Dịu dàng và hiền hậu, đó là những nhân đức đang được kiếm tìm nhiều trong thời đại hôm nay – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Vì: „Chúng ta đã đánh mất khả năng ăn nói cách dịu dàng, chúng ta thích la mắng, thích nói xấu khi giao tiếp.“ Nhưng trong cốt lõi, sự dịu hiền chính là „khả năng chịu đựng lẫn nhau“. Người ta cần phải kiên nhẫn „để chịu đựng những lầm lỗi của người khác, chịu đựng những điều làm chúng ta không hài lòng.“

Thứ ba: Quảng đại – „Con tim quảng đại, con tim rộng mở, sẽ đủ trải rộng tới tất cả; một con tim không kết án thì không mắc kẹt vào trong những điều nhỏ nhen: người ấy đã nói thế này, còn tôi thì đã nghe thấy cái kia, không – con tim trải dài trên tất cả, đó là chỗ cho tất cả. Điều đó tạo nên mối dây hòa bình, đó là thái độ đúng đắn để tạo nên mối dây hòa bình, nó chăm lo cho sự hiệp nhất.“

Ở điểm này, Đức Thánh Cha đã liên hệ tới „mầu nhiệm Giáo hội“, đó là „mầu nhiệm thân mình Chúa Ki-tô“: „Một Đức Tin duy nhất, một Phép Rửa duy nhất và một Thiên Chúa Cha duy nhất của tất cả mọi người: đó là sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su đã cầu xin Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, và chúng ta phải giúp sức để thể hiện sự hiệp nhất này, với mối dây bình an. Và mối dây bình an sẽ phát triển với sự khiêm nhượng, với sự hiền hòa và với sự quảng đại.“

 

Ước gì Chúa Thánh Thần“ – Đức Thánh Cha cầu xin khi kết thúc bài giảng – „sẽ ban ơn cho chúng ta, để chúng ta không chỉ hiểu về mầu nhiệm Giáo hội, tức mầu nhiệm hiệp nhất, mà còn sống mầu nhiệm ấy nữa.“

 

(theo de.rv 21.10.2016 gs)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2016