Trở Nên Chứng Nhân Của Sự Tuân Phục – (Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 27.04.2017)

Việc trở thành Ki-tô hữu không phải là một địa vị xã hội, nhưng đúng hơn, việc đó có nghĩa là thực hành đức tuân phục đối với Thiên Chúa, giống như Chúa Giê-su đã nêu gương. Và tính nhất quán của sự tuân phục chính là những cuộc bách hại. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Chúa Thánh Thần chính là Đấng kêu gọi chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Ki-tô trong sự tuân phục, nhưng đồng thời, chúng ta nên cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn ấy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Người ta phải tuân phục Thiên Chúa hơn là tuân phục con người“: Đó là câu trả lời mà Thánh Phê-rô Tông Đồ đã trao cho thượng hội đồng Do-thái khi hội đồng này tra khảo Thánh Nhân và tra khảo vị Tông Đồ đi cùng, như được kể trong Bài Đọc I. Chỉ mới trước đó, hai vị Tông Đồ này đã được một Thiên Thần giải thoát khỏi gông cùm, nhưng thay vì coi trọng lệnh cấm, các ông đã công khai giảng dậy nhân danh Chúa Giê-su, và ngay lập tức, các Ngài tái quay trở lại Đền Thờ, và „chất đầy Giê-ru-sa-lem với giáo lý của mình“. Vị thượng tế đã biểu lộ sự phẫn nộ khi tận mắt chứng kiến hành vi này, nhưng ông ta còn phẫn nộ hơn nữa trước câu trả lời đầy can đảm của Thánh Phê-rô, người mà trước đó, vì sợ hãi đã chối Chúa Giê-su tới ba lần. Thái độ của Thánh Phê-rô – Đức Thánh Cha giải thích – chỉ cho thấy rằng, người Ki-tô hữu chính là „một chứng nhân của đức tuân phục“, giống như Chúa Giê-su, Đấng đã thân thưa cùng Thiên Chúa Cha: „Đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha“.

„Người Ki-tô hữu chính là chứng nhân của đức tuân phục, và nếu chúng ta không đi trên con đường ấy để lớn lên trong sự làm chứng cho đức tuân phục, thì rồi chúng ta sẽ không còn phải là những Ki-tô hữu nữa. Ít nhất là trên con đường này: chứng nhân cho đức tuân phục.“ Người Ki-tô hữu không phải là „chứng nhân của một ý tưởng, của một triết thuyết“ hay thậm chí, „của một công ty, một ngân hàng hay một quyền lực. Người Ki-tô hữu là nhân chứng của đức tuân phục, giống như Chúa Giê-su“.

Nhưng – Đức Thánh Cha nhắc nhớ - việc trở thành chứng nhân cho đức tuân phục chính là „một hồng ân của Chúa Thánh Thần.“ Vì thế, vấn đề không phải là „đi đến với nhà hướng dẫn tinh thần“, hay „đọc một cuốn sách“: „Tất cả những điều đó đều rất hay, rất tốt, nhưng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể biến đổi con tim chúng ta, cũng như mới có thể làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của sự tuân phục. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần, một hồng ân mà chúng ta phải cầu xin.

Chỉ có như thế người ta mới có thể trở thành một chứng nhân của sự tuân phục, có nghĩa là trở thành một Ki-tô hữu đích thực – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Nhưng trong các Bài Đọc, vấn đề được chỉ ra rằng, người Ki-tô hữu sở hữu sự nhất quán: các thượng tế đã „nổi điên“ khi tận mắt chứng kiến câu trả lời của Thánh Phê-rô và đã „muốn giết các Ngài“.

Tính nhất quán của vị chứng nhân tuân phục chính là những cơn bách hại. Khi Chúa Giê-su liệt kê ra các Mối Phúc, Ngài đã kết thúc: ´Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa`. Thập Giá thuộc về cuộc sống của một người Ki-tô hữu. Cuộc sống của người Ki-tô hữu không phải là địa vị xã hội, hay một linh đạo mà nó làm cho tôi nên „tốt“ hay tốt hơn một chút. Điều đó không đủ. Cuộc sống của một Ki-tô hữu chính là sự làm chứng cho sự tuân phục, và đời sống của một Ki-tô hữu luôn bị chất đầy với những lời vu khống, những lời chế diễu và những bách hại.“

Người ta nên cầu xin cho được ơn trở nên chứng nhân của sự tuân phục và ơn nhận ra mình là những tội nhân – Đức Thánh Cha khép lại những suy tư của Ngài. Và rồi sẽ không có lý do nào để lo lắng nữa khi những cơn bách hại ập đến: chính Chúa Giê-su đã đưa ra lời chỉ dẫn rằng, Chúa Thánh Thần sẽ trả lời thay cho chúng ta khi chúng ta bị điệu tới trước các tòa án và bị xét hỏi.

(theo de.rv:17.04.2017 cs)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2017