Đặt Tên Cho Vết Thương Lòng – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 28.09.2017)

Người ta không được phép sợ hãi trước việc nói thật về đời sống của mình“, đi sâu vào trong bản thân mình, lôi ra ánh sáng những tội lỗi thầm kín và sự cắn rứt lương tâm, xưng thú chúng trước mặt Thiên Chúa để Ngài tha thứ cho. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Bài giảng của Ngài được khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca. Bài Tin Mừng này tường thuật lại những phản ứng của „bạo chúa Hê-rô-đê“ khi ông nghe về Chúa Giê-su và về các bài giảng của Ngài. Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ rằng, một số người liên kết Chúa Giê-su với Gio-an Tẩy Giả hay với Ê-li-a, nhưng những người khác thì lại cho Ngài là một trong các Ngôn Sứ. Vì thế, Hê-rô-đê không biết „ông nên nghĩ gì“, nhưng ông „cảm thấy một điều gì đó trong lòng“, và „đó không phải là sự tò mò“, mà là „một cảm giác hối hận trong tâm hồn“, „trong con tim“. Ông muốn nhìn thấy Chúa Giê-su và những phép lạ của Ngài, để „tự trấn an“, nhưng Chúa Giê-su „đã không biểu diễn một vở xiếc trước mặt ông“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Và rồi, Hê-rô-đê Antipas đã gửi Chúa Giê-su đến cho Phi-la-tô, đó là một quyết định mà Chúa Giê-su phải trả giá bằng chính cái chết của mình. Như vậy, Hê-rô-đê đã „che giấu một tội ác với một người khác“, che giấu sự „hối hận bằng một tội ác khác“, giống hệt như người „giết người vì sợ“.

Những vết thương rộng toác trong lòng

Sự hối hận „không đơn giản chỉ là sự nhớ lại“, nhưng đúng hơn, nó là „một vết thương rộng toác“ – Đức Thánh Cha giải thích.

Sẽ có một vết thương gây đau nhức khi chúng ta đã làm những điều tồi tệ trong cuộc sống. Nhưng đó là một vết thương thầm kín, người ta không thấy nó; bản thân tôi chưa hề thấy nó, vì tôi đã quen với việc mang nó trong mình, và cuối cùng trở nên dửng dưng với nó. Nó ở đó, một ít người rờ thấy nó, nhưng nó là một vết thương bên trong. Và khi nó gây nhức nhối thì chúng ta cảm thấy hối hận. Không phải chỉ vì tôi ý thức về điều tồi tệ mà tôi đã làm, nhưng tôi còn cảm thấy điều ấy: trong lòng, trong thân xác, trong tâm hồn và trong cuộc sống. Và vì thế cơn cám dỗ xúi người ta giấu kín điều đó sẽ cựa quậy để họ không cảm thấy nó nữa.“

Ơn có được một lương tâm biết cắn rứt

Nhưng đúng hơn, đó là „một ơn được cảm thấy rằng, lương tâm đang tố cáo chúng ta“. Mặt khác – Đức Thánh Cha lập lại – không ai trong chúng ta là thánh cả. Bản chất con người là chỉ nhìn thấy những tội lỗi „của người khác“ mà không hề thấy những tội lỗi của riêng mình.

Chúng ta phải, xin cho phép Cha được sử dụng từ này, ´làm Phép Rửa` cho những vết thương, có nghĩa là đặt tên cho nó“ – Đức Thánh Cha giải thích. Nhưng người ta thực hiện điều ấy bằng cách nào? Thưa, trước tiên là với lời cầu nguyện – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của bạn. Và rồi cuộc sống của bạn sẽ tự thẩm định. ´Nhưng nếu tôi không thấy được nỗi đau này đang ở đâu, nó từ đâu mà đến và cũng chẳng biết nên làm gì, thì sao?` - Vậy bạn phải cầu xin với một Đấng để Ngài giúp bạn lôi vết thương đó ra ánh sáng và đặt tên cho nó. Tôi có cảm giác hối hận này vì tôi đã làm điều này và điều kia, cụ thể. Phải cụ thể. Và đó là sự khiêm nhượng thực sự trước mặt Thiên Chúa; Thiên Chúa sẽ mủi lòng khi Ngài tận mắt thấy được sự cụ thể đó.“

Sự cụ thể nơi những lời xưng thú của các em nhỏ

Các em nhỏ - Đức Thánh Cha giải thích – luôn cho thấy sự cụ thể này trong Tòa Giải Tội. Đó là sự cụ thể để nói ra điều mà người ta đã làm, để „giải phóng sự thật“. „Và như thế“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – „người ta sẽ được chữa lành“.

Học biết khoa học và sự khôn ngoan để tự tố cáo chính mình. Tôi tự quy trách nhiệm cho mình, tôi cảm thấy nỗi đau của vết thương, tôi làm tất cả để biết triệu chứng ấy đến từ đâu và rồi tự quy trách nhiệm cho chính mình. Xin anh chị em đừng sợ hãi trước việc thống hối, và cũng đừng sợ hãi trước lương tâm: chúng chính là điềm báo của sự chữa lành. Đúng hơn, anh chị em hãy sợ hãi trước việc giấu giếm chúng, trước việc quét vôi bên ngoài cho chúng, và trước việc che đậy chúng… Rồi Thiên Chúa sẽ chữa lành chúng ta.“

Như thường lệ, trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha luôn đưa ra một lời nguyện. Trong lời nguyện lần này Ngài đã xin Chúa ban cho „ơn an cảm để tự quy trách nhiệm cho mình“ để tiến về phía trước trên con đường của ơn thứ tha.

(theo de.rv 28.09.2017 cs)

Đa-minh Thiệu