TÍCH THÁNH TẨY KITÔ (tiếp theo)

(giaolyductin.net 02/02/14, 10:20 pm)

I.3 – Ý nghĩa trọn vẹn của Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô:

Đối với các tác giả TƯ, ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô không hẳn chỉ giới hạn nơi việc Ngài được nhận lãnh Phép rửa nơi sông Giođan bởi Gioan Tẩy Giả, mà còn bao trùm luôn toàn bộ các mầu nhiệm Sáng tạo, Mặc khải, Nhập thể, Siêu độ và Quang lâm.

Và điều nầy, trước tiên, được hé lộ cho thấy nơi Lc 12, 50 : “Tôi còn một Phép rửa phải chịu, và lòng tôi khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất !”

Thật vậy, Mầu nhiệm Đức Giêsu-Kitô “bị dìm xuống” (Hy ngữ : Baptizein) đã được các tác giả TƯ, hay đúng hơn, các cộng đoàn Giáo Hội kitô sơ khai coi như là đã khởi đầu từ những mầu nhiệm Tự hủy, Sáng tạo, Mặc khải, Nhập Thể và Siêu độ và chỉ chấm dứt trong Ngày Quang Lâm :

Đức Giêsu-Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa., nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2, 6-9).

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài. Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài. Ngài cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1, 15-20).

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu-Kitô…” (Ep 1, 3-5).

Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài…Lúc muôn loài đã qui phục Đức Kitô, thì chính Ngài, vì là Con, cũng sẽ qui phục Đấng bắt muôn loài phải qui phục Ngài; và như vậy, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi người và trong mọi sự.” (1 Cr 15, 25.28).

Đó chính là Bí tích Thánh Tẩy của tất cả mọi bí tích thánh tẩy kitô. Và chỉ trong chân trời đó mà người ta mới có thể hiểu được nhu cầu cần thiết tuyệt đối của Bí tích Thánh Tẩy kitô đối với ơn siêu độ loài người, mọi nơi và mọi thời.

II – Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô như là mô mẫu và nguồn gốc của tất cả mọi Bí tích Thánh tẩy kitô :

II.1 – Là “mô mẫu” :

Điều nầy có nghĩa các Bí tích Thánh Tẩy để là “kitô” phải hội đủ những yếu tố của Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô :

1- Đặc tính “thừa tác” (baptême ministériel) :

Sách GLHTCG hiện nay qui định :

Thừa tác viên thông thường của bí tích Rửa Tội là Giám mục, linh mục, và trong Giáo Hội La tinh, cả phó tế nữa. Trong trường hợp khẩn thiết , thì bất cứ người nào, kể cả những người chưa chịu Phép Rửa, mà có ý hướng cần thiết, đều có thể cử hành Phép Rửa, bằng cách sử dụng công thức Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi…” (số 1256).

2- Đặc tính “dấu chỉ” hay “bí tích” (baptême sacramentel) :

Sách GLHTCG khẳng định :

Ý nghĩa và ân sủng của Bí tích Rửa Tội được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Khi chăm chú theo dõi các cử chỉ và lời nói của cuộc cử hành, các tín hữu được khai tâm về các sự phong phú mà bí tích nầy biểu lộ và thực hiện nơi mỗi người tân tòng.” (số 1234; nên xem tiếp các số 1235 đến hết 1243).

3- Đặc tính kitô hay “ba ngôi” (baptême trinitaire) :

Sách GLHTCG cho biết :

Bí tích Rửa tội không những rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên ‘một thụ tạo mới’, thành nghĩa tử của Thiên Chúa, ‘được thông phần bản tính Thiên Chúa’, thành chi thể của Đức Kitô và đồng thừa tự với Ngài, và thành đền thờ Chúa Thánh Thần.” (số 1265).

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người chịu Phép Rửa ơn thánh hóa, ơn công chính hóa :

- làm cho người đó có khả năng tin vào Thiên Chúa, trông cậy Ngài và yêu mến Ngài nhờ các nhân đức đối thần;

- làm cho người đó có khả năng sống và hành động theo sự tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân của Chúa Thánh Thần;

- làm cho người đó tăng trưởng trong điều thiện hảo nhờ các nhân đức luân lý.

Như vậy, toàn bộ cơ cấu của đời sống siêu nhiên của Kitô hữu đều bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội.” (số 1266).

II.2 – Là “nguồn gốc” :

Điều nầy có nghĩa tất cả mọi giá trị của Bí tích Thánh tẩy kitô đều được kín múc từ nơi Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, hay nói cách khác, từ chính Mầu nhiệm Tự hủy (nhập thể, Thập giá [chết và Phục sinh]) của Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, được tuyên xưng, được cử hành và được sống trong hiện sinh kitô, như được phản ảnh bởi Phaolô :

Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ sống với Ngài : đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6, 3-4.8).

Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu Phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Ngài, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết.” (Cl 2, 12).

Thật vậy, trong Bí tích Thánh Tẩy kitô, không phải thừa tác viên, cũng không phải các nghi thức phụng vụ bên ngoài, mà chính Đức Giêsu-Kitô, khi được tuyên xưng, mới ban cho thụ nhân tư cách là con Thiên Chúa và sự sống tình yêu vĩnh hằng trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với loài người, và nếu có tội thì sẽ được tha :

Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn siêu độ.” (Rm 10, 9-10).

Đó chính là lý do cho thấy tại sao các tác giả TƯ nói chung, đặc biệt, Gioan và Phaolô, đều lưu ý vai trò nguyên lý, trung gian và cùng đích của Đức Giêsu-Kitô trong Bí tích Thánh Tẩy kitô.

Là “nguyên lý”, vì thế, trong Bí tích Thánh Tẩy kitô, Đức Giêsu-Kitô chính là Đấng ban cho chúng ta ân sủng được là con Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta vào sự sống tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa-Ba Ngôi.

Là ‘trung gian”, vì thế, chỉ trong Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, hay đúng hơn, chỉ trong Ngài, tất cả mọi Bí tích Thánh Tẩy kitô mới có được giá trị và hiệu năng kitô đích thực.

Là “cùng đích”, vì thế, tất cả mọi Bí tích Thánh Tẩy kitô chỉ đạt đến được cùng đích của mình nơi Đức Giêsu-Kitô mà thôi.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô là do tự bản chất, do tự nguồn gốc thần linh, tuy nhiên, trong thân phận tự hủy làm người,tư cách Con Thiên Chúa của Ngài cũng phải kinh qua một quá trình “sở đắc” lại từ từ, và quá trình đó trở thành mô mẫu cho tất cả mọi quá trình sở đắc tư cách con Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô của tất cả mọi người.

Trong ngôn ngữ của Ga, đó là quá trình tái sinh “bởi Ơn Trên” (Ga 3, 3), “bởi nước trường sinh” (Ga 4, 10.13-14) và “bởi nước và bởi Thần Khí” (Ga 3, 5) :

Đức Giêsu trả lời : ‘Thật, tôi bảo ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên’. Ông Nicôđêmô thưa : ‘Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?’ Đức Giêsu đáp : ‘Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí’…” (Ga 3, 3-5).

Và quá trình “tái sinh” nầy được Ga diễn tả như là quá trình vượt qua từ con người cũ đến con người mới (2, 1 – 4, 42); từ bóng tối đi qua ánh sáng (9, 1 – 10, 42); từ cõi chết đi vào cõi sống (4, 43 – 5, 47; 6, 1 – 7, 1; 11, 1-54; 12, 1-50).

Về phần mình, Phaolô triển khai và đào sâu việc sở đắc tư cách con Thiên Chúa, sở đắc sự sống thuộc linh và vĩnh hằng nhờ niềm tin nơi Đức Giêsu-Kitô và nhờ được “ở trong” Ngài và “ở trong” Thân Thể của Ngài là Giáo Hội kitô (1 Cr 12, 12-13.27; đối chiếu với Gl 3, 27-28). Có thể nói rằng Phaolô chính là tác giả đầu tiên trong TƯ khẳng định việc tất cả mọi người chỉ được siêu độ trong Đức Giêsu-Kitô (1 Tx 4, 16; Gl 2, 17; 1 Cr 1, 2; 1 Cr 1, 30; 1 Cr 4, 17; Rm 6, 8). [1]

III – Nội hàm ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy kitô và Phụng vụ của Giáo Hội :

Những nghi thức diễn nghĩa nội hàm của Bí tích Thánh tẩy kitô tuy có một số thay đổi theo giòng thời gian, nhưng nói chung, có tính thống nhất.

Để được “tái sinh”, được trở thành con người mới, thụ nhân phải “vượt qua”, phải chết đi con người cũ của mình, điều nầy được diễn tả qua nghi thức phụng vụ ”dìm mình trong nước” (Hy ngữ : “Baptizein”). Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “nước” chủ yếu là biểu tượng của sự sống và sự chết, vì thế, người ta hẳn có thể hiểu được điều mà Đức Giêsu nói trong Lc 12, 50 vốn ám chỉ cái chết và sự phục sinh của Ngài trong Biến cố Thập Giá : “Tôi còn một phép rửa phải chịu, và lòng tôi khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất !” [2]

Sau khi “tái sinh”, thụ nhân sẽ được trở thành “con người mới”, được “mặc lấy Đức Kitô (Gl 3, 27), con người của ánh sáng, và điều nầy được diễn tả qua hai nghi thức phụng vụ “mặc áo trắng” và được trao cây nến sáng (Mt 5, 14) [3].

Tạm kết

Những phân tích trên đây, trước tiên, đã chứng tỏ cho thấy quá trình sống bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu cũng là quá trình sống và thể hiện tư cách “là Con” của Ngài, trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và tư cách “là anh cả” trong tương quan với tất cả mọi người chúng ta. Và đó cũng chính là quá trình sống bí tích Thánh Tẩy và quá trình “làm con Thiên Chúa” của mỗi người kitô-hữu chúng ta, bởi vì theo Kinh Thánh, chúng ta chỉ là con Thiên Chúa khi được “ở trong Con Thiên Chúa” là Đức Giêsu-Kitô mà thôi : “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô.” (Ga 3, 26); đồng thời đó cũng là quá trình làm người của mỗi người trong tương quan với tất cả mọi người, vốn là anh em của mình, vì cùng có một Vị Cha chung là Thiên Chúa.

Thứ đến, cho thấy tất cả mọi người, vốn đã được tạo dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” và “giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27), đều được “ở trong” Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, tuy với nhiều cấp độ khác nhau, nhưng không phải là những ai đó “xa lạ” với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với tất cả chúng ta. Vấn đề ở đây, tuy đã “hiện hữu” trong nhau, nhưng, về phía con người, có thể chưa “hiện diện” đối với nhau, hay nói cách khác, chưa biết nhau, chưa là gì đối với nhau, chưa ý thức, chưa xác tín được những tương quan Tạo hóa-Thụ tạo, Phụ-tử với Thiên Chúa và huynh đệ với tất cả mọi người. Bí tích Thánh Tẩy kitô, vì thế, chính là hiện trường trong đó con người có thể tuyên xưng, cử hành và sống những mối tương quan đó một cách cụ thể và với niềm xác tín. Tuy vậy, Bí tích Thánh Tẩy kitô không chỉ giới hạn nơi những nghi thức phụng vụ được cử hành một lần trong đời sống, mà kéo dài trong suốt cả hiện sinh kitô của con người, và trong suốt cả quá trình của Lịch Sử, vì đây là những tương quan tình yêu giữa các đối tác tình yêu với nhau, cho đến Ngày Quang Lâm…

Sau cùng, sống Bí tích Thánh tẩy kitô, cũng chính là thực hành điều mà Phaolô đã nói : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi…” (Gl 2, 20a).

Và đó chính là ý nghĩa của sứ mạng mà Đức Chúa của chúng ta, Đức Giêsu-Kitô đã trao phó cho Giáo Hội kitô và cho mỗi người kitô-hữu chúng ta :

Đức Giêsu đến gần, nói với các ông : Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’.” (Mt 28, 18-20)…

Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG (Gp Phan Thiết)


[1] Xem Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Id. trg. 91-99).

[2] Xem GLHTCG, số 1238.

[3] Xem GLHTCG, số 1243.

 


Trang Mục Vụ