THIỀN  LÊN  NGÔI

 

 

 

Đạo Phật đã lúc thịnh lúc suy, nhưng chẳng may cho đến hôm nay, giáo-lý của Đức Thích-Ca chưa một lần được đa số dân-chúng Ấn-Độ của Ngài đón-nhận.

 

Họ đã chọn Ấn-giáo, một biến-thể của đạo Bà-la-môn, thành như một thứ tôn-giáo quốc-gia. Số ngừơi  theo Phật-giáo  tại nước này  còn thua xa số người theo Hồi-giáo được đem tới từ miền Trung-đông xa ở hướng tây.

 

Bù lại, các quốc-gia phía đông và bắc lại hoan-hỉ đón-nhận giáo-lý ‘từ-bi’ của nhà Phật, trong đó có cả dân-chúng Việt-nam.

 

Quan-trọng hơn cả, giáo-lý Phật được du-nhập quốc-gia đông dân nhất thế-giới là Trung-hoa, tạo ảnh-hưởng không nhỏ bên cạnh Khổng-giáo và Lão-giáo đã hiện-diện từ trước. Chúng ta nghe nói nhiều tới công-lao của nhà sư Đường-tam-Tạng ( Huyền-Trang ) cùng 3 đệ-tử qua xứ Ấn (Thiên-trúc) để thỉnh kinh, được phổ-thông hóa nhờ pho  truyện Tây-du-ký lừng danh. Vua nhà Đường cùng cả thần-dân vui mừng tôn-xưng ngài là quốc-sư và coi ngài là vị anh-hùng cũng như ân-nhân vĩ-đại .

 

Nói tổng-quát, vì Phật-giáo đựơc truyền qua Việt-nam nhờ ngả Trung-hoa, nên chúng ta theo dõi và hiểu Thiền theo cái nhìn Đại-thừa (gọi là Bắc tông hay Đại-chúng) : Quan-niệm Đức Phật ban sơ chỉ là một Bồ Tát từ cõi trên cao tự nguyện trở lại với loài người để giúp giải-thóat họ khỏi khổ-đau. Ngài đản-sanh làm thái-tử Tất-đạt-Đa, ở thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc xứ Thích-ca, dưới chân núi tuýêt, phía tây nước Nepal.

                                   

Đại-thừa nhấn mạnh ý-hứơng cứu đời của Phật : Sau 49 ngày tham-thiền, Ngài ‘đốn ngộ’ (ngay tức khắc) để vào Nát-bàn. Nhưng rồi Ngài đã hy-sinh ở lại đi giảng-thuyết suốt 49 năm trời, mong chúng-sinh cũng đựơc giác-ngộ như mình.

 

Xin mở một dấu ngoặc nơi đây : Khác với ngành Đại-thừa, Phật-giáo Tiểu-thừa tại các quốc-gia phía Nam như Thái-Lan, Lào, Miên v. v....với ý-thức mình là Phật-giáo nguyên-thủy, lại tin rằng Đức Thích-Ca chỉ là một nhân-vật lịch-sử, rất ngừơi. Ngài không ‘có’ trước ngày mình sinh. Ngài thành Phật nhờ nỗ-lực riêng như mọi chúng-sinh khác. Hệ-phái Tiểu-thừa này không đề cao việc sinh-họat xã-hội bên ngòai.

 

Tại Trung-hoa, với thời-gian, người ta đếm được tới 10 tông-phái. Phổ-thông hơn cả là Tịnh-độ-tông (chuyên niệm danh-hiệu Phật A-di-đà), Mật-tông (chuyên về đọc thần-chú), và Pháp-hoa-tông (ưa đọc và tìm hiểu kinh Pháp-hoa). Riêng về Thiền-tông thì chú-trọng về Tọa-thiền và đựơc đem vào nước bởi ‘tổ-sư’ Bồ-đề-Đạt-Ma. Vị này là tổ Thiền-tông của Tàu, nhưng chỉ là tổ thứ 28 nối nghiệp tổ thứ nhất là Ma-ha-ca-diếp bên xứ Ấn.

 

Bồ-đề-đạt-ma ban đầu gặp nhiều khó-khăn trắc-trở, nên có lần ngài dùng cách Thiền ‘diện-bích’ (quay mặt vào tường) suốt 9 năm trời. Lời dạy quan-trọng của ngài là phải tìm vào chính cái Tâm sâu thẳm của mình mà nhìn ra chân-lý, thay vì ở bất cứ nơi đâu khác. Dân chúng ghi nhớ mãi lời ngài nhắc : Lời Phật dạy giống như ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Hãy nương theo ngón tay đó mà nhìn thấy trăng, chứ đừng chỉ nhìn ngón tay.

 

Thiền-tông dần-dà đi vào lòng đại chúng : Đa số chấp-nhận nó như một pháp-môn cao nhất và chân-chính nhất của Phật-giáo.

 

Lại xin mở một dấu ngoặc nữa ở đây : Khi truyền qua Việt-nam, lúc đầu phái Thiền tông cũng rất được ưa-chuộng, nhưng dần dần nguời ta học cách dung-hợp các pháp-môn lớn được giới-thiệu qua. Dự một khóa lễ tại các chùa Việt-nam, ta sẽ gặp sự tổng-hợp của các thiền ngữ, các câu thần chú và danh hiệu Phật. Đây có lẽ là một nét son chăng ?

 

Đúng ra, thiền-tổ Đạt-Ma đã mượn gốc võ học của xứ Ấn là YOGA để phổ-biến việc tu-thiền. Đặc biệt hơn nữa, ngài đã dạy các tăng ni phương-pháp dùng quyền cước(đôi khi thêm vài vũ-khí như giới đao thuyền trượng) để tự-vệ. Theo tài liệu cổ của trường-phái võ-học Thiếu-Lâm, chính ngài là vị khai sáng ra phương-pháp ‘thổ nạp’ tức hô-hấp để tập-trung ý lực. Nói cách khác, với cái quan-niệm căn-bản về Thiền, ngài dạy môn-đệ làm chủ hơi thở, thành ra căn-bản của môn võ Thiếu-lâm chính là Khí-công. Nhờ phép này mà làm việc nhiều vẫn không mệt, trong khi tâm-trí vẫn nhẹ-nhàng thanh-thản, gíup ta dễ tập trung tinh-thần.

 

Với phong-trào Thiền như trên, người ta cảm thấy phần nào dứt bỏ những phiền não mà vui sống cũng như hướng tâm-tư theo dõi nứơc bước của Phật.

 

Ngôn-ngữ Trung-hoa bắt đầu quen với danh-từ Thiền : Nó được ghép bằng chữ ‘Thị’ đi trước chữ ‘Đan’, nói lên trạng-thái đơn-thuần của tâm-linh. Anh-ngữ hay viết thành SHAN, trong khi bên Nhật-bản thì ai cũng nghe tới ZEN.

 

Phải công bằng mà nói rằng tuy lúc ngài Đạt-Ma viên-tịch vào năm 528 Thiền-tông đã chiếm thế thượng-phong ở nước Tàu, nhưng phải đợi cho tới vị tổ thứ sáu là ngài Huệ-Năng thì Thiền mới đạt tới chót đỉnh uy-danh, với ảnh-hưởng tràn-lan như  vũ-bão.   Cho đến đời Minh thì quả thật Phật-giáo đã đồng-hóa hẳn với Thiền-tông, vào sâu trong tâm-khảm của cả giới bình-dân cũng như quan quyền.

 

Cũng nên ghi nhớ rằng đã có một thời Thiền-tông bị chia ra 2 phái Nam và Bắc. Miền Bắc có ngài Thần-Tú lãnh-đạo. Vị này chủ-trương thi-hành Thiền thong-thả, tiệm-tiến, trong khi phe Nam của Huệ-Năng thì dạy phải tìm giác-ngộ tức thì (đốn). Thế là có câu ‘Nam đốn Bắc tiệm’. Dầu sao, thanh-thế của ngài Huệ-Năng vẫn trổi-vượt vì nó đạt tới chỗ thuần-túy Trung-hoa.

 

Thiền-tông đã cảm-hóa được cả nước. Nó đã gây ảnh-hưởng to-lớn với Lão-gíao, kể cả chuyện khuôn-đúc lại tư-tưởng và ngôn-ngữ của tôn-giáo này. Riêng với Khổng-giáo vốn dĩ được hàng vua chúa trọng dụng, nhất là ở thời-đại ta quen gọi là ‘Tống Nho’, cũng đã song hành với Phật-giáo để tìm thấy tình-trạng phục-hưng tốt-đẹp.

 

Vì cốt lõi Phật pháp nằm ở giáo-lý về Giác-ngộ và Nát-Bàn, những điều Đức Phật hằng ấp-ủ trong suốt cuộc đời 79 năm của Ngài, nên Thiền-tông Trung-hoa cũng phải dựa vào đó mà giảng-dạy, dĩ-nhiên một cách tài-tình khéo léo sao  cho hợp  với tâm-hồn ưa  thực-tiễn của  dân bản xứ : Họ chưa thấy cần chuyện ‘giải-thoát’, nhưng lại rất ưng tìm ra mục thanh-thản tâm-tư.

 

Thế là người người đi học Thiền. Đó đây nghe ‘quảng-cáo’ : Nhờ Thiền mà ta biết tập trung tư-tửơng giúp công-việc hiệu-quả hơn. Nhờ Thiền mà ta dễ nhận-thức các việc xảy ra chung quanh, đặc biệt những điều xảy ra trong tâm-tư. Khi Thiền, ta thấy đầu óc an bình khóai lạc, rồi còn cho ta thấy hình-ảnh đích-thực của chính mình. Thiền còn giúp ta sống với hiện tại, thay vì nuối-tiếc dĩ-vãng hoặc lo-lắng tương-lai. Nó còn cho ta thóat khỏi niềm cô-độc bởi giam-hãm mình trong cảnh ‘vô-minh’, và sau đó cho ta cơ-hội vươn lên với cõi cao-siêu và đạt cảnh Giác-ngộ tối-hậu.

 

Trong cái khung Phật-giáo, Thiền dĩ nhiên đưa ta tới những đức tính Từ Bi, tới tinh-thần Vô Úy, hết còn sa lầy trong cảnh tham lam mê muội. Nó giúp ta rũ bỏ khổ-đau và thấu-hiểu tính-cách vô-thường, vô-ngã của vạn-vật, cũng như cảm-xúc và tư-tưởng. Nó lại cho ta niềm vui được luôn tỉnh-thức hướng về cõi Nát-bàn.

 

Người ta cũng tin rằng nhờ Thiền mà ta có thể làm chủ được chính tương-lai mình, theo cái nhìn của Nguyễn-Du trong truyện Kiều :

 

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài.

 

Dần dà người ta truyền cho nhau những chi-tiết và kinh nghiệm khi thực-hiện Thiền, đặc biệt về tư-thế khi ngồi : nào là thế kiết già, bán già, xếp bằng hoặc ngồi trên ghế. Điều căn bản là luôn phải giữ cho xuơng sống, cổ và đầu cùng trên một đường thẳng đứng, tạo thành một góc vuông với mặt đất.

 

Các Thiền sư hay nhắc : Phải bắt chước Đức Thích-Ca khi Ngài đi thuyết-pháp, dù đã chứng ngộ thành Phật, nhưng vẫn còn thân bịnh, còn cảm giác, còn ký-ức, còn suy-nghĩ; tuy nhiên Ngài không dính mắc vào chúng, không xem chúng là ‘tự ngã’, là ‘ta’.

 

Quan-trọng là giáo-điều ‘không được mong ước bất cứ chuyện gì khi tham Thiền, kể cả việc Giác ngộ’. Phải chấm dứt và quên tất cả để hòa-đồng với vạn-vật, tới tình-trạng ‘thể nhập vạn pháp’.

 

Trước khi ngài Đạt-Ma đem ‘Thiền Phật’ vào nước Tàu, dân chúng thấy nhức đầu với những mớ giáo-điều nặng-nề và lý-thuyết xa-vời về Phật-giáo. Thế là ngài đã đơn-giản hóa tất cả, đã chỉ vẽ cho Phật-tử sống Thiền  với từng sinh-họat và biến-cố hàng ngày. Chỉ cần làm chủ được cái Tâm của mình là xong hết. Ngồi Thiền theo gương Phật là ngồi ý-thức tòan-vẹn về chính mình, về những gì đang có xung quanh và những tư-tưởng trong đầu. Chỉ có thế.

 

Từ cái tư-thế ‘ngồi’ căn-bản và thực-tế nhất cho việc Thiền, ta còn phải biết sống tinh-thần Thiền nơi mọi sinh-họat, dù là lúc đi đứng chạy nhảy.

 

Dân Trung-hoa đã học sống Thiền qua bao thế-kỷ để rồi hãnh-diện đem đi truyền-bá ra những quốc gia láng-giềng.

 

Nhật-Bản thực sự đã du-nhập tư-tưởng Thiền một cách hăm-hở và đặc-biệt hơn cả. Cách riêng, họ còn đẩy mạnh cái phần thực-tế của ‘đạo Thiền’ vào cuộc sống thường-nhật một cách tuyệt vời.

 

Dân Nhật ngày nay hiểu và thực-hành một thứ ‘ZEN toàn-diện’ : Tự mình tạo ra cuộc sống thái-an, hòa mình cùng cả vũ-trụ, mọi nơi, mọi lúc, trong mọi vịêc, mọi hòan-cảnh, mọi lãnh-vực ( văn-chương, nghệ-thuật, dưỡng-sinh, kỹ-thụât, giải-trí….)

 

Để chuẩn-bị bước vào chuyện Thiền tích-cực, người ta phải cố-gắng xa lánh điều xấu và ác trước, sau đó sẽ lần lượt tìm cách tiến tới 3 chặng sau đây :

 

·      Chặng Kỷ-luật : Thứ tự, ngăn nắp, vệ-sinh, đơn-giản, thơm-tho, hòa-hài, trong-sáng, an-ninh, quân-bình…trong mọi sự, từ thân-thể tới nhà cửa và công-việc, từ suy-nghĩ tới ngôn-ngữ, hành-động.

 

·      Chặng Luyện Thân : Xác khỏe mạnh thì Hồn an-vui. Cần biết điều-hòa hơi thở trước hết, sau đó, học vận-động thể-dục, học xoa-nắn, học trị-liệu phòng-ngừa, học nghệ-thuật thư-giãn, học kiểm sóat việc ăn-uống, học trị bệnh….

 

·      Chặng Luyện Tâm : Tìm cách điều-hòa giác-quan để làm chủ mọi cơ-năng thân xác. Học cho biết tập-trung tư-tưởng, cho tâm-trí được tự-do khỏi bị ràng-buộc bởi trăm mối ngổn-ngang. Sau đó đi vào thói quen tham thiền thường-xuyên, tạo tâm-tư trống-rỗng, đem tới tình-trạng hòa mình cùng chân-Phật, hưởng phút giây an-nhiên tự-tại.

 

Nhiều người đã nhờ Thiền mà gặp một ‘đạo’ sống thượng-đạt, hạnh-phúc.