Bài Giáo Lý của ĐTC: ''Cầu Nguyện là Hồng Ân'' trong các Thư của Thánh Phaolô

Phaolô Phạm Xuân Khôi19/05/2012

Cầu nguyện không miễn cho chúng ta đau khổ, nhưng cho phép chúng ta kinh nghiệm nó và đối diện nó với một sức mạnh mới.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 34 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 16 tháng 5 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC bàn về việc cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý trước, chúng ta đã suy niệm về việc cầu nguyện trong Sách Tông Đồ Công Vụ và hôm nay tôi muốn bắt đầu bàn về việc cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại. Trên hết, tôi muốn ghi chú rằng không phải tình cờ mà các Thư của ngài được mở đầu và kết luận bằng những lời cầu nguyện: ở đầu, tạ ơn và ngợi khen, và ở cuối, cầu chúc rằng ân sủng của Thiên Chúa hướng dẫn cuộc hành trình của cộng đoàn nhận Thư. Nội dung các Thư của Thánh Tông Đồ được khai triển giữa công thức khai mạc “Trước hết, tôi cảm tạ Thiên Chúa nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô” (Rm 1: 8) và ước nguyện sau cùng: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em!” (1 Cor 16:23). Lời cầu nguyện của Thánh Phaolô chứng tỏ sự phong phú tuyệt vời của các hình thức cầu nguyện, từ tạ ơn đến chúc lành, từ chúc tụng đến xin ơn và chuyển cầu, từ thánh thi đến khẩn cầu: những cách diễn tả khác nhau cho thấy rằng cầu nguyện liên hệ đến và thâm nhập tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống, dù là cá nhân hay cộng đoàn mà ngài nói với.

Một yếu tố đầu tiên mà Thánh Tông Đồ muốn chúng ta hiểu là không được coi cầu nguyện chỉ như một việc lành chúng ta làm cho Chúa, như một việc làm riêng của chúng ta. Trên hết, cầu nguyện là một hồng ân, kết quả của sự hiện diện sống động, đầy sinh khí của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giêsu Kitô ngự trong chúng ta. Vì thế, ngài viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “Cũng vậy, Thần Khí giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết chúng ta phải cầu nguyện thế nào như chúng ta phải cầu nguyện, nhưng chính Thần Khí cầu bầu cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (8:26). Và chúng ta biết những lời của vị tông đồ là chân thật như thế nào: “chúng ta không biết chúng ta phải cầu nguyện thế nào như chúng ta phải làm”. Chúng ta muốn cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa ở xa, chúng ta không có những lời nói, ngôn ngữ, để thưa chuyện với Thiên Chúa, hoặc ngay cả ý tưởng. Chúng ta chỉ có thể mở lòng, để Thiên Chúa tùy nghi sử dụng thời giờ của mình, đợi cho Ngài giúp đỡ chúng ta bước vào một cuộc đối thoại thực sự.

Thánh Tông Đồ nói rằng việc thiếu từ ngữ này, việc không biết nói gì, nhưng ước mong được liên lạc với Thiên Chúa này, cũng chính là một lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần không những chỉ hiểu, mà còn giải thích và dâng lên Thiên Chúa. Sự yếu đuối của chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên một lời cầu nguyện thật sự, một sự liên lạc thật với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hầu như là Đấng thông dịch làm cho chúng ta và Thiên Chúa hiểu những gì chúng ta muốn nói.

Trong cầu nguyện, còn hơn trong các bình diện khác của cuộc đời chúng ta, chúng ta cảm nghiệm được sự yếu đuối, nghèo đói, bản chất tạo vật của mình, vì chúng ta được đặt trước sự toàn năng và siêu việt của Thiên Chúa. Và càng tiến bộ trong việc lắng nghe và đối thoại với Thiên Chúa, vì cầu nguyện trở thành hơi thở hàng ngày của linh hồn chúng ta, chúng ta càng nhận thức được ý nghĩa của những giới hạn của mình, không phải chỉ trước những tình trạng cụ thể của mỗi ngày, mà còn trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Như thế nhu cầu tin tưởng và tín thác vào Ngài càng ngày gia tăng trong chúng ta; làm cho chúng ta hiểu rằng “chúng ta không biết chúng ta phải cầu nguyện thế nào như chúng ta phải làm” (Rm 8:26).

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng giúp đỡ sự bất lực của chúng ta, soi sáng trí khôn và sưởi ấm tâm hồn chúng ta, thúc đẩy chúng ta hướng về Thiên Chúa. Đối với Thánh Phaolô, cầu nguyện trên hết là công việc của Chúa Thánh Thần trong bản tính con người của chúng ta, lấy sự yếu đuối của chúng ta và biến đổi chúng ta từ những con người bị ràng buộc bởi thực tại vật chất thành những con người tinh thần. Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô ngài nói, “Bây giờ, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí từ Thiên Chúa, để chúng ta biết những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng tôi nói về những điều này không bằng những lời mà sự khôn ngoan loài người đã dạy, nhưng Chúa Thánh Thần đã dạy; bằng cách so sánh những điều thuộc về tinh thần với những gì là tinh thần” (1 Cor 2:12-13). Bằng cách ở trong sự yếu đuối của con người, Chúa Thánh Thần thay đổi chúng ta, cầu bầu cho chúng ta và nâng chúng ta lên cùng Thiên Chúa (x. Rm 8:26).

Sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô được thể hiện nhờ sự hiện diện này của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Thần Khí của Con Thiên Chúa, mà trong Người chúng ta đã trở thành con cái. Thánh Phaolô nói về Thần Khí của Đức Kitô (x. Rm 8:9), mà không chỉ nói về Thần Khí của Thiên Chúa. Đây là điều hiển nhiên: nếu Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì Thần Khí của Người cũng là Thần Khí của Thiên Chúa. Vì vậy nếu Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Đức Kitô, đã đến gần chúng ta trong Con Thiên Chúa và Con Người, thì Thần Khí của Thiên Chúa cũng trở thành thần trí của con người và chạm vào chúng ta. Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Điều này cũng giống như nói rằng, không những chỉ Thiên Chúa Cha đã trở nên hữu hình trong việc nhập thể của Chúa Con, nhưng Thần Khí của Thiên Chúa cũng được tỏ lộ trong đời sống và hành động của Chúa Giêsu, của Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống, đã chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Thánh Tông Đồ nhắc nhở chúng ta rằng “không ai có thể nói ‘Chúa Giêsu là Chúa’ trừ khi nhờ Thánh Thần” (1 Cor 12:3). Như thế, Chúa Thánh Thần hướng lòng chúng ta về Đức Chúa Giêsu Kitô, đến nỗi “không còn là chúng ta sống nhưng là Đức Kitô sống trong chúng ta” (x. Gl 2:20). Trong những bài Giáo Lý về các Bí tích, khi suy niệm về Bí Tích Thánh Thể, Thánh Ambrôsiô nói: “Người nào say sưa với Chúa Thánh Thần là người được bắt nguồn từ Đức Kitô” (5, 3, 17: PL 16, 450).

Bây giờ tôi muốn nhấn mạnh đến ba hiệu quả đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta khi chúng ta để cho Thần Khí của Đức Kitô, chứ không phải thần khí của thế gian, hoạt động trong mình như nguyên tắc nội tại của tất cả các hành động của chúng ta.

Thứ nhất, lời cầu nguyện được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta có thể phó thác và thắng vượt được bất kỳ hình thức sợ hãi và nô lệ nào, và như thế được sống trong sự tự do thật của con cái Thiên Chúa. Không có lời cầu nguyện nuôi dưỡng con người chúng ta mỗi ngày trong Đức Kitô, trong một sự phát triển mật thiết đều đặn, chúng ta thấy mình ở trong tình trạng được mô tả bởi Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma: chúng ta không làm điều tốt mà chúng ta muốn, mà làm những sự dữ mà chúng ta không muốn (x. Rm 7:19). Và đây là biểu hiện của sự tha hóa của con người, của sự hủy diệt sự tự do của chúng ta gây ra bởi tội nguyên tổ: chúng ta muốn điều tốt mà chúng ta không làm và chúng ta làm điều chúng ta không muốn, là điều ác.

Thánh Tông Đồ muốn chúng ta hiểu rõ rằng không phải ý chí của chúng ta là điều trước hết và trên hết sẽ giải thoát chúng ta khỏi tình trạng này, cũng không phải Lề Luật, nhưng Chúa Thánh Thần. Và vì khi “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cor 3:17), nhờ cầu nguyện, chúng ta kinh nghiệm sự tự do được Chúa Thánh Thần ban cho: một sự tự do thật, thoát ly khỏi dữ và tội lỗi, để làm điều tốt và cho sự sống, cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói tiếp, sự tự do của Chúa Thánh Thần, không bao giờ đồng dạng với sự phóng túng hay với khả năng chọn lựa điều ác, nhưng là “hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, hòa nhã, tiết độ” (Gal 5:22). Đó là sự tự do thật: là khả năng thực sự có thể làm theo sự mong muốn điều tốt, niềm vui đích thực, sự hiệp thông với Thiên Chúa và không bị áp lực bởi những hoàn cảnh lôi kéo chúng ta theo những hướng khác.

Một hiệu quả thứ hai xảy đến trong cuộc đời chúng ta khi để cho Thần Khí của Đức Kitô tác động trong mình là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa trở nên sâu sắc đến mức nó không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tình trạng hay hoàn cảnh nào. Khi đó chúng ta hiểu rằng nhờ cầu nguyện chúng ta không được giải thoát khỏi những thử thách và đau khổ, nhưng chúng ta có thể sống trong sự kết hợp với Đức Kitô, với sự đau khổ của Người, với dự kiến cũng chia sẻ vinh quang của Người (x. Rm 8:17). Thường thì trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta cầu xin để được Chúa giải thoát khỏi sự dữ về thể lý hoặc tinh thần, và chúng ta cầu như thế với hết lòng tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta thường có cảm cảm giác là mình không được Chúa lắng nghe và sau đó có nguy cơ trở thành ngã lòng và không bền chí. Thực ra, không có một lời kêu xin nào của con người mà không được Thiên Chúa nghe, và chính trong việc cầu nguyện liên lỉ và trung thành, mà chúng ta hiểu cùng với Thánh Phaolô rằng “những đau khổ hiện tại của chúng ta không là gì so với vinh quang được bày tỏ cho chúng ta” (Rm 8: 18).

Cầu nguyện không miễn cho chúng ta những thử thách và đau khổ; trái lại, chúng ta “rên siết trong lòng trong khi chúng ta chờ được làm nghĩa tử, nghĩa là sự cứu chuộc của thân xác chúng ta” (Rm 8:24). Thánh Phaolô nói rằng cầu nguyện không miễn cho chúng ta đau khổ, nhưng cho phép chúng ta kinh nghiệm nó và đối diện nó với một sức mạnh mới, với cùng một niềm tin tưởng như Chúa Giêsu, là Đấng theo Thư gửi tín hữu Do Thái, “trong thời gian còn sống trong thân xác, Người đã dâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết bằng lời kêu van lớn tiếng và nước mắt. Người đã được nhậm lời, vì lòng tôn kính của Người” (Dt 5:7). Sự đáp trả của Thiên Chúa Cha cho Con của Ngài, cho tiếng khóc và nước mắt của Người, không phải là giải thoát khỏi đau khổ, thập giá và cái chết, nhưng là một sự hoàn thành thậm chí còn lớn hơn nhiều, một đáp trả sâu sắc hơn nhiều; qua thập giá và cái chết, Thiên Chúa đã đáp trả bằng sự sống lại của Con Ngài, với một đời sống mới. Cầu nguyện được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần cũng đưa chúng ta đến việc sống cuộc hành trình đời mình với những thử thách và đau khổ hằng ngày trong niềm hy vọng và tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa, Đấng đáp trả như đã đáp lại Con Ngài.

Thứ ba, lời cầu nguyện của tín hữu mở ra chiều kích nhân loại và toàn thể tạo vật, bằng cách nhận lấy “sự tha thiết mong chờ ngày con cái Thiên Chúa được tỏ ra của tạo vật” (Rm 8:19). Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện được nâng đỡ bởi Thần Khí của Đức Kitô, là Đấng nói tận đáy lòng chúng ta, là lời cầu nguyện không bao giờ đóng kín mãi trong chính nó, không bao giờ chỉ là một lời cầu nguyện cho tôi, nhưng mở rộng ra chia sẻ đau khổ của thời đại chúng ta, của người khác. Nó trở thành lời cầu bầu cho tha nhân, và như thế giải thoát chính mình; một máng chuyển hy vọng cho tất cả tạo vật và sự diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5:5). Và đây chính là một dấu chỉ của lời cầu nguyện thật, là lời cầu nguyện không nhắm đến chính mình, nhưng mở ra cho tha nhân và như thế giải thoát tôi, cùng góp phần vào việc cứu độ thế gian.

Anh chị em thân mến, Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải mở lòng ra cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, là Đấng cầu nguyện trong chúng ta với tiếng rên siết sâu xa khôn tả, để đem chúng ta đến gắn bó với Thánh Ý của Thiên Chúa bằng tất cả tâm hồn và con người của mình. Thần Khí của Đức Kitô trở thành sức mạnh của lời cầu nguyện “yếu ớt” của chúng ta, ánh sáng của lời cầu nguyện “đã tắt ngấm” của chúng ta, ngọn lửa của lời cầu nguyện “lạnh nhạt và khô khan” của chúng ta, bằng cách cho chúng ta sự tự do nội tâm thật, dạy chúng ta sống trong khi phải đối diện với những thử thách của cuộc đời, trong sự đảm bảo rằng chúng ta không đơn độc, và bằng cách mở lòng chúng ta ra cho những chân trời của nhân loại và tạo vật “đang rên siết trong cơn chuyển bụng sinh con cho đến bây giờ” (Rm 8:22).

Cám ơn anh chị em.