TIẾN TRÌNH DỰ TÒNG

(giaolyductin.org 25/02/13, 11:02 am)

TIẾN TRÌNH DỰ TÒNG  Theo "Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn”  (Ordo initiationis christianae adultorum, 1972)

Ngay từ thời các Tông Đồ, để trở thành Kitô hữu, người ta phải trải qua một hành trình khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Hành trình này có thể nhanh hay chậm, tùy theo đối tượng, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu sau: loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng kèm theo là hối cải, tuyên xưng đức tin, Rửa Tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể.[1] 

Việc khai tâm này, trải qua các thời đại và theo những hoàn cảnh khác nhau, đã có nhiều biến đổi. Vào các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, việc khai tâm Kitô giáo được triển khai đáng kể, với một giai đoạn dự tòng lâu dài và một chuỗi các nghi thức dọn đường, đánh dấu con đường chuẩn bị của thời kỳ dự tòng bằng những cột mốc phụng vụ và dẫn đến việc cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo.[2]

Trong bài viết này, trước khi trình bày tiến trình dự tòng theo “Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn” (Ordo initiationis christianae adultorum) do Thánh Bộ về Phượng Tự ban hành ngày 6.01.1972, thiết tưởng chúng ta cũng nên lược lại một vài nét lịch sử về dự tòng và những biến chuyển của nó: từ việc gia nhập cộng đoàn môn đệ Đức Kitô đến những ngày đầu khai sinh Hội thánh, và sự thích ứng với công việc truyền giáo ngày nay, để thấy ý nghĩa của tiến trình dự tòng mà Giáo Hội, người mẹ hiền đã ân cần chăm lo cho con cái mình.

I.   DỰ TÒNG QUA CÁC TRÌNH THUẬT TÂN ƯỚC

Lộ trình gia nhập cộng đoàn các Tông đồ của Đức Kitô được ghi dấu từ thời Tân ước, khởi đi từ việc Chúa Giêsu sai các Tông đồ trong Mc 16,15-16 và Mt 28,19-20, đây là những nét quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo. Việc đón nhận vào cộng đoàn các môn đệ là việc bảo đảm sự hiện diện của Chúa và hoạt động cứu độ của Người, bao gồm việc loan báo Tin Mừng Đức Kitô chịu chết và sống lại, sự tiếp nhận một giáo lý dựa trên lời đức tin và việc thực hành đời sống Kitô hữu.

Chúng ta cũng thấy lộ trình này được hình thành trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,36-42). Trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa việc loan báo Đức Kitô chết và sống lại với việc hoán cải, giáo lý, phép Rửa, ơn Thánh Thần, việc thu nạp vào cộng đoàn, sự thông dự vào đời sống của cộng đoàn, lắng nghe và lĩnh hội lời giảng dạy của các tông đồ, hiệp thông huynh đệ, cử hành “bẻ bánh”, cầu nguyện chung với nhau, làm chứng cho Tin Mừng.

Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy các bản văn Tân ước không cung cấp những thông tin về thực hành thánh tẩy nơi các cộng đoàn, mà chỉ thuật lại việc những người trở lại sau khi đã nghe loan báo (kerigma), chấp nhận tin, được tháp nhập vào dân Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy, ân sủng Thánh Thần và sự thông dự vào Thân Mình Đức Kitô (Cv 2,38; 1 Cr 10,1-4; Ef 5,26.29; Dt 6,4-5).

Thông qua những trình thuật Tông đồ công vụ, chúng ta còn thấy nổi bật lên những điều kiện để được chịu Thánh Tẩy: tin và hoán cải, nghĩa là gắn bó với Đức Kitô và sám hối, nhận biết Giáo Hội và chấp nhận là thành phần của cộng đoàn; thỉnh nhân đối thoại và xét mình để kiểm thảo thái độ và tâm tình của mình, sau hết  là quyết định cuối cùng của vị hữu trách cộng đoàn; việc tuyên xưng đức tin và phép Rửa (x. phép Rửa cho viên thái giám người Ê-thi-óp trong Cv 8,26-38 và phép Rửa cho Phaolô trong Cv 9,9.17-18).

Liên kết với phụng vụ phép Rửa chúng ta thấy cử chỉ đặt tay là dấu chỉ đặc biệt về ân sủng Thánh Thần (Dt 6,1-2) và việc những người được rửa tội thông dự vào biến cố Ngũ Tuần. Phêrô và Gioan đặt tay trên những người Samari đã được rửa tội, dấu hiệu này nói lên việc các Tông đồ xác nhận sứ mạng của Philipphê tại Samari đồng thời cũng xác nhận phép Rửa tại đây không khác phép Rửa và việc lãnh nhận Thánh Thần mà các Tông đồ đã thực hiện ở Giêrusalem (Cv 8,14-17). Cũng thấy tương tự như thế trong việc Phaolô đã làm ở Êphêsô.

II.      DỰ TÒNG TRONG THỜI  GIÁO HỘI SƠ KHAI

Giáo Hội thận trọng với những quy định của Tân ước và tìm cách đưa những quy định đó vào trong các môi trường văn hóa khác nhau.

Một đặc điểm có tính cố định về tiến trình chịu phép Rửa thời Giáo Hội sơ khai là việc hướng dẫn về nội dung đức tin và việc luyện tập đời sống Kitô hữu trước khi chịu phép Rửa, cùng với sự đồng hành của cộng đoàn. Việc huấn luyện những tín hữu mới, giữa thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ III dẫn tới việc thành lập một các rất chắc chắn sự thiết lập một địa vị đặc biệt của dự tòng, như hình thức đặc biệt của việc trở thành Kitô hữu.

Một trong những chứng từ khá rõ nét của việc khai sinh dự tòng đó là tư tưởng của thánh Giustinô, vị hộ giáo và tử đạo: “Những người nhận biết và tin giáo huấn mà chúng ta dạy bảo và tuyên xưng là đích thực, rồi đưa vào trong đời sống, chúng ta cầu nguyện và dạy họ cầu nguyện đồng thời xin ơn tha thứ mọi tội lỗi, nhờ chay tịnh. Có như thế chúng ta mới dẫn họ đến nguồn nước, nơi đó họ được tái sinh cũng như chúng ta đã được tái sinh… Việc tắm gội trong nguồn nước này trở sẽ trở nên hữu hiệu cho những ai tin và ưng thuận, chúng ta cũng dẫn họ đến nơi có cộng đoàn nhóm họp để ở đó họ được gọi là anh em và cùng chúng ta dâng lời khẩn nguyện”.

Dự tòng trong thời sơ khai là như thế, đó là sự chỉ bảo dạy dỗ chủ yếu là sự đồng hành của người trưởng thành trong hành trình đức tin, cho đến khi người ứng viên lãnh các bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Những bí tích khai tâm làm họ trở thành Kitô hữu, dẫn họ vào sự hiệp thông trong thân thể Đức Kitô là Giáo Hội và đến sự tham dự trọn vẹn vào đời sống của Giáo Hội.

Mặc dù có những hình thức khác nhau trong mỗi Giáo Hội địa phương, tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, nhưng giai đoạn dự tòng cũng có những đặc điểm chung: quy định những giai đoạn huấn luyện trước khi lãnh bí tích Thánh Tẩy, mở đầu là thời gian chuẩn bị hướng đến đức tin sắp lãnh nhận, sau đó là kết thúc bằng thời gian suy tư kỹ lưỡng về kinh nghiệm bí tích.

Thật vậy, trong những thế kỷ đầu, hành trình trở thành Kitô hữu phát triển trong hầu hết các Giáo Hội, gồm bốn giai đoạn:

-  “truyền giáo” hoặc loan báo Tin Mừng, giai đoạn này nhằm khơi dậy đức tin và hoán cải nơi dân ngoại nhờ việc rao giảng Tin Mừng; đỉnh cao của thời kỳ này là việc gia nhập dự tòng sau cuộc khảo nghiệm về những động lực và tâm tính của thỉnh nhân;

-  “dự tòng”: thông thường kéo dài trong 3 năm, là thời gian huấn luyện và thử thách, dưới sự hướng dẫn và đồng hành của một số Kitô hữu trưởng thành trong đức tin; cuối chặng này, thường là một cuộc khảo nghiệm về sự hoán cải đích thực của người dự tòng và về kiến thức đức tin đã được học hỏi;

-  “mùa Chay” là thời gian chuẩn bị cuối cùng về giáo lý, việc hãm mình-thống hối và phụng vụ; thời gian này nhấn mạnh đến những nghi thức mà đỉnh cao là việc cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm sức và Thánh Thể trong đêm Vọng Phục Sinh;

-  “mùa Phục Sinh”: kéo dài trong tuần Bát nhật Phục Sinh, khai triển giáo lý nhiệm huấn, gồm việc giải thích các dấu chỉ phụng vụ và ý nghĩa các dấu chỉ trong đời sống Kitô hữu; hoàn tất việc tháp nhập hoàn toàn vào đời sống cộng đoàn.

Thể chế về dự tòng phát triển đáng kể vào thế kỷ thứ III và thứ IV, nhưng bị khủng hoảng vào nửa sau thế kỷ V, cho đến khi từ từ mất hẳn vào những thế kỷ tiếp sau đó do ảnh hưởng phần lớn những nguyên nhân như: ngoài sự khái quát hóa bí tích Rửa tội cho các trẻ nhỏ và sự trở lại của đám đông dân chúng do xu thời, là việc quyết định của vua chúa và của các nhà lãnh đạo hoặc vì sự cưỡng ép của các hoàng đế theo Kitô giáo, sự phát triển mối liên hệ giữa Giáo Hội và xã hội dân sự, những sự kiện này dẫn đến việc thực hành đồng nhất giữa tiến trình khai tâm Kitô giáo với tiến trình phức tạp xã hội hóa trong một xã hội có khuynh hướng tự xưng là Kitô hữu.

III.    CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ SỰ PHỤC HƯNG DỰ TÒNG

Từ Công đồng Vaticanô II, đối với Giáo Hội La tinh, “thời kỳ dự tòng dành cho người ở tuổi vị thành niên chia thành nhiều giai đoạn” đã được tái lập. Các nghi thức của thời kỳ này được trình bày trong quyển “Ordo initiationis christianae adultorum (1972)” - “Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn (NGKL)”. Ngoài ra Công đồng còn cho phép, “ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo”, các xứ truyền giáo được chấp nhận “cả những yếu tố vẫn thấy được sử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể được thích nghi với nghi thức Kitô giáo”.[3]

Vì vậy, ngày nay trong tất cả các nghi lễ Latinh và Đông phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn bắt đầu bằng việc họ bước vào giai đoạn dự tòng, và việc khai tâm đó đạt tới tột đỉnh trong một cuộc cử hành duy nhất gồm cả ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.[4]

Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo chỉ rõ: thời gian dự tòng “không đơn giản chỉ là một giảng khoá để trình bày giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo toàn bộ đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết để giúp các môn sinh sống mối tương giao với Thầy của mình là Chúa Kitô. Vì thế, các dự tòng phải được khai tâm đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ, thực tập nếp sống theo Tin Mừng, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn nối tiếp nhau[5], họ được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của đoàn Dân Thiên Chúa.

Sau đó, khi đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm nhờ việc lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo, cùng chết, cùng được mai táng và cùng sống lại với Chúa Kitô, họ lãnh nhận Thánh Thần làm cho họ trở nên nghĩa tử, và cùng với toàn thể Dân Chúa, họ cử hành lễ tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại”.[6]

Mục vụ dành cho việc khai tâm Kitô giáo của người lớn trong thời kỳ dự tòng không nhắm đến việc phục hưng một thể chế của Giáo Hội thời sơ khai mà người ta thường nói là thời huy hoàng Kitô giáo, nhưng là đáp ứng những vấn đề của con người và Giáo Hội hôm nay, nhờ việc kết hợp với kho tàng kinh nghiệm sống động của Giáo Hội qua hàng thế kỷ, nhưng trên hết vẫn là muốn trung thành hoàn toàn với những quy định của Tân ước về việc gia nhập cộng đoàn những người theo Chúa Kitô. (Còn tiếp).

Md. Phạm Thúy

Ban giáo lý Gp Tp.HCM


[1]GLHTCG, 1229.

[2]GLHTCG, 1230.

[3]GLHTCG, 1232; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 64 và 71.

[4]GLHTCG, 1233

[5]x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 64-65.

[6] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo Ad gentes, 14.