NGUỒN MẠCH VÀ NỘI DUNG CỦA GIÁO LÝ

“Dạy giáo lý là dạy cái gì?”. Đây là câu hỏi nhắm đến Nguồn mạch và Nội dung của giáo lý. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhắc lại Bản chất của việc dạy giáo lý (Dạy giáo lý là gì?) mà chúng ta đã tìm hiểu trong bài “Giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng”, trong đó xác định Giáo lý là một trong những thời điểm chính yếu của tiến trình Loan báo Tin Mừng (LBTM); là tác vụ Lời Chúa; là giáo dục đức tin và là hoạt động của Hội Thánh. Với cái nhìn này, chúng ta thấy việc dạy giáo lý cũng là việc Loan báo Tin Mừng trong một phạm vi nhất định. Vấn đề đặt ra là Loan báo Tin Mừng nào? Nói cách khác «Đâu là nội dung của việc Loan báo Tin Mừng»? và «Nội dung ấy bắt nguồn từ đâu»? 

Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu và làm sáng tỏ hai vấn đề Nguồn mạch  Nội dungcủa giáo lý 

I.    NGUỒN MẠCH CỦA GIÁO LÝ 

Dạy giáo lý (DGL) là một trong những thời điểm chính yếu của việc Loan báo Tin Mừng (LBTM), vì thế, DGL cũng là LBTM trong một phạm vi nhất định. Nhưng Tin Mừng được rao giảng là Tin Mừng nào? Thưa, Tin Mừng đó chính là Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa đã được Chúa Cha trao ban cho thế gian: «Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người cho chúng ta, để những ai tin vào Con của Người thì được sống đời đời» (Ga 3,16). Trong ý hướng này, nguồn mạch của việc DGL chính là Lời Chúa. «Lời» bao gồm những lời Chúa nói và những việc Chúa làm để bày tỏ ý định và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, còn gọi là mạc khải; Lời được mạc khải trọn vẹn và chung cuộc nơi Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa (DV, 4). 

Như vậy, nguồn mạch và nội dung chính yếu của giáo lý không là gì khác ngoài Lời Chúa, Lời được trình bày trong Thánh Kinh và Thánh Truyền: “Giáo lý kín múc sứ điệp từ nguồn mạch Lời Chúa” (HDTQ 94); “Việc dạy giáo lý luôn luôn kín múc nội dung nơi nguồn mạch sống động là Lời Chúa, được loan truyền trong Thánh Truyền và Thánh Kinh” (DGL 27). Đây là một khẳng định xuất phát từ chính bản chất của giáo lý mà nét đặc thù trước hết là việc loan báo và thông truyền Lời Chúa, có sức nuôi dưỡng làm cho đức tin được tăng trưởng. 

Từ nguồn mạch căn bản Lời Chúa, một số văn kiện và tài liệu huấn giáo sắp xếp và phân biệt theo những thể thức khác nhau như sau: 

Bộ ba nguồn mạch giáo lý: Một vài văn kiện giáo lý nói đến bộ ba, bao gồm “Thánh Kinh, Thánh Truyền  Huấn Quyền” (HDTQ 96) hoặc Thánh Kinh, Phụng Vụ  Đời Sống của Giáo Hội (Hội Đồng Giám Mục Pháp 1965, 25); trong khi đó một số văn kiện khác lại liệt kê bốn nguồn khác nhau đó là: Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, những Sáng kiến (Canh Tân Giáo Lý của HĐGM Italia, 104). Toàn bộ những nguồn mạch giáo lý có vẻ như sắp xếp khác nhau, vì thế cần phải làm sáng tỏ và phân biệt rõ ràng. 

Nếu nói đến những nguồn mạch giáo lý theo nghĩa thuần túy chất liệu, hay nói cách khác hiểu nguồn mạch là nơi chứa đựng chất liệu hoặc nội dung của giáo lý, thì những nguồn mạch giáo lý thật là mênh mông, rộng lớn, bao gồm không chỉ trong những lãnh vực nội dung thuần túy Kitô giáo, mà còn trong toàn bộ phạm vi cuộc sống con người, thế giới và lịch sử xét như thực tại được giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng. Còn nếu nói đến những nguồn mạch giáo lý theo nghĩa công thức, ý muốn nói đến những nơi chốn và những dấu chỉ mà Lời Chúa giải thích và soi sáng cuộc sống cũng như lịch sử, thì nguồn mạch giáo lý mang một nét đặc thù và ý nghĩa riêng của giáo lý như chúng ta sẽ thấy sau đây. 

1.   Thánh Kinh, nguồn mạch chính yếu của giáo lý

Công đồng Vatican II đã khám phá và khẳng định trong Hiến chế tín lý về Mạc khải về Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội (Dei Verbum). Đây cũng là điều cần phải suy tư trong lãnh vực giáo lý, vì trong Lời Chúa, giáo lý tìm thấy “linh hồn” và “cuốn sách” của mình (Canh Tân Giáo Lý, 105). Thật vậy, “Kinh Thánh là “Cuốn Sách” chứ không phải là tài liệu hỗ trợ cho giáo lý (RdC 107), vì thế việc dạy giáo lý “phải thấm đẫm tư tưởng, tinh thần và thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng, nhờ sự tiếp xúc chuyên cần với chính các bản văn” (DGL 27; HDTQ 96). Điều này cũng được Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng nhắc đi nhắc lại:

“Việc giải thích Lời Chúa trong giáo lý […], có Kinh Thánh như nguồn mạch trước tiên, được giải thích trong bối cảnh của Thánh Truyền, là điểm xuất phát, là nền tảng và tiêu chuẩn (chuẩn tắc) của việc dạy giáo lý” (UBKTGH 1993, IV, C, 3).

Vì thế mà người ta có thể nói, nhiệm vụ chính yếu của giáo lý là khai tâm việc đọc, hiểu và hiện thực hóa Thánh Kinh (Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới gửi Dân Chúa, 9).

2.  Thánh Truyền và các “truyền thống” như nguồn mạch giáo lý

Thánh Kinh không thể tách rời Thánh Truyền (DGL 27; HDTQ 95), “nơi gặp gỡ Lời Chúa một cách sống động” (CTGL 109). Thánh Truyền như là nguồn mạch giáo lý được hiểu theo nghĩa năng động mà Hiến chế Tín lý về Mạc khải đã nói, như việc loan truyền sống động mà Giáo Hội thực hiện qua giáo huấn của mình, qua đời sống và viêc thờ phượng như thực tại sống động mà Chúa Thánh Thần làm cho tiếng nói của Tin Mừng vang dội trong Giáo Hội (DV 8).

Thánh Truyền nhập thể trong lịch sử và diễn tả qua những “truyền thống” khác nhau, những truyền thống này diễn tả sự phong phú của nó qua những tín biểu, phụng vụ, tư tưởng của các thánh Giáo phụ, suy tư thần học, giáo huấn của các mục tử, và qua chính sự sống và lịch sử của Hội Thánh.

II.   NỘI DUNG CỦA GIÁO LÝ

Nội dung căn bản của giáo lý là sứ điệp Kitô giáo về ơn cứu độ trong Đức Kitô. Ở đây không nói đến nội dung giáo lý từ quan niệm Kinh Thánh hay thần học, mà chủ yếu là từ viễn tượng nghiên cứu giáo lý, đối với những vấn đề có liên quan đến việc tổ chức đúng đắn hoạt động giáo lý. Vậy,nội dung sứ điệp Kitô giáo bao gồm những gì? Đâu là những đặc điểm chính yếu của sứ điệp Kitô giáo? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu căn tính và những chiều kích căn bản của nội dung giáo lý.

Tuy nhiên ở đây không chỉ muốn nói đến những đề tài hoặc chủ đề trong chương trình giáo lý, mà đúng hơn là nói đến những khía cạnh chiều ngang hoặc những đường nét thể hiện trong suốt khóa giáo lý, như là những đặc điểm chính yếu của sứ điệp Kitô giáo mà giáo lý phải thông truyền.

Huấn quyền và việc suy tư giáo lý đã vạch ra những chiều kích khác nhau, mà chúng ta thấy trongHướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (98-108). Dựa vào đó, chúng ta có thể liệt kê 5 chiều kích. Những chiều kích này hình thành một sự tiếp cận sứ điệp Kitô giáo, nội dung của giáo lý.

1. Chiều kích quy Kitô - Ba Ngôi

Trọng tâm sống động của sứ điệp Kitô giáo không phải là giáo thuyết, nhưng là một Con Người cụ thể, đó là Đức Giêsu Kitô, chính Ngài mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Ba Ngôi và trong Ngài, ý nghĩa cuối cùng của sự hiện hữu. “Chúa Giêsu không chỉ truyền đạt Lời Chúa mà thôi: chính Người còn là Lời của Thiên Chúa. Vì thế, toàn bộ việc dạy giáo lý phải quy chiếu về Người” (HDTQ 98).

Tính quy Kitô của việc dạy giáo lý, nhờ sự năng động nội tại, đưa đến việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.(HDTQ 100, 101, 103, 116).

2.  Chiều kích Giáo Hội - Bí Tích

“Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG 9).

Luật của Thiên Chúa về “ơn cứu độ trong cộng đoàn” thực hiện qua toàn bộ nội dung của kế hoạch cứu độ. Cho nên sẽ không đủ nếu như dành một phần trong chương trình giáo lý cho đề tài Giáo Hội, mà phải diễn tả chiều kích giáo hội-bí tích trong toàn bộ niềm tin Kitô giáo.Trong đó “cơ cấu bí tích” có một tầm quan trọng đặc biệt như là trục cấu trúc kinh nghiệm Kitô hữu trong Giáo Hội (x. HDTQ 108).

3.  Chiều kích nhân học - cứu độ

“Sứ điệp của Chúa Giêsu về Thiên Chúa là một tin vui cho nhân loại” (HDTQ 101).

“Tin Mừng Nước Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ bao gồm một sứ điệp giải thoát” (HDTQ 103).

Kinh nghiệm trong việc truyền đạt nội dung giáo lý không chỉ vì lý do sư phạm hay phương pháp, mà chính là bản chất sứ điệp Kitô giáo:

“Tương quan giữa sứ điệp Kitô giáo và kinh nghiệm con người không chỉ đơn thuần là vấn đề phương pháp, nhưng phát xuất từ chính mục đích của việc dạy giáo lý, tức là đặt con người trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô” (HDTQ 116).

4.  Chiều kích lịch sử - cánh chung

Nhiệm cục cứu rỗi thực hiện trong lịch sử (từ tạo dựng đến cuộc sáng tạo mới) mà đỉnh cao là biến cố lịch sử của Chúa Giêsu Nadaret. Biến cố này thuộc về bản chất của giáo lý, là việc công bố một sứ điệp nhập thể trong những trình thuật lịch sử, vì thế, giáo lý là việc thuật lại những kỳ công của Thiên Chúa, những việc làm có ý nghĩa cho sự sống con người.

“Vì thế, hôm nay, đang khi truyền đạt sứ điệp Kitô giáo khởi đi từ ý thức mãnh liệt đã có, Hội Thánh không ngừng “tưởng nhớ” và kể lại những biến cố cứu độ của quá khứ” (HDTQ 107).

Chiều kích lịch sử thấm nhuần trong toàn bộ sự phát triển sứ điệp Kitô giáo, hướng đến sự hoàn thành trong thời cánh chung:

Nhiệm cục cứu độ mang đặc tính lịch sử vì được thực hiện trong thời gian: “đã bắt đầu trong quá khứ, đã phát triển và đạt tới chóp đỉnh trong Đức Kitô, đang tỏ ra sức mạnh trong hiện tại và đang đạt đến sự hoàn thành trong tương lai” (HDTQ 107).

5.  Chiều kích đời sống đạo đức

Luân lý Kitô giáo không phải là nội dung giáo thuyết phải đạt tới hoặc như kết quả đơn giản của việc áp dụng những điều phải tin, nhưng phải hiểu toàn bộ sứ điệp Kitô giáo đem đến một giá trị luân lý và thúc đẩy một cách sống nhất quán với những chân lý tuyên xưng.

Cho nên điều quan trọng trong giáo lý là sứ điệp luân lý không bao giờ được tách rời khỏi kinh nghiệm đặt trọng tâm nơi đức tin và sự hoán cải. Luân lý Kitô giáo không giản lược trong một chuỗi những “luật điều phải tuân giữ”, nhưng trước hết là thái độ sống và hành vi biểu lộ mầu nhiệm đức tin mà mình tuyên xưng:

«Trở lại với Chúa Giêsu Kitô bao hàm việc bước theo Người. Vì vậy, việc dạy giáo lý phải truyền đạt cho các môn đệ chính những thái độ sống của vị Tôn Sư. Như thế, họ phải đi theo một lộ trình biến đổi nội tâm nhờ tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, họ “vượt từ con người cũ tới con người mới trong Đức Kitô”» (HDTQ 85).

Md Phạm Thúy (giaolyductin.net25/11/13, 5:53 pm)

 


Tủ Sách Giáo Lý