GIÁO LÝ LÀ TÁC VỤ LỜI CHÚA

Khi nhìn giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng, chúng ta đã nhận ra bản chất của giáo lý là hình thức phục vụ Lời Chúa mà Giáo Hội thực hiện nhằm làm cho từng người và từng cộng đoàn trưởng thành trong đức tin. Như vậy, nguồn mạch và nội dung chính yếu của giáo lý không thể là gì khác ngoài Lời Chúa. 

Trước khi đi vào những cách thế giúp các em tiếp cận Lời Chúa thiết nghĩ chúng ta nên khởi đi từ hai nguyên lý nền tảng mà việc dạy giáo lý đòi hỏi, đó là Trung thành với Thiên Chúa và Trung thành với con người. Tiếp đến, chúng ta xét đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong giáo lý và cuối cùng tìm hiểu những cách thức khai tâm Lời Chúa cho các em trong giờ giáo lý. 

1.  TRUNG THÀNH VỚI THIÊN CHÚA & VỚI CON NGƯỜI 

“Chúa Giêsu Kitô là mối tương quan sống động và hoàn hảo của Thiên Chúa với con người và của con người với Thiên Chúa. Sư phạm đức tin nhận lãnh từ Người “một lề luật căn bản cho tất cả đời sống Hội Thánh, đó là luật trung thành với Thiên Chúa và trung thành với con người…. Do đó, việc dạy giáo lý được coi là đích thực khi giúp nhận ra tác động của Thiên Chúa trong suốt chặng đường đào luyện bằng cách tạo nên một bầu khí lắng nghe, tạ ơn và cầu nguyện, bằng cách thôi thúc con người đáp trả một cách tự do, bằng cách khuyến  khích những người học giáo lý tích cực tham gia” (HDTQ, 145) 

1.1.  Dạy giáo lý là trung thành với Thiên Chúa 

Trung thành với sứ điệp lãnh nhận từ các tông đồ nghĩa là đặt Chúa Giêsu ở trung tâm việc dạy giáo lý. Thật vậy, mục đích của việc dạy giáo lý là làm cho người ta biết Chúa Giêsu Kitô Đấng mạc khải gương mặt Thiên Chúa trong đời sống cụ thể của một con người tại Bêlem, tại Nazaret, trong cuộc sống công khai, trong cuộc thương khó, chết và phục sinh. 

Chúa Giêsu mạc khải về chính mình, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Kitô giáo không phải là một thuyết suy tư mơ hồ về Thiên Chúa, mà chính Chúa Giêsu đã đến là chỉ để nói về một Thiên Chúa đã được biết từ ngàn xưa. Sự hiểu biết về Chúa Giêsu được thực hiện qua việc học kiến thức, nhưng nhất là qua mối tương quan bạn hữu mới, mối quan hệ mới, qua cuộc gặp gỡ mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Lời Thiên Chúa, Lời tột đỉnh nơi Đức Giêsu phải chiếm chỗ trung tâm trong giáo lý. Các em thiếu nhi, các giáo lý viên và các bậc phụ huynh phải có một sự tháp nhập trực tiếp vào những bản văn nền tảng của niềm tin Kitô giáo để làm cho chúng trở thành lời của cuộc sống. 

1.2.  Dạy giáo lý là trung thành với con người 

Giáo lý viên cũng có bổn phận giúp con người đối chiếu Tin Mừng với kinh nghiệm của mình. Không có sự đối chiếu này, không có sự gặp gỡ này, sẽ dẫn đến nguy cơ trống rỗng. 

Nếu giáo lý viên không dìm mình trong thực tại cuộc sống, thì lời “giảng dạy” sẽ không làm cho người ta hiểu được. Chúa Giêsu đi vào cuộc hội thoại với chúng ta như người lữ hành xa lạ trên đường Emmaus. Ngài vẫn tiếp tục bước đến với con người ở bất cứ nơi nào Ngài tìm thấy họ: như Giakêu đang leo lên cây, như người phụ nữ Samaria bên bờ giếng… 

Giáo lý không chỉ giản lược vào việc loan báo chân lý để tin, nhưng còn là dẫn đến cuộc gặp gỡ. Đức Kitô mạc khải nơi thâm tâm của mỗi người, trong kinh nghiệm và một lịch sử đặc biệt, đó chính là nơi mà giáo lý phải đạt đến bằng việc loan báo của mình.

Nếu như giáo lý viên muốn Tin Mừng không chỉ tồn tại ở mặt chữ thì giáo lý viên phải nói ngôn ngữ của văn hóa thời đại, ghi dấu bởi phương tiện truyền thông, bởi tin học, truyền hình. Năm 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã khẳng định rằng: “…không còn nghi ngờ gì nữa, sự rạn nứt giữa Tin Mừng và văn hóa là thảm cảnh của thời đại chúng ta” (Evangelii nuntiandi, 20). 

2.    LỜI CHÚA TRONG GIÁO LÝ 

Đức Thánh Cha Bênêđictô, trong tông huấn Lời Chúa số 74, đề cập tới chiều kích Kinh Thánh của việc dạy giáo lý như sau: “Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đức Giêsu trên đường Emmaus được tác giả Tin Mừng Luca mô tả (x. Lc 24,13-35), theo một nghĩa nào đó, biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý tập trung vào việc ‘giải thích Kinh Thánh’ mà chỉ duy Chúa Kitô mới có thể ban cho (x. Lc 24,27-28), khi chỉ cho thấy Kinh Thánh được hoàn tất nơi bản thân Người… Trong quyển “Hướng dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo Lý”, chúng ta gặp được những hướng dẫn quý báu để Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, nên tôi sẵn lòng khuyến khích tham khảo bản văn này. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý ‘phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con tim của Giáo Hội’ và được gợi hứng từ suy tư và đời sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo Hội. Như vậy, chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh Thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn Kinh Thánh – đặc biệt những đoạn nói về các mầu nhiệm Kitô giáo.” 

Thiết tưởng, những điều Đức Thánh Cha viết trên đây, đủ cho ta thấy được vị trí trung tâm cũng như tầm quan trọng của Lời Chúa trong giáo lý. Vấn đề còn lại là giải thích hay trình bày Lời Chúa thế nào để buổi giáo lý trở thành buổi gặp gỡ và hiệp thông với Chúa cũng như với nhau; đó cũng chính là mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý. Muốn được như thế, thay vì đọc và giải thích Lời Chúa với mục đích tìm một lẽ khôn ngoan để sống tức nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý, bạn hãy có trong đầu ý nghĩ giúp các em tìm gặp Chúa Giêsu, giới thiệu để các em chiêm ngắm và yêu mến Chúa; nhờ đó, các em cố gắng nên giống và bước theo Ngài. Cụ thể, bạn hãy khởi đi từ một kinh nghiệm sống của các em nhằm chuẩn bị mảnh đất tâm hồn các em đón nhận Lời Chúa, giúp các em tiếp cận với bản văn Kinh Thánh theo hai hướng: một là tập chú vào những lời Chúa nói và những việc Chúa làm, khơi lên ý nghĩ và ước muốn của Ngài; hai là tập chú vào các nhân vật khác trong câu chuyện Tin Mừng, xem họ nghĩ gì và làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Từ đó, đặt các em vào hoàn cảnh của các nhân vật để giúp các em đáp trả lại Lời Chúa trong thinh lặng nội tâm và giãi bày ra trong phần cầu nguyện giữa giờ, sinh hoạt giáo lý và chọn lựa một quyết tâm. 

Với những bản văn giáo huấn, ta lưu ý đến những những chuyển động trong bản văn trên nhiều bình diện khác nhau như ý nghĩa, tâm tình, thái độ và tương quan để có thể giúp các em khám phá ra thông điệp hay lời mời gọi của Chúa mà đáp trả với tất cả tự do và lòng yêu mến.

3.    MỞ KINH THÁNH VỚI CÁC EM 

Những trình thuật Kinh Thánh đã có từ rất xa xưa: thoạt đầu là những lời kể trong gia đình, người cha kể lại cho con cái, rồi người ta kể lại cho nhau nghe trong những ngôi nhà, những hội đường, những công trường và trường học, cho đến khi họ cảm thấy cần phải được viết lại, nếu không sẽ bị quên lãng tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc Do Thái. Chính vì vậy mà những bản văn đầu tiên đã ra đời mà chúng ta gọi là Cựu ước. Cho đến thời những tín hữu đầu tiên, họ cũng cảm thấy cần viết lại lịch sử về Chúa Giêsu, và như vậy hình thành các sách Tin Mừng. Trong những sách này, chúng ta đọc được các trình thuật về những phép lạ và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, cái chết trên Thập giá và sự phục sinh của Ngài. Những bạn hữu của Ngài (các Tông đồ) đã thấy Chúa sống thật sau khi đã chết và họ đã loan báo Tin Vui này cho mọi người trên khắp thế giới. Ngày nay, Thánh Thần của Thiên Chúa giúp những ai đọc Kinh Thánh để hiểu ý nghĩa ẩn giấu bên trong. Theo cách này, trình thuật Kinh Thánh đảm nhận một ý nghĩa nguyên thủy, trở thành Lời mà Thiên Chúa ngỏ lời với bất cứ ai đọc Kinh Thánh bằng đức tin. 

2.1. Một số cách khai tâm Lời Chúa cho các em 

Các em rất thích những chuyện kể, chúng có sự tưởng tượng hết sức phong phú và sinh động, chúng có thể nhớ lại toàn bộ những gì mà câu chuyện thuật lại. Nếu giáo lý viên có khả năng kể chuyện Kinh Thánh, biết khơi dậy sự chú ý của chúng, kích thích tính tò mò của chúng, nhưng phải luôn tôn trọng tinh thần của bản văn Kinh Thánh, thì giáo lý viên sẽ ngạc nhiên khi thấy các em say sưa há hốc miệng theo dõi diễn tiến câu chuyện là như thế nào. Giáo lý viên có thể học kể chuyện ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên không phải bất cứ giáo lý viên nào cũng có khả năng kể chuyện. Nếu như giáo lý viên nào không có kỹ thuật kể chuyện, đừng liều lĩnh trong những ngày đầu tiên, mà cần luyện tập theo cách thế sau:

-  Đọc và soạn bản văn như thể mình cùng học với các em: các nhân vật, nơi chốn, hành động, những thời điểm khác nhau của trình thuật, những mẩu đối thoại, hành động.

-   Ngẫm nghĩ một mình: điều gì trong bản văn làm cho mình chú ý? Tôi khám phá ra điều gì nơi đó? Điều gì gây ấn tượng cho tôi?

-   Tự hỏi: nếu tôi phải nói với ai đó, tôi sẽ nói gì về bản văn này? Đâu là điểm quan trọng hơn hết?

-  Tưởng tượng có một người đàm thoại với mình và thuật lại cho người ấy nghe bản văn mình vừa đọc bằng chính ngôn từ của mình, trong khi tôn trọng những diễn tiến của nó.

-    Lặp lại phần thực tập này nhiều lần, như một diễn viên tập đi tập lại phần diễn của mình.

-    Để bản văn thấm trong thời gian một hoặc hai ngày.

-    Lặp lại bài tập này một ngày trước buổi gặp gỡ giáo lý để cảm thấy an tâm. 

Cần lưu ý là không nên xem Lời Chúa như một chuyện cổ tích hoặc một huyền thoại, không nên phóng đại bản văn nhưng cần trung thành với tinh thần bản văn. Sứ điệp Tin Mừng là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, đặc biệt là cho các em! 

2.2. Đọc Kinh Thánh chung với các em 

Một cách khác để lắng nghe Kinh Thánh đó là đọc chung với nhau, lúc thì giáo lý viên đọc lúc thì một em nào đó đọc. Cách thức công bố có nhiều cách khác nhau, ví dụ như một em nào đó xem trước bản văn, rồi đứng lên đọc và tất cả lắng nghe, lần khác một em ngồi tại chỗ và đọc với giọng thật êm nhẹ mà tin tưởng. Sau một lần đọc, để “tiêu hóa” tốt hơn, giáo lý viên có thể đọc lại bản văn đó một lần nữa bằng một thể thức khác, hoặc có thể mời chính các em đọc. Tuy nhiên, không nên làm quá nhiều lần để tránh tình trạng nhàm chán. 

2.3. Phân tích bản văn 

Sau khi kể truyện hoặc đọc bản văn, giáo lý viên hỏi các em xem điều gì làm các em thích thú, các em đã hiểu gì. Bằng cách này, giáo lý viên giúp các em bắt tay vào việc phân tích bản văn đã được đọc.

-  Giáo lý viên giải thích những từ khó hoặc từ xa lạ với các em. Có những từ có hai hay ba nghĩa, giáo lý viên nên xác định và giải thích cho các em.

-  Tiếp theo bước giải thích là bước hiểu bản văn. Giáo lý viên mời các em lấy bút màu kẻ dưới những chữ chỉ nơi chốn, đánh vòng tròn những động từ chỉ hành động. Có bao nhiêu nhân vật? (một nhóm có thể là một nhân vật). Họ ở đâu? Họ thế nào? Họ ở tư thế nào? Ngồi, đứng, nằm? Họ làm gì ở đầu bản văn? Ở giữa bản văn? Ở cuối bản văn? Ai đã nói? Ai bị đánh động? Chúa Giêsu làm gì?

Toàn bộ phần này luôn luôn thực hiện như một loại “trò chơi có sức hấp dẫn và thú vị” tránh bao nhiêu có thể hình thức như ở lớp học (khảo bài, làm bài…).

-  Khi các em đã hiểu khá kỹ bản văn, giáo lý viên tìm cách mở rộng sự hiểu biết bằng cách đặt câu hỏi như: “Các em cảm thấy gần gũi với nhân vật nào hơn? Tại sao? Đoạn nào các em bị đánh động nhiều hơn? Bản văn này làm các em nghĩ đến điều gì trong cuộc sống của các em?” Các em nhận lấy lời và để lời ở với các em. Đây là lúc mà các em thực sự chiếm hữu sứ điệp Tin Mừng. 

2.4. “Đọc” những hình ảnh minh họa 

Phần lớn các bản văn dành cho các em là những bản văn được minh họa bằng hình vẽ và tranh ảnh. Những minh họa như thế không phải tình cờ hay ngẫu nhiên được chọn lựa, nó không chỉ có mục đích làm cho cuốn sách trở nên hấp dẫn, mà nhằm giúp các em hiểu một cách dễ dàng theo ngôn ngữ đặc thù của các em khiến các em có thể nắm bắt được ngay lập tức, vì những hình ảnh minh họa thường nói lên một điều gì đó. Có thể đây là bằng chứng đức tin của các nghệ sĩ mà họ đã thể hiện khi họ vẽ, khắc họa. Khi mà những hình ảnh được sáng tạo và sắp xếp một cách đặc thù cho các bản văn trong sách giáo lý, thì chúng làm nổi bật những thái độ đặc biệt như: những cử chỉ của sự ngạc nhiên, của thái độ đón tiếp, hân hoan…

-    Những người tạo hình minh họa làm gì khi họ đọc một bản văn? Đầu tiên, người ta tìm cách định dạng các nhân vật, những cử chỉ của họ, ánh nhìn của họ, tư thế của họ so với người khác. Quan sát dung mạo nhân vật từ xa, dừng lại trên những điểm đặc biệt. Quan tâm đến tất cả các giác quan, thị giác là đương nhiên rồi, nhưng cả thính giác, xúc giác nữa (ngon, ngọt, nóng, lạnh, …). 

2.5. Lời Chúa đối với đời sống của các em 

Sứ điệp Tin Mừng phải vang dội trong đời sống các em, nói cách khác, Tin Mừng phải được “nhập thể”. Các em hiểu Tin Mừng khởi đi từ những kinh nghiệm của mình và Tin Mừng thay đổi cái nhìn của các em về cuộc sống và sự tương quan với người khác. Một giáo lý viên nói: “Khi tôi đọc dụ ngôn người Cha nhân hậu với các em, tôi mời các em nhập vai vào từng nhân vật khác nhau: người cha, người con thứ, người con trưởng. Trong những vai khác nhau như thế, các em nói lên điều các em suy nghĩ cũng như những tình cảm của các em và điều đánh động các em. Rồi các em xét xem trong cuộc sống của mình, lúc nào là lúc mình xử sự như người cha, lúc nào như người con thứ, lúc nào như người con trưởng”.

-   Cũng có thể khởi đi từ một dáng vẻ, một đồ vật hoặc từ một yếu tố quen thuộc nào đó, rồi mời các em diễn tả một cách tự do ý nghĩ của mình. Ví dụ, để nói về bí tích Thánh Tẩy, giáo lý viên bắt đầu làm cho các em suy nghĩ về nước: “Nước là gì?”, “Nước cần cho những gì?” “Người ta có thể sống mà không có nước không?”. Giáo lý viên cũng sẽ mời các em nhớ rằng nước đem đến sự sống, mà đồng thời cũng đem đến sự chết (lụt lội, sóng thần…), rồi giáo lý viên hỏi các em xem các em có nhớ những biến cố trong Kinh Thánh không, trong đó nước rất là quan trọng: lụt đại hồng thủy, vượt Biển Đỏ, vv. Cuối cùng, giáo lý viên sẽ dẫn các em đến biểu tượng của phép Rửa: nước đem lại sự sống, tẩy rửa, làm sạch.

-   Nhưng trước khi nối kết cuộc sống của các em với Lời Chúa, thì cuộc sống của các em phải được đặt ở trọng tâm của giáo lý: những sự kiện trong đời sống gia đình; những niềm vui, nỗi buồn; những biến cố của thế giới mà các em thấy trên tivi, những cảm xúc, tình cảm của các em, những mối liên hệ giữa các em với nhau và tương quan với người lớn..., tất cả những điều này phải là chất liệu đầu tiên của giáo lý vì các em hiện diện ở đó với tất cả cuộc sống của mình. Người ta có thể nói: “Cuộc sống của các em là chính các em”. Và tất cả mọi sự đều được xét tới, được bàn thảo, được đưa vào hành động của giáo lý. Một cha xứ phát biểu: “Các em không bỏ cuộc sống của chúng ở ngoài cửa phòng học giáo lý, mà ngược lại chúng đem hết vào trong phòn giáo lý, mọi sự hoàn toàn hiện diện ở đó với chúng để chúng nghe lời mà Thiên Chúa ngỏ với chúng khi Ngài nói: “Trước mắt Ta, con thật đáng giá, Ta yêu con!”. Thật vậy, giáo lý được làm nên bởi cuộc sống của chúng, bởi niềm vui của chúng, bởi những điều chúng không thích và cả những vấn đề của chúng nữa. Tóm lại, không có gì làm nên cuộc sống của chúng lại trở thành xa lạ với giáo lý”. 

4.  THẨM TRA KHẢ NĂNG KINH THÁNH CỦA GIÁO LÝ VIÊN 

Dưới đây là một số câu hỏi nhằm giúp giáo lý viên tự thẩm tra để củng cố và đào sâu những kiến thức cơ bản về Kinh Thánh hầu có thể giúp các học viên của mình cách hữu hiệu hơn. 

1.  Thuật ngữ “Kinh Thánh” có ý nói gì? (Kinh Thánh là gì?)

2.  Kinh Thánh chứa đựng những gì?

3.  Đâu là những sách quan trọng nhất?

4.  Kinh Thánh được hình thành như thế nào?

5.  Tác giả Kinh Thánh là những ai?

6.  Người ta tìm thấy những bản thảo của các tác giả KT ở đâu?

7.  Việc chọn các bản văn để hình thành nên cuốn KT đã xảy ra như thế nào?

8.  Chúa Giêsu có nói điều mà các Tin Mừng thuật lại không?

9.  Những thuật ngữ: Giêsu, Lời Chúa, “đã mặc xác phàm” ý muốn nói gì? (x. Gioan 1,14).

10.  Tại sao các Tin Mừng cống hiến bốn khuôn mặt khác nhau về chính Chúa Giêsu?

11.  Đời sống Chúa Giêsu được con người thuật lại: vậy tại sao nói rằng những sách đó là “Lời Chúa”?

12.  Có phải Cựu ước cũng là Lời Chúa?

13.  Tại sao trong Kinh Thánh nói rằng: “Thiên Chúa phán…”, “Thiên Chúa nói…”?

14.  Ngoài sách Kinh Thánh, có những bản văn nào khác được xem là “Lời Chúa” không?

15.  Ngày nay Thánh Thần có nói nữa không?

16.  Có những cách thế nào có thể khơi dậy nơi các em lời trong Cựu ước?

17.  Có những bản văn nào dành ưu tiên cho các em thiếu nhi không?

18.  Kinh Thánh trình bày những lời và những lối diễn tả rất khó đối với các em, phải làm thế nào?

19.  Có thể là Kitô hữu mà không biết Kinh Thánh không?

20.  Có một khoảng cách văn hóa đáng kể giữa các bản văn  Kinh Thánh với não trạng văn hóa Á Đông của chúng ta, vậy thì làm sao khơi lên nơi các em “cảm thức” Kinh Thánh?

21.  Khi một em không bao giờ đọc Kinh Thánh, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

22.  Tại sao lại có những bản văn Kinh Thánh khác nhau về cùng một đề tài?

23.  Làm thế nào để đọc một cách đúng đắn và hữu hiệu một cuốn sách phức tạp như cuốn Kinh Thánh?

24.  Đâu là sự nối kết giữa Lời Chúa với đời sống chúng ta?

25.  Có phải có một vài bản văn Kinh Thánh có ý nghĩa hơn các bản văn Kinh Thánh khác không?

26.  Có phải Kinh Thánh luôn luôn hợp thời?

27.  Làm thế nào để một cuốn sách rất cổ mà lại luôn hấp dẫn?

28.  Làm sao có thể hiện tại hóa một bản văn?

Md Phạm Thúy (giaolyductin.net -  07/12/13, 12:29 pm)

THAM KHẢO

IL CENTRO EVANGELIZZAZIONE E CATECHESI DON BOSCO DI LEUMANN (TRUNG TÂM LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ GIÁO LÝ DON BOSCO – LEUMANN),  Scuola per catechisti. Schede per la formazione personale e di gruppo (Trường dành cho giáo lý viên. Giáo trình huấn luyện cá nhân và nhóm), Elledici (TO) 2005, 182-185.

NGUYỄN VĂN HIỀN, Bài viết “Lời Chúa trong giáo lý”.

 


Trở Về Trang Nhà