LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

(catechesis.net)

Giuse Phan Tấn Thành, OP

Phụng vụ dành ngày 2 tháng 11 để kính các linh hồn. Nguồn gốc lễ này bắt đầu từ đâu? Nó có giống với lễ Vu lan trong Phật giáo không?

Như đã biết, lễ Vu lan được cử hành vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, còn gọi là Tết Trung nguyên. Có lẽ lễ này không bắt nguồn từ Phật giáo, nhưng từ phong tục dân gian. Dù sao, trọng tâm của niềm tin ngày rằm tháng bảy âm lịch là “xá tội vong nhân”: vào ngày này, các tội nhân dưới âm phủ được giải thoát. Thân nhân những người mới qua đời tổ chức lễ cầu siêu. Nguồn gốc của lễ các linh hồn bên Công giáo thì khác, với nhiều giai đoạn tiến triển khác nhau. Ta có thể lấy một mốc điểm lịch sử là ngày 2 tháng 11 năm 998, để từ đó theo dõi sự tiến triển khi đi ngược hay đi xuôi.

Tại sao lấy ngày 2 tháng 11 năm 998 làm mốc điểm?

Tại vì theo lịch sử, thánh Ôđilon, viện phụ thứ năm của đan viện Cluny dòng Biển đức đã ấn định dành ngày 2 tháng 11 (nghĩa là ngày hôm sau lễ kính các thánh) để cầu nguyện cho tất cả các tín hữu đã qua đời, qua việc dâng thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm việc bác ái.

Tại sao chọn ngày 2 tháng 11?

Như vừa nói, cha Ôđilon chọn ngày 2 tháng 11 bởi vì liền kế ngày 1 tháng 11. Vào ngày này, phụng vụ mừng lễ kính tất cả các thánh, nghĩa là các tín hữu đã lìa đời và đang được hưởng hạnh phúc ở bên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng bên cạnh các phúc nhân, còn có những tín hữu khác đang trải qua cuộc thanh luyện. Vì thế, chúng ta cũng hãy nhớ cầu nguyện cho họ.

Đây là một tư tưởng do cha Ôđilon gợi ra phải không?

Chúng ta cần phân biệt nhiều khía cạnh: việc dành ngày 2 tháng 11 để cầu cho tất cả những người qua đời là sáng kiến của cha Ôđilon. Nhưng việc cầu nguyện cho những người đã qua đời thì đã có từ lâu rồi, mãi từ cuối thời Cựu ước, như chúng ta đọc thấy chứng tích trong sách Macabê, quyển hai, chương 12, khi ông Macabê quyên tiền gửi về đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện cho các tử sĩ. Trong Tân ước, ta cũng thấy thánh Phaolô khuyên ông Timôthêô hãy cầu nguyện cho Onêsiphorô, một cộng tác viên với thánh Tông đồ tại Êphêsô (2Tm 1,16-18). Dĩ nhiên, tập tục này được duy trì trong suốt lịch sử của Hội thánh. Còn việc dành một ngày trong năm phụng vụ để cầu cho tất cả các linh hồn thì cũng đã có trước cha Ôđilon từ ba thế kỷ.

Tại sao phải cầu nguyện cho những người qua đời?

Việc tưởng nhớ những người qua đời được gặp thấy nơi nhiều dân tộc, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Có khi việc tưởng nhớ người quá cố là dịp để thân quyến gặp gỡ nhau, để ôn lại công đức tiền nhân, bày tỏ lòng tri ân ngưỡng mộ, đồng thời khuyến khích nâng đỡ nhau trên đường đời. Có nơi thì tin rằng hương hồn của tổ tiên vẫn còn hiện diện với con cháu, vì thế họ được mời đến tham dự những biến cố quan trọng của gia đình, cũng giống như lúc sinh tiền. Có nơi tổ chức cúng giỗ để cung cấp lương thực và đồ dùng cho người quá cố, bởi vì người ta tin rằng những người bên kia thế giới cũng có nhưng nhu cầu và sinh hoạt giống như ở đời này. Có nơi thì tổ chức lễ cầu siêu, xin cho các linh hồn còn bị giam ở địa ngục được giải thoát. Dĩ nhiên, không phải tất cả các quan niệm này đều phù hợp với đức tin Kitô giáo.

Thế thì các Kitô hữu cầu nguyện cho các người qua đời để làm gì?

Trong việc cầu nguyện cho những người qua đời, có khá nhiều động lực khác nhau. Trước hết, chúng ta không thể nào bỏ qua khía cạnh tâm lý: những buổi cầu nguyện bên cạnh quan tài người chết hoặc vào dịp giỗ giáp tháng giáp năm nhằm bày tỏ sự thương tiếc người đã qua đi. Thế nhưng bên cạnh động lực tâm lý, dần dần đức tin Kitô giáo đã mang đến nhiều động lực mới. Ngay từ những lá thư đầu tiên (tựa như thứ thứ nhất gửi các tín hữu Têxalônica, chương 4, câu 13), thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu đừng buồn rầu như những kẻ thiếu niềm hy vọng. Thực vậy, đối với người tín hữu, cái chết không phải là sự tận diệt của cuộc sống, mà chỉ là ngưỡng cửa bước sang cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế, các tín hữu tiên khởi gọi ngày qua đời là “sinh nhật” (dies natalis), bởi vì họ được sinh vào cuộc sống mới. Điều này được áp dụng đặc biệt cho những vị tử đạo. Không lạ gì mà vào ngày giáp năm ngày tử đạo, các tín hữu họp nhau lại để đọc hạnh tích của vị tử đạo, không những để khuyến khích nhau bắt chước tấm gương can đảm, nhưng nhất là để tạ ơn Chúa vì đã cho một tín hữu được hoà đồng với Đức Kitô. Nói cách khác, việc mừng các vị tử đạo được liên kết với Thánh lễ, tức là lễ hy sinh của Đức Kitô. Các vị tử đạo là những người đã đi theo sát với Thay mình trên đường thập giá, cho nên chắc chắn họ cũng được thông dự vào sự phục sinh với Người.

Nhưng mà đâu phải tất cả các tín hữu đều tử vì đạo?

Đúng rồi. Khi kính nhớ các vị tử đạo, các tín hữu xác tín rằng các ngài đang được hưởng vinh quang với Chúa rồi. Đó là buổi cử hành vui tươi. Thế nhưng không phải tất cả các tín hữu đều chết vì đạo. Nói cách khác, không phải tất cả các tín hữu sau khi qua đời đều nắm chắc sẽ được hưởng vinh quang với Chúa. Vì thế, những người qua đời cần được Hội thánh cầu nguyện để được thanh luyện khỏi tội lỗi, như chúng ta thấy phản ánh nơi đoạn văn trích từ sách Macabê quyển 2 chương 12 đã nhắc đến trên đây. Chúng ta chỉ cần trưng dẫn một chứng tích thì đủ rõ. Trong sách Tuyên xưng (Confessiones hay Tự thuật), thánh Augustinô kể lại lời trối trăn của thân mẫu Monica rằng: “Các con có thể chôn xác mẹ ở đâu cũng được. Mẹ chỉ xin các con một điều là dù các con ở đâu, thì hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Câu nói này phản ánh một tập tục đã có từ lâu đời, đó là cầu nguyện cho các người qua đời trong khi dâng Thánh lễ. Thánh lễ là nơi mà các tín hữu sống cao độ tín điều về sự “thông hiệp các thánh”. Thực vậy, không những các tín hữu thông hiệp vào Mình và Máu của Chúa Kitô, nhưng còn thông hiệp với Nhiệm thể của Chúa là Hội thánh. Các Kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc đến sự thông hiệp với Đức Maria, các thánh, các phúc nhân, và tất cả những ai đã ly trần. Sự tưởng nhớ này không những chỉ tuyên xưng rằng các người qua đời vẫn còn sống (chứ không bị hủy diệt ra tro bụi), nhưng con cầu xin Chúa nhân lành thương xóa bỏ những thiếu sót của họ. Dĩ nhiên, không phải chỉ chúng ta (những người còn sống) chuyển cầu cho các người qua đời, nhưng là cả Hội thánh (nghĩa là kể cả Đức Kitô, Đức Maria và các phúc nhân) đều liên đới chuyển cầu cho các linh hồn. Ngoài việc cử hành Thánh lễ, Hội thánh cũng cầu nguyện cho các người qua đời bằng những kinh nguyện khác, cũng như bằng các công tác bác ái.

Việc cầu nguyện cho người qua đời đã có từ Cựu ước, còn việc dành một ngày để cầu cho tất cả những người qua đời thì mới chỉ thành hình từ thế kỷ VII. Lai lịch tục lệ này như thế nào?

Trên đây, chúng ta nhắc đến lễ Trung nguyên, một ngày mà tục lệ dân gian ở Á đông cầu siêu cho các vong nhân. Ở Rôma thời cổ, cũng có một ngày cầu siêu như vậy, vào ngày 22 tháng hai dương lịch (nghĩa là vào ngày cuối năm theo lịch cổ Rôma). Không lạ gì mà nhiều nơi trong Giáo hội công giáo cũng muốn dành ra một ngày để cầu nguyện cho tất cả các người qua đời. Chứng tích cổ nhất là bản luật các đan sĩ của thánh Isiđorô Sevilla bên Tây ban nha (+636), truyền dâng Thánh lễ cho tất cả các người qua đời vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vào các thế kỷ sau đó, người ta thấy tại nhiều đan viện tại Đức, Pháp, Ý, chỉ định một ngày trong năm để cầu cho hết các linh hồn, tuy không trùng ngày như nhau. Với cha Ôđilon, thì ngày này được ấn định sau lễ kính các thánh. Nhờ uy tín của các đan viện Cluny, tục lệ này sớm lan tràn khắp châu Âu từ thế kỷ XI.

Tục lệ mỗi linh mục dâng ba thánh lễ nhân ngày kính các linh hồn cũng bắt đầu từ thánh Ođilôn, phải không?

Không phải, tập tục này ra đời muộn hơn, bắt đầu từ cuối thế kỷ XV với các cha dòng Đaminh ở Valencia (Tây ban nha). Đức thánh cha Bênêđictô XIV năm 1748 châu phê tập tục này và nới rộng cho tất cả các linh mục bên Tây ban nha, Bồ đào nha, châu Mỹ la-tinh. Mãi đến năm 1915, đức thánh cha Bênêđictô XV mới nới rộng ra toàn thể Hội thánh. Dù sao, nên biết là Hội thánh không chỉ dành mỗi năm một ngày để tưởng nhớ các người đã qua đời. Nhiều tu viện và giáo xứ vẫn có thói quen cầu nguyện cho các linh hồn mỗi ngày, hay ít là mỗi tuần vào ngày thứ hai.

Tại sao dành ngày thứ hai để cầu nguyện cho các linh hồn?

Nguồn gốc tục lệ này là một quan điểm hơi kỳ quặc vào thời Trung cổ. Người ta cho rằng các linh hồn ở luyện ngục được xả hơi vào Chúa nhật để mừng Chúa Phục sinh, và qua ngày thứ hai, lại phải tiếp tục lao động. Vì thế, chúng ta nên giúp cho họ một tay. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có thể cầu nguyện cho các linh hồn vào bất cứ ngày nào mà không cần đếm xỉa đến tập tục đó.

————————–

II. CÓ NGHI THỨC PHỤNG VỤ CHO VIỆC HỎA TÁNG KHÔNG?

Tháng 11 dương lịch được dành để kính nhớ các người qua đời. Bên cạnh việc đọc kinh cầu nguyện cho họ, các tín hữu còn đi thăm viếng nghĩa trang. Thế nhưng trong những năm gần đây, tục lệ đó đã giảm bớt, không phải chỉ vì người ta quá bận bịu với công ăn việc làm đến nỗi không còn thời giờ tưởng niệm người chết, nhưng còn vì tại vài quốc gia, người ta muốn dẹp bỏ các nghĩa trang. Thi hài người chết bị hỏa thiêu ra tro, chứ không còn được chôn cất nữa. Theo họ, biện pháp này giải quyết vấn đề khan hiếm đất đai thành phố cũng như vấn đề ô nhiễm môi sinh. Thái độ của Giáo hội đối với vấn đề hỏa táng như thế nào? Có nghi thức phụng vụ nào dành cho việc hỏa táng không?

Trong lịch sử nhân loaị, tục lệ hỏa táng không phải là điều mới lạ. Thậm chí, đôi khi nó gắn liền với một nền văn hóa hay với một tôn giáo nữa. Chúng ta có thể lấy nước Ấn độ làm thí dụ, nơi mà tục lệ hỏa táng đã có từ lâu đời, tuy rằng khó nói rằng việc hỏa táng có nhất thiết gắn liền với thuyết luân hồi hay không. Thế nhưng, khi bước sang truyền thống của người Do thái, thì chúng ta thấy ngược lại. Từ những tác phẩm cổ điển của Kinh thánh, chúng ta đã thấy họ chôn cất người chết chứ không hỏa thiêu, tuy dù vào thời cổ, người Do thái chưa có quan niệm rõ rệt về số phận con người bên kia thế giới. Vào cổ thời, người Do thái tin rằng sau khi chết, con người dù tốt dù xấu đều phải xuống dưới cõi âm ti, với cuộc sống thoi thóp, không biết có đáng gọi là sống hay không nữa. Dù sao, vào thời của đức Kitô, tục lệ chôn cất người chết đã thành phổ thông ở Palestina. Theo Phúc âm, chúng ta được biết rằng sau khi đã Ngài đã chết, thì các môn đệ đã hạ xác Ngài khỏi thập giá và mai táng trong huyệt đá; nhưng vào ngày thứ ba, khi ra thăm viếng mộ thì các môn đệ thấy nó đã trống rỗng, bởi vì Ngài đã sống lại. Sau đó, các Kitô hữu, dù là gốc Do thái hay gốc từ các dân tộc khác, đã duy trì việc mai táng người chết, một đàng có lẽ vì muốn bắt chước việc táng xác Thầy của mình, và đàng khác cũng muốn biểu lộ niềm tin vào việc thân xác sống lại theo lời Chúa hứa.

Tuy nhiên, việc an táng người chết có thực sự gắn liền với lòng tin Kitô giáo, hay chỉ là một tục lệ văn hóa của một vài dân tộc hay vài thời đại?

Như đã nói trên đây, người Kitô hữu không có bày ra việc an táng người chết, nhưng họ đã lấy lại tục lệ của người Do thái. Đến khi bước sang vùng văn hóa Hy-lạp La mã, thì chúng ta cũng thấy người dân tại đây chôn cất người chết chứ không có hỏa táng như là bên Ấn độ. Nói như thế không có nghĩa là các Kitô hữu chấp nhận một thói tục thường tình. Lắm lúc họ đã phải phấn đấu để duy trì một điều mà họ cho là có liên hệ tới niềm tin. Vấn đề này được đặt ra trong trong thời kỳ các Kitô hữu bị bách hại trong Đế quốc Rôma. Một số tín hữu đã bị kết án tử hình vì đã không tuân hành luật lệ của Hoàng đế. Chiếu theo hình luật, các tử tội không được an táng, nhưng thây của họ phải bị phơi giữa trời trong vòng 6 ngày rồi sau đó bị đốt ra tro. Các tín hữu đã tìm hết cách, không để cho thi hài các vị tử đạo phải chịu cảnh đó. Có khi thì họ lén lút lấy trộm xác vào ban đêm để về mai táng; có khi thì họ đút lót cho binh sĩ để chuộc xác về. Dĩ nhiên, có người sẽ nói rằng đó là do lòng nhiệt thành tôn kính các vị tử đạo. Dù vậy, phải nhận rằng còn có động lực khác nữa khiến cho các Kitô hữu không muốn thấy thi hài bị thiêu đốt. Đó cũng là lý do vì sao các Kitô hữu tại Rôma cũng như tại các nơi khác đã tậu đất để lập nghĩa trang riêng. Nên biết là trong tiếng La-tinh “nghĩa trang” được gọi là “coemeterium”, gốc bởi tiếng Hy-lạp “coimeterion”: nơi an nghỉ, chờ ngày phục sinh. Các tín hữu năng lui tới các nghĩa trang này, được coi là “đất thánh”, không những là để tưởng nhớ người chết mà còn để cầu nguyện, cử hành phụng vụ, và biểu dương niềm tin và hy vọng phục sinh nữa.

Như vậy, tục lệ an táng người chết không còn phải là một vấn đề văn hóa mà thôi, nhưng còn gắn liền với niềm tin Kitô giáo, phải không?

Có lẽ trong quá khứ ít khi có người đặt ra câu hỏi đó. Tưởng cũng nên biết là tuy quan niệm về số phận con người sau khi chết có khác nhau, nhưng tục lệ chôn cất người chết coi như là phổ thông trong những miền mà Phúc âm được rao giảng trong các thế kỷ đầu tiên. Nghĩ tới các kim tự tháp bên Ai cập thì đủ rõ: các kim tự tháp chẳng qua chỉ là các lăng tẩm của các vua Pharaô đó thôi. Nói được là trong suốt thời Trung cổ tại Âu châu, không ai đòi xét lại vấn đề chôn cất người chết cả. Mặt khác, phụng vụ đã có nghi thức không những là để cầu cho người quá cố, mà còn có lễ nghi an táng, bắt đầu từ khi tẩn liệm nhập quan, kế đo đưa quan tài vào nhà thờ cử hành thánh lễ cầu hồn, và sau cùng là nghi thức tạm biệt, khi mà cộng đoàn tháp tùng quan tài ra nghĩa trang, đến nơi an nghỉ.

Từ khi nào có người đòi xét lại vân đề an táng người chết, và thay thế bằng việc hỏa thiêu?

Thực ra thì vào thời Trung cổ, đôi khi người ta cũng thi hành việc hỏa thiêu, chẳng hạn như khi xảy ra một vụ dịch tễ; nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Việc xét lại xảy ra không phải từ khi Phúc âm được truyền bá sang nền văn hóa quen thuộc với tục hỏa táng (tỉ như tại Ấn độ), nhưng là tại Âu châu, và cách riêng là tại Pháp. Do ảnh hưởng của các nhóm Tam điểm, nhiều phong trào đã được thành lập để cổ động cho viec hỏa táng. Một kết quả cụ thể là quốc hội Pháp biểu quyết đạo luật ngày 15/11/1887 cho phép các công dân đuọc tự do lựa chọn giữa việc mai táng hay hỏa thiêu. Và hai năm sau đó, khi đạo luật có giá trị chấp hành, một lò hỏa thiêu đã được khai trương tại nghĩa trang thành phố Paris.

Phản ứng của Giáo hội đối với việc hỏa táng thế nào?

Vào cuối thế kỷ XIX, Bộ Thánh vụ (nay gọi là Bộ Giáo lý đức tin) đã ra nhiều nghị định liên quan tơi việc hỏa táng. Một nghị định ngày 19/5/1886 cấm các tín hữu không được gia nhập những tổ chức phổ biến việc hỏa táng. Vài tháng sau, ngày 15/12/1886, một nghị định khác phạt người nào tự nguyện chấp nhận hỏa táng thân xác của mình sẽ không được an táng theo lễ nghi tôn giáo. Ngày 27/7/1892, một nghị định nữa thêm vài chi tiết ngăn cấm việc hỏa táng (nới rộng ra cả người làm cố vấn kỹ thuật cho việc hỏa táng). Sở dĩ Bộ Thánh vụ đã có những biện pháp khắt khe như vậy là vì vào thời đó, các chiến dịch cổ động việc hỏa thiêu là do phong trào Tam điểm điều khiển, và phong trào này có nhiều điều chống lại Giáo hội công giáo. Họ cho rằng việc an táng ngươi chết là điều hủ lậu, bởi vì dựa trên lòng mê tín về việc con người có linh hồn bất tử. Mặt khác, tuy rằng sự hỏa thiêu tự nó không có gì trái ngược với đúc tin Kitô giáo, nhưng tâm thức của người thời đó vẫn coi chuyện hỏa thiêu như cái gì kinh tởm, tàn bạo. Vả lại, khi hỏa thiêu thì đâu có thể thi hành nghi thức an táng cổ truyền được nữa.

Những quy luật chống lại việc hỏa thiêu ngày nay có còn giá trị nữa không?

Cần nhắc lại là những nghị định trên đây đã được ban hành hối cuối thế kỷ XIX, trước khi có Bộ giáo luật. Trong bộ giáo luật ra đời năm 1917, kỷ luật ngăn cấm vẫn còn được duy trì ở đ.1203. Thêm vào đó, ai tình nguyện để cho xác mình hỏa táng sẽ bị phạt không được an táng theo nghi thức tôn giáo. Mãi tới ngày 8/5/1963 mới có sự chuyển hướng trong kỷ luật của Giáo hội. Xét rằng nhiều người đã chọn việc hỏa táng không phải vì lý do bài trừ tôn giáo, cho nên Bộ Thánh vụ đã ra một nghị định mới nói như sau: “Cần phải cố gắng duy trì tục lệ an táng người chết. Những điều ngăn cấm việc hỏa táng được bãi bỏ, trừ khi nào đã rõ là đương sự đã chọn lựa hỏa táng vì chối bỏ các tín điều công giáo, hay vì lòng thù ghét khích bác Giáo hội. Để khỏi làm suy giảm sự gắn bó của các Kitô hữu đối với việc an táng, những nghi thức dành cho việc an táng và các kinh nguyện kế tiếp sẽ không bao giơ được cử hành tại nơi hỏa táng. Và cũng sẽ không tháp tùng thi hài ra đến nơi hỏa táng.”

Nói như vậy là không có một nghi thức nào dành cho những người hỏa táng hay sao?

Tôi vừa mới nói đến nghị định của Bộ Thánh vụ ra năm 1963, nghĩa là trước khi bế mạc công đồng Vaticanô II. Sau công đồng, chúng ta thấy có một cuộc cải tổ về kỷ luật cũng như về phụng vụ. Trong lãnh vực mà chúng ta đang bàn, thì việc cải tổ phụng vụ tiến hành sớm hơn, với sự xuất bản nghi thức an táng (Ordo exsequiarum) vào năm 1969. Nghi thức cho phép cử hành lễ nghi an táng cho những ngưởi tín hữu nào đã chọn việc hỏa táng không phải vì những lý do trái nghịch với Kitô giáo. Và nhưng nghi thức được cử hành tại nhà nguyện nghĩa trang hay tại huyệt thì có thể được cử hành tại nơi hỏa thiêu, hay tại lò hỏa thiêu (Dẫn nhập, Praenotanda, số 15). Như vậy là ta thấy có sự thay đổi, so với nghị định của Bộ Thánh vụ năm 1963. Còn việc cải tổ kỷ luật, thì như chị đã biết, được hình thành với việc ban hành bộ giáo luật năm 1983. Đ.1176, khoản 3, nói như sau: “Giáo hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo”. Như vậy, không có chi mới lạ.

Nói tóm lại, thì có thể cử hành lễ nghi an táng cho người hỏa thiêu, phải không?

Cứ dựa theo các bản văn thì phải trả lời là có thể cử hành các lễ nghi. Thế nhưng khi đi vào thực tế thì người ta mới thấy nó rắc rối. Phải hiểu thế nào là nghi thức an táng dành cho người hỏa thiêu? Có nghĩa là mang thi hài đến nhà thờ cử hành thánh lễ an táng trước khi đem hỏa táng ư? Chuyện này chẳng có gì khó khăn cả. Có nghĩa là làm phép xác tại nghĩa trang trước khi hỏa thiêu, tương tự như trước khi chôn xuống lòng đất ư? Vấn đề trở nên phức tạp hơn, bởi vì phải thay đổi nhiều lời kinh. Chưa hết, lại còn có chuyện thi hài được hỏa táng liền sau khi chết; thế thì có được đem hủ tro vào nhà thờ cử hành thánh lễ giống như là đối với thi hài hay không? Trong một bài báo đăng trong tạp chí Notitiae năm 1977 (trang 45), bộ Phụng tự đã trả lời là không, bởi vì thiếu trung thực với cử chỉ. Trong nghi thức an táng với sự hiện diện của thân xác, Giáo hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác, đã được thánh hóa nhờ bí tích rửa tội, và trở nên đền thờ của Thánh Thần. Đám tro tàn không còn bộc lộ được dấu hiệu đó nữa, vì thế cho nên không thể dành cho đám tro những nghi thức dành cho thân xác, tựa như xông hương. Dĩ nhiên, việc dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người qua đời là chuyện khác, cho dù có thi hài hay không. Nhưng phần nào những câu hỏi vừa rồi còn nằm trong phần nguyên tắc. Khi đi vào thực tế, các mục tử còn thấy nhiều khó khăn khác nữa. Thí dụ như tại nhiều nơi Giáo hội có thể có nghĩa trang riêng, và tổ chức các nghi thức tại đó tùy tiện. Nhưng các lò hỏa thiêu thì do Nhà nước quản lý, và được điều hành theo luật lao động, nếu chưa dám thêm là theo quy tắc của Sở vệ sinh. Chính vì thế mà sự hiện diện của thân nhân tại những nơi này đã gặp nhiều trở ngại rồi, phương chi là sự có mặt của các giáo sĩ để thi hành lễ nghi tôn giáo. Kế đó, phải xử sự như thế nào đối với tro tàn: tung bay theo chiều gió, đổ xuống sông, lưu trữ ở nơi công cộng, hay mang về gia đình? Đó là những thắc mắc mà các Hội đồng Giám mục Âu Mỹ đang nghiên cứu.

 


Tủ Sách Giáo Lý